Làng nghề sản xuất kinh doanh trong đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh khó khăn chung bởi dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất tại làng gốm cổ Bát Tràng tập trung nâng cao tay nghề, tạo ra các sản phẩm và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để mở rộng quy mô sản xuất, ảnh: TT thủ đô


       VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
 
Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Trong tình hình ấy, các hộ kinh doanh làng nghề cũng đang phải tìm nhiều biện pháp để trụ vững song vẫn rất khó khăn. Thực trạng đang đòi hỏi những suy nghĩ mới, cách làm mới để các hộ kinh doanh cầm cự, tồn tại, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị cho bước phát triển trong thời gian tới. Từ thực tiễn, bài này sơ bộ gợi ra một số việc cần làm để làng nghề chúng ta cùng tham khảo.

HỘ KINH DOANH GẶP KHÓ KHĂN NHIỀU BỀ
 
Cũng như các ngành nghề khác trong nền kinh tế, do tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua, các hộ kinh doanh làng nghề nước ta (dưới đây gọi tắt là hộ) gặp nhiều khó khăn chồng chất. Tuy khó khăn của mỗi nghề, ở mỗi địa phương có khác nhau và cũng chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song nhìn chung, dù bản thân các hộ đã hết sức cố gắng và được sự trợ giúp của các bộ, ngành, khá nhiều hộ vẫn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh. Theo một cuộc khảo sát với trên 100 doanh nghiệp vào giữa tháng 6/2021, có đến 84% số hộ gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
 
Có thể khái quát một số điểm chính về thực trạng sản xuất kinh doanh của các hộ như sau.
 
Một là, thị trường trong nước bị co lại, sức mua hàng thủ công giảm sút. Đại dịch bùng nổ, lây lan nhiều địa phương, nhân dân phải thực hiện các biện pháp cách ly, sức mua giảm sút dẫn đến sản xuất đình đốn, người lao động tạm nghỉ hoặc mất việc, thu nhập giảm. Do đó, chi tiêu của mỗi gia đình phải tập trung vào những nhu cầu thiết yếu nhất (như thực phẩm), chi tiêu về hàng thủ công chưa thiết yếu giảm sút. 
 
Hai là, xuất khẩu và du lịch bị hạn chế. Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu giảm mạnh do sức mua giảm vì dịch bệnh hoành hành tại nhiều nước; trừ một số nghề như may mặc, đồ gỗ, mây tre còn một ít thị trường nước ngoài vẫn mua, song lại gặp khó khăn về nguyên liệu (như gỗ) hoặc cước phí vận tải tăng cao. Cũng do dịch bệnh, khách du lịch nước ngoài giảm mạnh; những điểm du lịch làng nghề vắng khách hẳn.
 
Ba là, sản xuất đình đốn. Do thị trường bị thu hẹp, hàng làm ra không bán được hoặc bán chậm, kể cả bán trong nước hoặc xuất khẩu, hàng tồn kho tăng. Theo thông tin trên báo chí, có những hộ, do sản phẩm vẫn bán được hoặc do nỗ lực, sáng tạo, thay đổi mặt hàng cho nên vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh ở mức độ nhất định; song nhìn chung, sản xuất đình đốn là phổ biến. Đã có những hộ tạm ngừng sản xuất; nhiều hộ sản xuất cầm chừng.  
 
Bốn là, tình hình tài chính hết sức gay go. Các hộ đang thuộc quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, vốn liếng ít, nhiều khi phải dựa vào vốn của người đặt hàng hoặc vay ngân hàng. Đến nay, hàng không bán được, doanh thu bị thu hẹp, tài chính càng khó khăn: thiếu vốn cho sản xuất, thiếu tiền trả lương công nhân, đóng bảo hiểm xã hội, thiếu tiền nộp các loại thuế, phí, trả lãi ngân hàng, có một số hộ còn không còn tiền để trả tiền thuê kho, nhà xưởng, v.v…
 
Năm là, dời sống người lao động làng nghề gặp nhiều khó khăn. Do hàng không bán được, khá nhiều hộ thu hẹp sản xuất, từ đó doanh thu giảm sút, lợi nhuận hầu như không có, hộ chịu nợ lương công nhân hoặc phải cắt giảm lao động. Nhiều lao động thiếu việc, mất việc, thu nhập không đủ sống, nhiều gia đình cầm cự qua ngày. Bản thân chủ hộ cũng không đủ sức trợ giúp người lao động. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề vẫn chưa được khắc phục, đang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tuổi thọ người lao động.
 
Thực trạng nói trên là rất đáng quan ngại. Thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp như: cấp các gói tiền trợ giúp những hộ hoặc người lao động mất việc làm; miễn, giảm, giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí; hoãn đóng bảo hiểm xã hội; giảm phí giao thông, phí kho, bãi, tổ chức lại logistics, v.v… Ngân hàng cũng đã tiến hành cơ cấu lại các khoản dư nợ, thực hiện miễn, giảm lãi suất, khoan, giãn nợ, tăng tín dụng, v.v…Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) nước ta đã ký kết với các nước trên thế giới cũng đã đề ra những ưu đãi, chủ yếu là về thuế. Tuy nhiên, các hộ được hưởng những ưu đãi nói trên không nhiều, có phần do thủ tục để được hưởng còn rườm rà, khó thực hiện; cũng có phần do nhiều hộ không kịp thời tiếp cận các ưu đãi ấy. Trong khi nội lực có hạn, vốn liếng bị bào mòn qua thời gian chống chọi với dịch bệnh, nhiều khó khăn chồng chất vẫn đè nặng các hộ kinh doanh trong làng nghề nước ta.
 
KIẾN NGHỊ MỘT SỐ VIỆC CẦN TRIỂN KHAI
 
Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhưng điều chắc chắn là dịch bệnh rồi sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi, dất nước ta sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện các mục tiêu do Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Các hộ đang cần có những giải pháp theo hướng “thích nghi; cầm cự; chuẩn bị cho bước phát triển mới”. Phải thực hiện các biện pháp để thích nghi, cầm cự và khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị cho thời gian tới khi đại dịch bị ngăn chặn, làng nghề bước vào giai đoạn phát triển mới. Khi đó, các hộ không thể sản xuất kinh doanh như trước khi có dịch, mà phải có suy nghĩ mới, cách làm mới và ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị mọi mặt cho bước phát triển mới ấy.
 
Từ thực tiễn, xin nêu lên một số điểm cần được trao đổi, suy nghĩ - có thể coi là những yêu cầu chủ yếu cần được nhất trí khi triển khai thực hiện các công việc cụ thể.
 
Một là, thực hiện các giải pháp với tâm thế tự lực, tự cường, với khát vọng phát triển làng nghề mạnh mẽ, góp phần xứng đáng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường trong thời gian tới. Chủ hộ cần có ý chí vươn lên, nghĩ lớn, làm ăn lớn, có đột phá mới, hình thành lớp doanh nhân 4.0, khắc phục tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, tự ti về vốn liếng, trình độ. Cần bồi dưỡng niềm tự hào phát huy di sản nghề thủ công, văn hóa làng nghề ngày thêm phong phú, rạng rỡ, tiếp nối truyền thống văn hóa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm của dân tộc; đồng thời tự tin trong hội nhập quốc tế, đưa văn hóa làng nghề ra thế giới, đóng góp vào sự đa dạng, phong phú của văn hóa nhân loại.  
 
Hai là, kết hợp phát huy nội lực và tận dụng những thuận lợi từ bên ngoài. Đó là việc tiếp cận và khai thác hiệu quả hơn nữa các biện pháp hỗ trợ về tài chính, tín dụng mà các cơ quan, tổ chức đã và đang thực hiện. Đó là những ưu đãi về thuế quan đã được quy định trong các hiệp định thương mại tư do mà nước ta đã ký kết. Cần nói thêm rằng: dù phát huy nội lực phải là chủ yếu, song khai thác các thuận lợi nói trên vẫn là nhân tố rất quan trọng; vì vậy cần khắc phục tình trạng lâu nay: tìm hiểu kém, tiếp cận kém, khai thác càng kém, gây ra mất thời cơ, dẫn đến thua thiệt. Việc này cũng rất cần sự trợ giúp của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội bằng các hình thức như tập huấn, phổ biến, tư vấn, v.v…
 
Ba là, ứng dụng rộng rãi thành tựu của công nghiệp 4.0. Trong thời đại mới, với sự bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, các hộ đang có thời cơ rất thuận lợi để ứng dụng, thực hiện số hóa, bảo đảm giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, tăng lợi nhuận. Thực tế cho thấy, từ khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm, cho đến quản trị, điều hành sản xuất, xây dựng thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử, vận chuyển hàng hóa, v.v… tất cả đều có thể ứng dụng công nghệ mới một cách linh hoạt, thích hợp từ thấp đến cao.
 
Dưới đây, xin kiến nghị một số công việc cụ thể mà các hộ kinh doanh làng nghề chúng ta cần quan tâm thực hiện.
 
Một là, xác định sản phẩm chủ lực, thị trường chủ yếu. Đây là việc làm đầu tiên có ý nghĩa là cơ sở cho các việc tiếp theo. Lâu nay, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của chúng ta chủ yếu gồm năm nhóm: túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ, ngoài ra còn nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng cũng được xuất khẩu tại chỗ. Trong tình hình mới, cần rà soát lại các mặt hàng này, có những dự báo về nhu cầu mới của các thị trường cũng như các chính sách mà các thị trường áp dụng. Trên cơ sở phân tích thị trường mà mỗi hộ xem lại các sản phẩm của mình, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, kể cả phân khúc thị trường mà mình nhằm đến.
   
Hai là, đẩy mạnh thiết kế sản phẩm. Hoạt động thiết kế cần được đẩy mạnh, khắc phục tình trạng mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm làng nghề lâu nay vẫn bị coi là đơn điệu, nhàm chán, sản xuất theo thói quen, theo đặt hàng của người mua hoặc sao chép, thiếu sáng tạo. Công tác thiết kế phải vừa kế thừa, phát huy vốn văn hóa dân tộc, vừa thỏa mãn nhu cầu mới của người tiêu dùng. Cần chú ý sự quan tâm của người tiêu dùng trong thời đại mới là các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó đặc biệt là nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến các tập quán lao động, an toàn và sức khỏe của công nhân, sản xuất sạch - thân thiện với môi trường, các sản phẩm thủ công sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế. 
 
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực, nhất là đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi là vốn quý của mỗi hộ; dù khó khăn, cũng không thể để mai một. Với nghệ nhân, phải tạo không gian đồng bộ về tinh thần và vật chất để họ thỏa sức sáng tạo, đồng thời truyền nghề cho lớp trẻ. Nghệ nhân phải được bảo vệ, được đãi ngộ xứng đáng, được tôn vinh đúng thực chất. Trong mỗi hộ, chủ hộ là người định hướng hoạt động của hộ, dùng kiến thức và vốn liếng bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hộ, trong nhiều hộ hiện nay, họ cũng đồng thời là nghệ nhân, vì vậy chủ hộ cũng là một nhân vật rất cần được chú trọng bồi dưỡng và nâng cao về tầm nhìn, kiến thức, kịp thời bước phát triển của hộ trong giai đoạn mới.  
 
Bốn là, củng cố tổ chức nội bộ hộ kinh doanh. Để thực hiện tốt các việc nói trên, rất cần tổ chức lại bộ máy, nhân sự, cung cách quản trị, tổ chức thống kê, kế toán, các quy chế làm việc, v.v…Đương nhiên, những việc nói trên cần được thực hiện với những mức độ khác nhau, nhất là ứng dụng công nghệ số, tùy theo quy mô, trình độ của mỗi hộ. Song điều quan trọng là bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hoạt động có nền nếp, nguyên tắc, không vì là “hộ gia đình” mà xuề xòa, kém hiệu quả. Những hộ có điều kiện thì nên đăng ký thành lập doanh nghiệp, từng bước lớn lên, mở rộng sản xuất kinh doanh, tự tin vươn ra thế giới.
 
Tóm lại, đó là những việc cần làm theo hướng “thích nghi; cầm cự; chuẩn bị cho bước phát triển mới” đồng thời với thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để các hộ tham khảo, vận dụng. Rất mong các bộ, ngành và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng quan tâm trợ giúp để các hộ triển khai đạt hiệu quả, vượt qua khó khăn, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới.
 
(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam,
số 27, ngày 2/7/2921)



Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận