Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống Việt Nam: NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC (Phần cuối)

NGUYỄN VÂN
Phó trưởng Văn phòng, Hiệp hội làng nghề ViệtNam

k- Di sản văn hóa phi vật thể rất cần thiết để duy trì sinh kế của các nhóm và cộng đồng.

Những tri thức, kỹ năng và thực hành nghề thủ công ở địa phương được các thế hệ duy trì và phát huy là kế sinh nhai cho nhiều người. Một trong những động lực thúc đẩy công cuộc khôi phục và phát triển nghề thủ công và làng nghề tại Việt Nam chính là giải quyết sinh kế cho người dân. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã duy trì chủ trương này trong suốt 15 năm qua kể từ ngày thành lập. Chính quyền địa phương trong cả nước cũng có các biện pháp hỗ trợ tích cực cho mục đích này. Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống ngày càng thu hút các cá nhân, nhóm và công đồng, nhất là những người bị hạn chế trong lựa chọn nghề mới tham gia thực hành để duy trì sinh kế, vừa tạo ra thu nhập vừa hình thành bản sắc. Nghề thủ công không chỉ là những hoạt động tự cung tự cấp như trước đây mà còn có vai trò rất quan trọng cho sự thịnh vượng của cộng đồng ngày nay và cũng là biện pháp dự phòng chính trong việc chống nghèo đói ở địa phương.

Một trong những xưởng gốm tại Làng gốm truyền thống Thanh Hà, Hội An.

l- Di sản văn hóa phi vật thể có thể tạo ra thu nhập và công việc bền vững cho nhiều cá nhân và cộng đồng, bao gồm người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Mặc dù đã có nhiều người giàu có từ thực hành di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên nghề thủ công truyền thống vẫn luôn là nguồn thu nhập tiền mặt hoặc hàng hóa trao đổi chính của các nhóm người, cộng đồng và cá nhân – những đối tượng có thể bị đặt ngoài lề nền kinh tế hoặc cộng đồng thiểu số vùng sâu, vùng xa. Nghề mang lại thu nhập không chỉ cho thợ thủ công và gia đình của họ, mà còn cho những ai tham gia vào chuyển giá trị sản xuất thủ công như vận chuyển, buôn bán, thu thập và sản xuất nguyên vật liệu thô. Những hoạt động này tạo công ăn việc làm bền vững vì chúng thường được thực hiện trong khuôn khổ gia đình và cộng đồng, đảm bảo an ninh nơi làm việc và ý thức cội nguồn; chúng được xem là một công việc cao quý khi gắn chặt với bản sắc của cộng đồng. Nghệ thuật trình diễn, lễ hội và các biểu đạt khác của di sản văn hóa phi vật thể tại làng nghề, với sự tham gia các thành viên cộng đồng, bao gồm cả phụ nữ và người trẻ tuổi, cũng luôn có những đóng góp vào phát triển kinh tế.

m- Di sản văn hóa phi vật thể là di sản sống, có thể là nguồn lực đổi mới chính cho phát triển.

Đối với nghề thủ công truyền thống, cộng đồng và các nhóm người thực hiện nghề là những người sáng tạo liên tục khi đối diện với những thay đổi. Di sản văn hóa phi vật thể là nguồn tài nguyên chiến lược cho phép phát triển và thay đổi ở cấp địa phương và toàn cầu. Các nguyên liệu mới có thể thay thế để làm cho thích nghi với môi trường kinh tế - xã hội và xu hướng tiêu dùng. Những thay đổi này có thể nhìn thấy rõ khi một số loại nguyên liệu trở nên khan hiếm và khó kiếm, khi các kỹ năng cũ đứng trước các thách thức mới về thiết kế, sáng tạo, cả khi các phương thức truyền dạy nghề đã qua thử thách thời gian cần điều chỉnh và thích nghi với công nghệ thông tin và truyền thông…

o- Cộng đồng cũng có thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.

Trong các di sản văn hóa phi vật thể thì nghề thủ công và văn hóa làng nghề hay làng nghề văn hóa liên quan đến du lịch là rõ rệt nhất. Việc khám phá sự đa dạng của các truyền thống văn hóa từ lễ hội, trình diễn nghệ thuật, kỹ năng nghề thủ công truyền thống và các lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể tại làng nghề có sức mạnh mẽ thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay du lịch văn hóa phi vật thể và du lịch sáng tạo là hai xu hướng lớn nhất. Lợi ích từ du lịch nghệ thủ công vừa tăng thu nhập, thêm công ăn việc làm vừa bán được nhiều hơn các sản phẩm thủ công và quan trọng nhất là tạo điều kiện để tái tạo di sản. Tuy nhiên, khi triển khai các hoạt động này cần tôn trọng các nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm đối với di sản sống và nhóm người có liên quan và làm suy giảm bản sắc văn hóa cộng đồng. Trên thực tế, du lịch đã không tôn trọng di sản dẫn đến các nguy cơ trong bảo tồn di sản. Vì vậy, điều cần thiết là các hoạt động có liên quan đến du lịch, dù được Quốc gia thành viên, nhà nước hay tư nhân thực hiện đều phải tôn trọng các nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và quyền, nguyện vọng, mong muốn của nhóm người có liên quan. Cộng đồng có liên quan phải là những người thụ hưởng chính từ bất kỳ hoạt động du lịch nào liên quan đến di sản của họ và phải đóng vai trò chính trong quản lý hoạt động này. Hoạt động du lịch có sự nhạy bén về di sản văn hóa phi vật thể và các nguyên tắc đạo đức nên tránh bất cứ tác động tiêu cực tiềm ẩn nào đối với di sản bằng cách hướng dẫn hành vi của tất cả những người tham gia vào các hoạt động du lịch, trong đó có khách du lịch.

4- Hòa bình và an ninh

Hòa bình và an ninh - bao gồm việc không có xung đột, phân biệt đối xử và tất cả các hình thức bạo lực - là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Đáp ứng các yêu cầu cấp bách này đòi hỏi sự tôn trọng quyền con người, các hệ thống công lý hiệu quả, các tiến trình chính trị bao dung, hệ thống ngăn ngừa và giải pháp giải quyết xung đột phù hợp. Hòa bình và an ninh cũng phụ thuộc vào cách tiếp cận và kiểm soát một cách công bằng tài nguyên thiên nhiên của người dân địa phương, cũng như việc đảm bảo quyền sở hữu đất đai (đối với Việt Nam là quyền sử dụng đất), mà không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử và loại trừ nào. Nhiều thực hành, biểu đạt và biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể hàm chứa ở giá trị cốt lõi những nhân tố gây dựng hòa bình, tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Bản thân các hoạt động bảo vệ có thể góp phần xây dựng hòa bình. Di sản văn hóa phi vật thể và các hoạt động bảo vệ như vậy cho phép cộng đồng, các Quốc gia thành viên và các nhân tố phát triển theo đuổi những lộ trình phù hợp về văn hóa, hướng đến sự tham gia toàn diện, chung sống hòa bình, ngăn ngừa và giải pháp xử lý xung đột, an ninh bền vững và xây dựng hòa bình (1).

p- Nhiều thực hành di sản văn hóa phi vật thể thúc đẩy hòa bình từ những giá trị cốt lõi của nó.

Như đã nói trên, ngoài hệ thống luật pháp quốc gia, các di sản văn hóa làng và làng nghề tại Việt Nam có giá trị về quyền con người như: hòa bình xã hội trong sự đa dạng, quyền bất khả xâm phạm của con người, bãi bỏ chế độ nô lệ, tự do biểu hiện, sáng tạo và làm thương mại. Các hệ thống phong tục, tập quán, các quy ước dân chủ, tự quản liên tục truyền miệng hoặc bằng văn bản từ khi được tạo ra và lưu giữ, được thực hành hàng ngày trong cộng đồng góp phần quan trọng trong việc duy trì sự bình yên trong cộng đồng. Các hệ thống này chính là các giá trị cốt lõi được truyền lại và đổi mới liên tục để thích nghi, được cộng đồng mặc nhiên thừa nhận như cơ sở pháp lý hoặc thông điệp tình yêu, hòa bình và tình anh em. Các thực hành, biểu đạt di sản văn hóa phi vật thể đã thực thúc đẩy và bảo vệ các giá trị của hòa bình tại cơ sở, địa phương và toàn xã hội.

q- Di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp ngăn chặn hoặc giải quyết các tranh chấp.

Sự đối lập về những nhu cầu, giá trị và lợi ích là nguyên nhân các xung đột giữa các cộng đồng, trong nội bộ cộng đồng ở bất kỳ khu vực nào từ nông thôn đến thành thị. Có rất nhiều trường hợp, hình thức dẫn đến xung đột, tranh chấp trong cộng đồng. Tùy theo tính chất, mức độ, hình thức thể hiện và chủ thể xung đột mà cộng đồng chọn cách giải quyết các xung đột. Ở Việt Nam, xung đột chủ yếu là xung đột về lợi ích và xảy ra nhiều ở nông thôn. Việc giải quyết xung đột thường dựa vào luật pháp, nhưng trong các cộng đồng, việc giải quyết các xung đột trước tiên dựa vào di sản văn hóa phi vật thể trước khi nhờ cậy đến luật pháp. Các tập quán xã hội trong đối thoại, giải quyết xung đột và hòa giải đóng vai trò quyết định ở các địa phương. Được sáng tạo qua nhiều thế kỷ nhằm thích ứng với bối cảnh xã hội và môi trường cụ thể và điều chỉnh việc tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và các không gian chung, cũng như giúp cho mọi người chung sống hòa bình, những hệ thống này có thể ở các hình thức đơn giản hoặc rất phức tạp. Làng Việt Nam không chỉ là một đơn vị cư trú mà quan trọng hơn là một hình thức tổ chức xã hội của nông thôn ở Việt Nam. Làng ̣nghề truyền thống được xem có tính tự trị, khép kín, độc lập. Các lệ làng, khế ước, hương ước được xem như luật lệ của làng để duy trì an ninh, trật tự, chia sẻ các lợi ích chung và bảo đảm các ứng xử công bằng, dân chủ giữa các thành viên. Các phong tục, tập quán lâu đời, các tri thức về nghề như nông nghiệp, thủy lợi và nhiều nghề khác đã giúp mọi người nhận ra tính hợp lý, hợp tình nên thuận lợi trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động nghề. Sức sống liên tục của những thực hành xã hội thuộc di sản văn hóa phi vật thể này là yếu tố quan trọng để cộng đồng duy trì hòa bình và an ninh, bằng cách ngăn chặn và giải quyết xung đột một cách toàn diện, được cộng đồng liên quan chấp nhận. Đối với nghề thủ công truyền thống, các quy ước của các phường nghề xưa và các hội nghề địa phương ngày nay kế thừa các quy tắc và đạo đức xa xưa trong hành nghề thủ công truyền thống đã giúp giải quyết hầu hết các xung đột trong cộng đồng làng nghề. Việc truyền dạy nghề không chỉ truyền các kỹ năng, bí quyết mà con truyền dạy văn hóa truyền thống, cách ứng xử với tài nguyên, môi trường, với bảo vệ di sản và với các giải quyết xung đột xung đột trong nội bộ…

r- Di sản văn hóa phi vật thể có thể góp phần vào việc khôi phục hòa bình và an ninh.

Các nghi thức về hòa bình và hòa giải tạo ra quyền lực xã hội để khôi phục lại hòa bình giữa các bên là cá nhân, gia tộc hoặc các cộng đồng. Các nghi thức hòa bình này có thể được sử dụng như một biểu tượng để truyền đạt cam kết không bạo lực và làm biến đổi các mối quan hệ. Chúng giúp mọi người tạo ra sự liên kết với nhau và cho phép họ vượt qua sự hiểu lầm, đối đầu, hận thù và bạo lực.

s- Việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng là phương tiện duy trì hòa bình và an ninh.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau chiến tranh, đặc biệt là hơn 20 năm gần đây, cả nước đã khôi phục lại phần lớn nghề thủ công truyền thống tại các địa phương. Đây là khoảng thời gian việc khôi phục và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công mạnh mẽ nhất, thu hút hơn chục triệu người tham gia thực hành di sản, hình thành các cộng đồng nghề thủ công ổn định mọi mặt và trên đà phát triển. Các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống đã thực sự hòa nhập trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ để kết nối các cộng đồng, nhóm người và cá nhân, bao gồm các dân tộc bản địa, người nhập cư, di cư, các nhóm lứa tuổi và giới tính khác nhau, người khuyết tật và thành viên các nhóm bị thiệt thòi. Bằng đóng góp trong việc quản lý dân chủ và tôn trọng nhân quyền, các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống Việt Nam là đóng góp to lớn làm trỗi dậy các nhân tố hòa bình và an ninh như: chia sẻ và chuyển giao các giá trị truyền thống chung, tăng cường ý thức về bản sắc chung và lòng tự trọng, cũng như tạo ra cơ hội mới cho phát triển sáng tạo và kinh tế. Các hoạt động bảo vệ di sản nghề thủ công truyền thống trong thời kỳ này giúp mọi người xích lại gần nhau trong các dự án, kế hoạch khôi phục và chia sẻ ký ức chung; thúc đẩy hòa giải thông qua đối thoại liên văn hóa và tôn trọng đa dạng văn hóa xung quanh thực hành di sản sống, do đó, hình thành nên phương thức hiệu quả và bền vững nhằm khôi phục hòa bình và an ninh trong xã hội.

Thay lời kết: Tứ dân (trong tứ dân bách nghệ) là cách gọi bốn giai cấp (tầng lớp) chính trong xã hội xưa dưới các triều đại quân chủ bao gồm: Sĩ là từ để chỉ tầng lớp trí thức, những người có học có hiểu biết về chữ nghĩa, làm các nghề như thầy dạy học, thầy thuốc, làm quan...; Nông là chỉ những người làm nghề nông, lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội xưa. Công là chỉ những người làm nghề thủ công hoặc làm thuê trong các làng nghề truyền thống như dệt, chạm bạc, khâu nón, làm tranh; Thương là những người làm nghề buôn bán. Dù tứ dân thường được hiểu là bốn giai cấp trong xã hội phong kiến nhưng việc phân loại này dựa hoàn toàn vào việc hành nghề của các nhóm người. Bách nghệ là hình thức hoán dụ lấy cái hữu hạn để chỉ cái vô hạn, nghĩa đen là trăm nghề, nghĩa bóng là cách nói chỉ rất nhiều nghề, vô số nghề. Điều đó nói rằng hầu hết các người dân Việt Nam xem việc học nghề là quan trọng cho việc mưu sinh đồng thời cũng là cách để tìm kiếm một vai trò hoặc vị thế nhất định trong xã hội. Do vậy mà nghề truyền thống nói chung và nghề thủ công truyền thống được bảo tồn và liên tục truyền dạy cho đời sau. Việc truyền dạy tiếp diễn liên tục không ngừng nghỉ, trong đó, nghề thủ công truyền thống chiếm vị trí quan trọng bậc nhất. Tập tục khai trương, khai bút, khai nghề... vào ngày đầu tiên trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết là biểu hiện sự tôn trọng nghề nghiệp mà mình thực hành của người dân, một nét văn hóa đặc biệt. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững thì bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống giữ một vai trò động lực và thực hành hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững.

NV
Hà Nội, tháng 8 năm 2020

Đọc lại Phần 1
Đọc lại Phần 2
_____________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
(1) Cultural heritage and sustainable development, UNESCO, 2013. ich.unesco.org/doc/src/34299-EN.pdf
(2), (3), (4) vi.wikipedia.org/
______________

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận