Làng nghề vào năm mới: KHƠI DẬY Ý CHÍ, KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN



VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Năm mới 2021 cùng với Tết cổ truyền Tân Sửu đã đến, mở ra niềm tin và hy vọng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã quyết định những chủ trương, đường lối rất quan trọng đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Làng nghề chúng ta cần phát huy mọi tiềm năng, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tiến lên đạt nhiều thành tích mới.

KHAI THÁC NHỮNG THUẬN LỢI MỚI

Ngày 28/12/2021, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hiệu triệu “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”. Đối với làng nghề chúng ta, đó là đó là khát vọng phát triển bền vững, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của đất nước. Cần thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người lao động, vừa khai thác và tận dụng tốt các nguồn lực để phục hồi và phát triển làng nghề có hiệu quả hơn nữa. Xin điểm qua một số nguồn lực mà làng nghề chúng ta cần khai thác.

Một là, nguồn lực từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do.

Đến hết năm 2020, 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta ký kết có hiệu lực thi hành. Các FTA này phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn thế giới. Đáng chú ý là năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nước ta đạt 543,9 tỷ USD; trong khi đó, GDP đạt 340,6 tỷ USD; hai con số này cho thấy kinh tế nước ta là một nền kinh tế mở, tạo ra khả năng to lớn về xuất khẩu mà làng nghề chúng ta cần khai thác. 

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các FTA chỉ nhằm cắt giàm các sắc thuế và hạn ngạch nhập khẩu, tạo thuận lợi cho hàng hóa nước ta vào các thị trường ấy, song họ cũng lại có thể có những hàng rào phi thuế quan để bảo vệ hàng hóa nước họ. Vì vậy, điều quyết định là các làng nghề nước ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đúng nhu cầu, quy định của các thị trường ấy.

Để  khai thác thuận lợi do các FTA mang lại, các cơ quan nhà nước đang thực hiện nhiều hoạt động để giới thiệu nội dung cụ thể của từng FTA cho các doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương án phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, đối với chúng ta, đang có trên 5.400 làng nghề, trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống; mỗi làng có nghề thủ công mỹ nghệ khác nhau và mỗi nghề cũng có cơ hội gia nhập thị trường khác nhau. Chính vì vậy, cần có sự hướng dẫn chi tiết, sát với mỗi nghề và đáp ứng đúng yêu cầu của mỗi thị trường. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chúng ta cần kết hợp với các cơ quan nhà nước liên quan triển khai những biện pháp thích hợp, hướng dẫn cụ thể (như tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình…) đi sâu vào từng ngành nghề để các cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề nắm được và vận dụng. 

Hai là, tiếp cận các biện pháp trợ giúp của Nhà nước.

Từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có những chủ trương, biện pháp trợ giúp các doanh nghiệp, trong đó có cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, như thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, v.v… Khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại to lớn đối với nền kinh tế, Chính phủ đã có hàng loạt các giải pháp về tài khóa và tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nền kinh tế cũng đã được thụ hưởng những hỗ trợ “hồi sức” cần thiết để duy trì và thích ứng với tình hình mới. Riêng số tiền mà ngành tài chính đã triển khai miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2020 đã lên đến 124.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng giảm lãi suất tín dụng từ 1,5 – 2%. Chính phủ có gói hỗ trợ lần một là 62.000 tỷ đồng giúp các cơ sỏ gặp khó khăn; đồng thời chuẩn bị gói hỗ trợ lần hai với kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai cũng sẽ tạo điiều kiện cho các làng nghề phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, v.v...
 
Hiệp hội chúng ta nên nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, các đề án, chương trình, v.v… của Nhà nước, có các giải pháp giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề được tiếp cận và thụ hưởng, để các hỗ trợ ấy được thực hiện “đúng” và “trúng” địa chỉ, thực sự giúp cơ sở làng nghề giảm bớt khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

BIẾN KHÁT VỌNG THÀNH HÀNH ĐỘNG HIỆU QUẢ

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã để ra yêu cầu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Trong làng nghề chúng ta, khát vọng phát triển ấy phải được thấm nhuần sâu sắc trong từng cơ sở sản xuất kinh doanh, trong cộng đồng làng nghề, thậm chí trong từng người, nhất là lớp trẻ đang tâm huyết với làng nghề và giàu sức sáng tạo. Phải biến khát vọng thành những hành động thiết thực mang lại hiệu quả cụ thể không chỉ nhằm góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng nông thôn mới, mà còn mang ý nghĩa sâu xa là nhằm phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân tộc. Đó chính là điểm khác biệt của sản phẩm làng nghề so với các hàng hóa khác trong nền kinh tế. Các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề cần tập trung sức vào việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm với những biện pháp như: thiết kế, cải tiến mẫu mã; xúc tiến thương mại; ứng dụng kinh tế số; bảo hộ sở hữu trí tuệ; bảo vệ môi trường, v.v… Đó là những công việc lâu nay vẫn làm, song lần này cần làm với tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn, với những biện pháp đổi mới, sáng tạo để đạt hiệu quả cao hơn.

Hiệp hội cần phát huy vai trò của mình, hướng về cơ sở làng nghề, giúp cơ sở thực hiện những công việc quan trọng nói trên. Vì vậy, Hiệp hội cần đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trực thuộc, trong đó các trung tâm giữ vai trò chủ lực. Hiệp hội nên tin tưởng, tạo điều kiện, giao việc, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các trung tâm; như vậy, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, vừa có phần đóng góp cho Hiệp hội. 

LIÊN KẾT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

Liên kết theo chuỗi giá trị là một hình thức kinh doanh tất yếu trong kinh tế thị trường nhưng còn rất mới đối với làng nghề. Đó là do làng nghề vốn gồm chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ và vừa, sản xuất kinh doanh theo kinh nghiệm, nhà nào biết nhà ấy, sự liên kết rất yếu. Trong tình hình mới, rất cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị với ý chí, khát vọng phát triển mạnh mẽ  để đạt hiệu quả cao hơn.

Theo các nhà nghiên cứu, chuỗi giá trị là một dãy các hoạt động làm tăng giá trị tại mỗi khâu từ nghiên cứu thiết kế mẫu mã, sản xuất và đưa sản phẩm có chất lượng đến tay người sử dụng với giá cả hợp lý. Cũng có thể hiểu chuỗi giá trị là một tập hợp tất cả các hoạt động tập trung vào việc tạo ra hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm, bắt đầu từ yêu cầu của khách hàng và kết thúc với thành phẩm được tạo ra cùng với các giá trị mà khách hàng sẵn sàng chi trả. 

Lâu nay, tại các làng nghề, trong các khâu nói trên, có hai khâu tạo ra giá trị nhiều nhất là nghiên cứu thiết kế mẫu mã và tiêu thụ sản phẩm thì hầu như các cơ sở sản xuất không biết đến, vì vậy đang chịu nhiều thiệt thòi. Về mẫu mã, các cơ sở thường sản xuất theo truyền thống, hoặc theo mẫu mã do khách hàng đặt làm và có khi sao chép mẫu mã trên thị trường, thiếu sáng tạo mẫu mã đặc trưng của cơ sở mình, kể cả của mỗi nghệ nhân. Về tiêu thụ, cơ sở thường giao hàng cho một doanh nghiệp đầu mối (là người đặt hàng, ứng trước vốn và thu gom hàng) với giá cả do hai bên thỏa thuận; cơ sở làng nghề thường không nắm rõ địa chỉ nơi tiêu thụ và giá mà người tiêu thụ chi trả; không những thế, mỗi cơ sở riêng lẻ cũng không đáp ứng được đơn hàng có khối lượng lớn, đành lỡ cơ hội kinh doanh.

Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sẽ mang lại lợi trên nhiều mặt, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa làng nghề: (i) các khâu đều được công khai, minh bạch, cơ sở làng nghề nắm được giá trị mới tạo ra trong từng khâu; (ii) có sự phân phối lợi nhuận hợp lý qua từng khâu, cơ sở sản xuất làng nghề không bị thiệt như trước; (iii) nếu mỗi khâu tiết giảm được chi phí, giá bán có thể hạ, người tiêu dùng được lợi; (iv) thời gian có thể giảm bớt; (v) có thể đáp ứng được đơn hàng lớn của khách hàng.

Cũng xin nói thêm về loại dịch vụ hậu cần (logistic) – một lĩnh vực đóng  vai trò quan trọng trong thương mại bao gồm các hoạt động như: chuẩn bị hàng hóa, sắp xếp, bao bì, đóng gói, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, vận chuyển hàng hóa ra cảng, làm thủ tục hải quan nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng một cách thuận lợi với chi phí thấp nhất. Đây là loại dịch vụ mà nước ta đang khuyến khích áp dụng; làng nghề chúng ta nên áp dụng từng bước, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng chu đáo hơn. 

Với những lợi ích như trên, liên kết theo chuỗi giá trị tại các làng nghề cần được đẩy mạnh. Kinh nghiệm cho thấy, để tạo nên chuỗi liên kết, rất cần một doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu chủ trì; đây là doanh nghiệp có kỹ năng quản lý, có vốn, đủ sức hướng dẫn, tạo mối quan hệ giữa các khâu của cả quá trình, nhất là đầu ra của sản phẩm. Làng nghề cũng có thể tổ chức những hợp tác xã để thực hiện liên kết đối với một số sản phẩm. Đương nhiên, việc liên kết theo chuỗi giá trị phải do cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề chủ động thực hiện, song Hiệp hội cũng có vai trò trong việc tổ chức, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm để triển khai rộng rãi.

*

Tết đến, Xuân về, Đại hội Đảng thành công tốt đẹp đem lại cho làng nghề nước ta niềm tin và hy vọng mới. Chúng ta cần khơi dậy ý chí, khát vọng, khai thác mọi cơ hội, khắc phục mọi khó khăn với tinh thần đổi mới sáng tạo phát triển làng nghề ngày thêm bền vững, phát huy rực rỡ hơn nữa tinh hoa văn hóa làng nghề, góp phần xứng đáng của làng nghề vào sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới. 

VQT

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận