TƯỢNG GỖ VÀ NIỀM ĐAM MÊ BẤT TẬN CỦA NGHỆ NHÂN ĐÀO ANH THỦY

Một góc văn phòng xưởng chế tác của nghệ nhân Đào Anh Thủy

Thấm thoát vậy mà đã gần 25 năm Đào Anh Thủy sinh cơ lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Vùng đất phương Nam đầy ngỡ ngàng của những ngày đầu đặt chân đến. Nay đã là một chốn thân thương của gia đình nhỏ và một cơ sở mang thương hiệu Tượng Gỗ A. Thủy ở số 3/91QL 22 Tân Xuân Hốc Môn. 

Kể chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Đào Anh Thủy cho biết, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tuổi thơ gắn liền với rừng cọ đồi chè, trong một gia đình mẹ làm nông nghiệp còn bố phục vụ trong Quân đội. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Vốn là người đam mê mỹ thuật từ khi còn thơ, anh đã thi vào trường Cao đẳng nghề Hà Nam, chuyên ngành chạm khắc gỗ. Với lòng đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ và được sự chỉ bảo tận tình của các thầy, sau 2 năm rèn luyện, anh đã tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành chạm khắc gỗ và được nhà trường giữ lại giảng dạy. Đứng trên bục giảng, song, anh rất nóng lòng muốn ra làm nghề. Năm 1997, sau khi giảng dạy 1 năm, Thủy xin nghỉ việc và quyết định vào miền Nam lập nghiệp. 

Đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày tháng cuối năm ấy, không khí đón chào năm mới nơi đây thật nhộn nhịp hối hả, nhưng Thủy lại bâng khuâng lo lắng vi một thân một mỉnh nơi đất khách quê người. Sau đó, anh đã xin vào làm tại một cơ sở điêu khắc tượng gỗ tại Trung Mỹ Tây Hốc Môn. Vừa làm vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm và tiền lương với quyết tâm tạo dựng cơ sở riêng. Năm 1999 cùng với một vài người bạn vơi số vốn ít ỏi anh đã mở cơ sở riêng cũng trên địa bàn này.  

Trải qua những khó khăn bước đầu lập nghiệp, nhất là vào những năm 2002 - 2003, tình hình kinh tế suy thoái, thị trường tiêu thụ thu hẹp, nghề điêu khắc gỗ tưởng chừng phải lụi tàn. Song, với lòng đam mê nghề, muốn tạo ra những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, anh đã bám nghề, giữ vững cơ sở. Đến nay, sản phẩm Tượng gỗ A Thủy được người yêu chuộng đồ gỗ chế tác trong cả nước biết đến. 

Các tác phẩm như Sư Tổ Đạt Ma, Di Lạc, Quan công và nhiều tác phẩm khác của cơ sở luôn làm hài lòng những vị khách khó tính nhất. Theo anh, để có được những tác phẩm đặc sắc, phải hội đủ các điều kiện. Về nguyên liệu, là những loại gỗ quý hiếm như gỗ Mun, gỗ Trắc, Cẩm lai ...vừa đẹp, sang trọng vừa bền vững lâu dài với thời gian. Về điêu khắc, phải sắc sảo từng chi tiết, toát lên được thần thái trên từng nét mặt, từng đông tác. Để đạt được tác phẩm như vậy, anh đã đặt hết tâm huyết vào từng nét vẽ, đường chạm, làm thế nào để bức tượng thật sự sống động, có hồn.

Tại cơ sở A Thủy, chúng tôi đã được ngắm những tác phẩm với nhiều kích cở. Có bức cao 2-3m, nặng vài trăm kg, bên cạnh những tác phẩm để bàn chỉ cao chưa đến 10cm. Dù lớn hay nhỏ, mỗi tác phẩm đều thu hút người nhìn bởi đường nét sắc sảo, tỉ mỉ và sinh động đến từng chi tiết. Anh mong muốn, các tác phẩm làm ra không chỉ để lại vài mươi năm, mà phải được lưu giữ hàng trăm năm sau.  

Được sự tin tưởng của khách hàng, đây là cả một quá trình phấn đấu mà A Thủy trải qua với những thăng trầm trong cuộc sống. Cùng với việc chế tác, anh còn quan tâm đào tạo nghề cho nhiều anh em. Truyền đạt không chỉ là kinh nghiệm, kỹ năng mà cả sự đam mê của mình, để những người học trò, khi ra trường sẽ là những người thợ giỏi và đam mê nghề. Với những đóng góp trong nghề nhiều năm qua, anh đã được Hội mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam công nhận là nghệ nhân quốc gia. Vinh dự được Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề.   Mong muốn của Thủy là tạo ra những tác phẩm độc đáo, trường tồn với thời gian để mọi người cùng thưởng lãm và lưu giữ. Đó là niềm hạnh phúc của người làm nghề tâm huyết./.

MAI HOA

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận