THIẾT KẾ SÁNG TẠO - GIẢI PHÁP TRUNG TÂM CHO PHÁT TRIỂN HÀNG THỦ CÔNG VÀ BẢO VỆ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG (PHẦN I)



Họa sĩ TRẦN MINH SẮC
Trưởng Cơ quan Đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

Như là kết quả của quá trình thực hành nghề thủ công truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ đòi hỏi phải đạt chất lượng, có tính thẩm mỹ cao và mang bản sắc văn hóa. Bài này đề cập đến một nội dung hết sức quan trọng và xuyên suốt để giúp cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, thông qua đó làm cho nghề thủ công truyền thống ngày càng phát huy nhờ vào sự sáng tạo không ngừng để phù hợp hoặc thích nghi với xã hội. Đẩy mạnh thiết kế sáng tạo có thể tạo ra sự đột phá trong tiến trình phát triển và giữ vững thị trường cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

1- THIẾT KẾ SÁNG TẠO, HẠN CHẾ CHỦ YẾU CỦA HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VIỆT NAM:

Theo đánh giá tại các hội nghị về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương hoặc các tổ chức chuyên ngành, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu, đồng thời cũng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Do đó, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất dễ mất thị phần nếu thời gian tới chúng ta không nhận thức được ý nghĩa, vai trò cũng như xu hướng của thiết kế trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng và xu hướng thiết kế đã thay đổi. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng trưởng nhưng tốc độ chậm và có nhiều dấu hiệu bất ổn ở một số thị trường lớn.

Mặc dù hàng ngày đều có sản phẩm mới ra đời nhưng thường lặp đi lặp lại cả về chủ đề lẫn thiết kế. Điểm yếu lớn nhất là thiếu tính sáng tạo. Thống kê cho thấy, có tới 80- 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ nghèo ý tưởng, hình thức sáo mòn (1).

Trong gần hai thập kỷ qua, vấn đề thiết kế kiểu dáng, mẫu mã (bao gồm cả lựa chọn màu sắc phù hợp với xu hướng màu hàng năm) đã nổi lên như một vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ. Trừ mẫu hàng dựa trên mẫu thiết kế theo đơn đặt hàng từ người mua trong và ngoài nước, còn các sản phẩm do nghệ nhân, thợ thủ công thiết kế có sáng tạo mới rất hiếm hoi, tình trạng ăn cắp bản quyền, mẫu mã sản phẩm cả chục năm nay chưa chấm dứt. Hạn chế này xuất phát một phần từ việc Việt Nam chưa có cơ quan, tổ chức thiết kế đủ uy tín và năng lực xúc tiến thiết kế sáng tạo cho ngành hàng này, trong khi đặc trưng cốt lõi của ngành hàng này là thiết kế sáng tạo. Dù được nói nhiều ở các hội nghị, hội thảo nhưng dường như chưa có sự tiến triển nào tương xứng với tốc độ phát triển chung, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Vị trí ngành hàng này trên thị trường thế giới đến nay chủ yếu vẫn dựa vào giá thấp trong khi nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến lợi nhuận từ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng “teo tóp” (2). Chỉ khi nào ngành hàng này được xếp thứ hạng cao về các phương diện chất lượng, thẩm mỹ và giá trị mới có thể thoát ra cảnh bấp bênh tại các thị trường có sức mua cao. Thực tế, nếu so với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thế giới và năng lực của chúng ta, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ khó có thể xếp hạng được, bởi đơn giản đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ thế giới đang cần những thứ mà chúng ta sản xuất trong sự lúng túng, thiếu tự tin về chất lượng, thẩm mỹ và giá trị mới. Vì vậy, sản phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu thương mại, thị hiếu tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng, sẽ không bao giờ chúng ta tiến ra thế giới như một nhà xuất khẩu đồ cũ đơn thuần với giá rẻ. Chậm thay đổi về thiết kế kiểu dáng làm giảm khả năng cạnh tranh và có nguy cơ chúng ta sẽ thua thiệt trong cuộc chơi toàn cầu khi chúng ta không có khả năng cung cấp sản phẩm cho thị trường tiêu dùng và lối sống thay đổi. Thậm chí quà tặng, hàng lưu niệm cho du khách cũng chỉ mới cung cấp cho thị trường bình dân có sức mua yếu. Trong khi, nước ta không phải là không có những nghệ nhân, thợ giỏi có khả năng thực hiện cả một cung điện nguy nga tráng lệ. Nhưng tài năng đó chỉ được phát huy và cạnh tranh lẫn nhau trong thị trường chật hẹp, chưa thực sự cọ xát với quốc tế.

Có thể thấy rõ ràng nhất là sự cải tiến cải tiến kiểu dáng sản phẩm hiện nay thường theo chủ quan, kiến thức thiết kế và thị trường còn ít ỏi của nghệ nhân, của người thiết kế tại các địa phương chưa tiếp cận quy luật và sự thay đổi thị trường rộng lớn hơn. Một số ít làng nghề, doanh nghiệp có quan tâm đến vấn đề này và đã gặt hái một số thành công, nhưng chúng chưa trở thành vấn đề sống còn của cộng đồng các làng nghề và doanh nghiệp. Vì vậy, yếu thế của sản phẩm thể hiện ngay trong mẫu mã mà nguyên nhân chính là do chưa phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thiết kế sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ tạo ra sự đột phá, đó là nhận định được nhiều người đồng tình.

Một mặt khác, trong thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ cũng không nên quá cực đoan, nhất là thiết kế để sản xuất và kinh doanh. Các chuyên gia khuyến cáo rằng nhiều người sản xuất ở Việt Nam hay nhấn mạnh đến các chủ đề dân tộc kiểu như “nét xưa” hoặc văn hóa thuần Việt, nhưng khi trở thành thương phẩm, những đặc tính này có thể có giá trị đối với dân tộc hoặc nền văn hóa này, song lại ít có ý nghĩa đối với một dân tộc hay một nền văn hóa khác, đặc biệt là các chủ đề, nội dung các xu hướng tiêu dùng mới. Văn hóa thể hiện trong sản phẩm thủ công chính là kỹ năng, bí quyết, tài nghệ của nghệ nhân, hay nói như trong các định nghĩa hiện hành là văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống. Khái niệm về văn hóa, truyền thống được chuyển tải vào sản phẩm vẫn còn hiểu trong ý nghĩa chật hẹp và được xem xét ở khía cạnh hình thức hơn là nội dung, cảm xúc, tay nghề cao. Bản thân nghề thủ công, trình độ nhuần nhuyễn, điêu luyện của nghệ nhân đã là văn hóa, nhưng thiết kế sáng tạo ở bậc cao tạo ra sản phẩm hài hòa, độc đáo mới đích thực là bậc thầy thủ công. Ví dụ với văn hóa, kỹ năng nghề truyền thống Ý, nghệ nhân người Ý có thể thiết kế sản phẩm thủ công cho người Nhật hoặc thử thực hiện khẩu hiệu như “100% thiết kế nghề thủ công truyền thống Việt cho sản phẩm tiêu dùng Mỹ”. Tôi tin rằng các nghệ nhân Việt buộc phải suy nghĩ, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ. Đôi khi, một sản phẩm cực kỳ tinh xảo, thậm chí là độc bản nhưng cũng chỉ được khách hàng hiếu kỳ ngắm cho vui vì không gợi lên cảm xúc theo văn hóa họ vì vậy không thu về được một hợp đồng hay đơn đặt hàng nào vì mẫu mã đẹp, có ấn tượng nhưng không có gì mới, không gần gũi và không đáp ứng mong muốn tìm kiếm của khách hàng. Những người mua thường chỉ vì do nhu cầu lưu niệm, ghi dấu, trãi nghiệm khám phá về chuyến du lịch của họ nên có thể họ chọn mua vài sản phẩm. Trong thời hiện tại, bất cứ ai cũng không thể sống mãi chỉ với hình bóng của một truyền thống đứng yên không chuyển động để thích nghi với môi trường kinh tế, xã hội và các yêu cầu về phát triển bền vững dẫu truyền thống ấy rực rỡ đến nhường nào. Có người có thể ngủ mãi, ngủ ngon trên chiếc giường theo kiểu cổ xưa nhưng chúng không thể đặt chúng trong một buồng ngủ hiện đại cả. Phải đặt văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống trong một thế giới đang phát triển thì truyền thống đó mới tỏa sáng. Truyền thống và hiện đại chính là sự kết nối giữa nghề thủ công xa xưa với cuộc sống hiện đại. Thiết kế sản phẩm thủ công nếu không bắt nhịp được với những thay đổi chóng mặt của thế giới chắc chắn sẽ không đứng vững trên thị trường.

Còn tiếp


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận