BẢN THẢO MỘT TIỂU LUẬN: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (15) - C.3- SẢN XUẤT HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VỚI KỸ THUẬT SỐ:



 c.3- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với kỹ thuật số:
 
Thủ công là một quá trình về cơ bản của con người và nhân văn. Để tạo ra một thứ gì đó liên quan đến sự tương tác của con người với công nghệ cho dù đó là dùng bút chì, búa, đục hay phần mềm và phần cứng máy tính, thủ công liên quan đến mức độ kiểm soát tự chủ cao đối với một quá trình toàn diện từ ý tưởng, thiết kế đến chế tạo. Xưa kia, chế tạo một thứ gì đó là một thực hành thu hút người thợ thủ công đến mức họ không để ý đến thời gian nhưng lại có cảm giác hoặc ham muốn hoàn thành hoặc đạt thành tích cao thông qua việc tham gia quá trình này. Csikszentmihalyi cho rằng quá trình tâm lý này là “dòng chảy -flow” - một trạng thái tinh thần tập trung cao độ có lợi cho năng suất- giúp mọi người hạnh phúc, viên mãn và thành công trong cuộc sống, trái ngược với lợi ích vật chất hoặc thậm chí là “trí thông minh”. Sau này, khi người sản xuất trở nên chuyên nghiệp, thủ công là cả quy trình phức tạp và sản phẩm. Quy trình và sản phẩm này luôn luôn gắn liền với các cuộc đối thoại nội tại liên tục giữa người sản xuất và công nghệ đồng thời chịu ảnh hưởng hoăc bị chi phối bởi ý thức và tiềm thức do tác động của các lực lượng bên ngoài của các nền văn hóa thủ công, thiết kế và nhiều hơn thế nữa. Thủ công cũng tồn tại như một hoạt động “dòng chảy” ở cấp độ con người trong quá trình tạo ra các đối tượng và hệ thống xã hội được hiểu là nằm ngoài phạm vi của hành nghề thủ công chuyên nghiệp và thuộc về lĩnh vực của “nghiệp dư”, “sở thích” hoặc dân gian.
 
Công nghệ được Heidegger coi như một trật tự áp đặt của tự nhiên và con người, một thách thức bất chấp để tồn tại hơn là một sự mặc khải về hiện hữu. Ông lập luận rằng công nghệ đồng thời là một phương tiện để đạt được mục đích và là một hoạt động của con người liên quan đến việc xác định các ý định, xác định và sử dụng các phương tiện để đạt được chúng. Nghĩa gốc Hy Lạp của từ “techne” là tên gọi cho các hoạt động và kỹ năng của người thợ thủ công cũng như nghệ thuật của trí óc và mỹ thuật.
 
Một trong những công cụ của nền kinh tế da cam/sáng tạo là công nghệ kỹ thuật số. Mặc dù máy tính đã được sử dụng phổ biến trong vài thập kỷ trong hầu hết các lĩnh vực thủ công, nhưng chúng vẫn được sử dụng chủ yếu như một thiết bị hỗ trợ và chúng ta dường như không được coi như một công cụ chuyên nghiệp, như một công cụ tạo tác chính thức của nghề thủ công. Các phương pháp, công nghệ mới đang sẵn có nhưng trong thực tế, chúng ta đang có đến hai hộp đồ nghề (công cụ tạo tác): Hộp đồ nghề truyền thống và hộp đồ nghề kỹ thuật số mới.
 
Trong hộp đồ nghề kỹ thuật số hiện tại, chúng ta đã có CAD (thiết kế được sự hỗ trợ của máy tính), máy CNC (điều khiển máy bằng máy tính, cắt laser, tạo mẫu 3D, phay nhiều trục v.v.) và chế tạo bằng máy in 3D (Công nghệ bồi đắp vật liệu) được tùy chỉnh theo phương pháp mới đang phát triển. Thế giới chia sẻ kiến thức về các công nghệ mới này trên các nền tảng mã nguồn mở, truyền dạy lẫn nhau thông qua web trên toàn cầu về cách thức áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào thủ công. Giờ đây, chúng cho mọi người cơ hội chung tay với các phong trào đại chúng hóa các kỹ thuật sản xuất đương đại và phát triển/ phát minh lại cách thức thực hành, sử dụng các công cụ và những gì có thể gọi là thủ công mới.
 
Thức tế, nghề thủ công trong nước cũng đã nổi lên xu hướng áp dụng công nghệ mới trong khoảng 10 năm trở lại đây trong sản xuất hàng thủ công. Đó là việc nhiều nghệ nhân thủ công đương đại kết hợp những gì được gọi là công nghệ “mới” hoặc bao quát hơn là “kỹ thuật số” vào chế tác của họ. Mới nhìn vào, điều này có vẻ mâu thuẫn với chính định nghĩa về thực hành thủ công với quan niệm nhấn mạnh vào “công việc của bàn tay”, tính ưu việt của cảm xúc và tôn vinh các truyền thống văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, suy nghĩ sâu hơn, đây lại là việc làm cho nghề thủ công phù hợp với xu hướng hàng thủ công đương đại và phù hợp với thực tiễn thủ công, mỹ thuật đương đại, nơi kỹ thuật số đang rất thịnh hành. Nhưng liệu việc nắm bắt kỹ thuật số này chỉ có đơn giản là áp dụng những gì được coi là “kỹ thuật” trong lĩnh vực thủ công nghệ?


Trong bài này tôi không đi sâu vào phân tích vì rất dài và còn nhiều tranh luận mà chỉ nêu vài khía cạnh phổ biến để xác định mỗi một điều là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất đang tác động trên thực tế đến hàng thủ công trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, đó là các ứng dụng công nghệ sản xuất kỹ thuật số đang sẵn có như nói trên gần đây như CAD và sản xuất CNC… đang được áp dụng rộng rãi. Không có gì ngạc nhiên khi hàng thủ công đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất kỹ thuật số này. Mặc dù vẫn còn quan điểm lâu nay cho rằng sản xuất hàng thủ công là sử dụng các công nghệ cổ (truyền thống), nhưng ngược lại quan điểm này lại cho thấy việc áp dụng công cụ mới gần hoặc gắn liền với đặc trưng nghệ nhân và thực tế hơn. Lưu ý rằng các nghệ nhân trong trong lịch sử nghề thủ công luôn là những người sáng tạo công cụ mới và đón nhận những công nghệ mới rất nhanh nhạy với mục đích là làm ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, đẹp hơn và thuận lơi hơn cho công việc chế tác. Hãy nghĩ về những công cụ chế tác thủ công cách đây vài trăm năm mà ngành khảo cổ cung cấp và gần đây hơn là những công cụ cách nay ba bốn chục năm trong thời bao cấp, đã cho thấy lập luận này có cơ sở. Máy dệt, dụng cụ điện cầm tay, mày cơ khí các loại, lò nung điện - ga, công nghệ lò thủy tinh, máy cán, búa điện cho lò rèn… càng cho thấy rõ ràng hơn những người làm thủ công luôn là những nhà sáng tạo/phát minh/ chế tạo công cụ đầy nhiệt huyết và là những người sớm áp dụng các tiến bộ công nghệ. Bạn cảm thấy hạnh phúc khi chế tạo với một chiếc đục nhỏ thuận tiện trong việc đục những hoa văn tinh xảo trên gỗ cũng giống như khi tiến hành bằng một cánh tay robot CNC 6 trục, chúng đều giống như thể là tay chân của chính mình.
 
Thứ hai, khi cầm chiếc điện thoại chụp một bức ảnh sản phẩm đẹp vừa hoàn tất đã là một ứng dụng kỹ thuật số. Khi những bức ảnh này được chia sẻ lên mạng xã hội hoặc blog là một ứng dụng nữa. Đến khi nghệ nhân lập một trang web hay mở gian hàng trên các website bán hàng trực tuyến lại là bước tiến trong bán hàng, tiêu thụ sản phẩm thủ công bằng kỹ thuật số,… Những cách tiếp cận này đối với công nghệ kỹ thuật số thoạt đều có vẻ không phù hợp với các ngành nghề thủ công; đặc biệt là khi xem xét các sản phẩm thủ công có mối liên hệ chặt chẽ với nội dung trừu tượng, gợi cảm, các phương pháp chế tác và kiến thức vật liệu truyền thống... Tuy nhiên, trên thực tế, chúng có liên kết chặt chẽ với các đặc trưng cốt lõi của khái niệm của nghề / hàng thủ công.
 
Ví dụ, một phần bản chất của tất cả các nghề thủ công là sự truyền cảm. Những người thợ thủ công làm đồ gỗ chẳng hạn, họ sống và làm việc hàng ngày với hương thơm của gỗ mới xẻ. Họ đánh giá thuộc tính của gỗ thông qua mùi thơm, âm thanh lắng nghe được khi gõ vào gỗ, ước lượng cân nặng của gỗ, xem xét kết cấu của gỗ và đánh giá độ sắc nét, chuẩn xác của tác động của các công cụ thông qua âm thanh, tiếng cưa, đục mà chúng tạo ra. Về phía người mua, họ đánh giá cao công việc của nghệ nhân, yêu thích màu sắc và vân gỗ, thích bề mặt hoàn thiện mịn mượt hoặc độ tương phản được tạo ra bởi các vết đục sắc nét, tinh xảo. Họ ngửi thấy mùi gỗ và cảm thấy đồng cảm với người sản xuất và với thế giới tự nhiên mà từ đó sản phẩm gỗ ra đời. Tất cả các nghệ nhân đều giống nhau ở một điểm, họ chỉ có thể làm được nhiều điều mới lạ với chất liệu cụ thể, có lịch sử và liên tưởng vô cùng phong phú về chúng ví như gỗ. Một video, hình ảnh, âm thanh kỹ thuật số mô tả và truyền đạt đến công chúng những gợi cảm tinh tế đó là cần thiết và hoàn toàn không trái với các giá trị nghề thủ công truyền thống. Trong nghề thủ công “hữu xạ tự nhiên hương” là quan trọng để nói về danh tiếng nghệ nhân tài năng, nhưng trong bối cảnh xã hội thông tin và kỹ thuật số cần một phường thức khác để tôn vinh tài năng nghệ nhân, truyền cảm hứng, giá trị của tác phẩm thủ công.


Trong bài tiểu luận mở đầu cuốn sách “Vật liệu mới”, Fo Wilson chứng minh cho lập luận rằng “công nghệ kỹ thuật số là một phần của vật chất mới trong ngành thủ công”. Do đó, việc sử dụng ảnh, video và âm thanh của nhiều nghệ nhân sản xuất đương đại xuất phát từ mong muốn làm sâu sắc thêm mối liên kết gợi cảm để người mua có thể có được trước khi bắt gặp tác phẩm của họ.
 
Một khía cạnh thứ ba nữa của các công nghệ kỹ thuật số nhiều thú vị, đó là mâu thuẫn một cách đáng ngạc nhiên về tính cố định về thời gian của hàng thủ công so với công nghệ số. Công nghệ kỹ thuật số luôn “mới” nhưng “cũ” ngay rất nhanh. Sử dụng cái gọi là công nghệ kỹ thuật số “mới” tại một thời điểm, nó sẽ đóng băng công việc, hình ảnh, nội dung… cụ thể đang thực hiện trong khoảng thời gian nào đó, làm cho “thời gian” đứng yên và trở thành một khía cạnh nổi bật của tác phẩm. Hãy nhớ lại cách các đoạn băng từ, phim nhựa ghi lại một sự kiện quan trọng trong lịch sử như sự kiện xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập vào 30/4/1975 hoặc sự kiện đổ bộ lên mặt trăng của phi thuyền Apollo có người lái đầu tiên của Mỹ nay không thể phát hình được vì các đầu máy thu, phát cho những thước phim, băng từ được sử dụng vào thời điểm đó đều đã bị loại bỏ. Những cuốn băng, phim gốc đó đã phải tái chế hoặc được ghi lại bằng kỹ thuật số vì loại phim, băng từ đó không còn được sản xuất nữa. Công cụ kỹ thuật số rất nhanh lỗi thời, nhưng nội dung lịch sử của chúng không thay đổi. Nếu cho rằng hàng thủ công thường bị coi là lỗi thời và đi sau thời đại vì bám vào các công nghệ nào đó không phù hợp hoặc trở nên cũ kỹ bởi các công nghệ “mới” đang phát triển thì hãy xem bộ bình uống trà bằng đất sét hoặc ly thủy tinh đã là một phần của nền văn hóa nhân loại từ hàng nghìn năm nay không đổi dù trước đây chúng được nung bằng rơm rạ, cũi hoặc bằng khí ga, điện ngày nay, ngược lại chai PET (nhựa) sẽ tồn tại trong bao lâu?


Các nghệ nhân thủ công liên kết với công nghệ đang tạo dựng bối cảnh mới cho các công nghệ cũ và mới, đồng thời cũng đặt vấn đề về các giá trị gán cho mỗi công nghệ. Nhiều nghệ nhân thủ công đương đại đang mở rộng bảng kê chất liệu và công nghệ của họ để đón nhận các công nghệ kỹ thuật số. Họ thấy rằng những công nghệ mới này có những giá trị vốn có của riêng chúng cũng giống như các vật liệu và quy trình truyền thống khác mà họ sử dụng. Thách thức lớn là nghệ nhân phải hiểu và thông thạo không chỉ với bản thân các công nghệ mà còn hiểu biết cả ý nghĩa của chúng giống như việc thông thạo các công cụ trong hộp đồ nghề chế tác cổ truyền của họ. Thường, người nghệ nhân liên tục tìm kiếm cách làm tốt hơn. Những nỗ lực của họ có khi mất nhiều năm để có được sự thành thạo một loạt các công cụ sáng tạo và thú vị.
 
John Makepeace, cựu ủy viên của Bảo tàng Victoria & Albert và là người nhận Huân chương Đế quốc Anh, tước OBE năm 1988, là một nhà thiết kế và sản xuất đồ nội thất bằng gỗ từ những năm 1960; là thành viên sáng lập của Hội đồng Thủ công mỹ nghệ Anh vào những năm 1970, ông nhận thức được nhu cầu về giáo dục, đào tạo tích hợp dành riêng cho các nhà thiết kế và sản xuất đồ nội thất để có thể kiếm sống trong thế giới thực. Vì vậy, John đã thành lập trường Cao đẳng Parnham ở Dorset vào giữa những năm 1980, trường này nhanh chóng đạt được danh tiếng quốc tế và cho đến ngày nay đã có ảnh hưởng đến toàn cảnh thiết kế đồ nội thất của Anh.
 
Giống như John Makepeace, Gareth Neal cũng chuyên về sản xuất đồ nội thất bằng gỗ từ cuối những năm 1990, ngày nay cơ sở hành nghề của ông có trụ sở tại Đông London. Điều thu hút ông ấy ngay từ đầu là công nghệ kỹ thuật số có thể được sử dụng trong cả thiết kế và chế tạo một món đồ nội thất. Ngay từ rất sớm, tác phẩm của ông đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình và kết quả là chúng đã được trưng bày trong các triển lãm quốc tế lớn. Những tác phẩm đặt làm riêng của ông được bán thông qua các phòng trưng bày quốc tế. Ông đã hợp tác với nhiều nhà thiết kế khác nhau, bao gồm cả cố kiến ​​trúc sư danh tiếng Zaha Hadid.
 
John giải thích: “Hàng thủ công gỗ từ lâu đã bị mắc kẹt trong những cách chế biến gỗ cũ của thế kỷ 17. Công nghệ ngày nay thúc đẩy những gì có thể có cho đồ gỗ theo những cách không giới hạn. Và những thay đổi to lớn trong công nghệ mang đến những cơ hội mới cho những người thợ thủ công. Nếu trí tưởng tượng của tôi đưa tôi đến một quy trình mới, thì tôi phải sử dụng nó”. Đối với ông, công nghệ kỹ thuật số có khả năng vô hạn và mở rộng quyền tự do sáng tạo thông qua công nghệ. Gareth Neal cho rằng công nghệ kỹ thuật số có thể được coi là sự mở rộng của bàn tay người thợ bằng cách kết hợp cách làm truyền thống với công nghệ mới.
 
Gareth giải thích, việc sử dụng một thứ gì đó giống như một chiếc máy CNC, cần có thời gian và quá trình thực hành liên tục để làm đúng. Đối với ông, chuyên môn, kỹ năng dựa trên kinh nghiệm có được theo thời gian nhưng cũng liên quan đến tất cả những thất bại đi kèm. Theo Gareth, việc phát triển sự hiểu biết về vật liệu và quy trình chế tác thu được thông qua kinh nghiệm từ những thất bại và rủi ro trước đây là giống nhau đối với bất kỳ công cụ nào, kể cả công nghệ kỹ thuật số.
 
Sự phát triển của các quá trình sản xuất hoặc công cụ chế tác là một quá trình diễn ra khá chậm. Thay vì câu hỏi đang có máy móc, công nghệ gì ở ngoài kia, nghệ nhân nên đặt câu hỏi về những gì họ có thể làm với các quy trình để nói về mối quan hệ giữa bàn tay và máy. Vì vậy, họ phải tìm kiếm những chiếc máy giúp họ tạo ra một số loại kết nối hoặc tiếp tục cuộc đối thoại này giữa khoảng cách khi họ nhận được trên máy CNC hoặc công nghệ kỹ thuật số và mối quan hệ chặt chẽ mà họ có được với các công cụ cầm tay và cố gắng tìm ra những máy móc mới.
 
Ai cũng muốn có công cụ mới nhất vì nó mở ra nhiều cơ hội hơn giúp họ đạt được hiệu quả và tốc độ làm việc với độ chính xác cao. CNC chỉ là một phần mở rộng của hộp công cụ -chúng chỉ là những mảnh ghép rất lớn của bộ dụng cụ mà thôi.
 
Những nghệ nhân thực sự giỏi trong việc sử dụng bộ công cụ truyền thống họ phải mất nhiều năm để sử dụng thành thạo một số công cụ nhất định. Đối với máy CNC cũng vậy, tất cả chúng chỉ là những công cụ hợp lệ, và cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải học thành thạo những thứ này và cố gắng sử dụng chúng với chi phí rẻ và hiệu quả nhất.
 
John hết lòng đồng ý với ông Gareth. Sai lầm nên được công nhận là một phần của quá trình sáng tạo. “Thử nghiệm có thể là thảm họa, nhưng bạn vẫn thu được điều gì đó từ nó. Đó là điều thúc đẩy sự sáng tạo tiến lên”. Cả hai quy trình thủ công và kỹ thuật số đều yêu cầu thử nghiệm và dần trở nên tốt hơn với kinh nghiệm, kiến ​​thức và kỹ năng.
 
Về định nghĩa của nghề thủ công hiện đại, đối với Gareth, kỹ thuật thủ công hiện đại kết hợp công nghệ kỹ thuật số nên được chấp nhận và đánh giá cao. Ông nói: “Chúng ta cần phải suy nghĩ khác về các vật phẩm do máy tạo ra và chúng tuyệt vời như thế nào khi bàn tay được mở rộng. “Mặc dù chúng ta không nhất thiết phải chạm vào đối tượng, nhưng giữ khoảng cách đó với đối tượng vẫn có giá trị.”
 
Cả John và Gareth đều đồng ý rằng chính sự hiểu biết (tri thức) của người thợ thủ công về vật liệu và tầm nhìn/ sự sáng tạo của thiết kế sẽ xác định chất lượng của nghề thủ công. Cuối cùng thì kỹ năng trực quan/ cảm giác của một nghệ nhân bậc thầy vẫn bắt nguồn từ sự hiểu biết sâu sắc về vật liệu.
 
Như John nói: “Chính sự gần gũi với vật liệu mang lại cho bạn cảm giác về những gì bạn đang cố gắng đạt được. Lợi ích của công nghệ kỹ thuật số là chúng cho phép chúng ta hiểu vật liệu đầy đủ hơn. Ví dụ, quá trình bạn vẽ mọi thứ có ý nghĩa rất lớn trong việc chế tạo đồ nội thất. Sử dụng công nghệ kỹ thuật số, chúng ta có thể vẽ các đối tượng ở dạng 3D, thay vì cách cổ điển trong 2D”.
 
Gareth đề cập trong một bài báo khi ông nhận xét về cuốn sách có tên “Bản chất và nghệ thuật của tay nghề”, được viết vào năm 1968 bởi David Pye, Giáo sư Thiết kế Nội thất tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia từ năm 1964-1974, Gareth Neal kết luận: “Chất lượng của nghề thủ công được xác định trước hết bởi kỹ năng, óc phán đoán, sự khéo léo và cẩn thận mà các thao tác thực hiện khi họ làm việc bằng bất kể loại kỹ thuật hoặc thiết bị nào.”

Tóm lại, nếu quy trình và các công cụ liên quan đến nghề thủ công ít mang tính quyết định hơn cũng giống như với việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số thì bản thân chất lượng của nghề thủ công không có gì là nguy hiểm.
 
Tuy vậy cũng có cách để định giá một sản phẩm được sản xuất kỹ thuật số. Nghĩa là người tiêu dùng muốn biết công nghệ đã ảnh hưởng như thế nào đến giá trị cảm nhận của một vật thể. Đối với Gareth, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số thường được coi là tiêu cực nhưng ông đã chứng minh điều này: “Thời gian và đầu tư sản xuất kỹ thuật số rất tốn kém và do đó làm cho đối tượng trở nên đắt hơn”.
 
“Giá trị của một đồ vật được xác định bởi sự gần gũi với vật liệu, quy trình chế tác và các khái niệm. Điều này sẽ không thay đổi, bất kể thời gian và tiến độ. Thật vậy, nó sẽ vẫn là nền tảng văn hóa của tất cả các nghề thủ công”, John chỉ ra. Nghề thủ công sẽ vẫn như cũ bất kể tiến bộ công nghệ, giống như những công nghệ không tạo nên một dấu vết nào cho di sản văn hóa của nghề thủ công, kể cả niềm tin.
 
Có lẽ chính Gareth là người đã tập trung vào vấn đề này khi anh ấy nói: “Để thành công trong nghề thủ công, chúng ta cần phải tiến bộ và chúng ta cần nắm lấy công nghệ có sẵn cho chúng ta.” Công nghệ mới không chỉ dành cho chúng ta mà còn mang đến những khả năng vô tận để thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng và các tiêu chuẩn mới. Điều quan trọng là nghệ nhân phải biết nên chọn một cánh tay robot hay chọn một công cụ cầm tay cho một công việc hoặc một chất liệu cụ thể.
 
Ông kết luận rằng không nên có sự cạnh tranh giữa sản xuất bằng tay và làm bằng máy, thay vào đó, cả hai chỉ nên được xem như một sự tôn vinh các công cụ và thành tích của người thợ thủ công.
 
C.4- HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VỚI THƯƠNG MẠI KỸ THUẬT SỐ:
 
(Còn tiếp)
 
NGUYỄN LỰC
(Xin các bạn lưu ý, bản thảo này có thể chỉnh sửa trên website khi tôi xem lại)

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận