THIẾT KẾ SÁNG TẠO - GIẢI PHÁP TRUNG TÂM CHO PHÁT TRIỂN HÀNG THỦ CÔNG VÀ BẢO VỆ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG (PHẦN 3)


Joey Richardson, một nghệ nhân và nhà điêu khắc nổi tiếng trên toàn thế giới, nổi tiếng với những mẫu gỗ tinh xảo và có màu sắc phong phú. Sinh năm 1964 tại Lincolnshire, Anh, cô lớn lên ở trung tâm của Twigmoor Woods trong một trang trại nhỏ, ở đây, xung quanh là cây cối, tình yêu của cô dành cho gỗ, động và thực vật phát triển. Xem thêm tác phẩm của cô ấy: https://www.joeyrichardson.com/turned-work. Xem thêm tiểu sử và tác phẩm tại: https://societyofdesignercraftsmen.org.uk/our-makers/joey-richardson.


Họa sĩ TRẦN MINH SẮC
Trưởng Cơ quan Đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

Indonesia, Singapore đều xem thiết kế và sự chuyển dịch các xưởng sản xuất đến các nước đang phát triển như là giải pháp chính để cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Việt Nam. Trung Quốc (cả Đài Loan) đã có chiến lược thiết kế sáng tạo từ vài chục năm trước.

Với Đài Loan, có một cách nói về thiết kế khá hay: “thiết kế là vô giá nhưng là những gì tạo ra giá”. Những nhà thiết kế trong ngành hàng nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ bận rộn với những đơn hàng thiết kế mẫu sản phẩm có tính đổi mới, cho những người sành điệu, phù hợp với không gian sống (life space) hiện thời. Họ cho rằng thiết kế tạo ra lợi thế và định vị ngành hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ của Đài Loan trên thị trường hàng chất lượng cao của thế giới. Người thiết kế là người sáng tạo, anh ta có kiến thức rộng lớn và sự từng trải, biết xử lý các tín hiệu từ cuộc sống. Sự sáng tạo chỉ đến từ những người được đào tạo trong các trường học và gia đình tốt. Quá trình học tập nghiêm túc là sự sống còn để làm chủ nguyên lý thiết kế, sáng tạo. Người thiết kế thành công luôn luôn trau dồi sự hiểu biết về những nhu cầu thẩm mỹ hiện thời và dự cảm được tương lai. Cũng cần tin vào sự thật là sức mạnh của kinh tế chi phối quá trình sáng tạo. Ở nấc thang cao hơn, sáng tạo không là sự thể hiện đam mê của nghệ nhân, của nhà thiết kế mà đòi hỏi khả năng xử lý không gian kiến trúc, không gian sống của khách hàng. Đồ đạc là trung gian giữa con người và không gian sống của họ. Vì vậy, người ta cũng tin rằng tương lai, ngành này sẽ sản xuất theo các thiết kế sáng tạo duy nhất cho một cá thể. Nhưng chất lượng thiết kế, năng lực nhà thiết kế sẽ tạo ra giá trị kinh tế mà không cần phải sản xuất các thương phẩm và đó chính là giải pháp cạnh tranh không gì thay thế được. Bản chất của ngành sản xuất này là giá trị nghệ thuật, ý tưởng, văn hóa. Sự thỏa mãn các giá trị tinh thần đem lại lợi ích nhiều lần so với giá cả thực. Một ý khác, sự am hiểu phong cách sống sẽ cho ta biết giữa người Hong Kong và người Thượng Hải ai tiêu phí nhiều thời gian trong phòng ngủ hơn là ở phòng khách. Giữa người đàn ông và đàn bà ai sẽ quyết định mua sản phẩm của bạn, còn con cái họ đáp lại như thế nào. Và vì vậy, sản phẩm thiết kế sáng tạo phải phản ánh cuộc sống đương đại, người thiết kế phải nghĩ đến sự phản ứng đáp lại của người tiêu dùng và gia đình họ. 

Trong 20 năm qua, cảnh quan kinh tế của Đài Loan đã thay đổi. Trước đây, Đài Loan được biết đến đối với các sản phẩm sản xuất hàng loạt với giá rẻ nhưng các công ty nội địa đã tập trung nhiều hơn vào chất lượng và thiết kế. Do đó, Đài Loan đã trở thành một đối thủ đáng gờm đối với Nhật Bản và Hàn Quốc – là những quốc gia thiết kế hàng đầu của châu Á và thế giới. Đó là vì Đài Loan đã phát triển từ vị trí sản xuất những đồ vật chẳng ra gì đến một xã hội dựa trên tri thức. Nhờ khuyến khích cộng đồng và giao cho tư nhân, ngành sáng tạo có thể khẳng định đã đạt được sự thành công rực rỡ, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 7,5%. Theo đó, giá trị sản xuất của ngành sáng tạo đạt 10,6 tỷ euro năm 2003 đã tăng lên 12 tỷ euro vào năm 2005. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là trọng tâm quan trọng cho sự chuyển đổi kinh tế của Đài Loan. Chính phủ và những người trong ngành không sợ khó khăn, và liên tục tìm kiếm những bước đột phá. Tất cả các bên đã hợp tác để tìm ra cách cho một ngành công nghiệp dựa trên thủ công có thể được hợp nhất thành một chuỗi sản xuất tích hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo trên thị trường toàn cầu. Ủy ban giám sát tài chính của Đài Loan đã đặt mình vào tuyến đầu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khuyến khích các ngân hàng trong nước ủng hộ các ngành này và đã đạt mục tiêu là tăng gấp đôi tài trợ từ 180 tỷ Đài tệ (6,06 tỷ USD) lên 360 tỷ Đài tệ trong vòng ba năm 2014-2016, bảo đảm các khoản vay cho tới 90% giá trị sản phẩm của người nộp đơn xin vay.

Các tổ chức quốc tế có thế lực nhất trong lĩnh vực thiết kế như ICSID (International Council of Societies of Industrial Design), ICOGRADA (International Council of Graphic Design Associations) and IFI (International Federation of Interior Architects/Designers) đã khám phá ra Đài Loan đầy tiềm năng để nắm giữ tương lai của thiết kế. Họ quyết định sẽ tổ chức Đại hội lần đầu tiên của họ để thành lập khối liên minh thiết kế quốc tế (International Design Alliance - IDA) tại Đài Loan vào năm 2011. Hơn 2.000 nhà thiết kế hàng đầu khắp thế giới tham gia. Nếu đúng với đánh giá của các tổ chức thiết kế trên, Đài Loan sẽ có bước đi dài trong một thời gian rất ngắn.

Tại Hàn Quốc, theo báo cáo nghiên cứu của nhóm các Giáo sư Hanna JEON/ Minkyoung CHANG, Soon-jong LEE, Khoa nghề thủ công và thiết kế, Trường Đại học Quốc gia Seoul, những khái niệm về thiết kế đã ra đời tư năm 1945 cùng với quy định giáo dục thiết kế bắt buộc. Đến những năm 1960 khi sản xuất công nghiệp phát triển, thiết kế Hàn Quốc có những bước tiến mạnh mẽ.

Những năm đầu 1960 mới gọi là giai đoạn nghệ thuật ứng dụng trong ngành thủ công mỹ nghệ. Để giảm bớt sự lệ thuộc nước ngoài và độc lập kinh tế mà chủ yếu là Mỹ và để khắc phục tình trạng bất ổn xã hội và tiến tới hiện đại hóa nền kinh tế, năm 1962, Hàn Quốc lập ra “Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm với khẩu hiệu “Mở rộng sản xuất và xúc tiến xuất khẩu” và nâng cao nhận thức với phương châm “thiết kế như một nguồn tài nguyên của công nghiệp”. Đây là giai đoạn xã hội bước đầu thừa nhận các nhà thiết kế nên giai đoạn này gọi là giai đoạn “Nhà thiết kế”. Trung tâm nghiên cứu thiết kế nghề thủ công Hàn Quốc, Trường đại học quốc gia Seoul (1965) và các phòng thiết kế trong các công ty được thành lập (như Gold Star co, nay là LG Electronics co. thành lập phòng thiết kế năm 1959). Triển lãm nghề thủ công và nghệ thuật công nghiệp quốc gia lần thứ nhất do chính phủ chủ trì được tổ chức năm 1966, xuất bản tạp chí thiết kế từng quý “Design Quarterly Magazine” vào năm 1969.

Giai đoạn những năm 1970 và 1980 là giai đoạn xuất khẩu tăng trưởng, Hàn Quốc đã phát động phát triển thiết kế trong nhiều lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa cho các ngành sản xuất sản phẩm. Những năm 1970 là giai đoạn thiết kế tăng trưởng nhanh. Hàn Quốc phát triển thành một quốc gia công nghiệp vào những năm 1980 thông qua tăng sức mạnh kinh tế với “Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng kinh tế giai đoạn những năm 1970”. Ngành thiết kế đã được kích hoạt với dự án quốc gia to lớn và các cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của thiết kế trong nền kinh tế và thương mại trước sức ép của việc hội nhập cộng đồng châu Âu, sức ép của đăng ký bản quyền, các phán quyết bán phá giá, chính sách bảo hộ mậu dịch quốc tế cùng với việc hoàn thiện văn hóa thương mại, phổ cập truyền hình màu, chuẩn bị các sự kiện lớn như Asian game 1986, Olympic quốc gia 1988...Các cuộc tranh cãi trong xã hội và các cuộc thảo luận của các quan chức chính phủ đã khai sáng và tạo động lực cho ngành thiết kế Hàn Quốc phát triển, tìm ra dáng vẻ riêng về hình ảnh sản phẩm Hàn Quốc so với sản phẩm của các quốc gia khác nhau. Thời gian này nổi lên nhiều sự kiện tác động thúc đẩy thiết kế như: Chính sách xúc tiến thiết kế của chính phủ, chính sách hỗ trợ cho nhà thiết kế, lập hội của những nhà thiết kế chuyên nghiệp, thành lập trung tâm thiết kế và bao bì năm 1971 (nay là Học viện xúc tiến thiết kế Hàn Quốc - Korea Institute of Design Promotion), thành lập Hội các nhà thiết kế công nghiệp Hàn Quốc (nay là Hiệp hội) năm 1972, trở thành thành viên của Hội đồng Quốc tế các Hiệp hội thiết kế công nghiệp năm 1973 (The International Council of Societies of Industrial Design - ICSID) và các tổ chức quốc tế liên quan khác, thiết kế gốc xe 'PONY' của Hyundai Co. ra đời năm 1974, Trung tâm nghiên cứu thiết kế của LG Electronics 1983, Good Design Mark 1985, 1st Design Consultant Firm 1989.

Những năm 1990 là giai đoạn thiết kế đi vào chiều sâu cả về phương pháp, nghiên cứu phát triển với khuynh hướng nổi bật gọi là “toàn cầu hóa và quốc tế hóa”. Công nghiệp thay đổi mạnh mẽ bởi sự xâm nhập của các nhà tư bản khổng lồ, việc mở cửa hoàn toàn thị trường tiền tệ và nâng cấp các bộ luật về sở hữu, bản quyền...Hơn nữa, thiết kế tạo ra sức mạnh cho công nghiệp và sự cạnh tranh quốc gia thực sự. Hầu hết các xí nghiệp đều có các trung tâm thiết kế và hình thành xu hướng đổi mới và đa dạng hóa thiết kế. Thiết kế thực sự trở thành chiến lược phát triển của các tập đoàn, giúp bảo vệ thị trường nội địa và tăng cạnh tranh bền vững bởi sự khác biệt với sản phẩm nước ngoài. Thời gian này, Hàn Quốc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho thiết kế và nghiên cứu thiết kế, thành lập Hiệp hội khoa học thiết kế Hàn Quốc năm 1994 (Korean Society of Design Science), mở các khóa đào tạo tiến sĩ thiết kế trong các trường đại học (1995). Lee K.H., Chủ tịch Samsung tuyên bố: “thiết kế là vũ khí quan trọng nhất đối với chiến lược kinh doanh” tại Hội nghị thiết kế quốc tế Châu Á lần thứ nhất. Từ năm 2000, Thiết kế Hàn Quốc hoàn toàn hội nhập và đầy đủ năng lực để cạnh tranh toàn cầu.

Trong khoảng thời gian ngắn 40 năm, Thiết kế Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc nhờ tôn trọng việc nghiên cứu thiết kế, kỹ thuật thiết kế, giáo dục thiết kế và liên tục đổi mới, chuyên môn hóa thiết kế tại các doanh nghiệp. 10 năm trước, ngành giáo dục cung cấp mỗi năm trên 10.000 sinh viên thiết kế có bằng cấp tại 120 trường cao đẳng và đại học. Báo cáo của các trường thiết kế cho thấy có 131.247 chuyên đề giảng dạy về thiết kế và sinh viên theo học là 10.814 người/năm. Nguồn nhân lực cho thiết kế chiếm tỷ lệ cao trên dân số Hàn Quốc và có vị trí cao trên thế giới. Ngân sách chính phủ hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ won cho công tác nghiên cứu và công nghệ thiết kế.

Đối với Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thiết kế Công nghiệp Nhật Bản (The Japan Industrial Design Promotion Organization (JIDPO) ngày nay khởi đầu là sự ra đời của một quy định về tuyển chọn sản phẩm thiết kế gọi là “Nguyên tắc tuyển chọn sản phẩm thiết kế tốt” (1957). Năm 1958 thành lập Cục thiết kế thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp (nay là Cục Chính sách thiết kế); năm 1960 thành lập “JETRO Ngôi nhà thiết kế Nhật Bản”(JETRO of the Japan Design House); năm 1960 thành lập Hội đồng Xúc tiến Thiết kế (The Design Promotion Council) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp, đến năm 1969 thành lập JIDPO. Tổ chức này đã gia nhập vào Hội đồng Quốc tế các Hiệp hội thiết kế công nghiêp (The International Council of Societies of Industrial Design (ICSID). Năm 1973 Chính phủ quyết định là năm thiết kế Nhật Bản ("1973 Design Year."). Năm 1974, JIDPO được Bộ Thương mại và Công nghiệp ủy quyền thực hiện đầy đủ “Nguyên tắc tuyển chọn sản phẩm thiết kế tốt”; năm 1975 tham gia hệ thống dự án xúc tiến phát triển thiết kế khu vực; năm 1981 thành lập Hiệp hội trao đổi thiết kế quốc tế (The International Design Exchange Association). Năm 1988 phát hành tài liệu của Hội đồng Xúc tiến Thiết kế gọi là” Chính sách thiết kế cho những năm 1990” và phê duyệt “Năm thiết kế 1989” với một chiến dịch vận động toàn Nhật Bản; năm 1990 Bộ Thương mại và Công nghiệp quyết định lập “Ngày thiết kế”. Năm 1993, Hội đồng Xúc tiến Thiết kế xuất bản bản báo cáo “Chính sách thiết kế mới để phản ứng với những thay đổi nhân đôi” và thành lập Trung tâm Phát triển Nhân viên Thiết kế. Năm 1998 thành lập “Giải thưởng thiết kế tốt”.

Ngày nay, với Nhật Bản, thiết kế không chỉ đơn thuần là một tiềm lực đảm bảo thành công về kinh tế: nó có thể được mô tả một cách đúng hơn như là một phương pháp luận rõ ràng về mục đích và việc thực hiện một tầm nhìn mới. Nói chung, thiết kế là một phần của sức mạnh thúc đẩy xã hội Nhật Bản tiến về phía trước. Sáng tạo ra một xã hội mà trong đó các công ty, các cá nhân thuộc các thành phần khác nhau có thể sử dụng thiết kế để bày tỏ cái nhìn của họ với xã hội, và để thể hiện quan điểm của họ cùng với những người có thể đồng cảm với họ. Nói cách khác, sự sáng tạo của một xã hội sáng tạo và sung mãn là chủ đề chính cần phải giải quyết đối với công tác xúc tiến thiết kế ngày nay.

Tại thời điểm này, JIDPO có đầy đủ khả năng để điều phối các hoạt động thiết kế sâu rộng và đa dạng, JIDPO đang tạo ra môi trường cho mọi người tự do truy nhập ở mức cao nhất về phương cách tiếp cận và hệ phương pháp thiết kế.

Ông Kazunori Iizuka, Chủ tịch của JIDPO nói: “Thế kỷ 21 là thời đại của thiết kế, một thời đại khi mà xã hội thịnh vượng, giàu có sẽ được tạo ra thông qua sự trung gian của thiết kế… Chúng tôi tự hào đã có thể giữ vai trò đầy ý nghĩa trong sự nối kết này”. “Hơn thế nữa, không chỉ nhìn từ góc độ kinh tế như là biện pháp có hiệu quả đối với việc sáng tạo và bán sản phẩm, niềm hy vọng cao hơn đang được đặt vào thiết kế trong thế kỷ 21 như là một cách để biểu hiện một tầm nhìn mới và như một phương pháp luận cơ bản, hay nói ngắn gọn như là một cách để thúc đẩy tiến bộ của toàn bộ xã hội chúng ta (Nhật). Đây là một kỷ nguyên khi thiết kế không chỉ cần thiết cho công nghiệp mà còn là cho con người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Đúng vậy, có rất nhiều chủ đề đã được giải quyết, thế kỷ 21 là một thời đại khi thiết kế đang được xem là một phương cách đối với việc giải quyết nhiều vấn đề.

Với Trung quốc, giáo sư Dr. Zec, một chuyên gia lão luyện về thiết kế đã có một bài phát biểu quan trọng tại cuộc hội thảo lần đầu tiên về thiết kế với chủ đề “Thiết kế công nghiệp thế giới Trung Quốc (China World Industrial Design Forum) tổ chức vào ngày 17-18 tháng 5 năm 2008 tại Thẩm Quyến, một thành phố cạnh Hong Kong. Sự kiện này là một phần của hội chợ ngành văn hóa quốc tế, như là một hội chợ của ngành sáng tạo tại Thẩm Quyến và lớn nhất Trung Quốc. Như một nhà kinh doanh lừng danh và một nhà thiết kế kỳ cựu, giáo sư Dr. Peter Zec, người khởi xướng giải thưởng thiết kế Red Dot và là quan chức cao cấp của Hội đồng thiết kế công nghiệp quốc tế (The International Council of Industrial Design (Icsid), đã được mời để tham luận về tầm quan trọng của thiết kế đối với các công ty Trung Quốc đang dựa vào nền tảng của thị trường toàn cầu dưới phương châm “Cảm nhận sức mạnh của thiết kế và dùng nó trong đời sống thực”. Trong bài phát biểu tựa đề “Quay về ý tưởng”, Giáo sư Peter Zec, người suốt 30 năm đi giải thích với doanh nghiệp phải làm thế nào để có thể thành công thông qua thiết kế, đã nói: “Thiết kế cung cấp một ý tưởng tốt cho hình thể, và là tuyệt đối cần thiết cho sự phân biệt trên thị trường toàn cầu”. Đây là luận điểm căn bản của bài nói chuyện của Giáo sư Zec. Bước đầu tiên là sự đầu tư bằng những ý tưởng vững chắc. Trong quá khứ, rất nhiều ý tưởng tốt đã chỉ thành công đối với thiết kế của họ nhưng “Ý tưởng tốt nhất là không thể dùng, nếu nó không được thực thi tốt”. Qua nghiên cứu, ông cho rằng trong công nghiệp có thể bị tách biệt ra hai loại công ty: những công ty không và những công ty đã nhận thấy rõ giá trị gia tăng như là kết quả của thiết kế. Với các minh họa của Sony, Apple, Ông giải thích làm thế nào chiến lược đầu tư đúng và sự phân biệt thông qua thiết kế có thể giúp để đạt được thành công về thương mại và để đi vào phân khúc thị trường giá cao hơn trong cùng một thời gian. Ông chỉ trích: “Hầu như các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng vẫn còn tin vào giá rẻ như là một lợi thế cạnh tranh. Sự thật rằng một chiến lược như thế có thể dẫn thẳng đến sự phá sản với nhiều chứng cứ rõ ràng”. Ngược lại, công ty Hisense (một nhà sản xuất thiết bị điện tử và đa quốc gia lớn của Trung Quốc có trụ sở tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông) Trung Quốc đã thực thi một chiến lược đúng: Sáng tạo và đổi mới là nhân tố chủ yếu trong tất cả hoạt động của công ty. “Thiết kế là vô cùng quan trọng đối với sự thành công về thương mại của công ty. May thay nhiều chủ doanh nghiệp Trung quốc đã thực hiện điều này, chí ít họ cũng biết ý nghĩa quan trọng của cạnh tranh bằng thiết kế. Họ là những người đã cống hiến một cách đặc biệt chính họ cho vấn đề xúc tiến thiết kế. Zec nhấn mạnh “Đích đến của xúc tiến thiết kế cũng sẽ luôn luôn hợp nhất sự quyết tâm để tăng tính cạnh tranh quốc tế của những sản phẩm quốc gia và công ty”.

Tại Singapore, Hội đồng các ngành hàng nội thất Singapore (Singapore Furniture Industries Council - SFIC) thành lập vào năm 1981, đại diện chính thức cho những người hoạt động trong lĩnh vực này tại Singapore với hơn 95% các nhà sản xuất, 65% các nhà máy chi nhánh ở các nước trong khu vực như China, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thailand và Việt Nam. Nhiệm vụ ban đầu là cỗ vũ sự quan tâm của hội viên và xúc tiến ngành hàng nội thất Singapore, tạo thuận lợi để các thanh viên giới thiệu sản phẩm của họ ra thị trường thế giới, tạo ra nhiều doanh nhân thông qua phát triển nguồn nhân lực, phát triển nhân tài địa phương, tổ chức các giải thưởng, cuộc thi thiết kế, thiết lập quan hệ chiên lược với chính phủ, các cơ quan thương mại, trang bị công nghệ và kiến thức đối với tăng trưởng thông qua sử dụng công nghệ. SFIC cũng là đại diện của Singapore trong Hội đồng các ngành hàng nội thất ASEAN (the ASEAN Furniture Industries Council - AFIC).

Hội đồng hàng gia dụng Singapore đưa ra một tầm nhìn đầy tham vọng: “Tầm nhìn của chúng tôi là để thiết lập Singapore thành một trung tâm các sản phẩm nội thất hàng đầu để cung cấp tổng các giải pháp cho thị trường toàn cầu”. Sứ mệnh họ là (i) chủ động nhận dạng và đạt được năng lực ngành công nghiệp then chốt này nhằm cũng cố địa vị của Singapore với tư cách là trung tâm đồ nội thất của Châu Á; (ii) Đẩy mạnh một chuỗi rộng các hành động trên thế chủ động có cơ sở và mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp này nhằm đạt đến các giá trị hoàn thiện, đổi mới và vì người tiêu dùng. Họ nỗ lực cung cấp cho “người chơi” một ngành công nghiệp tốt nhất thế giới, tạo thuận lợi để nối kết đông tây, phối hợp các giải pháp trong thiết kế và sản xuất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu người tiêu dùng.

Năm 2006 được họ cho rằng là năm thành công nhất của ngành hàng nội thất Singapore với tăng trưởng 11% thương mại hàng nội thất nội địa, đạt 1,1 tỷ đô la Sing, xuất khẩu tăng 12%, tổng giá trị xuất khẩu của các nhà máy do người Singapore sở hữu đã đạt được 2,4 tỷ đô la Sing, chiếm 0,7 % thị trường toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2015, ngành hàng nội thất Singapore sẽ phấn đầu chia 1% thị phần toàn cầu. Mặc dầu, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, ngành công nghiệp đồ gỗ nội thất của đất nước nhỏ bé về diện tích và số dân- Singapore đã được hưởng một năm phát triển mạnh mẽ. Tổng số sản phẩm nội thất thương mại đạt tới 3,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của những doanh nghiệp do người Singapore sở hữu, với 2.024 công ty, sử dụng 14.608 người vẫn đạt 2,4 tỷ USD, tốc độ tăng trường khoảng 15% / năm, có nghĩa là nhiều hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thị trường đồ gỗ thế giới. Các sản phẩm nội thất của khu vực có doanh nghiệp Singapore phát triển đáng kể từ sự khởi đầu khiêm nhường vào những năm 1960 khi nó được sản xuất bởi các doanh nghiệp gia đình nhỏ yếu. Hôm nay, ngành công nghiệp sản phẩm nội thất Singapore có thị trường toàn cầu. Hầu hết các các nhà sản xuất đồ nội thất của họ đã chuyển việc sản sản xuất sử dụng nhiều lao động đến các quốc gia lân cân để hoạt động như Malaysia, Indonesia, Mianma, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc; họ thường chỉ giữ lại trụ sở chính của công ty trong Singapore. Đó là một chứng minh cho những bước đi căn bản của ngành hàng nội thất Singapore.

Na-than Yong, một quan chức cao cấp của Air Division, một công ty sản xuất đồ nội thất nổi tiếng Singapore nói: “Sự khác nhau duy nhất giữa Trung Quốc và chúng tôi ngay bây giờ là khía cạnh thiết kế”, “Chúng tôi duy trì lợi thế cạnh tranh của các thiết kế bởi vì có khía cạnh khác nhau. Trung Quốc có những công nghệ để sản xuất hầu như bất cứ thứ gì. Họ là nhà sao chép tuyệt vời và họ có thể giữ giá rẻ hơn do giá lao động thấp. Sau khi họ đã phát triển thiết kế, sẽ không có cách nào cho chúng tôi có thể cạnh tranh. Vì vậy, chúng tôi phải tham gia với họ trong khả năng của mình và đặt cơ sở sản xuất tại đó (Trung quốc).

Còn tiếp.

Bài có thể bạn quan tâm

1 Bình luận