NGHỆ NHÂN LÊ HẢI TRIỀU - và những tác phẩm đặc sắc về giá trị, bền vững lâu dài với thời gian

Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên nằm bên dòng sông Ô Lâu, xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế được hình thành cách đây trên 200 năm. Vào đầu thế kỷ XIX, nơi đây đã tập trung những người thợ chạm tài hoa để chạm trổ nhiều công trình nổi tiếng cho triều đình nhà Nguyễn, khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và lập kinh đô tại Phú Xuân.

Nghệ nhân Lê Hải Triều và các tác phẩm của anh.

Đó là những người thợ không chỉ giỏi nghề mà còn có nhiều sáng tạo từ ý tưởng đến kỹ thuật, mỹ thuật được tuyển chọn để phục vụ hoàng cung. Các cung điện trong Thành Nội được xây dựng, thiết kế khác nhau nhưng đều rất cầu kỳ, sang trọng, cổ kính và uy nghi.

Vì môi trường làm việc rất khắc khe, đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng, tay nghề, điêu luyện để chạm trổ điêu khắc với nhiều kỹ thuật chạm khác nhau. Chính vì vậy, đội ngũ thợ Mỹ Xuyên thông thạo và giỏi về các kỹ thuật chạm, như: chạm lọng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm sâu, chạm cạn, chạm chấm phá, chạm khảm (gỗ trên gỗ) …  Đây là những nét độc đáo của thợ Mỹ Xuyên. 

Nghệ nhân Lê Hải Triều được sinh ra và lớn lên giữa không gian của làng nghề chạm khắc gỗ có nhiều thợ chạm tài giỏi, hình ảnh những bức tượng gỗ sinh động và đẹp mắt sao mà hấp dẫn quá đối với một tâm hồn trẻ thơ ở tuổi cắp sách đến trường.

Năm 1991, Lê Hải Triều vào học nghề tại HTX điêu khắc Phong Hòa, Mỹ Xuyên, Phong Điền, Thành phố Huế. Anh hiểu rằng, để trở thành một người thợ điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên thì phải hội tụ đủ các yếu tố, đó là năng khiếu, ý tưởng sáng tạo, giàu tưởng tượng cùng đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ cao. Vì vậy anh luôn luôn ý thức việc học tập, làm việc siêng năng, chăm chỉ, trao dồi nghề và học hỏi kinh nghiệm từ lớp đàn anh. 


Để tiếp tục học nghề, anh trải qua nhiều cơ sở điêu khắc, vừa học vừa làm. Năm 1992 anh theo người cậu, là một nghệ nhân điêu khắc ở khu vực Cộng Hòa Tân Bình TP. Hồ Chí Minh học và thực hành. Sau đó anh lại theo học với một nghệ nhân chuyên về chạm khắc tượng Phật ở Hóc Môn trong suốt 6 tháng. Rồi lại tiếp tục học với nghệ nhân Lê Thừa Lộc ở Phú Nhuận trong hơn 1 năm. Ở mỗi cơ sở anh đã học hỏi được ở những người thầy của mình những kỹ thuật và kinh nghiệm của nghề, điều này giúp anh nhanh chóng trưởng thành.

Năm 1997, Triều bắt đầu làm việc cho một công ty Hàn Quốc tại Tân Bình, chuyên về các sản phẩm tượng Phật với vai trò thiết kế và quản lý. Những năm tháng làm tại đơn vị này, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý trong quản lý và thiết kế. Thực tiễn thực hành đòi hỏi chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của khách hàng, đã giúp anh tay nghề ngày một nâng lên. 

Năm 2012, sau 15 năm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, anh đã mở cơ sở riêng tại Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Nơi đây anh đã tự do thả ý tưởng vào những tác phẩm do mình sáng tác. Một nhà xưởng với trên 25 anh em cộng sự là những thợ giỏi nghề đã tạo ra nhiều tác phẩm giá trị. Những tác phẩm do cơ sở Hải Triều được khách hàng ưa chuộng đánh giá cao về chất liệu gỗ, kỹ thuật chạm khắc, thần thái nhân vật.

Chủ đề sáng tác của Triều không đóng khung mà được mở rộng như: tượng thờ tôn giáo, phong thủy, các nhân vật trong văn học, lịch sử, các anh hùng dân tộc, phong cảnh quê hương… Cho dù sáng tác theo chủ đề nào anh cũng rất tâm huyết và đặt tất cả tâm tư, tình cảm của mình vào, để bức tượng từ những khúc gỗ vô tri trở nên sống động, có hồn.

Có thể nói, từ những người thợ điêu khắc Mỹ Xuyên trước đây với đồ nghề gọn nhẹ để trong cái tráp nhỏ, mang theo mình đến nơi làm việc, nay những người thợ điêu khắc Mỹ Xuyên, trong đó có Nghệ nhân Lê Hải Triều đã có một tay nghề vững vàng, có một cơ sở sản xuất và trưng bày sản phẩm của riêng mình, và những tác phẩm đặc sắc về giá trị, bền vững lâu dài với thời gian.

THUẬN NGUYỄN


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận