NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa –Vũng Tàu nổi tiếng với thành phố biển Vũng Tàu, là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có bờ biền đẹp và dài trên 300 km. Ngoài thành phố du lịch Vũng Tàu quen thuộc, tỉnh còn có nhiều bãi biển du lịch khác không kém hấp dẫn như: Long Hải, Phước Hải, Bình Châu, Xuyên Mộc… 

Làng nghề đúc đồng ở Lương Điền, nơi hội tụ những nghệ nhân giàu kinh nghiệm

Bà Rịa Vũng Tàu không có nhiều làng nghề, toàn tỉnh chỉ có các nghề và làng nghề truyền thống đó là: nghề vỏ ốc mỹ nghệ, đúc đồng, khắc đá, đan thúng, dệt lưới… Một số làng nghề nổi tiếng khác như: làm bánh Hỏi, bánh Tét Bắp, bánh Tráng, làng Rượu Hòa Long, làm bún…
 
Làng chài Phước Hải nằm trên địa bàn huyện Đất Đỏ, là một trong những làng chài lâu đời nhất của tỉnh. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và chế biến như: làm nước mắm, phơi hải sản khô. Là một trong những điểm tham quan thú vị của khách du lịch nhờ bãi biển đẹp hoang sơ, ngư dân chân chất cần cù.

Khách du lịch được tham quan tìm hiểu về công việc đánh bắt hải sản và làm nước mắm, chế biến cá khô, mực khô…và nhất là được thưởng thức hải sản tươi vừa đánh bắt về. Làng nghề mỹ nghệ vỏ sò ốc rất độc đáo được khách du lịch ưa chuộng mua làm quà kỷ niệm vì sản phẩm mang đặc thù của vùng biển. Không chỉ phục vụ khách du lịch, những sản phẩm này còn được xuất khẩu sang các nước.

Làng nghề đúc đồng Long Điền hình thành và phát triển đến nay đã trên 300 năm. Sản phẩm nổi tiếng không chỉ ở miền Đông mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nghề truyền nghề, qua nhiều thế hệ, làng nghề đúc đồng Long Điền vẫn miệt mài cho ra những sản phẩm giá trị.

Các làng nghề làm đá tập trung ở xã Tân Phước và Phước Hoà thuộc Tân Thành, với hàng chục cơ sở sản xuất cung cấp nhu cầu trong và ngoài nước. Làng bún Long Kiên và làng nghề bánh tráng An Ngãi có tuổi đời gần trăm năm cũng là những thương hiệu nổi tiếng. Hai làng nghề này đã được tỉnh công nhận.

Nhìn chung, hoạt động của các làng nghề ở Bà Rịa Vũng Tàu còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ. Máy móc thiết bị chưa được đầu tư đúng mức. Hệ thống nước thải chưa được xử lý. Nguồn vốn sản xuất là điều cần nhất đối với làng nghề ở đây. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm làng nghề vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Để tạo điều kiện cho các làng nghề tồn tại và phát triển, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống. Nhất là các nghề và làng nghề đặc thù của tỉnh, như: sản xuất các mặt hàng lưu niệm mỹ nghệ từ vỏ sò ốc hay chế biến các đặc sản của tỉnh. Có những chính sách ưu đãi về vốn, quy hoạch và mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật; Tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, sản phẩm; Xây dựng vùng nguyên liệu; Giải quyết vấn đề môi trường cho các làng nghề; Đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực; Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất để phát triển làng nghề truyền thống; Quảng bá sản phẩm thông qua việc liên kết với ngành du lịch.

Biên soạn
TRƯƠNG MAI HOA

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận