Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống Việt Nam: NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC (Phần 1)
NGUYỄN VÂN
Phó Chánh Văn phòng, Hiệp hội làng nghề Việt Nam
Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ghi nhận “tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững”.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York đã đưa ra một kế hoạch hành động nhằm giải quyết ba phương diện của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường thông qua với 17 mục tiêu phát triển bền vững, là những lĩnh vực hành động phụ thuộc lẫn nhau rất cao, cho thấy các lộ trình phát triển ở tất cả các cấp độ và tôn trọng ba nguyên tắc cơ bản: nhân quyền, bình đẳng và sự bền vững. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững trên từng phương diện, cũng như yêu cầu về hòa bình và an ninh như những điều kiện tiên quyết cho phát triển.
Nằm trong quy trình phổ biến kiến thức về di sản phi vật thể, dựa theo tài liệu về kế hoạch hành động nói trên của UNESCO, chúng tôi gợi ý, xem xét các di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống rải rác trên khắp đất nước ta và tập trung nhiều tại các làng nghề có vị trí như thế nào trong phát triển bền vững và được hiểu như thế nào là tốt nhất để những đóng góp của di sản văn hóa phi vật thể từ nghề thủ công truyền thống Việt Nam được ghi nhận và nhận thức đầy đủ?
![]() |
Nghề vẽ trên gốm sứ |
“Ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường của Phát triển bền vững, cùng với vấn đề hòa bình và an ninh chẳng những không tách rời nhau mà còn phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Việc đạt được những mục tiêu này đòi hỏi phải có sự tiếp cận toàn diện về chính sách, trong đó có sự chủ động phối kết hợp ở tất cả các lĩnh vực. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp một cách hiệu quả vào phát triển bền vững theo từng vấn đề, và các biện pháp bảo vệ là cần thiết nếu các cộng đồng hình dung ra tương lai cho tất cả mọi người” (1).
1- Phát triển xã hội toàn diện:
Sự phát triển xã hội toàn diện không thể đạt được nếu không có an ninh lương thực bền vững, chăm sóc y tế chất lượng, tiếp cận nguồn nước và vệ sinh môi trường an toàn, giáo dục chất lượng, hệ thống bảo trợ xã hội cho mọi người và bình đẳng giới. Những mục tiêu này phải có nền tảng là sự quản trị toàn diện và quyền tự do của con người trong việc lựa chọn hệ giá trị cho riêng mình. Xã hội loài người không ngừng phát triển và biến đổi di sản văn hóa phi vật thể của họ, bao gồm các tri thức và thực hành liên quan đến tự nhiên cũng như xã hội, để thích nghi và giải quyết các nhu cầu cơ bản và vấn đề xã hội theo thời gian và không gian. Những thực hành truyền thống về chăm sóc sức khỏe y tế, ẩm thực, quản lý nguồn nước, các buổi hội họp, lễ hội và hệ thống chuyển giao tri thức đóng vai trò thiết yếu để cộng đồng đạt tới sự phát triển xã hội toàn diện (1).
1.1- Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống góp phần quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực.
Khác với nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam là quốc gia định cư sớm với nền văn minh lúa nước. Cho đến nay nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trong. Sản xuất lương thực, thực phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tạo nên một Việt Nam - quốc gia xuất khẩu nông sản, thủy hải sản có thứ bậc cao trên thị trường thế giới. Trồng trọt lúa, cây ăn trái; chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc; đánh bắt và nuôi thủy hải sản; thu hoạch, bảo quản và chế biến thực phẩm truyền thống…đã góp phần rất lớn cho an ninh lương thực quốc gia và dinh dưỡng cho người dân. Các cộng đồng nông thôn có truyền thống làm nghề nông, đã kế thừa kho tàng tri thức nghề nông truyền thống hàng ngàn năm, trên nền tảng tiếp cận toàn diện với môi trường và đời sống nông thôn của nông dân. Những người nông dân đã nắm giữ các kỹ thuật và có kỹ năng cao về việc sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi đa dạng, cũng như có kiến thức về đất, môi trường thiên nhiên, kỹ thuật nuôi trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Đặc biệt, họ đã lưu giữ và sáng tạo ra nhiều phương thức chế biến thủ công các món ăn từ nông sản, có kỹ thuật bảo quản đa dạng, thích nghi với thói quen ăn uống của người dân từng vùng miền và những biến đổi môi trường xã hội. Họ biết dựa vào các hệ canh tác hữu cơ, cách tiếp nhận phù sa từ các dòng sông trong mùa lũ lụt làm tăng độ phì nhiêu màu mỡ cho đất. Các sản phẩm nông, thủy hải sản chế biến theo công thức và bí quyết truyền thống đã tạo ra chế độ ăn uống phong phú, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng dinh dưỡng theo quan niệm ẩm thực phương Đông đem lại sức khỏe tốt hơn cho người dân. Nhờ cập nhật và liên tục tăng cường sức sống của những hệ thống tri thức này, nghề nông Việt Nam đảm bảo đầy đủ lương thực, đảm bảo an ninh lương thực và chất lượng dinh dưỡng cho các cộng đồng trong nước đồng thời góp phần vào an ninh lương thực thế giới. Những làng nghề nông nghiệp trải dài các bình nguyên dọc lưu vực các con sông, bờ biển đã làm ra nhiều loại nguyên liệu cho nghề chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp theo công nghệ truyền thống tạo ra các loại thực phẩm thường được tôn vinh là đặc sản, vừa ngon và bổ dưỡng vừa có thể lưu trữ dài ngày. Nước nắm – loại sản phẩm độc đáo, nổi tiếng khắp thế giới là điển hình về kỹ thuật truyền thống của các làng nghề ven biển và hải đảo. Làng nghề cây ăn trái Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là vựa cây trái lớn nhất miền Nam Việt Nam, được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước nhờ vào kỹ thuật truyền thống từ cấy ghép, chiết cành cho đến lai tạo cây giống… Làng nghề Cái Mơn còn được mệnh danh là cái nôi của cây trái miền Nam. Ở mục tiêu này, Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống Việt Nam với các kiến thức, quy trình chế biến thủ công truyền thống các loại nông, thủy hải sản có vị trí đặc biệt trong di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống bởi chúng không chỉ giúp bảo quản, lưu trữ lương thực thực phẩm mà còn làm cho lương thực thực phẩm phong phú, hấp dẫn, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân.
2.1- Thực hành chăm sóc sức khỏe truyền thống góp phần cho sự khỏe mạnh và chăm sóc sức khỏe nâng cao chất lượng cho người dân.
Việt Nam có nền y học cổ truyền lâu đời. Y học Cổ truyền Việt Nam thường gọi là thuốc Nam hay thuốc ta là một ngành y học thuốc Đông y với nguồn gốc xuất phát từ Việt Nam thay vì từ Trung Hoa nên phù hợp cả thể chất, cơ địa người bệnh cũng như nguồn dược thảo trồng tại địa phương. Các vị thầy thuốc nổi tiếng được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam là Lý Quốc Sư, Hải Thượng Lãn Ông (còn lưu truyền bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh là sách căn bản của Đông y Việt Nam) và Tuệ Tĩnh (tác giả của câu nói nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân” - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam). Một đặc tính của thuốc Nam là nguyên liệu dùng những loại thảo mộc bản địa chứ không phải những dược chất xa lạ. Ngoài ra cách chế biến cũng chuộng cách dùng nguyên liệu ở dạng tươi hoặc sấy khô chứ không nấu ra thành cao hoặc bào chế cầu kỳ. Hiện nay, do tiếp nhận các công nghệ mới và để phù hợp với điều kiện của người lao động, các lương y đã nấu hoặc chiết xuất thảo dược và nén thành viên thuốc hoặc dung dịch đóng chai. Những loại bệnh ứng với thuốc Nam thường là những căn bệnh phổ thông như ho, sốt, hóc xương cá, mệt mỏi, trúng độc, đầy bụng, bỏng da. Tuy nhiên nhiều bệnh như bệnh bạch hầu và đậu mùa vì là những chứng bệnh phổ biến nên cũng có nhiều bài thuốc để chữa trị trong sách cổ. Thuốc Nam có một truyền thống lâu đời như được ghi lại trong bộ Nam dược thần hiệu 11 cuốn của danh y Tuệ Tĩnh (thế kỷ 14), Nam dược chỉ danh truyền và Tiểu nhi khoa diễn Quốc âm v.v. (2). Có thể kể ra nhiều làng nghề trồng và chế biến cây thuốc nam nổi tiếng ở nước ta, nhất là miền Bắc và các cộng đồng dân tộc thiểu số đã lưu giữ nhiều bí quyết cổ truyền độc đáo trong trồng và chế biến thảo dược. Xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một xã miền núi đặc thù, có cộng đồng người Dao chiếm đến hơn 98% dân số xã, nổi tiếng với nghề truyền thống trồng cây thuốc nam đang giúp người Dao tại Ba Vì cải thiện đáng kể cuộc sống của họ. Hàng trăm năm qua, người dân thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm – Hưng Yên) vẫn lưu giữ nghề trồng và chế biến cây dược liệu, được mệnh danh là đệ nhất làng nghề thuốc. Các làng nghề đã phát triển hệ thống tri thức và thực hành đa dạng liên quan đến sức khỏe, sáng tạo ra các liệu pháp điều trị hiệu quả với giá cả phải chăng do dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương. Lương y là những người quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng từ hàng nghìn năm nay do nắm giữ các kiến thức chữa bệnh truyền thống. Những thực hành và tri thức truyền thống liên quan đến việc sử dụng thảo dược thường không chỉ dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để điều trị cho bệnh nhân mà điều đặc biệt so với các nghề truyền thống khác là chúng được viết thành sách để không làm mai một các kiến thức truyền thống và truyền lại cho đời sau. Như đã nêu trên, cách chữa bệnh bằng thuốc Nam rất hợp túi tiền và dễ tiếp cận, đặc biệt ở những vùng nông thôn nơi không có các loại thuốc men khác. Đây chính là ưu thế của nghề y dược truyền thống Việt Nam. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo sự công nhận, tôn trọng và nâng cao kiến thức điều trị cũng như tiếp tục chuyển giao đến các thế hệ mai sau. Đa số các cộng đồng tại Việt Nam coi đây là phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng. Ở những nơi có sẵn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác như các bệnh viện lớn thì những thực hành và tri thức truyền thống đã thấm sâu vào đời sống văn hóa, xã hội với các giá trị tinh thần, đặc biệt trở thành những liệu pháp hỗ trợ, bổ sung và mở ra nhiều lựa chọn cho người dân. Có thể tự hào Việt Nam là quốc gia đóng góp cho di sản phi vật thể nghề thủ công trong lĩnh vực y dược truyền thống rõ ràng nhất, xứng đáng được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO cần bảo tồn vì đông y hoàn toàn thuộc về Việt Nam và có một cộng đồng rộng lớn cả trong nước và quốc tế thừa nhận.
3.1- Di sản văn hóa phi vật thể đem lại những ví dụ sống động về nội dung và phương pháp giáo dục.
Các cộng đồng các làng nghề không ngừng tìm cách hệ thống hóa và chuyển giao đến các thế hệ tương lai những hiểu biết, kỹ năng sống và những phẩm chất năng lực, đặc biệt có liên quan đến môi trường tự nhiên và xã hội. Ngay cả những nơi có hệ thống giáo dục chính quy, những tri thức và phương pháp truyền dạy truyền thống vẫn được sử dụng có hiệu quả cho đến ngày nay. Các tri thức và kỹ năng này liên quan đến nhiều ngành nghề và các lĩnh vực: từ vũ trụ học và vật lý cho đến sức khỏe và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; từ vòng đời người cho đến giải quyết các xung đột và căng thẳng; từ hiểu biết về bản ngã và địa vị trong xã hội cho đến việc tạo lập ký ức chung; từ kiến trúc cho đến khoa học vật liệu. Một nền giáo dục chất lượng dành cho mọi người không tách rời các thế hệ trẻ khỏi nguồn tài nguyên giàu có này, mà còn được kết nối vững chắc với bản sắc văn hóa của họ. Do vậy, một nền giáo dục chất lượng phải thừa nhận sự giàu có mà di sản văn hóa phi vật thể mang lại và thúc đẩy những tiềm năng giáo dục bằng cách một mặt tích hợp di sản càng đầy đủ càng tốt vào các chương trình giáo dục về mọi lĩnh vực liên quan, mặt khác, tìm cách thúc đẩy tiềm năng của các mô hình truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể truyền thống vào hệ thống giáo dục. Điều được thừa nhận rộng rãi từ các nhà phân tích di sản văn hóa phi vật thể là nghề thủ công truyền thống dễ nhận thấy nhất trong các hình thức văn hóa phi vật thể vì những thực hành của nghề thủ công truyền thống hầu hết đều cho ra những sản phẩm văn hóa vật thể dù nhỏ nhất đến lớn nhất hoặc dù thực hành trên bất kỳ chất liệu nào có thể. Nhiều kết quả thực hành di sản cho ra các tác phẩm từ thực hành di sản phi vật thể của nghề thủ công truyền thống theo thời gian trở thành di sản văn hóa vật thể. Xin nhấn mạnh, ngoài nội dung truyền dạy nghề thủ công, các nghệ nhân truyền dạy cả những tri thức văn hóa truyền thống bằng một phương pháp truyền dạy linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng người học và từng lứa tuổi, giới tính. Ngoài truyền nghề trong cộng đồng địa phương, nhiều lớp, trung tâm sáng tạo và rèn luyện kỹ năng do các nghệ nhân trực tiếp tổ chức tại ngay làng nghề và các đô thị lớn, nhỏ dựa trên nội dung và phương pháp truyền nghề truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần quan trọng trong việc chuyển giao các giá trị văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống cho thế hệ kế tiếp. Đặc biệt, được sự hướng dẫn của các nghệ nhân, thợ thủ công bậc cao, kỹ năng nghề thủ công truyền thống đã bắt đầu truyền dạy cho các thế hệ ngoài cộng đồng kể cả thế hệ nhỏ nhất đang ở độ tuổi mầm non. Trung tâm sáng tạo và rèn luyện kỹ năng mà Văn phòng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng với mong muốn trở thành mô hình. Để từ đây, trung tâm này có thể thực hành truyền dạy nghề thủ công truyền thống cho các địa phương trong nước.
Còn tiếp
0 Bình luận