Bản thảo một tiểu luận: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (5)

 b-3- Kiến tạo tương lai cho quá khứ.
 
Tôi nghe nhiều câu chuyện của những người thợ thủ công làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết mà họ vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Họ nói rằng quá khứ khó khăn đang tiếp tục lặp lại dù họ vẫn nuôi dưỡng hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Bằng cách nào đó, họ mong muốn hoàn thành tương lai dù phải đương đầu với nhiều cực nhọc. Họ cho tôi nhiều cách, nhiều mô hình, tuy nhiên có thể tóm gọn trong hai cách để tạo ra một tương lai như mình mong muốn. Cách đầu tiên, là điều mà nhiều người và các tổ chức đang làm là tạo ra một tương lai từ quá khứ. Họ lấy kết quả từ quá khứ và cố gắng cải thiện nó tương tự như cải thiện đời sống hay thay đổi mẫu mã sản phẩm khác với sản phẩm cũ một chút. Họ nghĩ ra nhiều cách làm có hiệu quả tốt hơn để có thể tăng thêm 10 hoặc 20 phần trăm hàng năm. Đó là kết quả tốt nhưng tất cả những gì họ nhận được là một quá khứ tốt hơn, mới hơn hoặc được cải thiện hơn một ít mà thôi. Đó là nhờ họ đang sử dụng quá khứ làm cơ sở cho những nỗ lực làm việc hiện tại. Nhưng đó cũng chỉ là một sự làm mới lại quá khứ giản đơn. Những người này cho rằng những điều đó đang diễn ra ổn thỏa, họ hài lòng và hạnh phúc. Cách thứ hai, để nhanh chóng thực hiện các ước mơ trong bối cảnh những tiến bộ của khoa học, công nghệ, kinh tế thị trương rộng mở, họ nghĩ cần phải nhanh chóng nắm lấy các tri thức và cơ hội hiện tại để kiến tạo tương lai cho mình.
 
Cố nghệ nhân người Chăm Đàn Xem, Làng nghề gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận.

Cả hai cách trên đều chưa hoàn toàn đúng. Sự thật và cũng là quy luật đối với di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản nghề thủ công truyền thống nói riêng: quá khứ đã tạo ra hiện tại của chúng ta và hiện tại của chúng ta sẽ tạo ra tương lai của chúng ta. Đó là logic của sự tiến hóa của xã hội chứ không chỉ văn hóa. Một vài nghệ nhân nói với tôi, đại ý rằng: nếu những gì bạn học được từ vốn truyền thống mà không làm cho chúng thích nghi với xã hội đương thời và không sáng tạo để làm giàu thêm di sản cho người kế tục, nghề của riêng bạn sẽ mai một. Chúng ta nên lưu ý rằng sức mạnh xã hội của văn hóa truyền thống, dù bạn có hay không thừa nhận, chúng vẫn tiếp tục theo dòng lịch sử phát triển của các cộng đồng, các dân tộc.
 
Các báo cáo nghiên cứu tiêu dùng gần đây gần như tập trung điều tra xem liệu người tiêu dùng có theo đuổi việc tiêu thụ các đồ vật đích thực với mục tiêu cá nhân cụ thể nào hay không. Các kết luận đều cho thấy rằng người tiêu dùng có động lực tập trung vào những dấu hiệu cụ thể nào đó trong các đối tượng mà đối với họ đã truyền tải tính xác thực (những cái gì là chính hãng, thứ thiệt và / hoặc xác thật) và rằng quá trình ra quyết định tiêu dùng này được thúc đẩy bởi mong muốn thu được các lợi ích nhận dạng khác nhau (bao gồm có thể kiểm soát, có thể kết nối, tương tác và hành vi thể hiện chuẩn mực đạo đức cao) từ các đối tượng xác thực. Các phân tích đã diễn giải cho chúng ta những đóng góp vào lý thuyết tiêu dùng hiện đại liên quan đến người tiêu dùng trong việc tìm kiếm trải nghiệm tiêu dùng đích thực bằng những giải thích về văn hóa cho mong muốn khẳng định cá tính đích thực theo những cách cụ thể.
 
Hãy thử tiếp cận hiện tượng này theo góc nhìn từ trung tâm, người tiêu dùng thích tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm và đồ uống địa phương là vì lợi ích cá nhân của họ. Lợi ích này có thể là do chức năng sản phẩm hoặc chỉ là tượng trưng. Các lợi ích về chức năng liên quan đến chất lượng của thực phẩm hay đồ uống mà người tiêu dùng thường cho cao nhất của thực phẩm sản xuất ở địa phương. Không phân biệt người tiêu dùng xuất xứ từ quốc gia nào, người tiêu dùng có xu hướng đánh giá thực phẩm trong nước (hay địa phương mà mình xác thực được) là lành mạnh và tự nhiên hơn thực phẩm từ bất kỳ nơi nào khác (Gineikiene et al., 2016). Những lợi ích mang tính biểu tượng liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm đích thực với truyền thống và tính hoàn thiện của cá nhân (Ikerd, 2011).
 
Trong khi đó, điều kiện về tính xác thực của di sản văn hóa phi vật thể dường như là một yêu cầu được hiểu ngầm để di sản văn hóa phi vật thể được coi là một giá trị đáng được bảo vệ từ góc độ pháp lý. Trên thực tế, điều cần thiết là di sản văn hóa phi vật thể giữ được tính xác thực của chúng trong mối liên hệ chặt chẽ với bản sắc văn hóa của người tạo ra và người mang chúng. Luật di sản văn hóa của Việt Nam cũng nhấn mạnh đến người sở hữu di sản là cộng đồng hoặc cá nhân. Do đó, mất tính xác thực có thể dẫn đến việc tạo ra một sản phẩm của di sản văn hóa phi vật thể nhân tạo, không có kết nối với đặc điểm văn hóa của cộng đồng, nhóm và / hoặc cá nhân mà chúng thuộc về, là do thiếu yếu tố chính và đặc biệt của tính xác thực của chúng. Khi quá trình này diễn ra đã làm mất tính xác thực thì di sản liên quan không còn có thể được coi là di sản văn hóa phi vật thể theo ý nghĩa của biểu hiện này như một giá trị được bảo vệ bởi luật pháp trong nước và quốc tế.
 
Mất tính xác thực đặc biệt có thể xảy ra khi di sản văn hóa phi vật thể được quản lý bởi các cơ quan nhà nước thông qua mức độ của việc ưu tiên cho các lợi ích bên ngoài người tạo và người mang chúng. Ví dụ, các quốc gia có thể có xu hướng sử dụng các đặc điểm của di sản văn hóa phi vật thể theo mong đợi của các thành phần quản lý của xã hội, có thể khác với lợi ích của các cộng đồng cụ thể. Hoặc có thể động lực của quản lý di sản văn hóa phi vật thể là vì lợi ích kinh tế, ví dụ như khi các cơ quan có thẩm quyền cố gắng làm cho di sản trở thành một điểm thu hút khách du lịch, điều đó có thể khiến di sản đó phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và mong đợi của khách du lịch chứ không phải công đồng sở hữu chúng. Một tình huống khác về mất tính xác thực của di sản văn hóa phi vật thể có khả năng xảy ra khi chúng phù hợp với các khuôn mẫu của “lương tâm công cộng” đang thịnh hành tại một thời điểm nhất định, có thể không xem xét hết một số khía cạnh của nó (ví dụ như khi được đưa ra biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến việc sử dụng động vật). Khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư bỏ tiền vào di sản văn hóa phi vật thể cho mục đích kinh tế đã bỏ qua tính xác thực, đó chỉ là những sự mô phỏng mà thôi. Những cách tiếp cận này làm hỏng sự đáng tin cậy, tính xác thực, giá trị văn hóa và pháp lý của di sản văn hóa phi vật thể.
 
Có thể đây cũng là cơ hội để tôi nhấn mạnh rằng, đối với di sản văn hóa phi vật thể, thuật ngữ “tính xác thực” không thể được hiểu là tương đương với tính nguyên bản. Đối với di sản văn hóa hữu hình, mức độ xác thực thường được đo lường khách quan theo mức độ di sản đó vẫn giữ được đặc tính ban đầu của chúng như thế nào. Ngay cả khi giá trị văn hóa của một tài sản hữu hình được xác định bởi các biến đổi mà nó đã được đặc trưng trong suốt lịch sử, tính xác thực của tài sản đó là “cố định” tại thời điểm cộng đồng quốc tế quyết định biến chúng thành đối tượng bảo vệ. Mục đích, trong đó chính xác là trạng thái của chúng tồn tại tại thời điểm chính xác nào đó, là để được bảo tồn di sản vì lợi ích của các thế hệ tương lai. Ngược lại, di sản văn hóa phi vật là một di sản năng động, chúng đang sống - như đã nhấn mạnh trước đây - liên tục tái tạo chính chúng, gồm các phản ứng tương thích đối với sự tiến hóa lịch sử và xã hội của những người tạo ra và mang nó (đọc thêm bộ sách Làng nghề Việt Nam – Miệt mài cuộc hành trình di sản).
 
Do đó, tính xác thực của di sản văn hóa phi vật thể có nghĩa là di sản đó liên tục được điều chỉnh phù hợp với bản sắc văn hóa của cộng đồng, nhóm và / hoặc những người liên quan, thông qua việc tự động tái tạo để phản ánh sự phát triển văn hóa và xã hội của các cộng đồng, nhóm đó, và / hoặc người.
 
Ở Thái Lan, ngày càng có nhiều nông dân quay lưng lại với các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại và quay trở lại với các phương pháp sản xuất truyền thống. Hướng về tương lai là sự bình thường “Quay lại tương lai (back to the future)” lại là chủ đề cho nhiều nền nông nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm ngày nay, nổi bật là Thái Lan.
 
Sản xuất lương thực Thái Lan đã phát triển đáng kể trong những năm qua và khó có thể đoán trước được nó sẽ như thế nào trong tương lai vì lý do là hhông ai biết nông dân và người tiêu dùng sẽ sử dụng loại nguyên liệu và thành phần nào hoặc hương vị của món ăn như thế nào trong tương lai. Nông dân chỉ có thể truy ngược lại cách các món ăn Thái được chế biến trong quá khứ và nghiên cứu xem cách chúng được phát triển như thế nào cho đến ngày nay.
 
Thật khó để nói cái nào tốt hơn vì chúng ta chỉ có thể so sánh hiện tại với quá khứ còn tương lai thì chưa biết. Nhưng rõ ràng, hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và tác động của thực phẩm đối với sức khỏe của họ. Khi nhìn lại cách chế biến thực phẩm trong quá khứ, chúng ta có thể hiểu thêm về nguồn gốc của thực phẩm, những gì là an toàn để tiêu thụ và những gì tốt cho sức khỏe của chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng các tri thức ấy và thích nghi sao cho phù hợp nhất với lối sống hiện tại.
 
Tương đồng với Việt Nam, Thái Lan trong lịch sử là một xã hội dựa trên nông nghiệp. Hầu như toàn bộ đất nước, đặc biệt là đồng bằng miền Trung, là đất nông nghiệp. Nông dân trồng lúa, trái cây, rau và các loại cây lương thực khác để tiêu dùng trong gia đình. Họ trao đổi phần thặng dư với hàng xóm hoặc bán cho những người mua bên ngoài cộng đồng của họ. Mọi người không bận tâm về việc họ kiếm được bao nhiêu tiền vì họ đã có đủ thức ăn ở nhà. Hiện nay, ngày càng nhiều người nhận ra tác động tiêu cực của việc độc canh và đang áp dụng phương pháp canh tác bền vững, trồng hỗn hợp và hạn chế sử dụng hóa chất. Khi chuyển đổi mô hình sang sản xuất hữu cơ thì họ thiếu kinh nghiệm và kiến ​​thức, dẫn đến liên tục thất bại trong nỗ lực trồng một vụ và mất hết tiền tích lũy. Sản xuất lương thực tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh. Cho dù những tiến bộ mà chúng ta đang tạo ra cuối cùng là tốt hay xấu vẫn còn phải được xem xét. Có lẽ, người khôn ngoan là nên tạm dừng, nhìn lại quá khứ và lấy đó làm kim chỉ nam cho tương lai bởi kiến thức từ quá khứ lâu dài, sâu sắc, chúng không đến từ tương lai.
 
Chúng ta biết rằng chỉ thông qua học hỏi các nghệ nhân và xem xét các sản phẩm mà họ làm ra, chúng ta mới có thể thu thập tri thức và các trải nghiệm nghề thủ công cũng như học cách rèn luyện bền bỉ của họ để hình thành các kỹ năng cá nhân. Các nghệ nhân đang sống trong hiện tại nhưng họ kết nối với quá khứ, trong đó có kiến thức từ văn hóa truyền thống. Họ truyền cảm hứng cho xã hội và định hình ngày mai. Đây chính là đặc trưng quan trọng nhất của nghề thủ công truyền thống và là phẩm chất tự nhiên của nghệ nhân.
 
Tiểu luận này sẽ dành nhiều trang cho tìm hiểu những gì trong di sản là có giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế. Mặc dù nhiều giá trị của nghề thủ công truyền thống là vô giá, nhưng tôi sẽ bàn nhiều về giá trị kinh tế trong tiểu luận này vì điều đó đang là xu hướng tìm hiểu và học hỏi của hàng triệu người hành nghề thủ công trên cả nước.
 
Định hình tương lai từ quá khứ hay tạo dựng tương lai từ quá khứ không chỉ là tuyên ngôn của những cá nhân thành đạt và các công ty hàng đầu thế giới, đặc biệt là các công ty có thiên hướng sáng tạo như thời trang, nghệ thuật… mà họ hành động thực sự để tìm kiếm các giá trị đã kiểm định theo thời gian hàng thế kỷ cho sự phát triển của cá nhân và tổ chức của họ. Nhưng những xu hướng này lại có ý nghĩa là thế giới đang kiến tạo một tương lai cho quá khứ, cho di sản văn hóa, cho nghề thủ công truyền thống. Kiến thức sâu rộng từ quá khứ sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc và truyền cảm hứng cho những thế hệ sau, những người có thể học hỏi từ quá khứ và hướng tới tương lai đúng hướng.
 
(Còn tiếp)
 
NGUYỄN LỰC


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận