THIẾT KẾ SÁNG TẠO - GIẢI PHÁP TRUNG TÂM CHO PHÁT TRIỂN HÀNG THỦ CÔNG VÀ BẢO VỆ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG (PHẦN 4)

Đơn giản và hiện đại

Họa sĩ TRẦN MINH SẮC
Trưởng Cơ quan Đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

3- THIẾT KẾ TRÊN THẾ GIỚI ĐANG Ở ĐÂU? 

Có thể tóm tắt như sau:

- Đó là, thiết kế thế giới đã vượt qua sự sáng tạo những đồ dùng trong nhà, những công trình kiến trúc, những vật chất hữu hình, gọi chung là “phần cứng” chuyển sang thiết kế sự hiểu biết vô hình, sáng tạo ra “phần mềm” trong thời đại tri thức và cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống. Thiết kế đã qua là hình thức nhằm mọi thứ vào thị giác, trực quan. Ngày nay, phương tiện truyền thông, sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số hóa cuộc sống và làm việc, đặc biệt là xu hường tiêu dùng thay đổi đã làm cho ngành thiết kế được mở rộng sang các nội dung vô hình, phi vật chất, không gian 3 chiều, đề cao các giá trị sáng tạo, đáp ứng các nhu cầu về tinh thần.

- Đó là sự hội tụ giữa các ngành chuyên môn. Một phần thiết kế hiện thời như sản phẩm, thiết kế nội thất, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ ... đã hội tụ và nối kết với nhau, đã phá vỡ bức tường ngăn cách của các ngành khác nhau, trở thành tổng hợp. Nói ngắn gọn là các ngành thiết kế đều có khuynh hướng pha trộn và xóa bỏ ranh giới của nhau, hỗ trợ và bổ khuyết cho nhau. Đó là vì thiết kế ngày nay sáng tạo các giá trị vô hình gắn liền với sản phẩm, sự ngắm nhìn, môi trường và truyền thông đa phương tiện. Khái niệm thiết kế là sản xuất ra sự hiểu biết có tính sáng tạo.

- Nhà thiết kế (Designer) ngày nay trở thành người phối hợp (Coordinator). Nếu nhà thiết kế đã qua là chuyên gia làm ra cái đẹp, cái hài hòa và cái để nhìn thì nhà thiết kế ngày nay là chuyên gia tổng hợp (Generalist) như là một người chỉ huy dàn giao hưởng để sáng tạo ra nghệ thuật và văn hóa, hợp nhất những sự khác nhau theo một chủ đề để có lời giải đáp cho các vấn đề mới nảy sinh trong một dự án thiết kế. Nhà thiết kế trong quá khứ phục vụ như một người học nghệ thuật và thiết kế rồi sản xuất sản phẩm cho con người. Ngày nay, người thiết kế phải có nhiều năng lực, có chuyên môn trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực để có thể “chơi” vai trò của người phối hợp để kết nối tổng các kỹ thuật chuyên môn, quản lý, tiếp thị, xúc tiến, sản xuất… hợp thành một mẫu số chung. Do vậy người thiết kế cũng không còn hoạt động độc lập nữa.
- Các tổ chức thiết kế cũng đã thay đổi, trở thành một tổ chức chuyên tổ chức hệ thống các công việc thiết kế và sự phối hợp làm việc là nhân tố chính.

4- KẾT LUẬN

Những khảo sát trên đây cho thấy các nước đang là đối thủ cạnh tranh của chúng ta có cách nhìn rõ ràng và hành động quyết liệt nhằm đạt tới mục đích phát triển ngành. Chính phủ và các Hiệp hội có vai trò quyết định trong các chính sách, cung cấp nguồn tài chính và thúc đẩy ngành thiết kế phát triển. Đối với sản phẩm làng nghề Việt Nam, việc tiêu hao nguyên liệu cho đầu vào một sản phẩm gần giống như nhau, nhưng nếu nâng cao thiết kế khác nhau thì chắc chắn sản phẩm làm ra sẽ mang lại giá trị gia tăng rất khác nhau.

Chúng ta cần tiếp cận các tri thức, kỹ thuật thiết kế, thị trường thiết kế và xu hướng thiết kế để cung cấp sản phẩm phù hợp, có giá trị toàn cầu. Việc sao chép mẫu mã không chỉ dẫn đến tranh chấp bản quyền giữa các doanh nghiệp mà còn dẫn đến hạn chế sự phát triển, dễ dãi, lười biếng trong sáng tạo. Việc tạo ra những mẫu mã riêng, phù hợp với nhu cầu thị trường là cách tốt nhất để khẳng định mình, và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Đây chính là giải pháp năng lực cạnh tranh đích thực.

Không thể để cho các làng nghề, doanh nghiệp, nghệ nhân tự lo liệu về tìm kiếm thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng. Người tiêu dùng cần những sản phẩm gì và như thế nào đòi hỏi ở những chuyên gia hiểu biết chuyên sâu về thị trường, cũng như về lối sống, phong cách sống, đồ đạt trong căn nhà, phòng khách, buồng ngủ hiện tại như thế nào để chỉ ra cho các làng nghề cung cấp các mặt hàng phù hợp với nhu cầu đó, cần làm gì để không chỉ thu hút sự hiếu kỳ mà còn có khả năng ký kết các hợp đồng. Đây là thách thức lớn đối với các làng nghề Việt Nam trong nhiều năm tới. 

Mặc khác, do hầu như các làng nghề không có kỹ năng kinh doanh, tiếp thị, cung cấp các dịch vụ liên quan đến sản phẩm của mình ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn. Ví dụ, khi tôi trò chuyện với ông Philip W. Byrd – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà nhập khẩu Hoa Kỳ về thị hiếu tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ tại thị trường Mỹ, Ông nêu ra một điểm đáng lưu ý rằng người Mỹ sẵn sàng tiêu 40- 50 USD (bình quân) để mua một món hàng Thủ công mỹ nghệ nhưng họ sẽ không mua sản phẩm của bạn nếu không có hộp đựng sản phẩm đó vì họ không có thì giờ để tìm một chiếc hộp thích hợp với món hàng. Khi ta không biết thói quen tiêu dùng đơn giản như vậy, ta đã đánh mất cơ hội bán hàng. 

Quan niệm và lựa chọn giải pháp cạnh tranh giá rẻ của đa số các làng nghề ở một khía cạnh nào đó, người ta vẫn đồng ý với nhà bán lẽ hàng đầu thế giới Walmart slogan “giá thống trị thế giới” hoặc “tiết kiệm tiền cuộc sống tốt hơn” (khẩu hiệu trên trang chủ website của Walmart). Nhưng điều đó chỉ đúng với hàng tiêu dùng sản xuất hàng loạt, còn với sản phẩm Làng nghề, giá không phải là tất cả. Giải pháp giá rẻ có thể giúp bán được hàng nhưng không phải là cách tốt nhất để khẳng định mình và phát triển bền vững. Trên thực tế, giá bán hàng thủ công mỹ nghệ của chúng ta có rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh như: Indonesia, Philippines, Thai Lan, Malaysia nhất là Trung Quốc không? Tất nhiên là không! Vì quy mô sản xuất nhỏ, chi phí lưu thông cao, mối liên kết, hợp tác chiến lược trong kinh doanh giữa hộ gia đình, giữa các Làng nghề với các doanh nghiệp thương mại gần như không có. Bí quyết công nghệ không có khả năng chia sẻ cho cộng đồng. Mô hình sản xuất theo hộ gia đình không thích hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa lớn. Do đó, khoa học công nghệ, thiết bị máy móc tiên tiến, tổ chức sản xuất và quản trị kinh doanh cũng không triển khai được ở các làng nghề. Giá cả tuy rất quan trọng nhưng một chiến lược giá thấp là không có tính bền vững vì trên thế giới luôn có những người chỉ cần thông qua biến động về tỷ giá ngoại hối như hiện nay đã có khả năng cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn (như Trung Quốc). Thụy Điển là nơi sản sinh và đóng góp cho thế giới nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc, điện ảnh quý giá nhưng hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng hiện đại cũng phát triển tột bậc. Vì vậy, giá rẻ không thể là chiến lược thâm nhập thị trường Thụy Điển. Việc xác định giá cả của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu càng không thể xác định được trong thương mại do đặc điểm, loại sản phẩm khác nhau và giá trị khác nhau. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng, khi mà thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển ngày càng bão hoà với các sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ thì sản phẩm có giá rẻ là chưa đủ để thoả mãn nhu cầu khách hàng, chưa tạo ra được sức cạnh tranh. Có ý kiến nhận định rằng, chừng nào hàng Việt Nam vẫn không độc đáo, sáng tạo thì các doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục mua hàng của Trung Quốc. Như đã dẫn chứng ở trên, chúng ta chưa nghiên cứu và sử dụng nguyên liệu mới, chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa các chất liệu, nguyên liệu truyền thống và nguyên liệu mới cũng làm chậm sự thay đổi kiểu dáng. 

Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là nghiên cứu thị trường dành riêng cho tạo mẫu và thiết kế. Hệ quả của việc này là rất nhiều hàng thủ công Việt Nam không có những công dụng rõ nét và chưa hướng tới những thị trường cụ thể. Việc đào tạo đội ngũ thiết kế cũng được xem như là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để hàng thủ công mỹ nghệ thực sự có đẳng cấp. Nhưng khâu này chúng ta cũng gặp quá nhiều vấn đề về trường lớp, môn học, tính thực tiễn…Nhà nước chưa có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh thiết kế sản phẩm.

Điều cần quan tâm đặc biệt từ lúc này là nên chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo, có mẫu mã độc đáo phù hợp với thị trường và với số lượng nhỏ để đi vào các thị trường ngách, cung cấp sản phẩm cho các đối tượng tiêu dùng trung, cao cấp của các nước; cần phải tìm và thiết lập mối quan hệ kinh doanh chiến lược với các đối tác có khả năng thiết kế và tiêu thụ sản phẩm; cần thay đổi nội dung xúc tiến thương mại đi vào chiều sâu theo hướng tổ chức nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu hơn là bán hàng, tìm đối tác mà vẫn không cải thiện một cách cơ bản sự bền vững tại các thị trường. Chúng ta cần phải giải đáp câu hỏi rằng hàng của chúng ta có bán được không? Ai mua? Khi các sản phẩm còn mờ nhạt trên thị trường thế giới thì làng nghề, các doanh nghiệp sẽ vẫn gian nan trên con đường xuất ngoại. 

Bài toán về một chiến lược thiết kế đang nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp, làng nghề và các hiệp hội. Vì vậy, Chính phủ cần có một chiến lược quốc gia về thiết kế sáng tạo với các biện pháp thực thi hiệu quả như các nước như đã khảo sát ở trên để có thể 5, 10 năm thậm chí 20 năm nữa chúng ta vững bước đi tới. Chúng ta không phải chỉ đặt ra vấn đề bao giờ Việt Nam có một chiến lược thiết kế sáng tạo cho tất cả các ngành, đặc biệt là đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, nơi mà sự sáng tạo là thường trực nhưng hoàn toàn không thích ứng với môi trường kinh doanh hiện đại mà chúng ta yêu cầu Việt Nam cần có một chiến lược thiết kế sáng tạo càng sớm càng tốt. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương, Giáo dục, Lao động –TBXH, và các hiệp hội ngành nghề sẽ tạo ra bước đi chiến lược để phát triển bền vững ngành hàng này.

Thiết kế quả thật là không có giá nhưng thiết kế có thể làm nghiêng cục diện cạnh tranh và lợi ích về phía người nhận thức ra, về quốc gia quan tâm đến điều đó./.

TMS

- Đọc tiếp Phần 1 tại đây
- Đọc tiếp Phần 2 tại đây
- Đọc tiếp Phần 3 tại đây
_______________ 
Tài liêu tham khảo:
(1) trungtamwto.vn/chuyen-de/1164-hang-thu-cong-my-nghe-xuat-khau-dat-ti-suat-loi-nhuan-tren-80.
(2) petrotimes.vn/vi-sao-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-xuat-khau-hang-thu-cong-my-nghe-ngay-cang-teo-top-539232.html.
(3) Bài viết cũng sử dụng nhiều tài liệu của Malaysian Furniture Industry Council, The Malaysian Furniture Promotion Council, Furniture today, Singapore Furniture Industries Council, Cục XTTM, TT Thông tin - Bộ Công Thương, báo chí Việt Nam, Báo Điện tử ĐCSVN, các báo Trung quốc, Giáo sư Michael Hitchcock (chủ biên báo cáo Dự án Phát triển Đô thị Châu Á (EU Asia Urbs) do Cộng đồng Châu Âu bảo trợ. 

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận