Bản thảo một tiểu luận: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (10)

 2- THỦ CÔNG LÀ SANG TRỌNG, CHẤT LƯỢNG SỰ XA HOA LÀ THỦ CÔNG.  

Thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam (với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…), Úc, Hàn Quốc… Hàng TCMN xuất khẩu chủ yếu bao gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và các bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu- khoảng 15 USD/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược. 

Ảnh minh họa

Một trong những giải pháp cơ bản để phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ là nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu đảm bảo đầu ra ổn định cho các mặt hàng TCMN. 

Ngành TCMN cần xác định định hướng chiến lược xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giai đoạn 2021 – 2025 là Nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành gắn với xúc tiến thương mại, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực – Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025. (moit.gov.vn) 

Nội dung trích dẫn trên nêu ra 3 vấn đề: (1) thị trường xuất khẩu đa số là các nước phát triển và nhóm hàng thủ công xuất khẩu chủ lực là hàng thời trang và phụ kiện; (2) phát triển bền vững ngành hàng thủ công mỹ nghệ; và (3) tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. 

3 điểm trên là những nội dung lớn nhưng chưa được giải thích rõ ràng và cách thức làm thế nào để đạt được các yêu cầu đề ra. Chúng ta cần tìm hiểu và có các hành động cụ thể như thế nào để đạt được các nội dung trên. Bài này phân tích điểm 3, là điểm quan trọng, vì giải quyết được nội dung này, nó sẽ bao hàm cả điểm 1 và 2. 

1.1- Không được xem thường những thay đổi của xu hướng tiêu dùng hàng cao cấp: 

Có lẽ đây là lần đầu tiên câu hỏi “What is Luxury - xa xỉ, xa hoa, sang trọng, cao cấp là gì?” được nêu ra bằng hình thức trực quan với sự chuẩn bị công phu và cẩn thận. Vào vào năm 2015, Bảo tàng Victoria và Albert ở Luân Đôn, là bảo tàng nghệ thuật trang trí và ứng dụng lớn nhất thế giới, đã tổ chức một cuộc triển lãm kéo dài 5 tháng với tiêu đề “Luxury là gì?”, giới thiệu hơn 100 đồ vật đại diện cho nghề thủ công và thiết kế đương đại. Đó là những đồ vật "xa xỉ", từ viên kim cương đến đồ nội thất và phụ kiện trang trí, cũng như nhiều dự án và ý tưởng để công chúng trực tiếp nhìn và hiểu như thế nào sự sang trọng, xa xỉ. 

Trả lời câu hỏi “Luxury là gì?”, đồng giám tuyển cuộc triển lãm Jana Scholze nói với Tạp chí Dezeen danh giá “Dựa trên sự hiểu biết về nghề thủ công này và sử dụng nó như một lăng kính để khám phá một chủ đề rộng lớn hơn. Chủ đề rộng hơn mà triển lãm đề cập đến bao gồm thị trường hàng xa xỉ đang bùng nổ, tăng từ 153 tỷ đô la vào năm 2009 lên 223 tỷ đô la vào năm 2014 riêng tại Anh, trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của giới học thuật, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu cả những mong muốn của người tiêu dùng ở các quốc gia mới giàu có và mở cửa, và phát triển một định nghĩa ngày càng vô hình về sự xa xỉ bao gồm mong muốn về không gian và thời gian. Scholze cũng cho biết: “Với tư cách là một tổ chức công, điều quan trọng là phải mở rộng các cuộc thảo luận về hàng xa xỉ ngoài các chủ đề hiện đang thống trị như chỉ tập trung vào tiêu dùng, thị trường xa xỉ, ngành và thương hiệu mà khuyến khích nhiều hơn những suy nghĩ về tầm quan trọng của sự xa xỉ trong cuộc sống cá nhân của chúng ta và trong xã hội nói chung”. “Đối với một số người, sự sang trọng có thể là uống trà từ một chiếc cốc được thiết kế cẩn thận để làm nổi bật hương vị một cách tốt nhất; đối với những người khác, họ đang lướt xem đá quý với con cái của họ”, Jana Scholze nói thêm. Một viên đá tráng vàng là một trong hơn 100 vật thể được trưng bày trong triển lãm, được sắp xếp xoay quanh bốn chủ đề chính: Tạo ra sự sang trọng; Không gian - thời gian; Tương lai cho sự sang trọng và Sự sang trọng của bạn là gì? Như tiêu đề và hiện vật trưng bày cho thấy, triển lãm muốn mở ra cuộc tranh luận về ý tưởng, định nghĩa và các mối quan hệ của sự xa xỉ trong điều kiện hiện tại. 

Triển lãm thực sự gây được tiếng vang khắp thế giới. Nó cho thấy sự đánh giá cao về sự sáng tạo và giá trị thủ công và hàng xa xỉ không chỉ đơn giản là sao chép các đồ vật từ kho lưu trữ của bảo tàng. Có nhiều thứ để làm thủ công các hàng hóa xa xỉ hơn là tạo ra những thứ dành cho những người giàu có - đó là sự đánh giá cao về chất liệu, quy trình và không gian, thời gian. Sự chọn lọc cẩn thận bởi bảo tàng nổi tiếng này làm nổi bật sự pha trộn giữa quyến rũ với thiết kế tiên tiến; di sản với các quá trình đương đại và các ý tưởng tương lai với các kỹ thuật trong văn hóa. 

Thủ công làm hàng cao cấp là một sự đầu tư vào thời gian và quy trình. Điều này không chỉ áp dụng cho thời gian làm một đồ vật mà còn cho quá trình hoàn thiện các kỹ năng; ví dụ, một người có thể biến gỗ đã dành nhiều năm để làm chủ quy trình và tinh chỉnh phong cách của riêng họ. Những người thợ thủ công làm hàng sang trọng, cao cấp đặc biệt lấy cảm hứng từ vật liệu và nắm vững bí quyết chế tác chúng, và do bản chất ham tìm hiểu, khám phá của nghề thủ công khiến họ dành nhiều ngày, nhiều tuần thậm chí là nhiều tháng để làm chủ một tác phẩm thiết kế sang trọng. 

Chất liệu rất quan trọng đối với một chế tác thủ công sang trọng. Lựa chọn vật liệu gì đó có thể dùng lâu dài, thân thiện, độc đáo và sáng tạo là chìa khóa để tạo ra thứ gì đó có sự khác biệt. Phần lớn các thiết kế phải là độc đáo, độc bản, độc quyền, cá nhân, khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Làm cho sản phẩm, hay một cá nhân trở nên sang trọng không phải là quan tâm đến các giải pháp thực tế mà là chú trọng những điều phi thường và độc quyền. Điều đó cũng có nghĩa là làm ra thứ gì đó để được chọn, sẽ tồn tại lâu dài trong nhà khách hàng, hình thành phong cách của họ. Những tác phẩm được làm thủ công đẹp mắt là những món đồ được tạo ra cho không gian đầy phong cách và thể hiện một phong cách sống đương đại.
 
Tháng 12 năm 2018, BBC đăng bài viết với tựa đề là một câu hỏi tương tự nhưng nhấn mạnh đến sự bền vững của ngành công nghiệp xa xỉ. Câu hỏi tác giả đặt ra là “Bây giờ xa xỉ có nghĩa là gì?”. Nhà báo chuyên về thời trang Libby Banks viết: Thái độ đang thay đổi về chất lượng thực sự có ý nghĩa như thế nào trong thời trang. Từ “da thuần chay” đến rác thải đại dương, tất cả đều hướng đến tính toàn vẹn và bền vững. Nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề bền vững đang thay đổi nhanh chóng, trong cách thức cũng như những gì họ mua. Theo truyền thống, ngành công nghiệp xa xỉ đã sử dụng khói màu, “hỏa mù” như một cách để tạo ra sự huyền bí và kích thích sự ham muốn của người tiêu dùng, nhưng thế hệ trẻ ngày nay là những người tiêu dùng lớn về hàng xa xỉ lại kỳ vọng và yêu cầu sự minh bạch. Thế hệ Millennials (sinh từ 1981 – 1996, từ 30 -40 tuổi) rất quan trọng đối với ngành hàng xa xỉ. Họ là thế hệ đông nhất thế giới và sức mạnh chi tiêu toàn cầu của họ lớn hơn bất kỳ thế hệ nào khác, theo dự báo của World Data Lab. Theo báo cáo năm 2018 của Nielsen, một công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ và Hà Lan. Nielsen hiện đang hoạt động trên 100 quốc gia trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam), cho rằng thế hệ Millennials cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa bền vững. Một báo cáo gần đây của Deloitte (Bốn ông lớn về kiểm toán, cũng đang có mặt tại TP Hồ chí Minh) về những người mua sắm xa xỉ trẻ tuổi cho thấy gần một phần ba đã xem xét thông tin đạo đức của thương hiệu trước khi mua hàng. Để quyến rũ người tiêu dùng xa xỉ mới, ngành công nghiệp xa xỉ phải thay đổi. “Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ Millennials, những người đang là động lực tăng trưởng của nhu cầu xa xỉ, ngày càng nhận thức rõ hơn và tham gia vào các vấn đề bền vững. Do đó, các lựa chọn về tính bền vững đang ảnh hưởng nhiều hơn đến hành vi mua hàng của họ,” Mario Ortelli, nhà tư vấn ngành hàng xa xỉ cho biết. (bbc.com/culture/article/20181210-what-does-luxury-mean-now). 

Do sản xuất dựa vào kiến thức truyền thống, kỹ năng thủ công, nguyên liệu địa phương, phế liệu từ nông nghiệp…, các sản phẩm thủ công góp phần quan trọng đáp ứng các nhu cầu xã hội một cách bền vững. Xem thêm bài của Nguyễn Vân trong trang này: sangkienthucongquocgia.org/2021/03/di-san-van-hoa-phi-vat-nghe-thu-cong.html.

Trong chuyên khảo 12/2018 của Hiệp hội dệt may quốc tế (ITAA, là một hiệp hội giáo dục chuyên nghiệp bao gồm các học giả, nhà giáo dục và sinh viên trong các ngành dệt, may mặc và buôn bán hàng dệt may trong giáo dục đại học) có tựa đề “Về tương lai của hàng cao cấp”, do các GSTS Jana M. Hawley, Đại học Bắc Texas, Nancy Cassill, Đại học Bang North Carolina và Kristie McGowan, Đại học Bang North Carolina cùng biên soạn, cho thấy ngành công nghiệp xa xỉ trị giá 1,15 nghìn tỷ USD đã có sự tăng trưởng và thay đổi chưa từng có trong thập kỷ qua. Bao gồm ba lĩnh vực: cá nhân (may mặc, giày dép, phụ kiện), vận tải (ô tô, hàng hải, máy bay cá nhân) và trải nghiệm (nhà ở, hàng nội thất, khách sạn, nghệ thuật, quản lý thể thao). Ngành công nghiệp xa xỉ là rất đa dạng. Dệt, may đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực xa xỉ. 

Xa xỉ là một ngành công nghiệp được xây dựng lâu đời trong lịch sử, tập trung vào sự quý hiếm, xuất sắc, đắt tiền và trường tồn với thời gian. Tuy nhiên, trọng tâm hiện đang chuyển sang các yếu tố mà cho đến gần đây vẫn bị đặt ở ngoại vi, đó là: tính xác thực, tính độc đáo, thú vị và trải nghiệm của sản phẩm ngành này (lưu ý đây lại là thuộc tính của nghề thủ công, tôi sẽ có các bài khác về các vấn đề này ví dụ tính xác thực không chỉ là nguồn gốc vật liệu như trích dẫn bài báo trên- NL). Sự thay đổi trọng tâm này cũng dẫn đến sự thay đổi trong người tiêu dùng xa xỉ, đang phát triển vượt ra ngoài thị trường giàu có truyền thống. Những thay đổi này đang được thúc đẩy bởi nhiều hoàn cảnh, đáng chú ý nhất là cuộc cách mạng kỹ thuật số. Kỹ thuật số đang làm thay đổi một ngành công nghiệp hái ra tiền mà còn thay đổi người tiêu dùng cuối cùng và sở thích đi kèm. Những thay đổi trong ngành công nghiệp xa xỉ (hay là ngành hàng cao cấp) đòi hỏi một cách tiếp cận mới để suy nghĩ, phục vụ và trải nghiệm sự xa xỉ. 

Sự sang trọng, xa xỉ đã được xác định là “thứ gì đó làm tăng thêm niềm vui hoặc sự thoải mái nhưng không hoàn toàn cần thiết” (Merriam-Webster, 2018). Việc sử dụng thuật ngữ xa xỉ lần đầu tiên được biết đến là vào khoảng thế kỷ 14, khi việc trải nghiệm quần áo bắt đầu. Trong thời trung cổ, các tầng lớp công dân trong xã hội được quy định dựa trên kiểu quần áo mặc để giữ cho chúng không bị phù phiếm. Loại luật xa xỉ này là đặc biệt phổ biến ở các nước Châu Âu như Anh, Hy Lạp và Ý (tương tự như Việt Nam thời phong kiến quy định sắc phục cho các tầng lớp từ vua quan đến thứ dân). Nó được thực thi để ngăn mọi người thể hiện sự xa hoa và để củng cố thứ bậc và địa vị cho những người cực kỳ giàu có (Who Wears What I, 2018). Người Pháp định nghĩa “xa xỉ” là "ham muốn" hoặc đôi khi là "đồi truỵ". Nó được coi là tiêu cực khi sống, tiêu dùng vượt quá nhu cầu. Người La Mã coi sự sang trọng như một “sức mạnh phá vỡ ham muốn”. Đến thế kỷ 17, định nghĩa về sự sang trọng dịch chuyển, các kênh phân phối được mở ra, cơ hội giao dịch các sản phẩm mới lạ hơn. Tơ lụa, đường và gia vị là những mặt hàng xa xỉ và được coi là không cần thiết. Các cửa hàng đã phát triển từ sự phát triển giao thương mở rộng định nghĩa này, tạo ra quần áo đặt làm riêng và các chợ lụa đầy ắp. Với các kênh giao thông thông thoáng, châu Á trở thành nguồn cung cấp hàng hóa xa xỉ và sự tăng ham muốn hàng xa xỉ trong người tiêu dùng các lục địa khác.

Tuy nhiên ngày nay, các quốc gia châu Âu là những quốc gia đã từng bắt buộc mọi người mặc gì theo quy định khắc khe, thì nay chính là các quốc gia sản xuất phần lớn các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng. Khoảng 75% hàng xa xỉ được sản xuất tại Châu Âu cho nhu cầu về hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Các biến cố lớn, chẳng hạn như chiến tranh và suy thoái kinh tế, đã thay đổi quá trình cung cấp và mua hàng xa xỉ, khái niệm xa xỉ đang trở nên khó định nghĩa (cũng có nghĩa là hàng cao cấp khó định nghĩa). Một sản phẩm hoặc tên thương hiệu được coi là xa xỉ bởi một người tiêu dùng này có thể không được nhìn nhận bởi một nhóm người tiêu dùng khác. Khi sự sang trọng liên tục được định nghĩa lại nhưng đích đến của nó là hướng tới các thuộc tính cảm xúc của các sản phẩm xa xỉ, cao cấp. Sự sang trọng, xa xỉ giờ đây tập trung hơn vào các kết nối cảm xúc phi vật thể thông qua trải nghiệm hơn là về hàng hóa và sản phẩm hữu hình (Lược sử về sự sang trọng năm 2014). Loại hàng xa xỉ ngày nay bao gồm giúp, tạo ra các biểu hiện nhận thức về bản thân, sự hài lòng và sự tự tin (Murray, 2016). Hàng hóa nhập khẩu thúc đẩy người tiêu dùng quan tâm đến các mặt hàng khác nhau, mới lạ hơn. Do đó mong muốn đối với các mặt hàng xa xỉ đã được nâng cao bởi sự đi tìm tính cá nhân (Berg, 2004). Trong thời kỳ khởi đầu của hàng xa xỉ (tức là, từ đầu những năm 1800), hàng hóa đã được nhìn thấy rõ ràng (hoặc được dán nhãn) dành cho giới thượng lưu. Giá cao vốn đã khiến hàng hóa không thể tiếp cận được đối với tầng lớp trung lưu và thấp hơn. Ngoài ra, quảng cáo và tiếp thị được thực hiện nghiêm ngặt nhằm tác động đến những người có xu hướng mua hàng xa xỉ. Sự ra đời của những người nổi tiếng và các phương tiện thông tin đại chúng đã thay đổi cách nhìn của công chúng về các mặt hàng xa xỉ. Việc mua hàng xa xỉ thực tế tập trung nhiều hơn vào một phần của hàng hóa xa xỉ, rõ nhất là một số mặt hàng dễ nhìn thấy như ô tô, ví hoặc một món đồ trang sức được quảng cáo hoặc được đeo hoặc sử dụng bởi một người nổi tiếng là một trong những cách mua “quen thuộc”. Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử các nhà sản xuất xa xỉ đã thay đổi cách thức mà họ quảng bá hàng hóa của họ. Trước những năm 1800, việc quảng cáo diễn ra rời rạc, lịch sự và tinh vi. Bắt đầu từ những năm 1990, những người nổi tiếng được thuê để đeo trang sức, lái ô tô hoặc mặc đồ, cầm túi xách tay của một nhà thiết kế đi dạo trên Đại lộ Park. Sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức quảng bá các thương hiệu cao cấp này cũng đòi hỏi các nhà sản xuất ngày càng tìm ra nhiều cách để bảo vệ thương hiệu khỏi bị giả mạo. Đây là sự đánh dấu giữa thời kỳ doanh thu cao ngất của các hãng sản xuất hàng cao cấp và sự đau đớn do thị trường bão hòa. 

Ngành công nghiệp thời trang xa xỉ cung cấp cho khách hàng toàn cầu các sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, thực tế là thị trường này đang thay đổi (Okonkwo, 2017). Các nhà sản xuất hàng xa xỉ cao cấp và các nhà bán lẻ đang áp dụng một quyết định kinh doanh mang tính chiến lược mà trước đây được coi là không thể tưởng tượng được; họ đang trở nên dễ tiếp cận hơn thông qua thương mại điện tử, thiết kế tùy chỉnh phù hợp với phong cách sống và tiếp cận rộng rãi hơn các phân khúc thị trường (Okonkwo, 2017). Đó là một sự cân bằng tinh tế mà các nhà sản xuất và bán lẻ hàng xa xỉ phải vật lộn. Họ cố gắng duy trì hình ảnh thương hiệu độc quyền đồng thời tăng nhận thức về thương hiệu, phát triển thị phần và kích thích bán hàng (Kastanakis & Balabanis, 2012). Hàng hóa xa xỉ, cao cấp đã từng chỉ trưng bày và bán ở những tòa nhà bán lẻ xinh đẹp được trang trí bằng sàn đá cẩm thạch, có người gác cửa và những chiếc ghế bọc nhung. Ngày nay bất kỳ người tiêu dùng nào, với quyền truy cập Internet, bạn có thể đấu giá một chiếc túi xách Gucci hoặc LV trên ebay.com. Nếu bạn chỉ muốn sang trọng tạm thời một vài lần thì vào bagborroworsteal.com và milaandeddie.com thì giúp các cá nhân cảm thấy giàu có ngay cả khi chỉ vì cần một vài tuần sang trọng (Okonkwo, 2017). Khi thị trường xa xỉ thay đổi, chiến lược đa dạng hóa đã dẫn đến việc phụ thuộc nhiều vào một danh mục sản phẩm túi xách, ví. Thị trường túi xách toàn cầu cực kỳ quan trọng và mang lại nhiều lợi nhuận. Nó được ước tính rằng những phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu ham muốn biểu hiện sự sang trọng thường sở hữu những chiếc túi xách sang trọng khoảng 1.380 đô la. Túi xách của họ được coi là khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, cũng chính những người phụ nữ này, không chi tiêu quá mức cho quần áo sang trọng (Cynanthia, Wang và Kennon, 2016). Việc mua lại, đấu giá các mặt hàng thời trang xa xỉ từng thuộc về những người tiêu dùng cực kỳ giàu có và / hoặc có uy tín. Ngày nay, những người tiêu dùng trẻ có ý thức về thời trang khi mua các nhãn hiệu LV, Gucci và Chanel (Husic-Hehmediovic & Cicic, 2009). Hàng hóa đang được sử dụng để đáp ứng nhiều ham muốn khác nhau, từ định hướng cá nhân (ví dụ: động cơ cá nhân) và / hoặc định hướng xã hội (ví dụ, biểu tượng địa vị, uy tín, cảm giác được ở trong một nhóm tham chiếu) (Husic-Hehmediovic & Cicic, 2009; Nwankwo, Hamelin & Khaled, 2014; Tsai, 2005). 

Một tác dụng phụ tiềm ẩn của việc mở rộng sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với các mặt hàng xa xỉ là việc chiết xuất thương hiệu (the distillation of the brand, khái niệm về xây dựng thương hiệu chưa phổ biến ở Việt Nam, nghĩa là phân tách bản chất đặc sắc của sản phẩm hoặc doanh nghiệp và sử dụng chúng để tạo ra những trải nghiệm thương hiệu thuần túy, mở rộng khả năng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của trải nghiệm thương hiệu của khách hàng). Thị trường xa xỉ, từng được xác định là một ngành công nghiệp khó tiếp cận, hiện đang được tiếp cận bởi nhiều người thuộc thị trường đại chúng (Nueno & Quelch, 1998; Yeoman & McMahon-Beattie, 2006). Điều này có nghĩa là bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ cũng có thể tham gia vào thị trường này. Người tiêu dùng trẻ tuổi trở thành phân khúc thị trường hàng xa xỉ phát triển nhanh nhất (Halpert, 2012). Nhưng nhóm người tiêu dùng trẻ và lớn nhất này lại sẵn sàng tiết kiệm trong một vài lĩnh vực mua các mặt hàng xa xỉ, ví dụ họ mua túi xách, nhưng đắn đo khi mua quần áo (Twitchell, 2003). Điều này giải thích vì sao báo cáo của Bộ Công thương về những mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và các bộ phận. Thị trường xa xỉ cũng liên quan đặc biệt với các giới tính và chủng tộc khác nhau (Nwankwo, Hamelin & Khaled, 2014). Vì vậy, còn một câu hỏi đặt ra là những người tiêu dùng cao cấp lớn tuổi có phù hợp với kế hoạch chiến lược không và họ ở đâu? Lưu ý rằng nhóm này cung cấp cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ hàng cao cấp vượt quá 50% doanh số toàn cầu. Người tiêu dùng xa xỉ lớn tuổi vẫn cực kỳ phù hợp và quan trọng (Roberts, 2014). 

Hàng cao cấp cũng bị làm giả? Gucci, Chanel và Louis Vuitton không chỉ nằm trong số những thương hiệu xa xỉ hàng đầu trên thế giới, họ còn nằm trong danh sách các mặt hàng may mặc và phụ kiện bị làm giả nhiều nhất. Làm giả là hoạt động kinh doanh lớn (Liên minh chống hàng giả quốc tế, iacc.org). Ý tưởng sao chép thiết kế hàng cao cấp có từ thời Charles Frederick Worth, người có công thành lập nhà thiết kế đầu tiên vào năm 1858 tại Paris, Worth đã may các nhãn có chữ ký trong các sáng tạo của mình để khách hàng biết họ đang mua hàng chính hãng đích thực, nhưng nhu cầu cao về thương hiệu thời trang cao cấp của anh ấy đã dẫn đến thị trường hàng nhái và hàng giả của các nhà thiết kế kinh doanh hàng may mặc (Krick, 2004).Vào đầu những năm 1900, những người thợ thời trang đóng giả là người mua và bí mật vẻ lại phác thảo những thiết kế mà họ nhìn thấy trên đường phố Paris và nhanh chóng tái sản xuất chúng để bán. Xu hướng sao chép này rộng hơn vì người mua vẫn tiếp tục mua. Một số thợ sao chép tham dự các buổi trình diễn thời trang và mỗi người sẽ ghi nhớ một phần của trang phục. Sau đó, họ sẽ gặp nhau và kết hợp lại thành một bản phác thảo. Một số nhà sản xuất thậm chí còn cấm báo chí tham dự các buổi trình diễn thời trang của họ (Crocker, 2014). Nhà thiết kế Paul Poiret, Pháp, du lịch đến Hoa Kỳ vào năm 1913 và đã rất lo lắng khi thấy các bản sao thiết kế của mình chỉ được bán với giá 15 USD. Khi trở lại Paris, anh ấy đã tiếp cận các nhà xuất bản của các tạp chí thời trang lớn và đề xuất thành lập một tổ chức để ngăn chặn hàng giả làm tổn hại ngành công nghiệp và danh tiếng ngành này. Năm 1915, Hiệp hội Bảo vệ của những thợ may quần áo Pháp ra đời. Hiệp hội này hoạt động không hiệu quả, nhưng đã phát triển qua nhiều năm thành cái hiện được gọi là The Comite 'Colbert, là một hiệp hội “để thúc đẩy hàng xa xỉ”. Bất chấp những nỗ lực tích cực và liên tục để ngăn chặn sao chép trái phép các bản gốc của nhà thiết kế, hàng giả tiếp tục là một vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp hàng cao cấp. Thậm chí nhà thiết kế Madeleine Vionnet, đã đánh dấu các nhãn hiệu trong cô ấy với dấu vân tay của cô ấy, nhưng điều này không làm nản lòng những người sao chép. Thiết kế mô phỏng Dior xuất hiện gần như ngay lập tức sau phần giới thiệu mặc dù Dior đã đánh dấu nhãn hiệu của mình bằng mực vô hình chỉ có thể nhìn thấy dưới ánh đèn đen… 

Tóm lại, trong từ điển Larousse, Luxury được định nghĩa là “đặc điểm của những gì đắt tiền, tinh tế, xa hoa"; đối với Wikipedia, xa xỉ là “một lối sống bao gồm những chi tiêu xa hoa và thừa thãi”. 

LUXURY được cho đây là giấc mơ! Một giấc mơ được tạo ra bởi các yếu tố khác nhau của vũ trụ này: bầu không khí, vật liệu, kiến ​​trúc, sản phẩm, thái độ và sự sang trọng của người phục vụ… 

Xa xỉ là một ngành có cốt lõi thiết yếu là thương mại, nhưng ngoài doanh số bán hàng, còn có cả vũ trụ của ước muốn, niềm vui, nhận dạng, hình ảnh, sự thanh thản và sang trọng. 

Trong quá khứ, sự xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu; ngày nay nó đã trở thành một yếu tố mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. 

Nhờ sự phát triển của các thương hiệu Luxury, mọi người đều có thể có được niềm vui khi mua một sản phẩm Luxury: cho dù đó là một chiếc bánh ngọt với giá vài đô la trong cửa hàng của một đầu bếp bánh ngọt vĩ đại, một bộ quần áo mang thương hiệu “thời trang cao cấp” trong một cửa hàng bách hóa hoặc một món đồ trang sức từ một nhà kim hoàn nổi tiếng cho một dịp đặc biệt. 

Nhưng sự sang trọng không chỉ giới hạn trong việc tạo ra quần áo thời trang cao cấp, ngay cả khi sự sáng tạo này vẫn là nguyên mẫu. Chúng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau như khách sạn, du lịch, ẩm thực và đồ uống. Bởi vì ngoài sự chiếm đoạt một hàng hóa, “những gì chúng ta mua bây giờ là một phong cách sống. Chúng tôi đang chú ý đến những trải nghiệm bất ngờ, huyền thoại, chất lượng cao”. 

Con đường dẫn đến một ngành sản xuất cao cấp không phải là vô vọng cho nhiều người làm nghề thủ công, nhiều cơ sở sản xuất thủ công như một chục năm trước đây. Những tri thức từ nghề thủ công truyền thống, bí quyết và kỹ năng của các nghệ nhân có thể tạo tác nên những tác phẩm giá trị vượt không gian và thời gian, sang trọng quý phái, đầy cảm xúc, thân thiện, chân thực và toàn vẹn… là một gia tài lớn cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nhiều quốc gia. 

Viết dài dòng như vậy để những người làm nghề thủ công và doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ chúng ta thấy rằng thị trường hàng cao cấp rất lớn và ngày càng tăng và đang thay đổi theo hướng có lợi cho nghề thủ công và làng nghề. Sự thay đổi dựa vào những chuyển biến về nhận thức và cảm xúc cũng như quan điểm tiêu dùng đạo đức, tính xác thực, thủ công và mang tính cá nhân… Các nghệ nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đừng vì mục tiêu trước mắt mà bỏ qua các mục tiêu lâu dài. Hãy nghiên cứu nhiều hơn, lắng nghe những mơ ước của người mua, đáp ứng yêu cầu đó và sự giàu có không phải xa xôi. Hãy nhớ rằng: “Dựa vào các phương pháp sản xuất và kinh doanh lặp lại quá khứ có thể là phương pháp thua nhanh nhất về lợi nhuận và cuối cùng là ngừng kinh doanh nhanh nhất”. 

Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm cần truyền cảm hứng cho lực lượng có nghề này bằng các chính sách công cụ thể, thiết thực, hiệu quả và bắt kịp với xu hướng của thế giới. 

(Còn tiếp) 

NGUYỄN LỰC

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận