Sức mạnh mềm của văn hóa làng nghề

Điều gì còn lại trong tâm trí họ khi gia đình du khách này rời khỏi Làng nghề gốm Bat Tràng?
 

       Vũ Quốc Tuấn
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – 
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
 
Sức mạnh của một quốc gia bao gồm nhiều nhân tố: từ văn hóa đến chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, v.v… trong đó, văn hóa là quan trọng nhất. Bài này bàn về sức mạnh của văn hóa làng nghề - một bộ phận quan trọng trong văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm của đất nước. Phạm vi đề tài này rất rộng, chỉ xin nêu một số nội dung chính như sau.   
KHÁI NIỆM ‘SỨC MẠNH MỀM’

Theo các nhà nghiên cứu, sức mạnh của một quốc gia có thể chia ra hai phần: phần vật chất (cũng gọi là phần cứng - sức mạnh cứng); phần tinh thần và quan hệ quốc tế (phần mềm - sức mạnh mềm). Sức mạnh cứng của một quốc gia là tiềm lực quân sự (số lượng và chất lượng quân đội; năng lực chỉ huy; trình độ lý luận quân sự và trang thiết bị, khí tài quân sự), thực lực kinh tế (quy mô kinh tế, GDP và cơ cấu kinh tế), v.v... Tuy nhiên, còn một nguồn sức mạnh khác cũng có thể nâng cao địa vị quốc tế của một nước, đó là sức mạnh mềm – tiềm lực văn hóa, tinh thần của dân tộc.


Khái niệm “sức mạnh mềm” được Giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Ney, Đại học Harvard, Hoa Kỳ) đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990, theo đó, sức mạnh mềm là “kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hóa và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình”. Ông còn nói thêm: “Sức mạnh mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước” (Theo Tạp chí Cộng sản, tháng 1/2020). Có thể nói: sức mạnh mềm của một quốc gia phụ thuộc vào ba nguồn lực: văn hóa của quốc gia đó (các giá trị văn hóa hấp dẫn đối với người khác), các giá trị chính trị của quốc gia đó và chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Tính chất cốt lõi của sức mạnh mềm là “tính hấp dẫn”, là khơi gợi, thu hút, là tự giác đi theo, khác với sức mạnh cứng là “áp đặt, cưỡng bức”. Sức mạnh mềm và sức mạnh cứng bổ sung và tăng cường sức mạnh cho nhau và khi được kết hợp một cách hiệu quả sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Trong thế giới ngày nay, khi xu thế hòa bình, hợp tác là chủ đạo, thì một quốc gia sử dụng sức mạnh cứng (đánh chiếm hoặc đe dọa bằng quân sự, mua chuộc bằng kinh tế) nhằm đạt được mục tiêu vị kỷ của mình, nhiều khi dễ đứng trước rủi ro bị cô lập, cảnh giác, làm suy giảm vị thế, hình ảnh của quốc gia này trong quan hệ quốc tế. Khi đó, sức mạnh mềm (hấp dẫn bằng văn hóa) đang được nhiều nước khai thác có hiệu quả trong phát triển đất nước cũng như phát huy ảnh hưởng của quốc gia đó trên thế giới. Ví như Hàn Quốc, từ cuối những năm 1990, đã đề xướng “Làn sóng Hallyu” (Làn sóng Hàn Quốc) với nội dung quảng bá tinh hoa văn hóa Hàn Quốc (chủ yếu trong các lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, truyện tranh, trò chơi trực tuyến, ẩm thực) ra thế giới, riêng năm 2014 đã đóng góp 11,8 tỷ USD trong tổng số GDP 1.484 tỷ USD của Hàn Quốc (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia)), là một thành công rất có ý nghĩa.
 
VĂN HÓA TRONG SỨC MẠNH MỀM CỦA DÂN TỘC
 
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, có bản sắc chung của dân tộc, song mỗi miền, mỗi làng lại có giá trị văn hóa truyền thống rieng, góp phần làm nên diện mạo văn hóa Việt Nam. Đó là một nền văn hóa phản ánh sự gắn kết cộng đồng xã hội, hun đúc ý chí, nghị lực chống thiên tai, địch họa, cần cù trong sản xuất và thông minh trong sáng tạo đời sống tinh thần. Thực tiễn đã khẳng định sức mạnh của văn hóa đã ngày càng làm sâu sắc hơn ý thức dân tộc, giá trị của độc lập và chủ quyền quốc gia; truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, tinh thần đoàn kết, hòa hợp của dân tộc ta.
 
Có thể nêu một số điển hình trong lịch sử về phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tinh thần hòa hiếu, khoan dung, lấy nhân nghĩa làm đầu của người Việt Nam. Khi Tổ quốc lâm nguy, vua quan nhà Trần đã mở Hội nghị Diên Hồng, thống nhất ý chí “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, nêu cao tư tưởng “lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm nền”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, v.v… Khi kẻ thù thất bại, ta sẵn lòng mở đường, cấp thuyền, ngựa cho họ về nước, bởi ta chỉ cốt “dập tắt muôn đời chiến tranh, mở nền thái bình muôn thuở”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi của chúng ta cũng bắt nguồn từ phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Bộ trướng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, trong cuốn Hồi ký “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, đã thừa nhận thất bại của Mỹ là “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ” và “Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ” (Báo Dân trí, 22/4/2005).
 
Trong thời đại ngày nay, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, “Đại đoàn kết dân tộc”, là các quan điểm “dân là chủ”, “dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, là tinh thần khoan dung, nhân ái, hòa hợp, hòa giải, v.v... Đồng thời, trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta sẵn sàng tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là những nhân tố của sức mạnh mềm đang được kế thừa và phát huy để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế thành công.
 
Có thể khẳng định rằng: chính văn hóa dân tộc đã làm thất bại âm mưu đồng hóa mà bọn phong kiến phương Bắc dùng mọi thủ đoạn để thực hiện trong hơn 1.000 năm xâm lược nước ta; cũng chính là dựa vào sức mạnh văn hóa mà chúng ta đã thắng trong các cuộc chiến giành lại dộc lập cho Tổ quốc. Ngay trong chiến tranh, kể cả trong sử dụng vũ khí, khí tài hiện đại, cũng thấy rõ sự vận dụng nhuần nhuyễn truyền thống văn hóa, sáng tạo nên “cách đánh Việt Nam”. Hiện nay, nước ta giành được thành tựu được thế giới ca ngợi trong cuộc chiến chống đại dịch Civid-19, nguồn gốc sâu xa cũng chính là đã phát huy được truyền thống văn hóa của dân tộc.
 
Trước mắt, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta đang quán triệt quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Cụ thể là “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc …khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam” (trích Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII).
 
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, xin nêu tóm tắt một số nội dung chủ yếu cần được quan tâm như sau.
 
Một là, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy sức mạnh trí tuệ và bản lĩnh vượt khó, khát vọng phát triển của người Việt Nam, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội XIII đã đề ra.
 
Hai là, bảo vệ và phát huy những giá trị cao đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam: thuần phong mỹ tục, tinh thần đoàn kết, tình người nhân hậu, hòa hợp, bao dung, bình đẳng, mọi người được thụ hưởng tự do, hạnh phúc; phê phán, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tham nhũng, lãng phí.
 
Ba là, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thế hệ công dân có phẩm chất, tài năng, tinh thông nghề nghiệp, giỏi ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ 4.0… xúc tiến xây dựng nguồn lực lao động chất lượng cao bảo đảm phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
     
SỨC MẠNH CỦA VĂN HÓA LÀNG NGHỀ
 
Trong nền văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc ta, văn hóa làng nghề là một bộ phận quan trọng, trong đó có nghề thủ công đã được UNESCO vinh danh là “văn hóa phi vật thể”, đóng góp có ý nghĩa vào kho tàng văn hóa phi vật thể của thế giới.
 
Về giá trị của “Văn hóa nghề thủ công”, có nhà nghiên cứu đã diễn đạt như sau: “Nghề thủ công truyền thống là một phần của văn hóa truyền thống nhưng được xác thực là đại diện của sự thông thái độc đáo, đại diện cho tâm hồn, cốt cách của người dân và của công đồng địa phương trong mỗi thôn làng. Tri thức văn hóa tổng hợp của mỗi nghề thủ công truyền thống được tích lũy, được bồi bổ và cải tiến liên tục hàng chục, hàng trăm năm nên không thể từ chối vai trò đại diện của mình. Một nền nông nghiệp thủ công truyền thống trở thành một nền văn minh lúa nước lẫy lừng, dư thừa sản vật và một nền thủ công nghiệp lâu đời đủ sức cung cấp các tiện nghi cho cuộc sống và đáp ứng các nhu cầu tinh thần, sức khỏe, vũ khí, khí tài chống ngoại xâm không là cơ sở tin cậy cho sự an toàn, bền vững của một đất nước, một dân tộc và mỗi người dân thì là gì? Sự thất bại của các nước lớn chiếm đóng nước ta chính là sự thất bại trước một nền văn hóa lâu đời” (Nguyễn Lực, Tiểu luận Giá trị của nghề thủ công và làng nghề). 
 
Từ thực tiễn, có thể nêu lên một số đặc trưng - cũng là thế mạnh của văn hóa thủ công làng nghề nước ta như sau.
 
Một là, đó là nền văn hóa được lưu truyền từ hàng trăm năm nay trên đất nước ta, đã trở thành truyền thống, đang giữ vị trí rất có ý nghĩa trong nền văn hóa dân tộc ta. Điều đặc sắc là văn hóa làng nghề mang bản sắc chung của người Việt, song lại rất đa dạng, có bản sắc riêng của từng vùng, miền, mỗi làng nghề truyền thống, kể cả của từng nghệ nhân.
 
Hai là, nghề thủ công mỹ nghệ nước ta có sức mạnh vô tận là trí tuệ, sức sáng tạo của mỗi nghệ nhân, đặc biệt là lớp nghệ nhân trẻ. Bản chất của nghề thủ công là sáng tạo và sáng tạo là vô tận. Phẩm chất sáng tạo của nghệ nhân và thợ thủ công được lưu truyền và bồi đắp đang tạo nên những giá trị văn hóa mới, những sản phẩm cao cấp cho thị trường.
 
Ba là, mỗi làng nghề truyền thống đang là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề, là một kho báu, một bảo tàng về nghề thủ công, chứa đựng những di sản văn hóa với cuộc sống “xanh, sạch, đẹp”, trở thành một làng văn hóa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
 
Bốn là, du khách trong nước cũng như nước ngoài không chỉ thích thú kiểu dáng, mầu sắc sản phẩm thủ công, mà họ đang quan tâm tìm hiểu những công nghệ, kỹ thuật trong quá trình sáng tạo sản phẩm - những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc ta, tạo nên một thế mạnh của du lịch làng nghề.
 
Tóm lại, có thể khẳng định: văn hóa làng nghề rất xứng đáng là một bộ phận quan trọng tạo nên sức mạnh mềm của đất nước, là niềm tự hào của chúng ta. Việc phát huy bản sắc văn hóa làng nghề trong các hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam không chỉ nhằm thúc đẩy chất lượng phát triển các làng nghề mà còn góp phần củng cố sức mạnh mềm của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay.
 
(Đã đăng Tạp chi Làng nghề Việt Nam
Số 21(56)/2021, ngày 21/5/2021)

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận