Bản thảo một tiểu luận: Giá trị của nghề thủ công và làng nghề (8)

B.6- KHÁM PHÁ CÁC KHÍA CẠNH KINH TẾ CỦA VĂN HÓA PHI VẬT THỂ 

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Gốm giác vàng là sản phẩm sáng tạo của Cơ sở Vạn An Lạc, Bát Tràng

Các hiêp hội ngành nghề cho rằng cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác và giải quyết việc làm cho 3-5 nghìn người lao động. Bô Công thương cũng xếp nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao, được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới. Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tăng trung bình cao so với các ngành hàng xuất khẩu khác. Bộ Công thương khuyến cáo các cơ sở sản xuất nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu đảm bảo đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ngành thủ công mỹ nghệ cần xác định hướng chiến lược xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giai đoạn 2021 – 2025 là nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025. (báo Nhân dân, Chủ Nhật, 20-12-2020)

Kết quả trên cho thấy nghề thủ công đã đóng góp cho nền kinh tế quốc gia rất rõ ràng và được Chính phủ đặt trọng tâm chú ý trong các chính sách phát triển kinh tế cùng với giải quyết các mục tiêu xã hội và văn hóa khác. Trong những mục tiêu ấy, như tôi nêu ra ở phần trước, đó là góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo ở nông thôn, bảo vệ di sản…

Trong khi tìm hiểu về nghề thủ công, tôi chú ý nhiều hơn vào những khía cạnh khác mà nghề thủ công mang lại cho nền kinh tế và xem xét chúng có giá trị như thế nào. Căn cứ vào giá trị xuất khẩu, nếu mỗi triệu USD xuất khẩu hàng thủ công giải quyết việc làm 2,5 triệu lao động (thấp hơn so với số liệu báo cáo) thì thu nhập người lao động làm hàng xuất khẩu (400 USD/người/năm) thấp so với các nước trong khu vực hoặc nếu đạt mục tiêu xuất khẩu hàng thủ công 5 tỷ USD vào năm 2025 thì so với lực lượng lao động hơn 10 triệu đang hành nghề thủ công cả nước thì vẫn còn rất thấp (500 USD/người/năm).

Ngoài các giá trị của nghề thủ công nêu trên, chúng còn có giá trị gì khác? Những gì tôi đề cập ở những bài trước, dù chưa nói rõ nhưng người đọc cũng khám phá các khía cạnh, đặc trưng khác của nghề thủ công. Nhưng liệu điều đó có giúp gì cho nền kinh tế phát triển hay không? Kiến thức, bí quyết, kỹ năng của nghề thủ công đã tạo ra các sản phẩm thủ công cùng với các giá trị về bản sắc văn hóa, tính thẩm mỹ. Đó là các giá trị về kinh tế xã hội và văn hóa của nghề thủ công. Tôi nghĩ rằng nếu hài lòng với những đánh giá về giá trị của nghề thủ công như trên và dừng ở lại ở đây cũng vừa đủ để có thể đưa ra các chính sách bảo tồn và hỗ trợ nghề thủ công phát triển. Tuy nhiên đối với tôi và những người quan tâm đến di sản văn hóa không bằng lòng dừng lại. Nghề thủ công là một trong các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể, chúng có các đặc trưng chung đồng thời có những đặc trưng riêng là do di sản nghề thủ công có biểu hiện vật chất, nhìn thấy được. Vì vậy giá trị kinh tế văn hóa phi vật thể của các loại hình văn hóa phi vật thể khác là gì?

Hội nghị về Thương mại và Phát triển (UNCTAD): “Các ngành công nghiệp sáng tạo có thể được định nghĩa là chu kỳ tạo ra, sản xuất và thương mại hóa của các sản phẩm và dịch vụ sử dụng tri thức và vốn tri thức làm đầu vào chính. Họ đối phó với sự tác động lẫn nhau của các phân ngành khác nhau, từ hàng thủ công truyền thống, sách, hình ảnh và biểu diễn nghệ thuật đến các lĩnh vực thiên về dịch vụ và công nghệ cao hơn như âm nhạc và các ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình và phát thanh, phương tiện truyền thông và thiết kế mới.” (UNCTAD, 2008, tr.1). Theo định nghĩa này, hàng thủ công truyền thống là thành phần trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Nền kinh tế sáng tạo dựa trên việc mọi người sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo để gia tăng giá trị của một ý tưởng. John Howkins một giáo sư nổi tiếng người Anh chuyên thuyết giảng về công nghiệp sáng tạo đã phát triển khái niệm này vào năm 2001 để mô tả các hệ thống kinh tế trong đó giá trị dựa trên những phẩm chất tưởng tượng mới lạ hơn là các nguồn lực truyền thống gồm đất đai, lao động và vốn: So với các ngành công nghiệp sáng tạo, vốn chỉ giới hạn trong các lĩnh vực cụ thể như UNCTAD liệt kê ở trên, thuật ngữ nền kinh tế sáng tạo là được sử dụng để mô tả sự sáng tạo trong toàn bộ nền kinh tế.

Một số nhà quan sát cho rằng sự sáng tạo là đặc trưng chính của các nền kinh tế phát triển trong thế kỷ 21. Các mô hình phổ biến nhất của nền kinh tế sáng tạo chia sẻ nhiều yếu tố. Mô hình dựa trên sự sáng tạo của Howkins bao gồm tất cả các loại sáng tạo, cho dù được thể hiện trong nghệ thuật hay sự đổi mới. Các mô hình dựa trên văn hóa hẹp hơn tập trung vào nghệ thuật, thiết kế và truyền thông và thường bị hạn chế trong các ngành được đề cử. Thuật ngữ này ngày càng đề cập đến tất cả các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào sự sáng tạo cá nhân của một người đối với giá trị kinh tế cho dù kết quả đó có yếu tố văn hóa hay không. Theo cách sử dụng này, nền kinh tế sáng tạo xảy ra ở bất cứ nơi nào sự sáng tạo của cá nhân là nguồn giá trị chính và là nguyên nhân chính của một giao dịch.

Vai trò chính của sự sáng tạo cá nhân như là nguồn gốc xác định của nền kinh tế mới đã được John Howkins đưa ra vào năm 2001. Ông ưu tiên sự sáng tạo hơn là thông tin hay văn hóa. Ông định nghĩa một sản phẩm sáng tạo là một sản phẩm kinh tế, dịch vụ hoặc trải nghiệm do sự sáng tạo và có các đặc điểm mang tính cá nhân, mới lạ và có ý nghĩa. Ông cho biết đặc điểm xác định của nó gồm hai mặt: nó là kết quả của sự sáng tạo và giá trị kinh tế của nó dựa trên sự sáng tạo. Ấn bản thứ hai của Howkins về nền kinh tế sáng tạo vào năm 2013 cho thấy nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của sự sáng tạo và sự cần thiết phải bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế.

Howkins thừa nhận rằng các nền kinh tế sáng tạo đã được tìm thấy trong nhiều xã hội theo thời gian. “Sáng tạo không phải là mới và kinh tế cũng không, nhưng cái mới là bản chất của mối quan hệ giữa chúng”. Ông cho rằng mối quan hệ mới này phản ánh sự gia tăng trong giáo dục đại học, sự thay đổi trong mô hình việc làm, tự do hóa thị trường, mức lương trung bình cao hơn, nhiều thời gian giải trí hơn và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng.

Nền kinh tế sáng tạo thường được tìm thấy nhiều hơn trong các nền kinh tế dựa trên thị trường, nơi họ có thể hưởng lợi từ tự do trí tuệ và nghệ thuật, tiếp cận kiến ​​thức, sẵn có vốn tư nhân, tự do định giá thị trường và nơi dân số có thể thực hiện lựa chọn riêng về những gì chọn mua hoặc thuê. Nền kinh tế chỉ huy có thể cho phép các cá nhân được lựa chọn sáng tạo nhưng không thể duy trì một nền kinh tế sáng tạo. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1980 đã được kích thích bởi sự sáng tạo và đổi mới dựa trên thị trường. Viết Nam cũng đã nhìn thấy và điều chỉnh bằng công cuộc đổi mới. Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia khác coi sự sáng tạo là lực lượng kinh tế chi phối ảnh hưởng đến việc làm, tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Diễn đàn OECD năm 2014 tuyên bố “Sáng tạo và đổi mới hiện đang thúc đẩy nền kinh tế, định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp và kích thích tăng trưởng bao trùm”.

Trở lại với nghề thủ công, sáng tạo là đặc trưng của nghề thủ công và là bản chất của người người thực hành nghề thủ công. Tôi đã đi giảng cho nhiều lớp học tại các địa phương luôn nhấn mạnh với các thợ thủ công trẻ về sáng tạo. Đơn giản là vì sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn là các độc bản và độc đáo, nghĩa là các chế tác sau không bao giờ giống hệt cái trước. Trước một mẫu vật liệu, cho dù là gỗ, đất sét, sơi dệt, kim loai… người thợ đắm mình trong suy tư để biến mẫu vật liệu ấy thành tác phẩm có giá trị. Năng lực sáng tạo của nghệ nhân, thợ thủ công không bẩm sinh mà hình thành không khác với các năng lực khác, từ một quá trình học tập, rèn luyện không ngừng và lâu dài. Do qua rèn luyện, sáng tạo được khẳng định là một trong những KỸ NĂNG quan trọng của người làm nghề thủ công.

Ngày nay, những người trẻ tuổi đều mong muốn gia nhập vào đôi ngũ lao động sáng tạo nhưng ngày càng nhiều người hơn cũng muốn bắt tay vào sự nghiệp sáng tạo, cả thông qua việc làm thông thường và các hoạt động kinh doanh tự do. Đây không phải là một điều xấu mà là quy luật của nền kinh tế sáng tạo nhưng nó cũng có nghĩa là một số người đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong công việc của họ. Điều này không ám chỉ một cuộc khủng hoảng việc làm trong lĩnh vực sáng tạo sẽ xảy ra, mà là xác định những khó khăn tiềm ẩn ngày càng tăng khi nền kinh tế sáng tạo thích ứng với thời đại kỹ thuật số.

Ảnh minh họa, TTXVN, QĐNN

Bất kể chuyên gia định nghĩa nền kinh tế sáng tạo như thế nào, các chuyên gia dường như đồng ý một điều: Nó đang phát triển với tốc độ lập kỷ lục. Trên thực tế, đóng góp của riêng ngành văn hóa và nghệ thuật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 40% từ năm 1998 đến năm 2015.

Tại sao sự gia tăng mạnh mẽ trong công việc sáng tạo? Nền kinh tế sáng tạo có vị trí duy nhất để tiếp tục với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngay cả khi các ngành kinh tế khác đang tụt hậu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ghi nhận rằng ngành công nghiệp sáng tạo dường như hoạt động độc lập từ các thị trường khác, tiếp tục phát triển với tốc độ 14 phần trăm trên toàn thế giới trong đợt suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. 

Một phần của sự tăng trưởng này có thể là do việc sử dụng Internet ngày càng mở rộng, tận dụng lợi thế của việc nhiều người chi tiền trực tuyến hơn và việc phân phối các sản phẩm sáng tạo trên khắp thế giới tương đối dễ dàng nhờ những tiến bộ trong công nghệ. Những người khác chỉ ra rằng lý do đằng sau sự tăng trưởng là do đang trở nên phổ biến hơn khi các chính phủ trên thế giới bắt đầu nhận ra giá trị của lĩnh vực sáng tạo. 

Không thể phủ nhận rằng nhu cầu sáng tạo là rất cần thiết. NASAA (Hiệp hội Quản trị Chứng khoán Bắc Mỹ) báo cáo rằng gần như tất cả người sử dụng lao Mỹ (97 phần trăm) nói sự sáng tạo đang ngày càng quan trọng đối với họ, và 85 phần trăm người sử dụng lao tìm cách để thuê những người sáng tạo nói: họ không thể lấp đầy nhu cầu đó.

Nền kinh tế sáng tạo phục vụ một mục đích lớn hơn nhiều so với việc mang đến cho chúng ta những bộ phim bom tấn hoặc bài hát hit mới nhất trên đài như chúng ta nghĩ trước đây. Từ góc độ tài chính thuần túy, các dịch vụ sáng tạo là một động lực to lớn của thị trường việc làm của các nước phát triển như Hoa Kỳ. Theo NASAA, “Sáng tạo đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia so với các ngành xây dựng, khai thác mỏ, tiện ích, bảo hiểm, chỗ ở và dịch vụ ăn uống”.

Tác động của lĩnh vực sáng tạo mở rộng ra ngoài các ngành nghệ thuật. Cứ mỗi vị trí công việc nghệ thuật được tạo ra ở Mỹ vào năm 2015 có thêm 1,61 vị trí trong các ngành công nghiệp khác. Nhìn chung, giá trị của lĩnh vực sáng tạo ở Mỹ là 763,6 tỷ USD vào năm 2015, chiếm 4,2% GDP của quốc gia năm đó.

“Tuy nhiên, nó không chỉ là về tiền bạc. Nền kinh tế sáng tạo cũng là một phần quan trọng trong việc giữ cho ý nghĩa văn hóa tồn tại và tốt đẹp, cả ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Các ngành công nghiệp văn hóa như bảo tàng, địa điểm di sản, các sự kiện và nghệ thuật biểu diễn, hàng thủ công mỹ nghệ đều đóng vai trò duy trì bản sắc văn hóa và chia sẻ bản sắc đó với những người khác thông qua các chương trình du lịch.

Sự nhấn mạnh về ý nghĩa văn hóa này có khả năng mang nhân loại lại gần nhau theo cách mà thế giới đang ngày càng chia rẽ đang rất cần. Các tác phẩm sáng tạo có sức hấp dẫn toàn cầu và Diễn đàn Kinh tế Thế giới khẳng định rằng các dịch vụ sáng tạo có thể là động cơ để xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và chấp nhận giữa các nền văn hóa.

Với khả năng thu hẹp khoảng cách giữa các quan điểm xã hội khác nhau và tạo ra tăng trưởng tài chính, không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế sáng tạo đang thu hút được sự chú ý xứng đáng (theo Ashley Brooks, Đại học Rasmussen, Mỹ)”.

Bạn là một “nghệ sĩ chết đói” bởi vì bạn không có kỹ năng sáng tạo. Bạn là nhà báo nghèo vì bạn không có thói quen suy nghĩ sáng tạo trong mỗi bài viết của mình. Bạn là nhà tiếp thị bạn sẽ làm cho nhãn hàng của công ty không nổi bật giữa đám đông. Bạn là nhà quản trị kinh doanh bạn sẽ làm cho doanh nghiệp mình vật lộn với cạnh tranh trong thị trường… Tất cả là từ năng lực sáng tạo cá nhân.

Đến đây, có lẽ không cần dài dòng thêm: Làng nghề thủ công là không gian sáng tạo tuyệt vời đồng thời là trường đào tạo năng lực, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, cung cấp cho nền kinh tế sáng tạo.

Việc tìm hiểu sâu các khía cạnh kinh tế của kiến ​​thức và kỹ năng truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống trong bối cảnh kinh tế xã hội trong trường hợp đối với nền kinh tế sáng tạo không chỉ cho ta tìm thấy ý nghĩa mà còn mở rộng cánh cửa để tìm hiểu và đánh giá đầy đủ hơn về giá trị của nghề thủ công truyền thống và làng nghề.

(Còn tiếp) 

NGUYỄN LỰC


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận