NGHỆ NHÂN ƯU TÚ NGUYỄN HỮU THẠO VÀ GIẤC MƠ ĐÀO TẠO THẾ HỆ KẾ THỪA
NNƯT NGUYỄN HỮU THẠO
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Cách mạng. Năm 1993, tốt nghiệp trường Công nhân kỹ thuật Chế Biến Gỗ Trung ương với chứng nhận đạt loại giỏi, được nhà trường giữ lại làm giáo viên chuyên ngành điêu khắc.
Với bản tính ham học hỏi, thích trải nghiệm, chàng sinh viên Nguyễn Hữu Thạo quyết định rời bục giảng, xa thầy cô, Ban Giảm hiệu nhà trường và sự quý mến của mọi người, vào Sài Gòn tìm miền đất hứa!
Trong mắt tôi, lúc bấy giờ, Sài Gòn là một Giấc mơ của Thiên đường. Trong cuộc hành trình đầu tiên, tôi đã tới một làng nghề truyền thống ở huyện Ý Yên, Nam Định học tất cả kỹ năng và trái nghiệm khi mới ra trường, thì trong cuộc hành trình mài dũa nghề, nơi tôi dừng chân lập nghiệp là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm xưa trên Bến cảng Nhà Rồng.
Rồi cuộc đời không như mơ ước! Khó khăn, bỡ ngỡ, không tiền bạc...đã lấy đi của chàng sinh viên còn non trẻ những giọt nước mắt và mồ hôi để đánh đổi lấy đam mê của vùng trời mới lập nghiệp.
Không thể để gió cuốn trôi, cho dòng đời xô đẩy.... Cuối cùng, tôi cũng tìm cho mình được việc làm đã chọn. Tôi đã trải qua ở các cơ sở chạm khắc quy mô lớn của Đài Loan, rồi nhiều nơi khác ở Thành phố để khám phá và trải nghiệm!
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Thạo và tác phẩm
Khi có đủ vốn liếng và kiến thức, tôi quyết định khởi nghiệp với việc tự minh mở cơ sở làm riêng. Trãi qua nhiều năm tháng thăng trầm, Xưởng điêu khắc Thiên Phú Thạo ngày nay đã hoạt động ổn định và từng bước mở rộng, tạm gọi là khá thành công. Tuy nhiên, với tôi, thành công nhất trong cuộc đời thực hành nghề thủ công truyền thống là truyền nghề cho thế hệ kế tục. Bởi theo tôi, để bảo vệ nghề thủ công truyền thống không mai một hoặc mất đi không chỉ là tăng cường thực hành để sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa, thắm đậm bản sắc mà quan trọng hơn là truyền những kỹ năng, bí quyết, những kinh nghiệm sáng tạo trong chế tác cho lớp kế thừa.
Nơi đây, tôi đã truyền dạy nghể cho nhiều học viên, nhiều em đã trở thành nghệ nhân nổi tiếng. Trong đó, tôi chú trọng có hỗ trợ và dạy nghề cho các em khuyết tật, mồ côi, những người lầm lở quay về muốn tìm một nghề để làm ăn sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.
Tay nghề đã được khách hàng và cộng đồng đón nhận, năm 2012 tôi được Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.
Trải qua cuộc hành trình đầy gian nan và thử thách... Sự nghiệp cũng đã có bước thăng tiến. Những tác phẩm đạt giải được trưng bày tại Trung tâm hành hương Tắc Sậy, tỉnh Bạc Liêu, và công trình tượng Đức Mẹ đạt giải Tinh hoa Làng nghề trưng bày tại Thánh Địa La Vang...
Với những thăng trầm đã trải qua, tôi đã nhận ra thứ để tồn tại và an lạc nhất trong cuộc đời, đó là sự bình an được kết hợp giữa Đời và Đạo.
Tôi đã buông bỏ những điều gì không hay mà dòng đời gặp phải và xuống tóc quy y.
Năm tháng trôi đi, cùng với bề dày kinh nghiệm công việc, tôi yêu nghề, yêu thương những bàn tay tài hoa cần được vun đắp và phát triển. Là một Ủy viên Trung ương BCH Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam, tôi phải vượt qua nhiều khó khăn để góp phần cùng Ban lãnh đạo, bảo tồn, duy trì và phát triển sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống và Làng nghề mà thành quả 15 năm qua đã đạt được.
Với tư cách là Chủ nhiệm CLB NGHỆ NHÂN Làng nghề Việt Nam, tôi đã sát cánh cùng anh em nghệ nhân nối dài cánh tay của Hiệp Hội, làm cho nghề thủ công truyền thống tỏa sáng đến mọi vùng miền. NNƯT Nguyễn Hữu Thạo sẽ luôn đồng hành “Vì sự nghiệp phát triển Làng nghề”.
NHT.
(Bài đã đăng trong bộ sách "Làng nghề Việt Nam- Miệt mài cuộc hành trình di sản")
0 Bình luận