Bản thảo một tiểu luận: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (9)
PHẦN I: NGHỀ THỦ CÔNG VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI.
1- Tinh thần nghề thủ công trong sản xuất, kinh doanh hiện đại:
Chương này sẽ rất dài nếu tôi cố gắng mô tả đầy đủ về nghề thủ công của Việt Nam và thế giới vì đã có các nỗ lực của nhiều người viết về nội dung này. Tuy nhiên tôi cũng dành một phần để bạn đọc bao quát được một khung cảnh chung về nghề thủ công của Việt Nam và một số nước tiêu biểu ở các châu lục hoặc vùng lãnh thổ khác nhau có di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống phong phú. Tôi cố gắng không để bài viết đi quá xa khi sa đà vào quy mô, sự đa dạng của nghề thủ công. Tôi sẽ chú ý đến các giá trị của nghề thủ công và làng nghề, đặc biệt là các giá trị đó đã thích nghi trong nền kinh tế và xã hội hiện đại như thế nào.
Do có sự khác biệt về quan niệm, nhận thức nên không phải tất cả các nước đều diễn giải về di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công giống nhau. Nhà triết học và xã hội học người Mỹ gốc Ba Lan, Florian Znaniecki trong cuốn sách “Thực tế văn hóa” (1919) lần đầu tiên đưa ra khái niệm “chủ nghĩa văn hóa” (chủ nghĩa nhân văn mới hay chủ nghĩa nhân văn của Znaniecki) là tầm quan trọng trung tâm của văn hóa với tư cách là lực lượng tổ chức trong các công việc của con người. Nó cũng được mô tả như là một cách tiếp cận bản thể học nhằm loại bỏ các tính chất nhị phân đơn giản giữa các hiện tượng dường như đối lập nhau như tự nhiên và văn hóa. Cách tiếp cận này cho phép ông “định nghĩa các hiện tượng xã hội trong các thuật ngữ văn hóa”. Trong số các khía cạnh cơ bản của triết học chủ nghĩa văn hóa có hai phạm trù: giá trị và hành động và “Giá trị là phạm trù chung nhất của sự mô tả thực tại.” Ông lưu ý rằng “văn hóa của chúng ta định hình cách nhìn của chúng ta về thế giới và suy nghĩ của chúng ta”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “mặc dù thế giới được cấu tạo từ các hiện vật vật chất, nhưng chúng ta không thực sự có khả năng nghiên cứu thế giới vật chất ngoài việc thông qua lăng kính văn hóa”. Logic văn hóa và đặc điểm văn hóa trong tư tưởng của Znaniecki vốn có trong chính nguyên tắc của sự phát triển sáng tạo của văn hóa, làm tăng thêm tầm nhìn của ông về một nền văn minh mới trong tương lai và một xã hội văn hóa thế giới.
Một ví dụ rất gần với những người khi đi du lịch, việc diễn giải di sản là một phần quan trọng trong cách du khách trải nghiệm những nơi họ đến thăm, cho dù đó là một thành phố hay vùng nông thôn, di tích lịch sử, di tích văn hóa, bảo tàng hay một chế tác thủ công mỹ nghệ. Việc giải thích tốt về di sản sẽ mang lại cho du khách cảm giác được kết nối, truyền cảm hứng và sự sống động tạo ra sự tò mò và giúp họ hiểu rõ hơn về một địa điểm đến hoặc bộ sưu tập trong bảo tàng.
Diễn giải là giải thích sự phức tạp. Đó là một cách tiếp cận có phương pháp nhằm mục đích phát hiện những đặc điểm đặc biệt của một khu vực văn hóa hoặc lịch sử. Diễn giải di sản cũng là khám phá, phát hiện những kiến thức và ý nghĩa ẩn đằng sau bề mặt của các địa điểm di sản văn hóa, sản vật, thiên nhiên hoặc các biểu hiện văn hóa khác, tìm thấy các ý tưởng trung tâm được sử dụng để liên kết những giai thoại xung quanh một địa điểm, hiện vật…, biến chúng thành một câu chuyện mạch lạc. Những câu chuyện này nhiều khi không chỉ về bất cứ điều gì nhưng chúng có liên quan đến một cái gì đó như một sự cảm nhận trực tiếp, giúp du khách thiết lập kết nối với di sản. Một sự tiếp cận thành công có thể khơi gợi trí tò mò của họ, kích thích trí tưởng tượng của họ, hoặc khuyến khích họ suy nghĩ hoặc hành xử theo những cách cụ thể.
Nói về giá trị nghề thủ công, thường các nhà nghiên cứu phân tích cả phần phi vật thể và phần biểu hiện vật chất bên ngoài, tuy nhiên chúng không giống như hai mặt của một đồng tiền. Nắm bắt được cả hai giá trị nội tại và ngoại tại của hàng thủ công mỹ nghệ phụ thuộc vào người chơi, tức là phụ thuộc vào sở thích, lối sống, vốn văn hóa cá nhân. Họ cần được giải thích. Trên bình diện quốc tế cũng vậy, nhiều quốc gia định nghĩa nghề thủ công cũng tùy thuộc vào quan niệm về văn hóa của họ, thậm chí một vài nước, họ xem hàng thủ công mỹ nghệ như những vật lưu niệm hoặc một món hàng để bán như các lại hàng hóa thông thường. Trong khi đó, những quốc gia như Việt Nam, Trung quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… xem hàng thủ công là những biểu hiện văn hóa, là vật trung gian để kết nối các thế hệ, kết nối quá khứ với hiện tại và kết nối giữa người với người.
![]() |
Nội thất xe Lexus được thiết kế đựa trên nghề thủ công và sản xuất thủ công tạo nên sự sang trong, đẳng cấp và giá bán cao. |
Japanese Woodworking Tools: Their Tradition, Spirit and Use - Công cụ chế biến gỗ của Nhật Bản: Truyền thống, Tinh thần và Sử dụng – là cuốn sách của Toshio Odate (Nhật). Trong đó ông viết: “Từ shokunin trong tiếng Nhật được cả từ điển tiếng Nhật và Nhật - Anh định nghĩa là “thợ thủ công” hoặc “nghệ nhân”, nhưng mô tả theo nghĩa đen như vậy không thể hiện đầy đủ ý nghĩa sâu xa hơn. Người học việc Nhật Bản được dạy rằng shokunin không chỉ có nghĩa là có kỹ năng kỹ thuật, mà còn bao hàm thái độ và ý thức xã hội. … Shokunin có nghĩa vụ xã hội là làm việc hết sức mình vì lợi ích chung của người dân. Nghĩa vụ này vừa mang tính chất tinh thần vừa mang tính vật chất, ở chỗ, dù là gì đi nữa thì trách nhiệm của shokunin là phải hoàn thành yêu cầu.”
Nói tóm lại, shokunin có nghĩa là “thông thạo một nghề”, sự cống hiến cho nghề của mình. Jiro Ono, một đầu bếp, cùng với nhiều chuyên gia Nhật Bản, chia sẻ tinh thần này, tinh thần của những người thợ thủ công, thúc đẩy tinh thần làm việc và kỷ luật của họ. Bất kể làm nghề gì, nếu một người hành động với sự tận tâm và tự hào về công việc của mình, họ có thể đạt được shokunin. “Một khi bạn đã quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình, bạn phải đắm mình trong công việc của mình”, Jiro Ono nói. (vi.wikipedia.org/wiki/Ono_Jiro_(%C4%91%E1%BA%A7u_b%E1%BA%BFp).
Nhiều du khách phương Tây bị cú sốc văn hóa khi va chạm với “Shokunin”, tinh thần thủ công của người Nhật. Nếu bạn ăn sushi không đúng cách, người đầu bếp sẽ nổi giận quát: “Nếu đó là cách bạn định ăn, đừng đến đây! Hãy dọn dẹp ngay bây giờ!”. Nếu bạn nghĩ Nhật Bản là một đất nước mà khách hàng là thượng đế thì điều này sẽ cho bạn thấy một khía cạnh hoàn toàn khác, một khía cạnh mà trước đây bạn không thể tưởng tượng được. Ngay cả một vị vua đôi khi cũng có thể gặp bất hạnh khi đụng phải một tay đầu bếp cửa hàng Nhật khó tính? Bất kỳ nhân viên bán hàng nào cũng không coi trọng tầm quan trọng của khách hàng.
Một trong những gía trị quan trọng nhất trong đạo đức làm việc của mọi người Nhật là Shokunin. Theo cách hiểu hiện tại, đó là “niềm tự hào và sự thành thạo trong nghề nghiệp của một người”. Đây cũng là một trong những nền tảng của dịch vụ Nhật Bản và văn hóa kinh doanh Nhật Bản ngày nay. Từ này rất khó dịch vì nó truyền tải toàn bộ triết lý làm nổi bật một số khác biệt văn hóa rõ rệt nhất giữa Nhật Bản và các nước khác trong kinh doanh. Shokunin cũng có nghĩa là mọi người trong mọi công việc đều phải tham gia cùng một lúc với ý thức xã hội, nghĩa vụ công dân và nghề thủ công. Shokunin áp dụng cho tất cả người lao động, không loại trừ ai, ở mọi cấp độ xã hội, từ giám đốc điều hành đến đầu bếp sushi và cho đến người rửa bát. Trong trường hợp này, giá trị thủ công là văn hóa của người Nhật, một phẩm chất mà người Nhật. Tinh thần shokunin là hành trình hướng tới sự hoàn hảo và tính tập thể.
Báo chí trong nước khi đưa tin về Lexus LS 500 2018 đa số tập trung vào các tính năng vượt trội của đời xe Lexus này. Tuy nhiên, đối với nhà sản xuất thì video dưới đây mới là trọng tâm truyền thông của họ để nói về đẳng cấp của dòng xe này: cao cấp, sang trọng, thanh lịch, tôn vinh văn hóa người sử dụng. Video về nói về các “Takumi Master” dài 60.000 tiếng. Hãng xe Nhật Bản này cho biết cần 10.000 giờ để đào tạo một người thành chuyên gia, nhưng cần tới 60.000 giờ để người đó thành nghệ nhân. Lexus gọi những người chế tác xe là Takumi Master, nghĩa là nghệ nhân bậc thầy. Takumi là từ tiếng Nhật chỉ “nghệ nhân”, thường dùng để mô tả khi một kỹ sư có tay nghề cao và chế tác xe thủ công. Hãy hình dung, 60.000 tiếng tương đương với 8 tiếng làm việc mỗi ngày trong 30 năm nếu mỗi năm làm việc 250 ngày thì danh hiệu nghệ nhân tại Nhật phải gian khổ biết chứng nào. Video là câu chuyện của bốn nhóm nghệ nhân “Takumi Master” trong các lĩnh vực khác nhau có tâm huyết và nghệ thuật của tay nghề thủ công xuất sắc. Trong nhà máy khổng lồ Kyushu của Lexus chỉ có 12 Takumi chịu trách nhiệm về độ chính xác chi tiết của từng đường may, trang trí kính Kiriko, kỹ năng gấp giấy Origami và gỗ mỹ nghệ. Những kỹ năng điêu luyện của những Takumi góp phần tạo nên chất lượng cao của mỗi chiếc xe Lexus. Lexus đang nhấn mạnh một giai đoạn tiến xa hơn khi kết hợp truyền thống văn hóa và thẩm mỹ Nhật Bản với thiết kế đương đại và công nghệ tiên tiến. Bản tin này được đưa trên nhiều trang web của nhà sản xuất và báo chí quốc tế đưa lại.
Dưới đây là video “Takumi - câu chuyện dài 60.000 giờ về sự tồn tại của nghề thủ công” (Bản rút gọn).
Giá trị của nghề thủ công không chỉ là các tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn hình thành một trong những khái niệm quan trọng nhất trong đạo đức làm việc của người Nhật. Tôi cũng gọi đó là tinh thần thủ công, tinh thần thủ công giúp xã hội tốt đẹp, công việc được hoàn thành xuất sắc hơn... Những người thợ thủ công xuất chúng luôn nỗ lực truyền lại niềm đam mê và kỹ năng của họ, đảm bảo rằng kiến thức tập thể hàng thế kỷ được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Trong thế giới sản xuất hàng loạt ngày nay, những sản phẩm có mức độ ting xảo, chi tiết và kỹ năng đã trở thành một mặt hàng hiếm và được săn lùng đối với những người coi trọng chất lượng thực sự.
Tinh thần thủ công phương Đông là như vậy. Còn phương Tây thì sao?
(Còn tiếp)
NGUYỄN LỰC
0 Bình luận