NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TỈNH BẠC LIÊU

 Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam nước ta. Ngoài nông nghiệp, Bạc Liêu còn có thế mạnh kinh tế từ rừng, hải sản, nuôi tôm và chế biến thủy hải sản khô, trong đó, muối và tôm khô rất nổi tiếng. Những nghề và làng nghề ở Bạc Liêu gắn với vùng nguyên liệu địa phương như: làm muối, chế biến khô, đan đát, nghề dệt… Trong đó, có 6 làng nghề nổi tiếng và mang các yếu tố truyền thống như: làng nghề làm muối, làng nghề mộc, làng nghề rèn đã hình thành và tồn tại trên dưới 100 năm; nghề dệt, nghề chế biến thủy sản khô cũng có từ lâu đời và sản phẩm rất được ưa chuộng.

Cánh đồng muối tại tỉnh Bạc Liêu

Những làng nghề tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân và Phước Long. Diện tích làm muối của Bạc Liêu tập trung ở 2 xã Long Điền Đông và Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Làng muối Đông Hải đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Nghề dệt chiếu tập trung ở huyện Hồng Dân và huyện Phước Long được lưu giữ và phát triển. Từ những vật liệu đơn giản, nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ, những sản phẩm chiếu trở nên tinh xảo và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi mẫu mã phong phú, bền và rất đẹp. Đan đát là nghề đã tồn tại lâu đời của người dân ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long. Các sản phẩm chủ yếu là cần xé, mê bồ, thúng, nia, rổ… 

Nghề đan lưới phát triển mạnh ở các huyện Đông Hải, thị xã Giá Rai và thành phố Bạc Liêu phục vụ ngư dân, xuất hiện lâu đời tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân và phát triển mạnh từ những năm đầu thế kỷ 20. Nghề rèn đã tạo ra được nhiều nông cụ, phương tiện phục vụ cho công cuộc khẩn hoang vùng đất Bạc Liêu thuở xa xưa và các dụng cụ phục vụ đời sống gia đình.

Nghề chằm lá dừa nước là nghề truyền thống lâu đời của người dân huyện Hồng Dân, nguyên liệu chính là lá dừa nước, sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu lợp nhà của người dân trong vùng. 

Với các nguyên liệu phong phú có sẵn, nghề làm bánh kẹo ở phường 2, phường 5, nghề làm tương chao phường 5, phường 7, thành phố Bạc Liêu, nghề làm bún, hủ tiếu, làm thủy sản, nông sản khô là những nghề thu hút lao động tại các địa phương này. Hiện nay, các làng nghề này đang từng bước đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng. 

Nhìn chung, các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng về ngành hàng, phát triển chậm, phân tán, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, tiêu thụ chủ yếu cho người tiêu dùng ở địa phương, một số ít phục vụ khách du lịch và một số bán sang các địa phương khác. Hầu hết lao động ở các làng nghề trong tỉnh trình độ học vấn và chuyên môn thấp nên khó khăn khi tiếp cận công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường không cao.

Vì vậy, các làng nghề cần tăng cường công tác đào tạo truyền nghề và tập huấn nâng cao tay nghề. Mặc khác, đới với các hộ sản xuất thiếu vốn lưu động, tỉnh cần có chính sách tài chính và tín dụng cho làng nghề. 
Nhằm bảo tồn và phát huy nghề và làng nghề truyền thống, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra định hướng tại Quyết định 01/2017/QĐ-UBND nêu: Tiếp tục thực hiện “Bảo tồn và phát triển làng nghề” và Quyết định 1415/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2018-2020.

TRƯƠNG MAI HOA


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận