NGHỆ NHÂN LÊ QUANG NAM HIỆN THỰC GIẤC MƠ RỒNG BAY PHƯỢNG MÚA

Nghệ nhân Lê Quang Nam

Nghệ nhân Lê Quang Nam được sinh ra trong một gia đình có dòng họ nhiều đời ở Thành phố Huế. Ông Cố của Nam là một nghệ nhân chuyên ngành mộc, có nhiều năm phục vụ các công trình xây dựng cung điện trong Thành Nội các đời vua triều Nguyễn. Ông Cố cũng là người có công lớn trong xây dựng đình La Chữ. La Chữ là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, TP Huế, vốn nổi danh là vùng đất hiếu học, đào tạo ra nhiều hiền sĩ cho đất nước.

Điêu khắc gỗ là mơ ước của Nghệ nhân Lê Quang Nam từ những ngày còn thơ. Anh kể, ngày còn bé, những lúc chăn trâu trên đồng, Nam thường nghe các anh, các chú kể về những cung điện trong Thành Nội Huế uy nghi cổ kính, những đường nét điêu khắc chạm trổ như rồng bay phượng múa. Tuy chỉ nghe qua lời kể, song, trong lòng cậu bé Nam ấp ủ niềm mơ ước một ngày không xa được tận mắt xem những cung điện này.

Năm 16 tuổi, Nam được gia đình cho theo học nghề với thầy Lê Thừa Uyên, một nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng trong Thành Nội. Từ những bài học căn bản đầu tiên cho đến quy trình chế tác, Nam đã nhanh chóng tiếp thu, và là học sinh ưu tú của khóa học được thầy tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn kềm cặp cho 12 bạn học cùng khóa. Sau 3 năm học nghề, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ thuật của nghề. Năm 1992, Nam vào TP. Hồ Chí Minh làm việc tại đường Cộng Hòa quận Tân Bình. Đây là khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng gỗ mỹ nghệ. Năm 1996, anh theo bạn bè sang Lào làm điêu khắc trong 2 năm. Năm 2001 anh được một công ty Đài Loan ở xã Tân Tạo huyện Bình Chánh mời về làm Quản đốc kỹ thuật. Trong thời gian làm việc ở Lào và công ty Đài Loan, cùng những cơ sở trong nước đã giúp cho Lê Quang Nam học được kỹ thuật điêu khắc trong và ngoài nước, đó là những trải nghiệm thú vị đối với người làm nghề. 

Tác phẩm của Nghệ nhân Lê Quang Nam

Năm 2005, sau khi có được kinh nghiệm trong quản lý và tay nghề vững vàng, anh đã mở cơ sở riêng ở số 11/1N ấp 6 xã Xuân Thới Đông huyện Hóc Môn Tp.HCM.

Đó là một xưởng nhỏ có diện tích 250m2 với hơn 10 anh em thợ giỏi chuyên về sản xuất các mặt hàng điêu khắc gỗ. Công việc khá thuận lợi vì có đơn đặt hàng ổn định của một công ty Hàn Quốc. Song song, cơ sở còn nhận thiết kế thi công các công trình trùng tu, sửa chữa đình chùa, nhà thờ họ bằng gỗ, các di tích lịch sử ở địa phương, trang trí nội thất …
 
Một trong những công trình trùng tu sửa chữa nhiều hạng mục là chùa Ông ở Đồng Nai. Chùa Ông– Thất Phủ cổ miếu ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, được xây dựng cách đây hơn 300 năm, là ngôi chùa cổ nhất ở vùng Nam Bộ hiện nay. Vì chùa xây dựng đã mấy trăm năm nên việc trùng tu sửa chữa khá phức tạp, vừa giữ gìn tôn tạo, vừa làm mới toàn bộ về điêu khắc gỗ, từ mái cho đến nội thất. Các tượng thờ đặt trong những chiếc khánh có kích thước lớn, công phu. Công trình có nhiều hạng mục với những chi tiết tỉ mỉ rất cần nhiều thời gian. Từ khi khởi công trùng tu đến khi hoàn tất là 3 năm. 

Tác phẩm của Nghệ nhân Lê Quang Nam

Những công trình nhà gỗ như: Thiết kế và xây cất nhà gỗ họ Nguyễn ở Quảng Ngãi theo mẫu mã phong cách của cố đô Huế. Đây cũng là công trình có nhiều sáng tạo từ thiết kế đến thi công. Thời gian mất 2 năm. 

Một công trình khác đang thi công đó là nhà tứ giác chùa gỗ Quan Âm ở quận 8 Tp.HCM. Công trình yêu cầu có thiết kế riêng về mẫu mã và chạm khắc nghệ thuật cao. 
Chùa gỗ Ngãi Giao Đồng Nai cũng là một công trình đang bắt đầu thi công, chùa có diện tích 320m2.

Đối với các sản phẩm điêu khắc gỗ, những tác phẩm mà anh yêu thích và tập trung nhiều công sức trí tuệ như: tượng “Văn Thù- Phổ hiền” 2 vị Bồ tát tượng trưng cho Từ bi và Trí tuệ, hay tượng “Phật Bà Nghìn tay nghìn mắt” với nét mặt hiền hòa, phúc hậu, trang nghiêm, từ bi và dàn tay đều đặn tinh xảo. Và còn nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao khác được khách hàng yêu chuộng.  

Không chỉ có đội ngũ thợ giỏi, nguyên liệu chế tác là các loại gỗ quý hiếm được nhập từ nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Những năm tháng gắn bó với nghề, ngoài điêu khắc tranh, tượng và kiến trúc nhà gỗ, chùa gỗ Lê Quang Nam chú trọng việc đào tạo đội ngũ kế thừa. Nhiều học trò của anh nay đã có cơ sở làm ăn vững vàng.  

Yêu nghề và gắn bó với nghề lâu năm, Nghệ nhân Lê Quang Nam mong muốn ngành điêu khắc gỗ ngày càng phát triển. Thêm nhiều Nghệ nhân tài hoa, để có thêm nhiều tác phẩm giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Và nghề điêu khắc gỗ truyền thống được bảo tồn và lưu truyền cho muôn thế hệ sau.

TÍN NGUYỄN



Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận