Bản thảo một tiểu luận: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (2)

2- GIỚI THIỆU CÁC Ý TƯỞNG CHO BẢN THẢO 
 
a- Sự quyến rũ của văn hóa truyền thống và nghề thủ công:
 
Những lời răn tương tự như “Đói cho sạch, rách cho thơm” hay câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề” … có rất nhiều trong văn học truyền miệng. Đó không chỉ là những kỹ năng sống mà mỗi cá nhân trong một công đồng phải ghi nhớ, thực hành mà là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Văn hóa nói chung và văn hóa sống nói riêng đều được đặt ở vị trí trên đỉnh tháp, tầng kế bên dưới mới là kinh tế. Dù nghèo, đói, không có hoặc có ít tài sản nhưng mỗi người cũng cần giữ lấy các giá trị văn hóa dân tộc mà mình thuộc về. Loại văn hóa tôi nhấn mạnh ở đây là văn hóa thực hành thường ngày nhưng đã giữ một vị trí cao để đo lường, đánh giá văn hóa, nhân cách của con người và bản sắc một dân tộc. Loại văn hóa này vô hình, phi vật thể và không đứng yên. Chúng đang sống, hoạt động, bởi vì chúng được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày trong suốt mỗi đời người.
 
Một thanh gươm và vỏ gươm của Việt Nam rèn thủ công thời xưa. Lưỡi gươm này có 1 đầu nhọn và 2 cạnh sắc. Chuôi gươm đủ để một tay cầm (đơn thủ). Ảnh: Oriental-arms, vov.vn


Sâu xa hơn, văn hóa đã quyến rũ tôi, hay đúng hơn là chất kích thích, là động lực cho cuộc phiêu lưu 15 năm của tôi. Xét cho cùng, bởi chính sự giàu có về văn hóa của các dân tộc Việt và bởi vì tôi là người Việt, đó mới là lý do chính có sức mạnh cuốn tôi theo. Đó không chỉ là sở thích riêng tư mà còn là ý thức rõ ràng về một phần trách nhiệm nhỏ của mình với thế hệ sau hoặc ít nhất là đối với bạn bè, người thân, quen hay những người chúng tôi làm việc cùng nhau. Tôi cần phải viết những điều mình hiểu biết, trải nghiệm theo cách của ba tôi và như các nghệ nhân truyền thụ nghề cho thế hệ kế thừa.
 
Xét cho sâu xa hơn nữa, các dân tộc Việt có rất nhiều, rất phong phú các di sản văn hóa có bề dày hàng ngàn năm cùng một dòng lịch sử. Những thứ ấy là kho tàng luôn được vun đắp nên khai thác mãi không vơi. Hàng triệu người Việt Nam đang tiếp nhận, khai thác, bảo vệ và phát triển chúng. Tôi là một trong những người may mắn và có điều kiện được quan sát và gom góp chút ít kiến thức trong kho tàng bao la ấy. Tôi quyết định khởi thảo tiểu luận này với tâm trạng muốn giải tỏa, chia sẻ kho lưu trữ của riêng mình với những người đang hành nghề trên cơ sở di sản của dân tộc về giá trị đích thực của di sản, cụ thể là di sản phi vật thể nghề thủ công truyền thống.
 
Sức hấp dẫn của văn hóa đang sống trong đời thường đã tạo ra cảm giác giữa tôi – một người Việt – có danh tính và khác biệt với những người trong phần còn lại của thế giới.
 
Quả thật, Việt Nam có rất nhiều nét quyến rũ. Trong số những nét quyến rũ của đất nước là sự đa dạng văn hóa truyền thống. Nghề thủ công truyền thống là một phần của văn hóa truyền thống nhưng được xác thực là đại diện của sự thông thái độc đáo, đại diện cho tâm hồn, cốt cách của người dân và của công đồng địa phương trong mỗi thôn làng. Tri thức văn hóa tổng hợp của mỗi nghề thủ công truyền thống được tích lũy, được bồi bổ và cải tiến liên tục hàng chục, hàng trăm năm nên không thể từ chối vai trò đại diện của mình. Một nền nông nghiệp thủ công truyền thống trở thành một nền văn minh lúa nước lẫy lừng, dư thừa sản vật và một nền thủ công nghiệp lâu đời đủ sức cung cấp các tiện nghi cho cuộc sống và đáp ứng các nhu cầu tinh thần, sức khỏe, vũ khí, khí tài chống ngoại xâm không là cơ sở tin cậy cho sự an toàn, bền vững của một đất nước, một dân tộc và mỗi người dân thì là gì? Sự thất bại của các nước lớn chiếm đóng nước ta chính là sự thất bại trước một nền văn hóa lâu đời. Chính sự đa dạng và độc đáo ấy đã quyến rũ khách du lịch đến tận hưởng và trải nghiệm cảm giác cũng như vẻ đẹp của chúng. Tín đồ các tôn giáo đều có đức tin về đấng chí tôn, về Thiên chúa và sống thường ngày trong các điều răn, các quy tắc, những điều tâm niệm, trong khi người bình thường, dù có tôn giáo hay không tôn giáo vẫn có cảm giác an toàn khi gia nhập vào xã hội là vì họ có niềm tin vào nền văn hóa lâu đời của dân tộc nhờ vào những phong tục, tập quán, lễ nghi, phép ứng xử, kỹ năng phán xét đúng, sai … được truyền dạy tự nhiên trong gia đình theo cách cha truyền con nối, mẹ dạy con, ông bà dạy cháu và trong công đồng xã hội. Không cần tìm đâu xa, chính niềm tin vào văn hóa truyền thống đã hình thành bản sắc người Việt và sự sống bền vững của một dân tộc dù thiểu số hay đa số. Mọi sự du nhập văn hóa, dù hiện đại đến đâu, không phù hợp với niềm tin ấy đều không được thừa nhận hoặc chỉ là phong trào rồi mất đi nhanh chóng.
 
Văn hóa truyền thống vẫn đang được chuyển giao một cách tự phát cho dù người Việt ở Mỹ, Đức, bắc Âu hay vùng Siberia băng giá của nước Nga. Dù có ý thức hay theo quán tính, văn hóa truyền thống vẫn được người dân coi trọng. Đó chính là nền tảng đích thực bảo đảm cho sự duy trì sức sống xanh tươi, mãnh liệt và giá trị của một dân tộc.
 
Với nghệ nhân, thợ thủ công, văn hóa truyền thống là nguồn nuôi dưỡng nghề nghiệp, tâm hồn và cảm hứng sáng tạo. Nền văn hóa càng đa dạng thì càng có nhiều cơ hội kinh tế và sự giàu có. Khi kho kỹ năng và kiến ​​thức được mở rộng, trở nên sâu sắc và phức tạp hơn, họ có nguồn sáng tạo lớn hơn mà các cơ hội kinh tế tự nhiên sẽ theo sau. Quốc tịch chỉ đơn giản là tình trạng của một người thuộc về một quốc gia cụ thể theo ngày sinh, nơi sinh hoặc cư trú. Một một cá nhân có thể thuộc dân tộc Việt nhưng quốc tịch Úc vì họ sinh ra hoặc sinh sống ở Úc. Dân tộc không giống như quốc tịch. Dân tộc được xác định bởi các khía cạnh của văn hóa chủ quan như phong tục, ngôn ngữ, quan hệ xã hội, kho tàng kiến thức truyền thống… Dân tộc đề cập đến bản sắc xã hội của một người dựa trên nguồn gốc văn hóa, tổ tiên hoặc liên kết với một nhóm văn hóa của mình.
 
Năng lực văn hóa nghệ nhân thường được xem, gần như là định nghĩa, đó là việc sở hữu các kỹ năng và kiến ​​thức về một nền văn hóa để làm việc hiệu quả với công việc sáng tạo của mình và với các thành viên của nền văn hóa đó. Định nghĩa này bao gồm việc đánh giá cao sự khác biệt văn hóa và khả năng làm việc hiệu quả đối với các cá nhân. Tuy nhiên, giả định rằng bất kỳ cá nhân nào cũng có thể có đủ kiến ​​thức hoặc năng lực để hiểu được trải nghiệm của các thành viên của bất kỳ nền văn hóa nào là một vấn đề nan giải. Đạt được chuyên môn về năng lực văn hóa như được định nghĩa theo truyền thống dường như khó có thể đạt được, vì nó liên quan đến yêu cầu về kiến ​​thức và sự thành thạo. Thay vào đó, năng lực văn hóa thực sự đòi hỏi phải tham gia vào một quá trình liên tục học hỏi về kinh nghiệm của nền văn hóa dân tộc mình và các nền văn hóa khác. Do đó tiểu luận này là ý tưởng nhỏ so với nền văn hóa sâu sắc, bao la của dân tộc.
 
Rất may là di sản phong phú thể hiện chiều sâu của kiến ​​thức và kỹ năng truyền thống đang được khôi phục trên cả nước. Mặc dù chưa hoàn toàn nhân thức đầy đủ, việc khôi phục những thực hành truyền thống này cũng giúp tôi khám phá những giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Như đã nói, một trong những hình thức dễ thấy nhất của kiến ​​thức và kỹ năng truyền thống là nghề thủ công bởi chúng có thể dễ dàng tìm gặp ở khắp nơi, tập trung nhiều nhất là các làng nghề nông thôn và phố nghề ở đô thị. Biểu hiện của nghề thủ công truyền thống có thể là một tấm lụa, một khăn quàng cổ, chiếc giỏ tre hay một phù điêu, chiếc bình gốm… đơn giản nhưng được làm tinh xảo cũng có sức lay động những cảm xúc thẩm mỹ và có ý nghĩa văn hóa ẩn sâu.
 
Rõ ràng giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công nhấn mạnh đến sự phong phú của kiến ​​thức và kỹ năng được truyền từ thế hệ trước cho những người tiếp theo. Trước hết, đối với các nhóm thiểu số và các nhóm xã hội chính thống, giá trị kinh tế và xã hội của kiến thức truyền thống này là rất quan trọng. Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công được thể hiện thông qua các quy trình, bí quyết và kỹ năng - bao gồm cả không gian văn hóa liên quan - mà mọi người phân biệt như một thành phần của di sản văn hóa của họ. Liên quan nhiều thế hệ và liên tục được tái tạo, chúng đảm bảo cho con người một cảm giác về bản sắc và tính liên tục. Các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng, số lượng ngoại hối chảy vào, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ thuật quản lý mới và kinh nghiệm đào tạo đóng góp quan trọng cho nền kinh tế xã hội và sự phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên việc bảo vệ an toàn di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng là giữ nguồn mạch quý giá của nền kinh tế. Các hoạt động bảo vệ do đó phải luôn có sự tham gia của xã hội, con người, đặc biệt là các cá nhân mang di sản đó. Hiện nay, sự giàu có văn hóa truyền thống trở thành động lực chính cho du lịch với việc khách du lịch muốn tìm hiểu về các nền văn hóa mới và trải nghiệm sự khác biệt toàn cầu của nghệ thuật biểu diễn, nghề thủ công, nghi lễ và ẩm thực. Sự hợp tác văn hóa được kích thích bởi những cuộc gặp gỡ như vậy đã thúc đẩy thảo luận, xây dựng sự hiểu biết và khuyến khích lòng khoan dung và hòa bình. Những người nhận ra những giá trị này, ở mọi nơi trong thế giới có cách riêng để truyền bá kiến ​​thức và kỹ năng của họ, nhưng phần lớn dựa vào truyền miệng hơn là các văn bản viết. Nghề thủ công truyền bá theo ngôn ngữ riêng của mình thể hiện trên các vật phẩm chế tác. Như các di sản văn hóa phi vật thể khác, nghề thủ công truyền thống là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai và được thực hành liên tục làm thay đổi cấu trúc của xã hội bằng những trải nghiệm.
 
Sức quyến rũ của nghề thủ công truyền thống không chỉ là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và độc đáo mà chính là giá trị của những kiến thức và kỹ năng truyền thống và các giá trị kinh tế xã hội lớn lao mà tôi và mọi người chưa nhìn thấy hết. Do vậy mà văn hóa truyền thống phi vật thể, trong đó nghề thủ công truyền thống có sức quyến rũ hơn hết.
 
Đang viết bài tiếp theo:
b- Tìm hiểu những gì trong di sản?

NGUYỄN LỰC


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận