THIẾT KẾ SÁNG TẠO - GIẢI PHÁP TRUNG TÂM CHO PHÁT TRIỂN HÀNG THỦ CÔNG VÀ BẢO VỆ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG (PHẦN 2)
2- NHỮNG CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG CỦA THẾ GIỚI:
Nhìn ra ngoài, Malaysia, trước đây là một đất nước có rừng nhiệt đới lớn thứ 3 của thế giới, sau rừng Amazon và rừng nhiệt đới hoang dã của Châu Phi. Thiên nhiên đã ban tặng cho Malaysia nguồn tài nguyên về gỗ phong phú cùng các tài nguyên khác như: khoáng chất, thiết, cao su, cacao, trái dứa, cây cọ nổi tiếng. Từ sự khởi đầu khiêm tốn hơn 60 năm về trước từ sản phẩm sản xuất chủ yếu là gỗ làm nhà, gỗ tròn tiêu thụ nội địa, rồi Malaysia trở thành một nhà xuất khẩu lớn về gỗ dán, gỗ xẻ, gỗ tấm. Đến nay, ngành hàng nội ngoại thất, hàng thủ công với chiếm 50 - 60 % tổng sản phẩm toàn ngành hàng nội thất, so với 2% năm 1980. Sản phẩm đã xuất khẩu đến 160 quốc gia, được xếp thứ bậc cao trong danh sách những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Khi Chính phủ Malaysia thực thi kế hoạch tổng thể về công nghiệp lần thứ I (1986–1995), ngành hàng gỗ nội ngoại thất, hàng thủ công được định dạng như một ngành công nghiệp mũi nhọn đồng thời một số chính sách ưu đãi được thi hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Đến kế hoạch lần thứ II, ngành hàng này tăng trưởng nhanh một cách phi thường. Thậm chí trong thời gian khủng hoảng kinh tế khu vực 1997 kéo theo sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1999, ngành đồ gỗ vẫn tăng trưởng 8-10% mỗi năm. Thử thách trong bối cảnh đó, ngành hàng gỗ nội thất Malaysia học được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và trên thương trường, được các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối quốc tế thừa nhận như một nhà cung cấp đồ gỗ có chất lượng. Chính phủ Malaysia tiếp tục duy trì sự giúp đỡ bằng những hành động cụ thể hơn với sự ra đời Hội đồng công nghiệp hàng gia dụng Malaysia và Hội đồng xúc tiến hàng gia dụng Malaysia (Malaysian Furniture Industry Council và The Malaysian Furniture Promotion Council) để giúp chính phủ thúc đẩy ngành này phát triển bền vững.
“Sản xuất hàng nội thất trên thế giới gần đây tăng trưởng không quá 2 %, nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại của ngành hàng nội thất Malaysia vẫn cao hơn nhiều. Malaysia xuất khẩu 1,5 tỷ USD (2006), trong thời điểm đó tổng mậu dịch toàn thế giới về hàng này đã tăng lên gần 70 tỷ USD/năm. Malaysia chỉ chiếm khoảng 2% - 4% trong số đó, vì vậy chúng ta còn nhiều khả năng cho sự tăng trưởng”. Cố vấn Hội đồng công nghiệp hàng gia dụng Malaysia - Tan Chin Huat đã đánh giá như vậy. Mục tiêu lúc đó của ngành hàng này của Malaysia là tăng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, Malaysia chuyển sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên gỗ đang dần dần nhỏ đi và hướng tới một chiến lược mới là thiết kế mẫu mã sản phẩm và sử dụng nguyên liệu thay thế cùng với công nghệ mới để nhằm tạo ra giá trị gia tăng cũng như bản sắc riêng của sản phẩm xuất khẩu từ Malaysia. Họ có niềm tin rằng một ngày không xa, ngành này sẽ dùng 100 % nguyên liệu là gỗ cao su, thêm vào đó là các loại nguyên liệu như sắt, thép, nhôm, mây, tre. Ngành này cũng đề ra nhiều dòng sản phẩm cần cách tân từ những đồ dùng trong nhà, ngoài trời, trong văn phòng đến bàn ghế, màn, thảm bằng vải. Malaysia cho rằng ngành hàng nội ngoại thất Malaysia bây giờ phải tiến vào một thời kỳ mới để phát triển là bắt buộc.
Ưu tiên hàng đầu của Malaysia lúc bấy giờ là tạo ra các yếu tố văn hóa trong thiết kế sản phẩm của chính mình (nhưng không phải là văn hóa Malaysia hoàn toàn), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cùng với các bí quyết trong sản xuất, các phương thức đào tạo và nguyên liệu mới. Đây là cách duy nhất để ngành này thịnh vượng trong bối cảnh nổi lên những nước đối thủ cạnh tranh lân cận như: Indonesia, Philippines, Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc.
Nhiều năm trước đó, hàng nội thất Malaysia cung cấp cho thị trường “bình dân”. Hội đồng xúc tiến hàng gia dụng Malaysia được thành lập nhằm làm thay đổi toàn diện toàn ngành này. Paul Wang - một quan chức của Hôi đồng xúc tiến hàng gia dụng Malaysia nói: “Sẽ không có một thiết kế mang đậm yếu tố văn hóa Malaysia mà chúng ta hy vọng có thể bán nó ra khắp thế giới. Phải tạo ra nhiều thiết kế khác nhau phù hợp với thị trường rộng lớn và văn hóa đa dạng của thế giới. Từ khóa là “không thiết kế mang tính chất Malaysia” mà thích hợp hơn là “do người Malaysia thiết kế”. Bước tiếp theo là nâng toàn bộ ngành này nhắm vào thị trường tiêu dùng trung và cao cấp. Bằng thiết kế và chất lượng, Malaysia đã tạo ra thị trường cho chính mình và được thừa nhận như một biểu tượng trong mắt những người “chơi” đồ nội thất. “Chúng ta cần đi vào tâm trí của những nhà bán lẻ, bán sỉ, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và cả những nhà thầu. Chỉ có thể thông qua những người này chúng ta mới có thể đạt đến phần còn lại của thị trường. Mục đích nhắm tới là bán hàng nội thất của ngày mai, giá của ngày mai và thị trường của ngày mai. Hàng nội thất của ngày mai là chúng ta tự mình thiết kế. Giá của ngày mai là giá có thể kiểm soát được nhờ tự mình thiết kế. Thị trường ngày mai có nghĩa là chúng ta quyết định bán cho ai”. Paul Wang giải thích thêm.
Những năm đó, Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Malaysia với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nội thất đạt 350 - 400 triệu USD/ năm. Tuy nhiên, Mỹ cũng chỉ là thị trường xuất khẩu lớn của Malaysia trong vài thập niên, sau đó chỉ tăng 2% năm. Chính phủ muốn củng cố vị trí đáng kể này thông qua khuyến khích tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Nhưng điểm khác biệt so với trước là không nhất thiết hợp tác dưới hình thức đầu tư hoặc cấp vốn, mà cần thiết hơn là trao đổi bí quyết, công nghệ và sự thành thạo (kỹ năng) trong kinh doanh. Các doanh nghiệp của Chính phủ và khu vực tư nhân được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, tạo ra nhiều liên doanh hơn nữa, không bị hạn chế trong sản xuất mà mở rộng hợp tác cả trong tiếp thị, hợp tác chiến lược. Nhà nhập khẩu Mỹ sẽ có nhiều nguồn và họ có thể đi thăm nhiều quốc gia khác nhau để lựa chọn (ý nói rằng Malaysia đầu tư ra nước ngoài là muốn những khách hàng Mỹ của họ có thể mua hàng của Malaysia theo thiết kế Malaysia ở nhiều quốc gia khác nhau). Bước tiếp theo là các doanh nghiệp sản xuất hàng nội thất Malaysia khai thác những sản phẩm này rồi tiếp thị và phân phối.
Tháng 12 năm 2006, tại Kuala Lumpur, Hội đồng Xúc tiến Hàng gia dụng Malaysia (MFPC) và Hội đồng Xuất khẩu gỗ Mỹ (AHEC) cùng nhau tổ chức cuộc Hội thảo hàng nội thất quốc gia Malaysia với tâm điểm: “Quy trình thiết kế hàng nội thất và tầm quan trọng của ý tưởng và đa dạng hóa nguyên liệu”. Hội thảo chỉ ra rằng: thiết kế và đổi mới phải được đặt ở trái tim (trung tâm) của chiến lược phát triển ngành công nghiệp hàng nội thất nước này và thiết kế sáng tạo để Malaysia đạt được vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp hàng nội thất Châu Á. Hội thảo cũng cung cấp một cánh cửa khác lạ về các cơ hội kinh doanh cho những nhà sản xuất Malaysia, tiếp cận các xu hướng đương đại, cập nhật thông tin thị trường hàng nội thất toàn cầu. Hội thảo kết luận rằng đã đến lúc Malaysia chuyển từ sức mạnh cạnh tranh về giá sang cạnh tranh bằng sự hấp dẫn của thiết kế nguyên bản và hợp nhất văn hóa thiết kế với ngành sản xuất hàng nội thất Malaysia.
MFPC nhận định ngành hàng nội thất có tiềm năng to lớn và sự đóng góp quan trọng cho ngoại thương Malaysia. MFPC cũng đưa ra chiến lược mang tên là “nâng cao thiết kế và thị trường”. Bước đột phá này là sự khởi đầu chương trình hỗ trợ thiết kế hàng nội thất – một dự án được kế thừa và phát triển từ một nhóm nhỏ các nhà thiết kế hàng nội thất tiên phong trẻ tuổi và có bằng cấp bắt tay với các nhà sản xuất để phát triển những nhãn hiệu của Malaysia và làm cho sản phẩm đạt các yêu cầu về mỹ thuật, có tính thực tế và có giá trị. Hàng loạt các giải pháp về thị trường, giáo dục- đào tạo, xây dựng thương hiệu, truyền thông và nâng cao hình ảnh đi song song.
Theo truyền thống, Malaysia chọn hình thức OEM (hãng sản xuất thiết bị gốc). Nhưng hiện nay chuyển sang ODM (hãng sản xuất thiết kế gốc). Nhiều công ty đã chấp nhận rủi ro do việc thay đổi tận gốc kế hoạch kinh doanh của họ để nâng cao sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng thiết kế sản phẩm gốc. Nhiều nhãn hiệu của người Malaysia đã trình làng, một số trong số đó đã thành công lớn trong xuất khẩu. Chẳng hạn như Công ty Kian Furniture, thành lập năm 1983, một nhà bán sỉ bàn ghế chất lượng cao, nay đã xuất khẩu đến 89 quốc gia. Công ty này đã mở cửa hàng hàng nội thất phục vụ phong cách sống (Life style) đầu tiên của Malaysia, bấy giờ đã đưa ra các sản phẩm nội thất phong cách sống toàn cầu với truyền thống châu Á trong các sản phẩm nội thất vùng nhiệt đới, dân tộc thiểu số, phương đông đương đại…Với 5 nhà máy tại Malaysia, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Kian Furniture, James Ng, nhắm tới mở một mạng lưới trên 50 điểm phối toàn thế giới với nhãn hiệu và ý tưởng của các di sản Asean.
Pohmay một nhà sản xuất tầm cỡ đồ nội thất bằng song mây đã đặt kế hoạch chiến luợc với 3 nguyên tắc cơ bản: chuyên môn hóa về sản phẩm song mây và gỗ cứng; liên tục đầu tư trong sản xuất và nỗ lực cao trong nghiên cứu và thiết kế. Pohmay đã thâm nhập thành công thị trường Mỹ, đang là nhà cung cấp riêng hàng 100% song mây cho Pier 1 Import. Pohmay cũng sản xuất các sản phẩm cho lớp trẻ bậc trung.
Hàng nội thất chất lượng cao bằng sự kết hợp giữa truyền thống tinh tế nhất của sự khéo léo và công nghệ hiện đại là triết lý của tập đoàn Hume Furniture Industries. Công ty này sản xuất bàn ghế trong phòng ăn bằng gỗ thông, gỗ sồi, gỗ anh đào, 100% xuất khẩu, 60% cho thị trường Mỹ- nơi công ty này đã hình thành các quan hệ đối tác chiến lược với Pottery Barn và The Bombay Collection. Ông Law, Tổng giám đốc Hume Furniture Industries nói: “Những gì đã làm để cho Hume trở thành vô song và thành công là khả năng sản xuất những sản phẩm nội thất ODM chất luợng cao”.
Best Store thành lập năm 1999 là nhà sản xuất giường bằng ống tuýp, thép. Trong năm 2000 chuyển sang sản xuất giường sofa bằng ống tuýp, năm 2001 chuyển sang sofa bằng chất liệu da và composite. Với 25 nhân viên thiết kế, Best Store đưa ra sự kết hợp giữa thiết kế Italia và công nghệ Nhật có khả năng cạnh tranh cao của sản phẩm được làm tại Malaysia.
Tất cả các công ty trên có những cách tiếp cận khác nhau về thiết kế. Một số có lực lượng thiết kế trong nước, số khác có nguồn thiết kế từ bên ngoài, nhưng tất cả đều đi nhiều để nghiên cứu các xu hướng, coi trọng thiết kế và óc sáng tạo trong kế hoạch phát triển của họ.
“Thiết lập một nhãn hiệu cho chính mình là một nhiệm vụ không dễ dàng, Tan Chin Huat, một quan chức MFIC nói đại ý rằng, tên nhãn hiệu (đồ gỗ, mây tre lá) là mục đích, còn quá trình lâu dài của việc tìm kiếm được sự đón nhận nó là chuyện khác… Sở hữu nhãn hiệu hoặc sở hữu thiết kế là rất khó. Đây chắc chắn là quá trình lâu dài, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà sản xuất hàng nội thất Malaysia đã hiểu rõ sự cần thiết tự mình thích nghi trước các thay đổi liên tục của thị trường và xu hướng của người tiêu dùng. Ngày nay, các nhà sản xuất Malaysia bắt tay vào thăm dò các cơ hội trong việc phát triển các dự án hàng nội thất trên cơ sở các yêu cầu của khách hàng trong khi thực hiện từ văn hóa thiết kế của họ. Nhiều nhà máy đã được chứng nhận ISO 9002, đảm bảo sự công nhận của thế giới đối với các sản phẩm gỗ trong nước. Ngành này cũng tiến đến chấp nhận tiêu chuẩn ISO 14000.
Được chính phủ ủng hộ mạnh mẽ và được giao nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao công nghiệp hàng nội thất Malaysian. Paul Wang - Giám đốc hoạt động của MFPC khẳng định: “Những kỹ năng thiết kế và thị trường như là những yếu tố quyết định chính cho sự chuyển động phía trước của công nghiệp đồ nội thất Malaysia. Chúng ta chấp nhận thách thức và khắc phục sự yếu kém để thực hiện tham vọng của đất nước về việc biến Malaysia thành trung tâm đồ nội thất của thế giới trong Châu Á”. Và “Chỉ có một chiến lược Nâng cao Thiết kế và Thị trường được triển khai mạnh mẽ nhằm cải thiện hình ảnh hàng nội thất Malaysia mới mong thu hút sự quan tâm của các nhà nhập khẩu”.
Còn tiếp.
1 Bình luận
Rất hay và có ích
Trả lờiXóa