BẢN THẢO MỘT TIỂU LUẬN: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (14)

Dệt sợi vàng

C- HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TRONG NỀN KINH TẾ DA CAM: 

Nền kinh tế da cam/sáng tạo bao trùm tất cả các lĩnh vực, trụ cột là ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo hoặc nền kinh tế tri thức như phim, truyền hình, sân khấu, báo chí, thủ công mỹ nghệ… Đứng trước sự thay đổi lớn lao về cách thức tạo ra sự thành công và thịnh vượng của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia, những doanh nghiệp, các nền kinh tế duy trì việc dựa vào tài nguyên và thương mại cơ hội đang có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Nền kinh tế da cam/sáng tạo là phương tiện và cứu cánh bền vững để vượt qua các thách thức và hướng đến tương lai tươi sáng.

Nền kinh tế da cam/sáng tạo biến năng lực của tư duy, năng lực sáng tạo/đổi mới thành sản phẩm và dịch vụ. Những năng lực này có nguồn gốc từ chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngươi lao động thay vì chỉ tìm cách bỏ công sức và tiền bạc đầu tư vào việc tìm kiếm bằng cấp, họ đầu tư nhiều vào việc học cách tư duy, rèn luyện năng lực sáng tạo trên nền tảng của tri thức sâu rộng.
 
Tính cạnh tranh khốc liệt cũng đang diễn ra trong nền kinh tế da cam/sáng tạo giữa người lao động kiếm việc làm, giữa cùng một ngành sản xuất dịch vụ với nhau, cụ thể trong trường hợp này là ngành thủ công mỹ nghệ và giữa các quốc gia với nhau cũng mạnh mẽ và “nghiệt ngã” hơn bao giờ hết.
 
Phần dưới đây trình bày hiện trạng và triển vọng của nền kinh tế da cam/sáng tạo qua trường hợp thủ công mỹ nghệ. Nhân cơ hội này, tôi cung cấp cái nhìn đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và giá trị của hàng thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế da cam.
 
c.1- Hàng thủ công mỹ nghệ tăng trưởng cao:
 
Là một thành phần của Nền kinh tế da cam/sáng tạo, hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng trưởng cao. IMARC là công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu về các nghiên cứu thị trường và kinh doanh trên toàn cầu. Trong Báo cáo “Thị trường Thủ công mỹ nghệ: Xu hướng Công nghiệp Toàn cầu, Thị phần, Quy mô, Tăng trưởng, Cơ hội và Dự báo 2021-2026” cho biết: Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt giá trị 718 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Thủ công mỹ nghệ đề cập đến trong báo cáo được xác định là các sản phẩm được làm thủ công bằng cách sử dụng các công cụ đơn giản và đại diện cho văn hóa và truyền thống của một quốc gia hoặc khu vực. Việc sản xuất đòi hỏi sự phối hợp giữa tay và mắt đáng kể và sự tập trung cao độ tâm trí của thợ thủ công. Mỗi sản phẩm thủ công là duy nhất vì mỗi người làm thủ công áp dụng thế mạnh khác nhau của họ, do đó mỗi sản phẩm đều có những phẩm chất riêng biệt. Thủ công mỹ nghệ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia vì chúng là một phương tiện thu ngoại tệ nổi bật, yêu cầu đầu tư vốn thấp và mang lại cơ hội việc làm. Ngoài ra, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được coi là biểu tượng hoặc vai trò trung gian biểu hiện địa vị người dùng do tính độc đáo, chất lượng, cách sử dụng các vật liệu tự nhiên, bản chất của nghệ thuật và văn hóa sống. Báo cáo không phản ánh hàng thủ công tiện dụng (có chức năng) nói chung mà tập trung vào hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.


Động lực phát triển hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm gần đây chính là (1) sự xuất hiện của công cụ bán lẻ trực tuyến và sự gia tăng của các kênh thương mại điện tử khác nhau giúp việc tiếp cận hàng thủ công mỹ nghệ của người tiêu dùng ngày càng trở nên thuận tiện hơn. Điều này đã thúc đẩy doanh số bán hàng thủ công trên toàn cầu tăng nhanh. Một yếu tố khác thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là (2) sự chuyển dịch (kết hợp) mạnh mẽ các thiết kế dân tộc, truyền thống sang thiết kế hiện đại, cùng với (3) nhu cầu mạnh mẽ từ các văn phòng, bệnh viện và khách sạn do các mặt hàng truyền thống và thủ công tạo thêm màu sắc cho không gian nội, ngoại thất của những nơi này để thu hút khách hàng, (4) do sự quan tâm ngày càng tăng của mọi người đối với văn hóa nghệ thuật. Song song đó, ngành công nghiệp (5) du lịch và lữ hành đang phát triển đã mang đến cơ hội rộng lớn cho các nghệ nhân và nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ địa phương sản xuất các sản phẩm hàng hóa bán cho khách du lịch, những người sẵn sàng chi tiêu đáng kể cho đồ lưu niệm và các mặt hàng thủ công khác. (6) Hàng thủ công có yêu cầu sử dụng năng lượng thấp hơn, không giống như các sản phẩm chế tạo bằng máy liên quan đến việc sử dụng nhiều điện và nhiều loại nguyên, nhiên liệu khác. Mặt khác, do (7) các khoản đầu tư vốn thấp, ngành công nghiệp này đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. (7) Một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã ra đời và phát triển trong vài năm qua ở những nơi có các nghệ nhân từ các cộng đồng còn nghèo tham gia vào việc tạo ra hàng thủ công mỹ nghệ để mưu sinh. Các tác phẩm thủ công mỹ nghệ của họ cũng được đánh giá cao về mỹ thuật, đặc biệt là trên cơ sở nhân đạo và đạo đức tiêu dùng.
 
Về triển vọng, các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ kỳ vọng thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm năm tới. Các loại sản phẩm gồm: Đồ gỗ, đồ mỹ nghệ kim loại, hàng dệt tay và khăn quàng cổ, đồ thêu và móc, thổ cẩm (loại dệt bằng sợi vàng bạc, tơ tằm), đồ trang sức giả, tác phẩm điêu khắc, đồ gốm và đồ thủy tinh, nhan có tinh dầu… là những sản phẩm nổi bật trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, rất khó phân tích nhu cầu dựa trên loại hình thủ công mỹ nghệ do xu hướng phát triển không ngừng. Điều này cũng đã buộc các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ phải cập nhật cho chính mình những xu hướng đang diễn ra để có thể đáp ứng được kỳ vọng của người mua.
 


Nhiều năm liền, cho đến nay, tốc độ tăng trưởng của phân khúc đồ nội thất và đồ trang trí trong thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đang dẫn đầu và tăng trưởng với tốc độ nhanh. Tôi đặc biệt nhấn mạnh, thị trường được quan sát nhiều năm gần đây đã chuyển từ các thiết kế dân tộc sang các phong cách hiện đại hơn. Sự kết hợp giữa thiết kế dân tộc và đương đại trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang là xu hướng ngày nay. Hậu quả của việc không nhận thức nghiêm túc vấn đề thiết kế trong nền kinh tế đương đại sẽ rất lớn, không chỉ làm mất đi hàng tỷ đô la cho nền kinh tế quốc gia mà còn làm cho nghề thủ công, di sản văn hóa phát triển không thành công, bản sắc dân tộc bị thế giới đánh giá thấp. Chúng ta không thể chỉ bán mãi một loại đồ cũ! Chất lượng của các sản phẩm thủ công cũng đã được cải thiện trong những năm qua do ngày càng có nhiều tầng lớp cao trong xã hội chấp nhận mua chúng. Việc chèo lái con thuyền “thủ công” đối với một quốc gia hoặc các tổ chức đại diện ngành nghề thủ công ngày càng trở nên khó khăn do thách thức về năng lực sáng tạo của lực lượng thợ thủ công được đào tạo chưa cao. Thiết kế và đổi mới thiết kế phải đặt ở trung tâm của những nỗ lực phát triển hàng thủ công và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống trong nền kinh tế da cam/sáng tạo.
 
Nắm chắc các kênh phân phối cũng rất quan trọng, cụ thể đó là các nhà bán lẻ hưởng chiết khấu, cửa hàng bách hóa, cửa hàng đặc sản, nhà bán lẻ theo catalogue, nhà bán lẻ qua internet và nhà bán lẻ độc lập. Sự tham gia của một số tổ chức phi lợi nhuận trong việc thúc đẩy kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ mang lại lợi ích cho các nghệ nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng thủ công mỹ nghệ toàn cầu. Các nghệ nhân làm việc độc lập cũng cần chủ động liên kết với các nhà xuất khẩu hoặc doanh nghiệp thuê gia công.
 
Các quốc gia nhập khẩu chính các sản phẩm thủ công bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản và Hồng Kông. Các nước xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Peru, Mexico, Colombia và Guatemala. Trung Quốc thống lĩnh thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tiếp theo là Việt Nam và Ấn Độ. Sự cải thiện trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên thế giới đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu.
 
Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ Bắc Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu. Thị trường thủ công mỹ nghệ Bắc Mỹ đạt giá trị khoảng 242,4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019. So với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay khoảng 2 tỷ USD trên toàn bộ thị trường toàn cầu thì thị trường Bắc Mỹ còn nhiều cơ hội lớn. Về tương lai, các nhà xuất nhập khẩu kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ đạt giá trị 448,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025, đạt tốc độ tăng trưởng 10,8% trong giai đoạn 2020-2025.
 
Hoa Kỳ vẫn là nhà nhập khẩu phụ kiện gia dụng lớn nhất. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu mạnh mẽ đối với những sản phẩm độc đáo, thú vị và có lịch sử. Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ rất nhạy cảm với giá cả, do đó giá mỗi đơn vị sản phẩm thực tế tại thị trường này có xu hướng thấp hơn các nước khác. Nhưng theo truyền thống, Mỹ vẫn là một thị trường mạnh và tiếp tục phát triển do được thúc đẩy bởi sự nhập cư đa sắc tộc. Hàng thủ công là một phần của thị trường phụ kiện gia đình lớn, bao gồm hàng thủ công, bán thủ công và sản xuất hàng loạt bằng máy. Thị trường này bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu hướng thời trang, cách mua hàng của người tiêu dùng và điều kiện kinh tế ở thị trường cuối cùng. Sự phát triển của thị trường quốc tế đối với phụ kiện gia dụng, cùng với sự quan tâm ngày càng tăng đối với hàng hóa “toàn cầu”, tính bền vững, nhận thức về xã hội và môi trường đã mở ra cơ hội thị trường mới cho các nghệ nhân và các sản phẩm thủ công.
 
Cần đặc biệt lưu ý, những thông tin thị trường trên cho thấy các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ được coi là trung gian biểu hiện của địa vị, phong cách, cá tính của người tiêu dùng do tính độc đáo, chất lượng, cách sử dụng các vật liệu tự nhiên và bản chất của nghệ thuật và di sản văn hóa phi vật thể sống động. Đó cũng chính là những đặc trưng của nền kinh tế da cam/ sáng tạo.
 
Tóm lại:
- Quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt 718 tỷ USD vào năm 2020.
- Thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu tăng trưởng theo ước tính của IMARC Group, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021-2026, 10-13%, dự kiến ​​sẽ đạt 1.204,7 tỷ USD vào năm 2026.
- Động lực chính cho thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu là ngành công nghiệp du lịch và lữ hành.
- Các xu hướng công nghiệp chính trên thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu là sự xuất hiện của bán lẻ trực tuyến và sự gia tăng của các kênh thương mại điện tử khác nhau để nâng cao khả năng tiếp cận hàng thủ công mỹ nghệ.
- Tác động của COVID-19 đối với thị trường hàng thủ công mỹ nghệ toàn cầu đã dẫn đến việc thực hiện các quy định cấm cửa nghiêm ngặt ở một số quốc gia, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Do đó các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh được hưởng lợi.
- Các kênh phân phối thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được chia thành các nhà bán lẻ hàng loạt, cửa hàng bách hóa, cửa hàng bán lẻ độc lập, cửa hàng đặc sản, cửa hàng trực tuyến và các cửa hàng khác. Hiện tại, các nhà bán lẻ đại chúng đang thể hiện sự thống trị rõ ràng trên thị trường.
- Thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu phân khúc theo mục đích sử dụng cuối cùng trên cơ sở người sử dụng cuối cùng, đã được phân khúc thành khu dân cư và thương mại. Hiện tại, khu dân cư là phân khúc lớn nhất.
- Các khu vực chính trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ toàn cầu được phân loại theo thứ tự Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi, và Châu Mỹ Latinh. Bắc Mỹ thống trị thị trường toàn cầu.
 
c.2- Phong trào xây dựng các Thành phố sáng tạo thủ công và Nghệ thuật Dân gian và Thành phố sáng tạo về thiết kế đang dẫn đầu:
 
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác với/ giữa các thành phố đã xác định sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Hiện có 246 thành phố tạo hình thành mạng lưới đang làm việc cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung: đặt sự sáng tạo và văn hóa vào trọng tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế. Mạng lưới các thành phố sáng tạo là đối tác đặc quyền của UNESCO, không chỉ là nền tảng để phản ánh vai trò của sáng tạo như một đòn bẩy cho phát triển bền vững mà còn là nền tảng của hành động và đổi mới, đặc biệt là để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mạng lưới này bao gồm bảy lĩnh vực sáng tạo: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc. Trong 246 Thành phố sáng tạo được công nhận và hiện đang hoạt động mạnh mẽ, có 50 Thành phố sáng tạo Thủ công và Nghệ thuật Dân gian và 42 Thành phố sáng tạo về thiết kế. Những Thành phố sáng tạo Thủ công - Nghệ thuật Dân gian và Thành phố sáng tạo về thiết kế hoạt động như thế nào? Các quốc gia thành viên dành nhiều công sức và nguồn lực xây dựng các Thành phố sáng tạo thủ công và Nghệ thuật Dân gian và Thành phố sáng tạo về thiết kế do đó 2 loại hình Thành phố sáng tạo này được nhiều quốc gia phấn đấu để gia nhập hơn
 


Năm 2008, Ai Cập nằm trong số 10 nhà xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các nền kinh tế đang phát triển, tạo ra doanh thu 326 triệu đô la Mỹ. Ba năm trước đó, UNESCO đã chỉ định thành phố Aswan là Thành phố sáng tạo thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật truyền thống đầu tiên. Aswan đã bảo tồn các di sản độc đáo trong nghệ thuật truyền thống thông qua các “Snow” (chợ) của các Pharaoh, đồng thời phát triển thành một trung tâm đương đại của các tác phẩm thủ công tinh tế, giáo dục nghệ thuật, trao đổi sáng tạo và giao lưu dân sự. Đứng ở ngã ba của phần phía bắc và phía nam của Thung lũng sông Nile, Aswan kết hợp những ảnh hưởng của họ trong truyền thống nghệ thuật Nubian độc đáo, kết hợp giữa văn hóa Ai Cập và Sudan. Aswan tổ chức các Hội nghị chuyên đề quốc tế về điêu khắc để duy trì truyền thống điêu khắc có niên đại gần 5.000 năm bằng cách nhấn mạnh quá khứ và nỗ lực cải thiện hiện tại, sử dụng các cơ sở nghệ thuật công cộng của mình để quảng bá một loại hình nghệ thuật cổ và khuyến khích các bảo tàng. Những hình thức hoạt động này giúp người dân địa phương đạt được sự phát triển bền vững, hiểu biết lẫn nhau và chống tái đói nghèo và mù chữ.
 
Thái Lan có 5 thành phố sáng tạo gồm 2 thành phố sáng tạo thủ công và Nghệ thuật Dân gian, 02 thành phố sáng tạo về thiết kế và 01 thành phố khoa học về ẩm thực trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
 
Sukhothai, là một thành phố lịch sử nằm ở phía bắc Bangkok. Thành phố đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999 (giống Hội An). Với dân số 597.257 người, thành phố có một di sản phong phú về nghệ thuật và thủ công truyền thống và đã trở thành một trung tâm nghệ nhân, nơi có hàng ngàn thợ thủ công làm việc dựa vào cộng đồng. Các nghề thủ công bao gồm dệt vải, làm đồ trang trí bằng vàng, bạc và gốm sứ Sangkhalok. Những món đồ thủ công hiện có ở đây không chỉ phản ánh trí tuệ cổ xưa của Sukhothai mà còn thể hiện sự nâng cao đáng kể nền kinh tế thành phố.
 
Trong những năm gần đây, Sukhothai đã tổ chức nhiều sự kiện thủ công lớn, bao gồm cả Hội chợ Nghệ thuật và Thủ công Sukhothai đã thu hút những người thợ thủ công truyền thống từ khắp nơi trong khu vực. Về mặt quốc tế, vào năm 2019, thành phố đã khởi động lễ hội Nghệ thuật đường phố ở Sawankhalok, trong đó những bức tường dọc theo Ngõ Pisansoonthrakit được vẽ bởi các nghệ sĩ đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia và Campuchia.
 
Để hỗ trợ các ngành thủ công địa phương, chính quyền Sukhothai đã đưa ra kế hoạch phát triển 20 năm, trong đó có một dự án huy động toàn thành phố ở tất cả các khu vực công, tư và xã hội dân sự cùng hợp tác để biến Sukhothai trở thành một thành phố sáng tạo đẳng cấp của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian thế giới. Trọng tâm của chính sách này là thành lập các Trung tâm Trí tuệ Địa phương ở 9 huyện. Đây là một dự án đang được thực hiện bởi Sở Văn hóa tỉnh Sukhothai. Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ đã thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo như một cách tiếp cận phát triển quan trọng của Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 12, nhằm biến Thái Lan, và đặc biệt là Sukhothai, trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo.
 
Sukhothai nỗ lực tạo ra một không gian sáng tạo mới và trung tâm học tập về Thủ công và Nghệ thuật truyền thống ở Vùng phía Bắc của Thái Lan, phục vụ nhu cầu của cả giáo dục và sáng tạo; thúc đẩy sự hợp tác khởi nghiệp giữa những người sáng tạo nghệ thuật và thủ công và các học giả trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ cho các kỹ năng thủ công và sáng tạo, đặc biệt là liên quan đến đồ trang sức bằng bạc và vàng, hàng dệt và đồ gốm Sangkhalok; tạo thu nhập cho những người sáng tạo nghệ thuật, thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong ngành công nghiệp sáng tạo, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống về lâu dài.
 
Chiang Mai (Thái Lan) cũng là một Thành phố Sáng tạo của Thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật Dân gian trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
 
Thành phố này có ý nghĩa lịch sử và văn hóa nhất của miền Bắc Thái Lan. Chiang Mai có dân số 131.000, được gọi là Bông hồng phương Bắc (Rose of the North), được xây dựng vào năm 1296 với tư cách là thủ đô của Vương quốc Lanna. Chiang Mai có hơn 300 ngôi đền. Một trong những ngôi đền lâu đời nhất và quan trọng nhất là Đền Doi Suthep trên đỉnh núi Doi Suthep, từ đây có thể nhìn ra toàn cảnh Chiang Mai tuyệt đẹp. Những người làm nghề thủ công đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng danh tiếng của vương quốc Lanna, một trung tâm thương mại giàu có, bắt nguồn từ vị trí gần sông Ping và các tuyến đường thương mại chính. Trong suốt nhiều năm, những người thợ thủ công định cư ở các làng lân cận xung quanh thành phố tiếp tục đóng góp cho ngành thủ công, đại diện cho nguồn việc làm thủ công với 159 doanh nghiệp.
 
Các hàng thủ công của Chiang Mai gồm đồ gốm, đồ bạc, chạm khắc gỗ, thêu lụa và đồ sơn mài. Chiang Mai xúc tiến nghề thủ công bằng các chương trình dành riêng trong các trường tiểu học và trung học công lập, chẳng hạn như dự án “Bảo tàng đến trường học” và “Khu vực của chúng ta”, cả hai nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em về lịch sử các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian của Chiang Mai. Thành phố cũng thúc đẩy các phương pháp tiếp cận xuyên suốt trong lĩnh vực này, được minh họa bởi Hội chợ Lanna Expo kết hợp hàng thủ công, ẩm thực và thiết kế.
 
Chính quyền tỉnh Chiang Mai thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường các cơ sở giáo dục và văn hóa để bảo vệ và phát huy các di sản thủ công của thành phố với việc đã khởi động một chương trình khởi nghiệp, sáng kiến ​“Một tiểu khu, một sản phẩm” nhằm hỗ trợ các sản phẩm thủ công sản xuất trong nước trên thị trường toàn cầu. Một số lượng lớn các nhà sản xuất quy mô nhỏ, bao gồm cả các cộng đồng dễ bị tổn thương, đã được hưởng lợi từ chương trình này thông qua nhiều giải pháp nâng cao năng lực tiếp thị và truyền thông.
 
Chiang Mai tập trung khuyến khích thanh niên phát triển kỹ năng thủ công và nghệ thuật dân gian, đổi mới và sáng tạo; hỗ trợ việc phân phối các sản phẩm thủ công của Chiang Mai trên thị trường quốc tế nhằm nâng cao điều kiện làm việc và chất lượng cuộc sống tại các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ tại địa phương; tổ chức Diễn đàn Chiang Mai về Thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật Dân gian - một nền tảng để các chuyên gia, học giả và các nhà thực hành trong nước và quốc tế trao đổi ý kiến ​​về việc bảo vệ và phát huy các kỹ năng và thực hành thủ công truyền thống; tạo cơ hội cho các nghệ sĩ và doanh nhân trẻ giao lưu và kết nối với các bên liên quan quốc tế, đặc biệt là thông qua Tuần lễ thiết kế Chiang Mai; và tăng cường sự công nhận của quốc tế đối với các sản phẩm thủ công của Chiang Mai tại các thị trường mới.
 
Bangkok nằm trên bờ biển phía nam Thái Lan là một Thành phố sáng tạo về thiết kế. Năng lực sáng tạo của dân chúng đa dạng được lấy cảm hứng từ các kho tàng đa văn hóa được xác định là tài sản lớn nhất của thành phố. Sự pha trộn giữa thẩm mỹ truyền thống và đương đại, mới lạ tạo thành các thành phần cơ bản của sự phát triển thiết kế của thành phố. Các nghệ nhân, nhà cung cấp chuyên ngành và cộng đồng sản xuất sáng tạo lấp đầy thành phố, với hơn 300.000 công việc sáng tạo được ghi nhận vào năm 2017. Đối với thành phố, thiết kế là công cụ để tận dụng và phát triển trí tuệ địa phương và biến Bangkok trở thành một thành phố kiên cường ứng phó với những thách thức của thế kỷ 21.
 
Nhiều thập kỷ, các triển lãm thiết kế và thương mại khu vực tại Bangkok đã duy trì luồng ý tưởng sáng tạo mới như triển lãm ASA Architect Expo nổi tiếng và hội chợ thiết kế sản phẩm STYLE Bangkok. Tuần lễ thiết kế Bangkok tạo thêm sự rung cảm sáng tạo mới, thu hút khán giả thuộc mọi thế hệ và hoạt động như một nền tảng hợp tác thúc đẩy tầm quan trọng của thiết kế. Là một trung tâm giáo dục thiết kế, Bangkok là ngôi nhà của các chuyên gia thiết kế lỗi lạc. Các trung tâm nghiên cứu của các trường thiết kế lớn phục vụ khu vực công và tư trong việc phát triển, đổi mới cả chính sách công và sản phẩm. Các kiến trúc sư và nhà thiết kế đô thị đang đi đầu trong sự tiến bộ của thành phố hướng đến một tương lai bền vững và phát triển toàn diện.
 
Bangkok có các kế hoạch hành động nhằm phát triển không gian đô thị để tái tạo cộng đồng và tạo cơ hội cho các nhà thiết kế học hỏi, đáp ứng và nâng cao các tiêu chuẩn toàn cầu về khả năng tiếp cận. Thành phố không chỉ đầu tư vào việc cải thiện đời sống của người dân địa phương mà còn không ngừng phát triển nghề nghiệp cho thanh niên thành các kiến trúc sư và nhà thiết kế địa phương. Bangkok dự định đưa thành phố trở thành thành phố văn hóa - sáng tạo hàng đầu trong khu vực bằng cách phát triển các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, cũng như tổ chức các chương trình giáo dục doanh nhân. Bangkok nỗ lực làm cho quan hệ đối tác thiết kế giữa tất cả các lĩnh vực như một thành phần thiết yếu của phát triển đô thị bền vững, bao gồm cả việc hồi sinh các khu vực lịch sử, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển trung tâm sáng tạo và phát triển kinh tế địa phương thông qua Mạng lưới “Khu sáng tạo”; thúc đẩy việc tạo ra và phổ biến các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến thiết kế, sử dụng thiết kế như một công cụ để nâng cao khả năng hòa nhập và khuyến khích sự tham gia của người dân.
 
Nằm trong số 42 thành phố sáng tạo về thiết kế của UNESCO, Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội là Thành phố sáng tạo duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này. Hà Nội có một nền văn hóa đa tầng. Thành phố lấy năng lực sáng tạo làm trung tâm, đang áp dụng một mô hình phát triển đô thị và kinh tế mới với việc thúc đẩy thiết kế sáng tạo, tôn vinh di sản thủ công và đẩy mạnh phát triển của công nghệ. Hàng năm, Hà Nội có ​​khoảng 5.000 sinh viên mới tốt nghiệp trong các lĩnh vực thiết kế và công nghệ. Lực lượng tài năng trẻ này là nguồn sáng kiến. Năm 2018, các ngành công nghiệp sáng tạo của Hà Nội đóng góp khoảng 1,49 tỷ đô la Mỹ vào Tổng sản phẩm quốc nội, chiếm 3,7%.
 
Thành phố đang đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ cho phát triển văn hóa - xã hội, với nhiều dự án hỗ trợ các sự kiện thiết kế bao gồm các Lễ hội Truyền thông và Thiết kế Việt Nam do RMIT phối hợp với UNESCO và VICAS thực hiện; và các sự kiện điện ảnh như Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội; cũng như các sự kiện thiết kế sáng tạo từ bảo tàng, phòng trưng bày và không gian văn hóa. Một ưu tiên quan trọng là việc sử dụng thiết kế để quảng bá và bảo vệ di sản văn hóa của Hà Nội bằng cách tạo ra sự hợp tác giữa các nhà thiết kế và nghệ nhân đương đại để phát triển sản phẩm cho các thị trường mới, nâng cao thương hiệu và phát triển cách tiếp cận hiện đại để trưng bày và giám tuyển.
 
Hà Nội kỳ vọng sự phát triển bền vững thông qua thiết kế thấu cảm và đổi mới nhằm mang lại lợi ích cho xã hội; hỗ trợ mạng lưới các không gian sáng tạo, nuôi dưỡng tài năng sáng tạo tương lai trong lĩnh vực thiết kế và công nghệ; tạo ra một chương trình đầy tham vọng về các sự kiện sáng tạo nhằm thúc đẩy và bảo vệ di sản văn hóa của Hà Nội; tham gia vào các dự án và chiến lược trong UCCN nhằm thúc đẩy tư duy thiết kế sáng tạo và phát triển đô thị bền vững; trao đổi kiến ​​thức với các Thành phố Thiết kế Sáng tạo góp phần thúc đẩy thiết kế và đổi mới trên khắp Đông Nam Á; và phát triển một khung giáo dục sáng tạo để đào tạo sinh viên sau tốt nghiệp có các kỹ năng cho nền kinh tế mới.
 
TP. Hà Nội xem như một bước thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Trong lĩnh vực thủ công sáng tạo, Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề thủ công, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội rất đa dạng, bao gồm hầu như các loại nghề thủ công của Việt Nam. Để cho hàng thủ công mỹ nghệ vươn xa, các làng nghề truyền thống thường xuyên đổi mới thiết kế mẫu mã bằng cách kết hợp đồng thời giữa thiết kế hiện đại và thiết kế truyền thống nên vừa giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm vừa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện tại. Tuy nhiên những cố gắng của các làng nghề thủ công mỹ nghệ chưa mang lại kết quả như mong đợi, nhất là khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh. “Mục tiêu tổng quát đến năm 2025 của Hà Nội là, xây dựng phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế. Về tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế”, Ông Vương Đình Huệ, Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
 
Là người nghiên cứu về nghề thủ công và làng nghề - có sự liên quan mật thiết với thiết kế sáng tạo, tôi có đôi điều về lĩnh vực này. Theo tôi, trước tiên, Hà Nội cần có một kế hoạch với 3 nội dung gồm đào tạo nâng cao thiết kế cho nghệ nhân, thợ thủ công trong và ngoài hệ thống các làng nghề thủ công của Thủ đô; lấy các giá trị văn hóa phi vật thể nói chung, nghề thủ công truyền thống nói riêng và bản sắc văn hóa đa dạng làm tài nguyên cho thiết kế; dựa vào sức sáng tạo của lực lương thiết kế đa ngành, đặc biệt là lực lượng nghệ nhân, thợ thủ công trong và ngoài làng nghề Hà Nội và giới thiết kế trẻ. So với thành phố sáng tạo Sukhothai của Thái Lan, nguồn lực thiết kế Hà Nội lớn hơn nhiều lần. Riêng lực lượng nghệ nhân, thợ thủ công lên đến hàng trăm ngàn người đã qua đào tạo kỹ lưỡng về kỹ năng theo mô hình truyền nghề (đào tạo không chính thức) nhiều năm kết hợp với lực lượng thiết kế được đào tạo chính quy làm một mắt xích trung tâm trong chuỗi giá trị thiết kế để xây dựng Thủ đô thành một Thành phố sáng tạo về thiết kế với kỳ vọng sánh ngang với các thành phố thiết kế trung tâm khác. Định hướng này sẽ đạt được mục tiêu kép không chỉ ở khía cạnh chính trị mà là một hướng phát triển nền kinh tế da cam/sáng tạo dựa vào huy động năng lực thiết kế từ di sản văn hóa để đóng góp vào GDP Thành phố mà tôi theo tôi có thể lên đến 10%. Mặt khác, điều này sẽ giúp phát triển du lịch, thúc đẩy việc làm sau tốt nghiệp từ ngành giáo dục đào tạo về thiết kế của Thủ đô và phù hợp với kỳ vọng của người dân.
 

Mục tiêu thiết kế “xanh-thông minh-hiện đại” của Hà Nội là rất quan trọng để phát triển một thành phố sáng tạo bền vững đồng thời nâng cao chuổi giá trị thiết kế, nhưng cần chú ý rằng thiết kế trên nền tảng bản sắc văn hóa là đặc trưng của nền kinh tế sáng tạo. Những sản phẩm thiết kế trên nền tảng văn hóa sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và sản phẩm có giá trị cảm xúc và vượt thời gian.
 
Thành phố sáng tạo Hà Nội phải trở thành một đầu tàu để phát triển nền kinh tế sáng tạo quốc gia trong lĩnh vực thiết kế. Do đó, nhìn rõ tính kinh tế của thiết kế là vấn đề hết sức quan trọng. Hà Nội cần huy động các chuyên gia, học giả phát triển các nghiên cứu về kinh tế của thiết kế trong bối cảnh Hà Nội và Việt Nam và quốc tế. Hãy thử đặt câu hỏi là tại sao các trường hiện nay không dạy hoặc dạy rất sơ lược về kinh tế trong các khóa học thiết kế? Tôi đoán là do nhiều người trong cộng đồng nghề thiết kế không tạo ra được mối liên hệ giữa thiết kế và kinh tế nên không thực sự kết nối chúng với nhau. Tại Vương quốc Anh, Kinh tế thiết kế đã tạo ra 85,2 tỷ bảng Anh tổng giá trị gia tăng (GVA) cho vào năm 2016, tương đương với 7% GVA của Anh. Từ năm 2009 đến năm 2016, GVA của kinh tế thiết kế đã tăng 52%. Trong năm 2016, có 1,69 triệu người làm việc trong vai trò nhà thiết kế và có 78.030 công ty chuyên sâu về thiết kế đang hoạt động (2017). Năm 2015, các công ty của Anh đã đầu tư 14,7 tỷ bảng Anh vào thiết kế. Khi các công ty đầu tư vào thiết kế, họ có nhiều khả năng đầu tư vào các tài sản vô hình khác và khiến chúng hợp lực để tạo ra những cải tiến mới và tạo ra giá trị bổ sung. Khi các công ty đầu tư vào thiết kế, họ có nhiều khả năng tạo ra các đổi mới, dẫn đến cải thiện mức năng suất và do đó năng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
 
Một phần mưu cầu hạnh phúc hoặc sự hài lòng của con người là tìm kiếm các giao dịch nhằm tối đa hóa cả “thặng dư của người sản xuất” và “thặng dư của người tiêu dùng”. Khi một công ty có thể bán một sản phẩm với giá cao hơn mức họ sẵn sàng “vừa bán” nó, thì “thặng dư của người sản xuất” sẽ được tạo ra. Ở phía bên kia của giao dịch, khi người tiêu dùng mua một sản phẩm với giá thấp hơn mức mà họ sẽ sẵn sàng “thuận mua” nó, thì “thặng dư của người tiêu dùng” sẽ được tạo ra. Hai thặng dư kết hợp lại tạo ra sự hài lòng về “thặng dư của cộng đồng” hay như cách nói thông thường là cải thiện được mức sống của cộng đồng.
 
Chính thiết kế có thể tạo ra hạnh phúc dẫn đến từ sự hài lòng về “thặng dư của cộng đồng”. Niềm hạnh phúc đó có thể đến từ uy tín do thiết kế đã thêm vào hoặc nó có thể đến từ việc làm cho một sản phẩm thân thiện (dễ sử dụng). Thiết kế đã đóng vai trò vô cùng quan trọng tạo ra thặng dư cộng đồng. Đối với khách hàng, thiết kế có thể cung cấp sản phẩm có chất lượng dư thừa mà không làm tăng giá. Danh sách này có thể tiếp tục và khá dài: Giá trị kinh tế của thiết kế có thể làm giảm thời gian tiếp thị và mang lại lợi tức đầu tư nhanh chóng. Thiết kế có thể làm giảm tiêu hao vật liệu và làm cho một sản phẩm có lợi hơn cho sản xuất. Thiết kế có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi dẫn đến tăng doanh thu bán hàng. Thiết kế tốt có thể làm cho một sản phẩm vật lý hoặc kỹ thuật số dễ sử dụng hơn, mang lại cảm xúc gắn bó tốt hơn với thương hiệu và cải thiện lòng trung thành của khách hàng. Thiết kế tốt làm giảm chi phí hỗ trợ, bảo hành và làm cho sản phẩm có lợi hơn… Khách hàng yêu thích những sản phẩm được thiết kế đẹp, mang lại cho họ những gì họ cần và muốn. Điều này đến từ một quá trình thiết kế được mài dũa tốt và trải nghiệm lâu năm. Người hành nghề thiết kế có thể đoán và giải quyết trước các vấn đề người dùng có thể gặp phải.
 
Ngày nay, những người thiết kế đang đối mặt với thách thức duy trì sự khác biệt trong một thị trường đang phát triển và ngày càng phức tạp. Họ cũng phải đối mặt với nhu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm trong môi trường thiết kế và sản xuất toàn cầu hóa, nơi phần cứng có thể được thiết kế rất nhanh để thay sản phẩm hiện có bằng sản phẩm sao chép hoặc bằng các sản phẩm được sản xuất hoàn toàn mới do vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn, chỉ từ 6- 18 tháng. Các doanh nghiệp ngày nay phải tìm ra những cách thức mới và tốt hơn để tiếp cận vấn đề thiết kế. Nhiều nhà thiết kế (designer) đã nhận thấy mình ở vị trí phải đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau trong bối cảnh thiết kế để nâng cao chuỗi giá trị và duy trì mối liên hệ trong tương lai với tư cách là người người phối hợp hoặc điều phối (Coordinator và Generalist). Nghĩa là các nhà thiết kế ngày càng cảm nhận sự hạn chế của cách tiếp cận silo truyền thống (trạng thái tâm lý khi một số bộ phận không muốn hợp tác và chia sẻ thông tin với những người khác trong cùng một doanh nghiệp), nơi các kỹ sư “phần cứng” và “phần mềm” chuyên nghiệp làm việc trong sự cô lập ảo. Mô hình này không còn bền vững nữa khi thế giới trở nên kết nối với nhau hơn và các thiết kế chuyển sang lĩnh vực thiết kế mềm. Để hỗ trợ sự đổi mới và sự khác biệt hóa sản phẩm bền vững trong tương lai, sự chuyên môn hóa ngành truyền thống phải được thay thế bằng các chiến lược thiết kế “giá trị gia tăng” hơn. Điều thực sự quan trọng ở đây không phải là sự nâng cao kỹ năng của các nhà thiết kế, mà là sự chuyển nhà thiết kế truyền thống đến việc tăng cường hợp tác và đối thoại với các đồng nghiệp khác, giúp thiết lập một ngôn ngữ chung, phá vỡ các bức tường phòng ban và cho phép sự hợp tác mạnh mẽ”. (Design is Dead – Thiết kế đã chết, Thomas Essl)
 
Chúng ta cần phải có một cái nhìn mới mẻ về quy trình thiết kế tổng thể: tại sao những quy trình thiết kế này cần liên kết với các quy trình thiết kế bên ngoài khác (chẳng hạn như thiết kế cơ khí và chuỗi cung ứng) và tại sao các quy trình thiết kế cần phải thống nhất. Nói tóm lại, chúng ta, với tư cách là nhà thiết kế, phải nâng cao chuỗi giá trị thiết kế. Điều đó mang lại cho chúng ta giá trị thiết kế có thể thực hiện tốt nhất
 
Các công nghệ tạo ra và duy trì sự dẫn đầu về đổi mới dựa trên kết nối toàn cầu là mắt xích đầu tiên trong chuỗi giá trị thiết kế. Các thiết kế sản phẩm thế hệ tiếp theo khai thác sức mạnh của khả năng kết nối, thúc đẩy khả năng các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ và tính năng “giá trị gia tăng” theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được và cho những đối tượng lớn hơn. Truyền thông di động, điều hướng và thiết bị bỏ túi chỉ mới là làn sóng ban đầu của các phiên bản cắt giảm phần lớn của máy tính xách tay và máy tính để bàn, ngày càng được kết nối thông qua internet phổ biến. Tiềm năng của chúng thậm chí còn chưa được nhận thức hoàn toàn, nhưng động lực sử dụng những công nghệ này chưa bao giờ lớn hơn.
 
Các công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về trí thông minh của thiết bị tạo ra sự khác biệt của sản phẩm thực sự là mắt xích tiếp theo trong chuỗi giá trị thiết kế. Việc dựa vào việc đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và quản lý sự phức tạp không còn đủ sức cho việc cạnh tranh. Các thiết kế không chỉ dựa trên phần cứng khi ranh giới giữa phần cứng và phần mềm ngày càng trở nên mờ nhạt. Phần “cứng” đã trở nên “mềm” hơn do các nền tảng phần cứng có thể dễ dàng cấu hình lại theo ý muốn đang tiếp tục tạo động lực cho việc xác định lại mô hình phát triển và tạo ra mối quan tâm ngày càng tăng đối với “thiết kế mềm”. Cách tiếp cận mềm có những lợi thế vô cùng to lớn so với các phương pháp thiết kế truyền thống như đồng bộ hóa thiết kế hoàn chỉnh hơn và tái sử dụng thiết kế.
 
Cuối cùng, điều cần thiết để làm cho quá trình phát triển thiết kế dễ dàng hơn là mắt xích cuối cùng trong chuỗi giá trị: cách tiếp cận thống nhất đối với thiết kế. Một cách tiếp cận thống nhất dễ dàng phù hợp với trật tự thế giới mới, phá bỏ các rào cản truyền thống và giúp các nhà thiết kế linh hoạt tạo ra sản phẩm theo những cách mới có thể tận dụng tối đa các quy trình thiết kế đồng thời. Một cách tiếp cận thống nhất cho phép các nhà thiết kế tập trung vào các ứng dụng cấp cao hơn và sử dụng lại cả công việc hiện có của họ và công nghệ của bên thứ ba mà không phải hy sinh sự đổi mới hoặc tăng thời gian thiết kế. Bằng cách loại bỏ các công cụ khác nhau dựa trên dòng công việc lỗi thời và phân tán, thay vào đó, các nhà thiết kế có thể tập trung vào việc tạo ra thế hệ thiết kế tiếp theo, chuyển giá trị thiết kế của chúng thành lợi tức đầu tư kinh doanh thực tế.
 
Sự khác biệt trên thị trường thực sự cuối cùng đạt được bằng cách tuân theo một chuỗi giá trị mang lại sự kết nối, hành vi và chức năng độc đáo trong các sản phẩm ngày nay, đồng thời sử dụng phương pháp tiếp cận bền vững lâu dài. Trong ngành công nghiệp cạnh tranh cao này, sự đổi mới của lãnh đạo thiết kế là rất quan trọng, chúng ta không cần biết tương lai, chúng ta chỉ cần thay đổi suy nghĩ của chúng ta ở hiện tại về cách chúng ta thiết kế và nhận ra các xu hướng hiện có. Khi đó, quyết định đối với các nhà thiết kế trở thành một trong những việc chờ đợi các động lực thị trường thúc đẩy đến mắt xích tiếp theo trong chuỗi giá trị thiết kế, hoặc lấy động cơ để thúc đẩy bản thân.
 
Thiết kế ngày nay có thể tóm tắt như sau:
 
“- Đó là, thiết kế thế giới đã vượt qua sự sáng tạo những đồ dùng trong nhà, những công trình kiến trúc, những vật chất hữu hình, gọi chung là “phần cứng” chuyển sang thiết kế sự hiểu biết vô hình, sáng tạo ra “phần mềm” trong thời đại tri thức và cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống. Thiết kế đã qua là hình thức nhằm mọi thứ vào thị giác, trực quan. Ngày nay, phương tiện truyền thông, sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số hóa cuộc sống và làm việc, đặc biệt là xu hường tiêu dùng thay đổi đã làm cho ngành thiết kế được mở rộng sang các nội dung vô hình, phi vật chất, không gian 3 chiều, đề cao các giá trị sáng tạo, đáp ứng các nhu cầu về tinh thần.
 
- Đó là sự hội tụ giữa các ngành chuyên môn. Một phần thiết kế hiện thời như sản phẩm, thiết kế nội thất, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ ... đã hội tụ và nối kết với nhau, đã phá vỡ bức tường ngăn cách của các ngành khác nhau, trở thành tổng hợp. Nói ngắn gọn là các ngành thiết kế đều có khuynh hướng pha trộn và xóa bỏ ranh giới của nhau, hỗ trợ và bổ khuyết cho nhau. Đó là vì thiết kế ngày nay sáng tạo các giá trị vô hình gắn liền với sản phẩm, sự ngắm nhìn, môi trường và truyền thông đa phương tiện. Khái niệm thiết kế là sản xuất ra sự hiểu biết có tính sáng tạo.
 
- Nhà thiết kế (Designer) ngày nay trở thành người phối hợp (Coordinator). Nếu nhà thiết kế đã qua là chuyên gia làm ra cái đẹp, cái hài hòa và cái để nhìn thì nhà thiết kế ngày nay là chuyên gia tổng hợp (Generalist) như là một người chỉ huy dàn giao hưởng để sáng tạo ra nghệ thuật và văn hóa, hợp nhất những sự khác nhau theo một chủ đề để có lời giải đáp cho các vấn đề mới nảy sinh trong một dự án thiết kế. Nhà thiết kế trong quá khứ phục vụ như một người học nghệ thuật và thiết kế rồi sản xuất sản phẩm cho con người. Ngày nay, người thiết kế phải có nhiều năng lực, có chuyên môn trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực để có thể “chơi” vai trò của người phối hợp để kết nối tổng các kỹ thuật chuyên môn, quản lý, tiếp thị, xúc tiến, sản xuất… hợp thành một mẫu số chung. Do vậy người thiết kế cũng không còn hoạt động độc lập nữa.
 
- Các tổ chức thiết kế cũng đã thay đổi, trở thành một tổ chức chuyên tổ chức hệ thống các công việc thiết kế và sự phối hợp làm việc là nhân tố chính”. (Theo Trần Minh sắc, Thiết kế sáng tạo - giải pháp trung tâm cho phát triển hàng thủ công và bảo vệ nghề thủ công truyền thống).
 
 
Dù muốn hay không, các nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề sống và làm việc trong một thành phố sáng tạo về thiết kế cần phải nỗ lực để thích nghi với những thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh về thiết kế nhiều hơn nữa.
 
Thiết kế sẽ còn nhiều thay đổi khi công cụ công cụ dựa trên AI (trí tuệ thông minh) phát triển tham gia nhiều hơn nữa vào chức năng của thiết kế.
 
c.3- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với kỹ thuật số:
 
(Còn tiếp)
 
NGUYỄN LỰC

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận