NGHỆ NHÂN PHAM VĂN NAM QUYẾT GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH
Trong các làng nghề lâu đời ở đồng bằng sông Cửu Long, có một làng nghề khá độc đáo, có tuổi đời hàng trăm năm, đó là làng nghề đóng tủ thờ Ấp Ông Non, Xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Thờ phượng ông bà, tổ tiên là tín ngưỡng của người Việt Nam. Trong khu vực thờ cúng, tủ thờ là vật được chú trọng nhất. Tủ thờ phải đẹp, gỗ tốt, điêu khắc, chạm cẩn tinh xảo và đặt trang trọng giữa khu thờ phương. Nghề đóng tủ thờ Gò Công có từ thế kỷ thứ 17. Cùng với những người đi khẩn hoang, các ông Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thêm và Trần Văn Tường từ miền Trung mang theo nghề gia truyền đóng tủ thờ vào đây lập nghiệp và truyền nghề cho người dân trong vùng. Từ đó, các thế hệ tiếp nối kế thừa nghề truyền thống đã phát huy sáng tạo, đưa nghề đóng tủ thờ Gò Công ngày càng phát triển, tạo nên thương hiệu nổi tiếng khắp Nam Bộ. Điểm đặc biệt của tủ thờ Gò Công được ưa chuộng vì tủ không đóng bằng đinh, ốc vít. Tất cả các chi tiết đều được làm bằng gỗ nối với nhau bởi mộng, ngàm, khóa chốt và chỉ sử dụng gỗ nhóm 1, 2 như cẩm lai, gõ, căm xe, thao lao, mun… Cùng với thăng trầm của đất nước, nghề tủ thờ Gò Công cũng trải qua lắm gian nan, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Vào giữa thập niên 1980, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, nghề đóng tủ thờ cũng lâm vào cảnh lao đao. Nhiều nghệ nhân phải bỏ làng đi khắp nơi kiếm sống bằng nghề đóng bàn ghế. Mãi đến những năm cuối thập niên 1990, nghề tủ thờ mới bắt đầu hồi phục và có bước phát triển nhanh chóng. Hiện toàn xã có gần 200 hộ sống bằng nghề đóng tủ thờ, chiếm khoảng 80% hộ của xã.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 đời làm nghề đóng tủ thờ. Từ khi còn thơ ấu, những chiếc tủ thờ là hình ảnh đẹp đẽ trong tâm trí của nghệ nhân Phạm Văn Nam. Hằng ngày, ngoài giờ đi học Nam thường phụ gia đình thực hiện những công đoạn đơn giản trong việc đóng tủ thờ. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Phạm Văn Nam đã quyết định chọn nghề đóng tủ thờ để tiêp nối nghề truyền thống gia đình. Sau mấy năm kiên trì học hỏi, Phạm Văn Nam đã trở thành thợ và đi làm công cho các trại đóng tủ thờ. Năm 1989, Phạm Văn Nam tròn 24 tuổi, sau khi tích lũy được một số vốn nho nhỏ, ông đã mạnh dạn mở trại mộc đóng tủ thờ truyền thống mang tên “Hai Á”. Ông tâm sự, “đây là giai đoạn đất nước đổi mới, chính sách cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, trong đó có nghề mộc tủ thờ. Nhờ vậy, công việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi, tủ thờ có vị trí trên thị trường”. Trong quá trình sản xuất, cơ sở mở rộng thêm xưởng cưa gia công theo công nghệ mới nên sản phẩm rất đa dạng, phù hợp với thị hiếu, thị trường trong và ngoài nước. Nghệ nhân Phạm Văn Nam không ngừng học hỏi, chuyên cần trong lao động và học tâp kinh nghiêm của các nghệ nhân đi trước nhờ đó tay nghề nâng cao, chất lượng sản phẩm cũng theo đó mà tốt và đẹp dần lên. Cụ thể, trước đây tủ thờ chỉ có 3 mặt trụ mặt trước anh Nam đã sáng tạo từ mặt trước của tủ 3 trụ lên 7 trụ, kế tiếp nâng lên 9 trụ và hiện nay là 25 trụ kể cả mặt trước và mặt hông 2 bên. Các mỗi trụ có thể cẩn xa cừ nếu có yêu cầu … Ngoài ra cơ sở Hai Á xũng sản xuất các sản phẩm có chạm trổ công phu như bình bông, chưng đèn, dĩa trái cây, lư hương…
Từ một cơ sở gia công thủ công bằng tay, Cơ sở Hai Á đã trang bị thêm các loại công cụ bằng máy. Nhờ đó, sản phẩm đạt hiệu qủa cao, chính xác hơn và năng suất chất lượng cũng cao hơn. Anh Nam cũng cho biết, mặc dù nhiều công đoạn được làm bằng máy móc hiện đại, song để giữ nét đặc trưng, trang nghiêm của tủ thờ truyền thống, những chi tiết điêu khắc sắc nét, tinh xảo ở giai đoạn cuối vẫn làm thủ công.
Thương hiệu tủ thờ Hai Á đã vang xa không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn được cả nước biết đến, ngoài ra còn sản xuất bán cho người Việt ở nước ngoài. Hiện nay, mỗi năm cơ sở Hai Á sản xuất gần 350 sản phẩm tủ thờ và đào tạo cho ra nghề cho 10 học viên.
Với những nỗ lực không ngừng, Nghệ nhân Pham Văn Nam, Hội viên Hiệp Hội Làng Nghề, chủ Cơ sở Mộc Hai Á đã đạt được nhiều danh hiệu về tay nghề và chất lượng sản phẩm. Năm 2011 đạt giải sản phẩm tiêu biểu Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ lần thứ 7 với Cup Thăng Long 1000 năm. Huy chương vàng danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp TW, cấp Tỉnh liên tục từ 2013-2016. Nhiều bằng khen của Ủy Ban Nhân nhân tỉnh Tiền Giang và Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ.
Hiện nay, nhu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn của sản phẩm tủ thờ ngày càng cao. Cùng với làng nghề tủ thờ Gò Công, cơ sở Mộc Hai Á không ngừng sáng tạo, lao động miệt mài với tất cả tâm huyết của người làm nghề để mỗi sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh và chất lượng thẩm mỹ mà cỏn phải mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống… Đây là mục tiêu của người làng nghề tủ thờ Gò Công tâm niệm và hướng tới.
MAI HOA
0 Bình luận