Bản thảo một tiểu luận: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ

 LNV: Tôi đang viết một tiểu luận về giá trị của nghề thủ công và làng nghề. Tiểu luận ước tính sẽ dày 400 trang hoặc hơn và được viết dần mỗi ngày. Những phần nào viết xong sẽ đưa lên trang này. Tôi hy vọng sẽ cung cấp điều gì đó mà tôi cho là quan trọng hoặc phát hiện mới trong quá trình nghiên cứu của mình đồng thời cũng hy vọng đón nhận được các ý kiến góp ý bổ sung, thậm chí là phản biện để tôi hoàn thiện bản thảo.
Chân thành cảm ơn!

NGUYỂN LỰC
________________________


1- LỜI MỞ ĐẦU RIÊNG TƯ
 
Cá nhân tôi trong 15 năm theo dõi và tìm hiểu quá trình biến đổi của nghề thủ công Việt Nam nói chung, các làng nghề và rất nhiều nghệ nhân nói riêng đến lúc này tôi cảm thấy đủ thời lượng và kha khá các dữ liệu mà tôi thu thập, tích lũy được để có thể viết lại những gì mình đã biết và suy ngẫm.
 
Tác giả tham gia nấu đường Thốt nốt tại An Giang

Dựa trên những gì đã nhìn thấy từ thực tiễn thực hành nghề thủ công trên đất nước ta, nhiều tài liệu đã đọc, trao đổi với các chuyên gia, với các nghệ nhân - những người mà tôi may mắn làm việc cùng, di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống Việt Nam trong bối cảnh khoa học nghiên cứu về văn hóa, về nghề thủ công và di sản văn hóa phi vật thể tiến triển nhanh chóng. Nhận thức, lý luận cũng thay đổi vượt ra ngoài những hiểu biết và cách nghĩ truyền thống, đã hé lộ những giá trị to lớn và khác lạ đồng thời cũng gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những yếu kém, sai sót trong tiến trình chấn hưng và phát triển chúng.
 
Tôi bắt đầu thời kỳ 15 năm trong đời mình đơn giản như một buổi cà phê sáng. Sự thật, tôi cũng bắt đầu từ một buổi sáng nhấm nháp ly cà phê với một người bạn lớn tuổi hơn mình một giáp và một người nhỏ hơn tôi một giáp đi cùng. Các anh ấy nói chuyện với tôi về làng nghề, nghề thủ công, về Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vừa thành lập và “rũ” tôi gia nhập. Tôi đã nhận lời gia nhập Hiệp hội này một tháng sau đó. Nhưng có lẽ, người dẫn dắt tôi, truyền cảm hứng với nghề thủ công là ba tôi, một người đàn ông hiền lành, ít nói. Ông ấy là một nghệ nhân thầm lặng, nhưng kiến thức về nghề rất sâu sắc, rất thâm trầm và kỹ năng đôi bàn tay thật kỳ diệu. Chỉ với ngọn lửa nhỏ, chút nước và vài công cụ nhỏ bé ông đã biến những hạt vàng lấm tấm đãi trong cát thành vàng cục, vàng miếng, vàng sợi, bông tai, dây chuyền, nhẫn cưới mà không dùng đến hóa chất như ngày nay… Tôi chỉ quan sát ba tôi hành nghề, không có ý định sẽ học nghề của ông. Nhưng những lúc ngồi cạnh ba tôi, ông vừa làm vừa nói chuyện, dường như vô tình, hay có thể gọi là một cách tự nhiên nhưng tôi đã học được một khối kiến thức nghề kim hoàn nguyên bản. Chỉ tiếc là tôi không có kỹ năng như ba mình vì không thực thụ thực hành. Số kiến thức mà tôi ngẫu nhiên học được ấy không mất đi lúc này nhưng vĩnh viễn sẽ mất đi một khi tuổi cao dần và nằm xuống. Còn một người nữa là ông nội tôi, người mà ba tôi đã kế thừa, nhưng ký ức còn lại trong tôi rất mơ hồ vì tôi còn quá nhỏ. Sau này, khi tôi lớn hơn và có chút hiểu biết, ông không hành nghề nữa mà lui về với cuộc sống thanh nhàn như những bậc tiền nhân xưa. Ông chỉ thỉnh thoảng ngồi rèn dũa lưỡi câu cá cho những bạn câu hoặc người biết tài rèn lưỡi câu của ông.

Chuyên gia người Hong Kong chụp ảnh thợ nấu đường đi lấy nước Thốt nốt trong chuyến khảo sát của ông để nhập khẩu nguyên liệu chế biến si rô dùng cho người tiểu đường.

Rất đúng khi kết luận rằng: tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể không phải là sự thể hiện văn hóa của chính nó mà là sự giàu có của kiến thức và kỹ năng được truyền lại thông qua sự thể hiện từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Giá trị kinh tế và xã hội của việc truyền tải kiến thức này phù hợp với cả các nhóm thiểu số và cả các nhóm xã hội đa số trong một quốc gia, và cũng quan trọng như nhau đối với các quốc gia đang phát triển cũng như đối với các quốc gia phát triển.

Tôi cũng bắt đầu theo đuổi việc tìm hiểu về nghề thủ công với một người đàn ông đáng kính. Ngay lúc viết những dòng này ông ấy đã ngoài 90, lớn hơn tôi gần 3 giáp nhưng xưng với nhau là anh em và nói chuyện với nhau thật hào hứng. Điều đặc biệt là vào tuổi này ông vẫn suy nghĩ, viết nhanh như thanh niên và sâu sắc như lão làng. Ông không là người theo nghiệp văn hóa, gốc gác ông là người đọc sách chính trị, quản trị đất nước, phát triển quốc gia và thực hành chúng. Ông ấy hàng tuần ít nhất một lần gọi hoặc Email hoặc nhắn tin cho tôi một vài thông tin gí đó mà ông phát hiện, suy nghĩ hoặc thảo luận về những nội dung liên quan đến lý luận về nghề thủ công và làng nghề. Con người ấy, hành động ấy, việc làm của ông ấy là tấm gương chân thật của một người tâm huyết hiếm thấy, toàn tâm toàn lực với di sản văn hóa của dân tộc. Tôi ngưỡng mộ và thầm cảm ơn ông. Tôi không chỉ mắc nợ ông ấy một lời hứa như thường tình về nghiên cứu và viết về nghề thủ công mà tôi đã từng hứa với ông, tôi còn mắc nợ với chính mình cùng nỗi lo âu, tiếc nuối, đôi khi buồn và đôi khi tức giận về tri thức của cha ông, mà mất chúng, thế hệ hiện nay sẽ có tội với tiền nhân.
 
Tôi đã thực sự say mê tìm hiểu về nghề thủ công khi tiếp xúc với các nghệ nhân. Tôi đặc biệt thích thú quan sát các nghệ nhân trẻ. Người lớn tuổi thâm niên trong nghề có sức lôi cuốn lạ thường. Họ nói chuyện cởi mở, mộc mạc, đôi khi có vẻ cường điêu hoặc hài hước hoặc ngông nghênh hơi khác người nhưng được tiếp xúc nhiều lần với họ hoặc ngắm tác phẩm của họ, bất kỳ ai cũng sẽ đi từ thực tại kinh ngạc đến khâm phục, dường như được sống trong một thế giới khác – một thế giới bí ẩn, rất sâu bên trong. Họ là Living Human Treasure hoặc Living National Treasure (Báu vật nhân văn sống, báu vật sống của nhân loại hoặc báu vật quốc gia còn sống) được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia, dù có cách gọi khác nhau, đã tôn vinh là kho báu về tri thức của công đồng, dân tộc hoặc nhân loại. Họ là những người sở hữu ở một mức độ cao các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện hoặc tái tạo các yếu tố cụ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Có thể có những câu hỏi thông thường trong tâm trí: Điều gì đã dẫn họ đến với nghề thủ công? Vì truyền thống gia đình? Vì yêu thích ư? Có thể, nhưng tại sao cũng có rất, rất nhiều bạn trẻ đã rời bỏ truyền thống quý báu đó… Còn những nghệ nhân trẻ tuổi? Họ đã đặt vào tâm trí tôi một từ “phong cách” mà tôi mong đơi. Lớp người này không chỉ nắm chắc các kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp nhờ vào sự truyền nghề tận tâm của các nghệ nhân bậc thầy mà biết kết hợp nhuần nhuyễn với kiến thức được đào tạo chuyên nghiệp và xu hướng phát triển nghề đương đại. Dù còn khá hiếm hoi những tác phẩm định hình rõ phong cách, bản sắc mỗi nghệ nhân nhưng những tín hiệu này báo một mùa xuân của nghề thủ công đang đến gần.

Nhìn lại và ngẫm nghĩ về cuộc hành trình của mình, hình ảnh nhọc nhằn của người thợ thủ công để lại trong tâm trí tôi cả hai mặt của một tiến trình hành nghề để sáng tạo nên những giá trị của nghề thủ công. Cả hai mặt tinh thần và thể lực đều nhọc nhằn. Thủ công không chỉ ám chỉ đến đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của họ mà là tất cả cơ thể và trí óc của người thợ hoặc nghệ nhân vận hành đồng thời. Thủ công - đôi bàn tay - không chỉ là là những thao tác cầm búa, cầm cưa, đục, dao rựa, cầm cọ vẽ… một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển với cảm giác và khả năng tiết chế nặng nhẹ đúng lúc và theo ý muốn của mình mà chính là con đường, cách thức hay phương tiện chính truyền những thẩm thấm, những cảm xúc văn hóa lâu năm, những trãi nghiệm sống của người nghệ nhân vào vật liệu để tạo ra bản sắc và phong cách của một tác phẩm. Nghề thủ công không chỉ là sự thỏa mãn, sự hài lòng của người nghệ nhân khi thể hiện thành công những ý tưởng nung nấu lâu ngày hoặc những cảm xúc âm ỉ - không dữ dội, nhưng ngầm ngầm và kéo dài của chính mình mà còn mang đến những khoái cảm thẩm mỹ cho người chơi hàng thủ công mỹ nghệ.
 
Chuyên gia đo nhiệt độ trong nồi nấu đường.

Nhìn lại và ngẫm nghĩ về cuộc hành trình của mình, những sự kiện mà đồng sự, bạn bè và đối tác với tôi tổ chức tại khắp các tỉnh thành, tôi tự bạch chân thật rằng trong khi mọi người bận rộn, tôi lại là người có vẻ thích thú và hưởng lợi nhất vì ở những nơi đó tinh hoa nghề thủ công và làng nghề hội tụ về mà tôi là người khao khát khám phá di sản. Tôi chân thành cảm ơn tất cả các bạn vì đã tạo cơ hội cho tôi gom góp kiến thức và tính chân thực về một loại hình di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống của đất nước để viết tiểu luận này.
 
Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến gia đình tôi, vợ và các con tôi đã ủng hộ và tạo điều kiện để tôi có thời gian làm việc riêng tư hơn 15 năm qua.
 
Đang viết phần tiếp theo:
2- GIỚI THIỆU BẢN THẢO
NL.
__________

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận