KINH TẾ LÀNG NGHỀ - MỘT BỘ PHẬN QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN
Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Thời gian gần đây, sau khi vấn đề phát triển kinh tế tư nhân được nêu lên tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã liên tiếp có nhiều cuộc họp, hội thảo để khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của kinh tế tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước ta. Bài viết này nhằm góp phần nhận thức sâu sắc thêm về giá trị của kinh tế làng nghề - một bộ phận quan trọng của kinh tế tư nhân; trong phát triển kinh tế tư nhân, không thể không coi trọng kinh tế làng nghề.
KINH TẾ TƯ NHÂN KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ
Từ thân phận là một thành phần kinh tế bị cải tạo để đi đến xóa bỏ trong thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp những năm trước đây, đến nay, kinh tế tư nhân đã được công nhận là một động lực quan trong trong nền kinh tế - xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Khu vực kinh tế tư nhân đang bao gồm hơn 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh. Năm 2019, khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 45% vốn đầu tư toàn xã hội, 30% thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Chính khu vực tư nhân năng động này đã vận dụng các chính sách của nhà nước, khắc phục khó khăn, góp phần quan trọng đưa kinh tế nước ta bước đầu vượt qua đại dịch Covid-19, GDP tăng trưởng 2,9% trong năm 2020.
Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông; một số tập đoàn đã đầu tư ra nước ngoài, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể kể 10 doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất năm 2018 lần lượt là Vingroup, Thế giới Di động, Vinamilk, DOJI, Thaco, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VP Bank và Masan mà tháng 12/2018, Vietnam Report đã công bố trong Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500.
Đáng chú ý là trong cơ cấu của kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp có đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện hạch toán kinh tế, đóng thuế theo biên lai, chứng từ chỉ chiếm khoảng 12% GDP. Còn lại khoảng 30% GDP là phần đóng góp của hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh đăng ký ở quận, huyện, nộp thuế khoán, thuộc loại hình kinh tế phi hình thức đang phủ khắp các vùng từ đô thị đến nông thôn. Với quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, vốn ít, lao động ít, quản lý đơn giản, các hộ này đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân, góp phần gây dựng cuộc sống ấm no của các tầng lớp nhân dân, ổn định trật tự, an ninh xã hội. Hộ kinh doanh cũng là nơi cho các chủ hộ tập dượt, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng để từng bước lớn lên thành những doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã chỉ rõ dù đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền kinh tế vẫn không thể không có những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành sự bổ sung tất yếu về nhiều mặt giữa các doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau.
Trong thời gian tới, như Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) đã quyết định “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao” (Trích Báo cáo Chính trị trình Đại hội). Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp đạt 60%-70%.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, tại phiên họp Chính phủ ngày 18/2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Ngày 6/3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, đối thoại với các doanh nhân, trí thức với chủ đề “Đối thoại 2045”. Phát biểu tổng kết, Thủ tướng đã cam kết “Tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành và địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân” (Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 7/3/2021).
Cũng theo chiều hướng phát triển kinh tế tư nhân, ngày 5/3/2021 đã có cuộc Tọa đàm “Làm tổ cho đại bàng nội” tại Quảng Ninh, tại đây, các doanh nhân, chuyên gia nêu lên nhiều ý kiến tâm huyết với tinh thần khuyến khích hơn nữa kinh tế tư nhân, để doanh nghiệp dân tộc trở thành yếu tố dẫn dắt, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam.
PHÁT HUY BẢN SẮC CỦA KINH TẾ LÀNG NGHỀ
Trong kinh tế tư nhân nước ta, kinh tế làng nghề là một bộ phận quan trọng, đã tồn tại tử rất lâu trong lịch sử với sự ra đời của các nghề thủ công, các làng nghề. Cả nước ta hiện có khoảng 5.411 làng nghề với 1.864 làng nghề truyền thống. Có thể tóm tắt vị trí của kinh tế làng nghề qua năm nội dung sau đây.
Một là, kinh tế làng nghề gồm phần lớn là các hộ kinh doanh (một số ít là doanh nghiệp và hợp tác xã), tất cả đều do tư nhân làm chủ, thể hiện sức dân trong phát triển đất nước và đang còn rất nhiều tiềm năng có thể phát huy. Nếu nói nông nghiệp, nông thôn là “bệ đỡ” cho kinh tế cả nước, thì làng nghề chính là một khu vực rộng lớn thu nhận và tạo việc làm cho người lao động mỗi khi kinh tế thành phố có biến động, người lao động trở về nông thôn.
Hai là, kinh tế làng nghề mang bản sắc cốt lõi là văn hóa dân tộc được lưu truyền từ nhiều đời nay, một số sản phẩm và nghề thủ công đã là di sản vật thể và phi vật thể quốc gia hoặc được UNESCO công nhận; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ba là, kinh tế làng nghề tạo việc làm trong các ngành nghề thủ công cho cư dân nông thôn, với thu nhập gấp 2 -3 lần so với nơi thuần nông, góp phần cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội. Thanh niên nông thôn có việc làm và trưởng thành ngay tại quê hương, khỏi phải ra thành phố hoặc đi bán sức ở nước ngoài, gây ra nhiều thảm cảnh.
Bốn là, kinh tế làng nghề góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng, cộng đồng dân cư gắn kết, ấm no, hạnh phúc, có đủ điện, đường, trường, trạm; quang cảnh khang trang, xanh, sạch, đẹp; tạo nhịp sống nhộn nhịp, tươi vui, hình thành “một miền quê đáng sống”. Tại các làng nghề truyền thống, hầu như không có tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh cho làng xóm.
Năm là, kinh tế làng nghề tạo ra những sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh, với các di tích văn hóa, lễ hội truyền thống, lịch sử các vị Tổ nghề; là nơi khách du lịch tiếp xúc, giao lưu với các nghệ nhân, tìm hiểu kỹ thuật, công nghệ chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Điều mà bài viết này muôn nhấn mạnh chính là BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA KINH TẾ LÀNG NGHỀ. Trong điều kiện hiện nay, có thể thấy, văn hóa làng nghề về cơ bản vẫn tiếp nối những tinh hoa của làng truyền thống, song đang được vận dụng, phát huy trong tình hình mới. Có thể nêu ra những yếu tố cấu thành văn hóa làng nghề như sau.
- Về cơ cấu tổ chức: đó là việc duy trì các quan hệ làng xóm – dòng họ - gia đình – thợ thủ công; là việc hình thành những hội nghề nghiệp trong quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề; v.v… Những quan hệ nói trên cần được duy trì và phát triển theo yêu cầu của kinh tế thị trường, mà chủ yếu là củng cố quản lý nội bộ đi đôi với đẩy mạnh liên kết liên doanh, nhất là liên kết theo chuỗi giá trị để khắc phục những yếu kém của từng hộ kinh doanh, tăng thêm sức mạnh, cùng phát huy tài năng, sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng mới, nâng cao chất lượng của sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường, v.v…
- Về văn hóa vật thể: đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng cho văn hóa từng làng nghề từng vùng miền; là các đình, đền, miếu, nơi thờ Tổ nghề, nhà thờ họ, là các nhà truyền thống, bảo tàng làng nghề, v.v…Các nhà truyền thống, các bảo tàng (kể cả bảo tàng tư nhân) là rất cần được xây dựng, trong đó có những công trình có tính tổng hợp của một làng nghề hoặc công trình chuyên đề về một nghề thủ công (ví dụ chuyên về gốm sứ, mây tre đan, tơ lụa, thổ cẩm …).
- Về văn hóa phi vật thể, đó là: (i) tính cộng đồng của các luật tục, phong tục tập quán, cung cách ứng xử trong làng xóm; (ii) các lễ hội, tôn vinh Tổ nghề; tổ chức các sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng cộng đồng (lễ hội, rước sách, tế lễ, các trò chơi dân gian …); tôn vinh những di tích, địa danh truyền thống làng nghề gắn với danh lam, thắng cảnh, di tích cách mạng; (iii) dạy nghề, truyền nghề, giữ gìn các bí quyết và kỹ sảo nghề, tôn vinh và phát huy tài năng và sức sáng tạo của các nghệ nhân; (iv) phát huy “vốn xã hội” trong các làng nghề, v.v…
Bản sắc văn hóa – cũng là đặc trưng của kinh tế làng nghề, là cái tạo nên SỰ KHÁC BIỆT của làng nghề so với các nền kinh tế khác đã được bồi đắp, giữ vững và phát triển qua chiều dài lịch sử của dân tộc. Xin nhấn mạnh về giá trị của NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, trongg đó có nhiều biểu hiện, như công cụ sản xuất, quần áo, đồ trang sức, trang phục và đạo cụ cho các lễ hội và biểu diễn nghệ thuật, đồ vật được sử dụng để lưu trữ (như hũ, vại), phương tiện vận chuyển, nghệ thuật trang trí và các đồ vật nghi lễ, nhạc cụ và đồ dùng gia đình, đồ chơi, đồ giải trí và giáo dục... Nhiều vật thể trong số nói trên có thứ chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, song cũng có những hiện vật trở thành gia truyền, được lưu giữ như kỷ vật từ thế hệ này sang thế hệ khác. Song, điều quan trọng nhất, theo các nhà nghiên cứu, mục tiêu của việc bảo vệ các nghề thủ công truyền thống – di sản văn hóa phi vật thể chính là bảo đảm cho các kiến thức và kỹ năng liên quan đến nghề truyền thống được truyền lại cho các thế hệ tương lai, để các nghề thủ công có thể được thực hành sản xuất trong cộng đồng của họ, vừa cung cấp sinh kế cho người làm vừa phát huy tính sáng tạo. Chính vì thế, khuynh hướng của khách du lịch thời nay cũng là thích thú nhiều hơn đến những đồ vật thủ công thấm nhuần kiến thức và giá trị văn hóa tích lũy trong bàn tay, khối óc của người thợ thủ công. Khách du lịch thường muốn trải nghiệm bằng cách tự tay chế tác hàng thủ công, thích thú giao lưu với các nghệ nhân để tìm hiếu sâu về kỹ năng chế tác.
***
Tóm lại, với những tín hiệu rất đáng mừng trong thời gian gần dây, có thể tin tưởng và hy vọng kinh tế tư nhân nước ta sẽ có bước phát triển mới mạnh mẽ, trong đó kinh tế làng nghề tiếp tục phát huy bản sắc riêng của mình, đóng góp nhiều hơn và xứng đáng hơn nữa cho kinh tế tư nhân và cho sự phát triển của đất nước.
VQT
(Bài đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam, số 11(47) ngày 12/3/2021)
1 Bình luận
VERY GOOD
Trả lờiXóa