Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống Việt Nam: NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC (Phần 2)

NGUYỄN VÂN
Phó trưởng Văn phòng, Hiệp hội làng nghề ViệtNam

4.1- Di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp tăng cường sự gắn kết và hòa nhập xã hội.

Sản phẩm tre đan


Tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội tạo nên cấu trúc đời sống của các cộng đồng và nhóm người và đóng vai trò quan trọng trong củng cố cấu trúc xã hội một cách toàn diện. Lễ hội Ok Om Bok của cộng đồng người Khmer Nam bộ (Sóc Trăng, Trà Vinh), Lễ hội Katé còn được gọi là Mbang Katé của cộng đồng dân tộc Chăm (Ninh Thuận và Bình Thuận) … thu hút hàng trăm ngàn người từ các nhóm cộng đồng, gắn kết cộng đồng nhỏ với các cộng đồng rộng lớn hơn và toàn xã hội.

Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 41 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ. Việt Nam là một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Chính những nét đó làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội khác nhau giúp phân biệt vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhân văn nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui (3).

Trong số các lễ hội Việt Nam thì phải kể đến những lễ hội chi phối hầu hết các gia đình trên mọi miền tổ quốc, đó là Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan và tết Trung Thu. Gần đây một số lễ hội được nhà nước và nhân dân quan tâm như: Lễ hội đền Hùng, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Giáng Sinh, Hội Phật Tích. Một số lễ hội lớn ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn, tiêu biểu như: hội Gióng (xứ Kinh Bắc), lễ hội đền Hùng (Xứ Đoài), lễ hội chùa Bái Đính, Hội Lim (Kinh Bắc) phủ Dày, (xứ Sơn Nam), lễ hội Yên Tử, lễ hội bà chúa Xứ (An Giang), Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (Lễ hội mới sáng tạo, thành phố Đà Nẵng) ... (wikimedia)
Theo Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết đến nay Việt Nam đã khôi phục trên 5.400 làng nghề, mỗi làng nghề đều có một nghề, có thờ tổ nghề và thờ Thành Hoàng, và rất phong phú, các phong tục tập quán, truyện kể dân gian gắn liền với nghề và nơi sinh sống, lập nghiệp của cộng đồng…Hàng năm các làng nghề đều tổ chức lễ hội với các nghi thức và sinh hoạt cộng đồng có tính đặc thù. Vì vậy, có thể nói nghề thủ công truyền thống có những đóng góp tích cực cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và góp phần không nhỏ cho các mục tiêu đa dạng văn hóa và phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nhiều thực hành xã hội, từ những buổi tụ tập nhỏ cho đến các buổi lễ kỷ niệm có quy mô lớn đều có tác dụng tăng cường các mối liên kết và tính gắn kết xã hội của cộng đồng, hình thành bản sắc chung của những người thực hành.

5.1- Di sản văn hóa phi vật thể có tính quyết định trong việc sáng tạo và chuyển giao vai trò giới và bản dạng giới, do đó giữ vai trò quan trọng trong bình đẳng giới.

Thông qua di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng có thể truyền đạt các giá trị, chuẩn mực và sự kỳ vọng có liên quan đến giới tính, và hình thành bản dạng giới của các thành viên cộng đồng. Hơn nữa, việc tiếp cận và tham gia vào các biểu đạt cụ thể của di sản thường do những chuẩn mực về giới quyết định. Rõ ràng nhất là trong việc sản xuất hàng thủ công truyền thống thường lệ thuộc vào phân công lao động liên quan đến giới, trong khi nghệ thuật trình diễn là một lĩnh vực đặc thù, biểu đạt trước công chúng với nhiều kỳ vọng và vai trò về giới. Vì di sản văn hóa phi vật thể không ngừng thích nghi với những biến đổi môi trường và xã hội, vai trò giới cũng thay đổi. Các mối quan hệ về giới trong cộng đồng luôn được thỏa hiệp, vì vậy luôn mở ra các cơ hội để vượt qua sự kỳ thị trên cơ sở giới và tiến tới đạt được bình đẳng giới nhiều hơn thông qua thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và sự khoan dung giữa các cộng đồng đa văn hóa, trong đó các thành viên của họ có thể không cùng quan niệm về giới, và trong việc tạo ra không gian chung cho đối thoại về cách thức tốt nhất để đạt được bình đẳng giới (1). Trong sản xuất hàng thủ công truyền thống vai trò nữ giới thường chiếm vị trí chính. Trong một đề án nghiên cứu về làng nghề gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, do nhóm chuyên gia của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thực hiện được thông qua bởi Hội đồng khoa học giám định và phản biện do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thành lập và Phó Chủ tịch tỉnh chủ trì đã mô tả rõ ràng sự phân công lao động hài hòa giữa nam và nữ trong quy trình sản xuất gốm Bàu Trúc. Người nữ giữ vai trò chính trong chế tác dựa vào tài nghệ và thao tác uyển chuyển của họ, trong khi nam giới làm những việc khác như chuẩn bị nguyên liệu, nung gốm, vận chuyển…Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp việc phân công lao động có sự thỏa hiệp tự nhiên và tự nguyện trợ giúp lẫn nhau một cách linh hoạt nhằm hoàn thành công việc.

2- Bền vững về môi trường

Sự bền vững về môi trường đòi hỏi phải đảm bảo khí hậu ổn định, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Những vấn đề này phụ thuộc vào việc tăng cường chia sẻ hiểu biết và kiến thức khoa học về biến đổi khí hậu, hiểm họa thiên nhiên, không gian môi trường và những giới hạn của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường khả năng thích ứng của các nhóm cư dân dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và thiên tai là biện pháp cấp thiết nhằm hạn chế những tổn thất về con người, xã hội và kinh tế.

Các tri thức, giá trị và thực hành truyền thống được tích lũy và tái tạo qua nhiều thế hệ như một phần của di sản văn hóa phi vật thể đã dẫn dắt cách thức xã hội loài người tương tác với môi trường tự nhiên xung quanh từ hàng nghìn năm nay. Ngày nay, đóng góp của di sản văn hóa phi vật thể vào môi trường bền vững được ghi nhận ở các lĩnh vực như bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và phòng chống, ứng phó với thảm họa thiên nhiên.

Như những di sản sống, kho tri thức, các giá trị và thực hành di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến môi trường hình thành nên năng lực phát triển và thích ứng với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn khi cần thiết, cho phép cộng đồng ứng phó tốt hơn với thiên tai và những thách thức từ biến đổi khí hậu (1).

g- Di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học.

Các cộng đồng bản địa và địa phương nắm vai trò trung tâm trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Có thể nói, trong số những người nắm giữ tri thức địa phương, nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và thầy thuốc y học cổ truyền, nghệ nhân, thợ thủ công chính là những người bảo vệ sự đa dạng sinh học. Nổi bật là nghề nông với việc đa dạng giống cây trồng, xen canh nhiều loại cây trồng thậm chí là thêm vật nuôi khác nhau trên cùng một mảnh đất. Họ tích cực bảo tồn nhiều con, hạt giống khác nhau như một sự đảm bảo dự phòng khi có bệnh dịch hoặc khí hậu khó lường. Ngày nay, những kho giống cây trồng này hình thành nên một kho chứa quý giá về tri thức bách thảo bản địa – tất cả trở nên vô cùng giá trị sau nhiều thập kỷ suy thoái nguồn gen nông nghiệp ở cấp quốc gia do sản xuất đơn mùa vụ, và khai thác cạn kiệt đất đai.

h- Di sản văn hóa phi vật thể có thể góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Trong khi các hoạt động tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người ngày càng gia tăng và không bền vững ở cấp độ toàn cầu, nhiều cộng đồng địa phương có những lối sống và thực hành di sản văn hóa phi vật thể gắn bó chặt chẽ với tự nhiên và tôn trọng môi trường. Ví dụ, những chiếc chiếu dệt tinh xảo ở các làng nghề dệt chiếu, những thợ dệt chiếu thủ công ngoài các tri thức, kỹ năng dệt chiếu, chính họ là người có ý thức trong việc bảo vệ vùng nguyên liệu. Ví dụ việc bỏ canh tác lúa chuyển sang trồng cây lác nguyên liệu chính cho nghề dệt chiếu ở miền Tây nam Bộ là một ví dụ sinh động. Hơn mười năm trước, nhận thấy cây lúa trên vùng đất nhiễm phèn kém hiệu quả, giá cả lại bấp bênh, trong khi ngành thủ công mỹ nghệ đan lát đang phát triển mạnh, nên chính quyền xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vận động người dân chuyển sang trồng cỏ lác để cung ứng nguyên liệu cung cấp cho làng nghề. Việc chuyển đổi này cho thấy sự linh hoạt trong sử dụng tài nguyên bền vững, tránh bỏ đất hoang hóa, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Bởi việc nhận biết nguồn gốc thiên nhiên của loại cây này có ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn sống và sức khỏe của họ. Đặc biệt, do nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, các sản phẩm dệt chiếu có thể phân hủy một cách tự nhiên, làm cho quá trình từ gieo trồng cho đến thu hoạch, sử dụng và tiêu hủy diễn ra ngắn hơn, không như các sản phẩm nhựa và các sản phẩm khác gây hại đến môi trường đang được sử dụng ồ ạt trên phạm vi toàn cầu.

i- Tri thức và thực hành địa phương về thiên nhiên có thể đóng góp vào nghiên cứu về môi trường bền vững.

Những ngư dân đánh bắt theo phương thức truyền thống nắm giữ thông tin quan trọng giúp giải quyết các thách thức về đa dạng sinh học biển. Ví dụ, những tri thức liên quan đến hệ sinh thái, hành vi, sự di cư, môi trường sống của các loài cá và các phương pháp đánh bắt phù hợp theo mùa. Những tri thức chi tiết, đa dạng và hữu ích này có thể bổ sung cho các nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học biển. Hợp tác quốc tế giữa các cộng đồng địa phương và các nhà nghiên cứu, cũng như việc chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt, có thể góp phần đạt được sự bền vững về môi trường trong các lĩnh vực như bảo tồn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Hầu như tất cả các nghệ nhân thực hành nghề truyền thống đều nắm vững các thông tin về tài nguyên từ đất, gỗ, thực vật có sợi… vì sự hiểu biết về vật liệu, cách tái tạo nguyên vật liệu giúp họ thực hành khá thành thục kỹ thuật, kỹ năng phù hợp để tạo ra các sản phẩm có bản sắc khác nhau. Các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những tri thức bất ngờ khi hợp tác với các nghệ nhân. Chính việc thực hành thủ công dựa vào các tri thức truyền thống chứa đựng các giá trị về bảo vệ môi trường bền vững. Sản xuất gốm sứ là một ví dụ về bảo vệ thiên nhiên để duy trì các đặc trưng của đất sét tại các vùng nguyên liệu khác nhau nhằm bảo đảm bản sắc riêng của gốm cho mỗi làng nghề.

j- Các tri thức và chiến lược ứng phó tạo nền tảng quan trọng cho khả năng ứng phó đối với thiên tai và biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng.

Cộng đồng địa phương thường xuyên sống trong môi trường dễ bị tổn thương và khắc nghiệt là một trong những đối tượng đầu tiên chịu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Tri thức và những thực hành của họ liên quan đến thiên nhiên và khí hậu - bao gồm hiểu biết về hệ sinh thái, các kỹ năng và nguyên tắc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, hệ thống quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, dự báo thời tiết và thiên tai - tạo nên kho tàng phong phú về chiến lược ứng phó với các mối nguy hiểm từ môi trường tự nhiên. Được bồi đắp và liên tục điều chỉnh để thích ứng hoàn cảnh, các tri thức và kỹ năng này là những công cụ trải qua thử thách của thời gian, có thể hỗ trợ cộng đồng địa phương giảm thiểu rủi ro thảm họa thiên nhiên, tái tạo khi cần thiết và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam có vùng bờ biển trải dài phía đông lãnh thổ và ngư trường lớn và giàu hải sản. Việc hình thành các làng nghề chài đã có từ trong huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt. Nghề đánh cá và đi biển rất lâu đời. Ngư dân là người không chỉ giỏi nghề đánh bắt hải sản mà còn là những người nắm vững kho tri thức về thiên nhiên, khí hậu, đặc biệt là sự hiểu biết và dự báo về những nguy hiểm thời tiết trên biển qua các hiện tượng tự nhiên, cũng đồng thời tích lũy những kiến thức về ngư trường, luồng cá di chuyển… Lễ hội nghinh Ông là lễ hội cúng cá Ông của ngư dân các tỉnh miền ven biển Việt Nam từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm cả Phú Quốc). Cũng nhiều lễ hội khác, lễ hội Nghinh Ông là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang. Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá “Ông”, lễ cúng “Ông”, lễ nghinh “Ông”, lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá “Ông” là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên (4). Do tín ngưỡng này mà ngư dân biết tôn trọng biển cả, biết bảo vệ, biết nuôi dưỡng nguồn sinh vật biển, giữ gìn hệ sinh thái biển… Những người làm nghề nông (chiếm hơn ½ dân số) là rất nhạy cảm với các biến đổi về khí hậu, nguồn nước, đất canh tác vì các yếu tố đó gắn liền với nghề nghiệp và cuộc sống của họ. Các nghệ nhân, thợ thủ công nghề mộc, đan lát gắn liền với gỗ, tre, cây cỏ có sợi làm nguyên liệu vì vậy họ là những người có kiến thức và ứng phó tích cực nhất trong bảo vệ rừng, trồng rừng gỗ, tre, nuôi trồng lục bình, gai…và hạn chế các tác nhân tiêu cực và có khả năng ứng phó đối với thiên tai và biến đổi khí hậu cùng cộng đồng.

3- Phát triển kinh tế toàn diện

Phát triển bền vững phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế ổn định, công bằng và toàn diện, dựa trên mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Phát triển kinh tế toàn diện không chỉ tập trung vào những người được xem là nghèo, mà còn với những người dễ bị tổn thương với sinh kế khó khăn và những người không được tham gia vào các hoạt động kinh tế. Điều này đòi hỏi có việc làm hiệu quả và bền vững, giảm nghèo đói và bất bình đẳng, cắt giảm lượng khí thải carbon, cũng như tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bảo đảm phúc lợi xã hội. Di sản văn hóa phi vật thể cấu thành động lực quan trọng cho sự chuyển biến này.

Di sản tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, bao gồm các hoạt động sản xuất đa dạng, với các giá trị tiền tệ và phi tiền tệ, đóng góp đặc biệt cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Là thực thể sống, di sản cũng có thể trở thành nguồn vốn sáng tạo quan trọng trong hoàn cảnh luôn biến đổi và giúp đạt được phát triển kinh tế toàn diện ở cấp độ địa phương cũng như quốc tế.

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận