NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TỈNH AN GIANG

 An Giang một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có những cánh đồng cao sản bát ngát, có núi Thất Sơn nhiều huyền thoại. Là một trong những tỉnh trọng điểm của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng 4 triệu tấn lương thực/ năm, đứng đầu cả nước. Toàn tỉnh hiện có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống. Khi nói đến nghề và làng nghề An Giang ngươi ta nghĩ ngay đến nghề và làng nghề lụa Tân Châu, nghề làm mắm Châu Đốc, nghề đường thốt nốt, làng nổi cá bè …

Phụ nữ Chăm dệt thổ cẩm tại Làng dệt thổ cẩm Châu Giang thuộc ấp Phum Xoài – xã Châu Phong – huyện Tân Châu – tỉnh An Giang

Những nghề và làng nghề này đã hình thành và tồn tại đến trên trăm năm như: nghề gạch ngói và đồ gốm ở Châu Thành, Châu Phú, nghề vẽ tranh trên kiếng ở Long Điền B, Mỹ Luông, Chợ Mới, nghề làm mắm cá Châu Đốc, nghề làm đường thốt nốt Tịnh Biên, Tri Tôn, nghề dệt vải của người Khmer… và có một nghề mới khoảng 50 năm nay, đó là nuôi cá lồng bè, nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu với lãnh Mỹ A đã có một thời vàng son vào những năm 50-60 của thế 20. Thời ấy, ở đây hầu như nhà nào cũng có khung dệt. Lụa Tân Châu đã được xuất khẩu sang một số nước. Còn trong nước, lãnh Mỹ A là một mặt hàng may mặc không thể thiếu đối với phụ nữ, thành thị cũng như ở nông thôn. Nghề làm mắm cá Châu Đốc thì không nơi nào sánh bằng. Tại Thành phố Châu Đốc có hàng chục điểm bán mắm cá linh, cá chốt, cá mè vinh, cá lóc, cá sặc…tập trung nhiều nhất tại khu vực Núi Sam và Châu Phú B. Đến Châu Đốc du khách không thể không thưởng thức món mắm lừng danh này và mua về làm quà biếu. Nghề làm đường thốt nốt ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương nhờ người tiêu dùng hiện nay ưa chuộng loại đường này. 

An Giang còn nổi tiếng về làng bè nuôi cá trong lồng, đã hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ trước. Làng bè Châu Đốc có trên 300 lồng bè. Các lồng bè nối tiếp nhau dài hàng mấy cây số, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là vào ban đêm, lung linh như một thành phố nổi. Các loại cá nuôi ở đây như: cá ba sa, cá he, cá mú, cá chim, cá điêu hồng…, sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Đây cũng là làng nghề nuôi cá trong lồng bè đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. 

Bên cạnh những làng nghề tồn tại và phát triển, một số làng nghề hoạt động không còn phồn thịnh như trước đây, như: gỗ mỹ nghệ, lụa Tân Châu… hoặc đang mai một như nghề vẽ tranh trên kiếng... Nguyên nhân do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, trong khi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống ít cải tiến về mẫu mã. Tình trạng thiếu lao động, tay nghề giỏi nên chất lượng không được nâng lên, giá nguyên vật liệu ngày càng tăng nên sản phẩm khó tiêu thụ. 

Trước tình hình này, thời gian qua, tỉnh An Giang đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, như: đầu tư mua sắm trang thiết bị, tạo sản phẩm công nghiệp và thu hút lao động nông thôn; Tổ chức dạy nghề, truyền nghề tạo ra những mặt hàng chất lượng; Hỗ trợ xúc tiến thương mại. Kết hợp với ngành du lịch để quảng bá sản phẩm làng nghề.

Để bảo tồn và phát huy các nghề và làng nghề truyền thống, tỉnh đã đề ra định hướng năm 2020 tại quyết định số 838/KH-UBND. Quyết định nêu: Tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống hiện có, đồng thời tập trung phát triển sản phẩm đặc thù riêng của từng địa phương. Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh…

Biên soạn
TRƯƠNG MAI HOA

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận