Bản thảo một tiểu luận: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (12)

Du khách nước ngoài học làm đèn lồng tại Hội An

3- NGHỀ THỦ CÔNG TRONG “NỀN KINH TẾ TRẢI NGHIỆM”.
 
Năm 2010, tôi và nhóm chuyên viên của Cơ quan Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phía Nam khảo sát làng nghề gốm Bàu Trúc, giúp Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị đề án marketing để trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định đầu tư kinh phí hỗ trợ làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Tôi đã chứng kiến nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm làng nghề này. Mỗi ngày ít nhất là 5 đoàn đến bằng những chiếc xe 50 chỗ ngồi, đỗ trên con đường ngang qua giữa làng. Tuy nhiên, số du khách này hầu như chỉ xem, hỏi và chụp hình, rất ít người mua. Ở Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cách đó không xa tình hình cũng tương tự, dù sản phẩm của làng nghề này nhỏ gọn và nhẹ, rất dễ xếp vào ba lô, túi xách mang theo. Tôi cũng đã trao đổi với nhiều người có trách nhiệm ở những nơi tôi đến về cách thức làm thế nào để tạo ra nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ bù cho việc bán hàng khó khăn. Nhưng đến nay gần như chưa có chuyển biến đáng kể.
Năm 2018, Kevin Murray, quản lý biên tập viên của Tạp chí Garland, trong bài viết: Tương tác với nền kinh tế “trải nghiệm” - các mô hình mới cho sự bền vững của nghề thủ công” cũng kể về những quan sát tương tự. Kevin Murray cư trú ở chợ Queen Victoria ở Melbourne hơn ba mươi năm, nơi nổi tiếng với các sản phẩm thực phẩm thủ công (tên chính thức: Trung tâm Thủ công mỹnghệ Meat Market (tên riêng: Chợ thịt), nơi ông đang sống, Bắc Melbourne, một di sản văn hóa của BangVictoria, Úc. Ông viết: Trong thời gian gần đây, tôi đã ghi nhận sự gia tăng khách du lịch nước ngoài lấp đầy các lối đi. “Điều này hẳn tốt cho việc kinh doanh,” tôi nói với một trong những người chủ cửa hàng. “Còn xa”, cô ấy trả lời, “công việc kinh doanh của chúng tôi đã đi xuống. Tất cả những gì mọi người muốn làm là chụp ảnh. Họ không mua gì cả”.
 
Đó là một điệp khúc quen thuộc không chỉ ở Việt Nam. Việc chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội dường như đã trở thành sự thay thế cho túi quà lưu niệm được mang về cho gia đình và bạn bè. Điều này đang xảy ra? Và điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của hàng thủ công?
 
Người ta gọi hình thức tiêu dùng mới này là “kinh tế trải nghiệm”. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ những tiên lượng của Alvin Toffler trong cuốn sách “Cú sốc tương lai” (1984, sách đã được dịch sang tiếng Việt), phản ánh sự chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ: “một khi xã hội công nghệ đạt đến một giai đoạn phát triển công nghiệp nhất định, nó bắt đầu chuyển năng lượng sang cung cấp dịch vụ, khác biệt với hàng hóa.” Đối với Toffler, nền kinh tế này sẽ được thúc đẩy bởi cái mà ông gọi là “những người tạo ra trải nghiệm”, những người sử dụng tâm lý học để nâng cao trải nghiệm tiêu dùng. Xu hướng này được đặt tên là “nền kinh tế trải nghiệm” trong một ấn bản của Tạp chí Kinh doanh Harvard năm 1998 (Chào mừng đến với Nền Kinh tế Trải nghiệm, Joseph Pine và Gilmore 1998, xem Harvard Business rewiew).
 
Phần lớn hành động này ban đầu ở cấp độ tiếp thị và tập trung vào việc phát triển bản sắc thương hiệu. Coca-cola quảng bá sản phẩm của họ không chỉ đơn thuần là một thức uống giải khát mà nhấn mạnh sản phẩm này hướng đến trao trọn gói sự trải nghiệm thư giãn cùng bạn bè. Nhãn hiệu giày Nike không chỉ trở thành một đôi giày chạy bộ tuyệt vời mà còn biểu tượng một thái độ quyết tâm rèn luyện sức khỏe.
 
Nhưng giờ đây, bản sắc thương hiệu đã rời xa bản thân sản phẩm, hướng tới trải nghiệm, được gọi là trải nghiêm tạm thời. Chỉ một năm trước, 2017, 2/3 số du khách Trung Quốc được Hotels.com và công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos khảo sát cho thấy việc mua sắm là lý do chính để họ đi du lịch. Năm sau, 2018, hai đơn vị này cũng tiến hành một cuộc khảo sát tương tự và cho biết chỉ còn 1/3 trong số người được khảo sát nói họ chủ yếu đi du lịch để mua sắm. Trải nghiệm và ăn uống cao cấp đứng đầu danh sách ưu tiên cho mục đích đi du lịch của họ. Hiroshi Aoi (Giám sát Du lịch Quốc tế về Trung Quốc), người lãnh đạo một công ty điều hành chuỗi bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, phản ánh đại ý rằng “Cùng với sự quay lưng lại với những biểu hiện bên ngoài của thời trang… là ý tưởng về sự hoàn thiện cá nhân và đã trở thành sản phẩm với những thứ như thực phẩm, ăn uống và trải nghiệm giải trí được đưa lên hàng đầu.”
 
Ở Anh, chi tiêu cho giải trí, trải nghiệm đã tăng 8% hàng năm nhưng tiền chi cho thời trang đã giảm sâu. Một nghiên cứu ở Mỹ cũng đưa ra kết luận rằng ba trong bốn thiên niên kỷ tới người tiêu dùng sẽ chọn chi tiền của họ cho một trải nghiệm hoặc một sự kiện thay vì cho một cái gì đó vật lý (hiện vật). (Eventbrite 2018)
 
Báo cáo về thị trường hàng thủ công của Hội đồng Thủ công mỹ nghệ Vương quốc Anh mới nhất, 2020, cho thấy: Xu hướng xã hội được coi là tác động đến hàng thủ công vẫn là sự phát triển trong mong muốn của công chúng về tính xác thực, các trải nghiệm, đạo đức và tiêu dùng bền vững đã giúp thúc đẩy sự quan tâm đến hàng thủ công. Thêm nữa, động lực xuất phát từ mối quan tâm đối với sức khỏe và chánh niệm. Chiếm 20% trong thị trường hàng thủ công tổng thể chỉ ra rằng người mua trả tiền để tham dự một xưởng thủ công.
 
Trong nền kinh tế thời hậu chiến, người tiêu dùng tập trung vào việc tìm cách sở hữu mọi thứ, từ nhà, xe, TV đến tủ lạnh... Nhưng càng ngày, mối quan hệ của họ với những thứ này chỉ là tạm thời, được phản ánh qua các mặt hàng cho thuê như thuê cay cảnh cho các công ty hoặc dân chúng vào ngày Tết, thuê xe, bàn nghề, quần áo dạ hội, ...
 
Giám đốc Bền vững của IKEA, một công ty nhập khẩu đồ gỗ nội thất hàng đầu thế giới, rất quen thuộc tại Việt Nam, Steve Howard, đã gây sóng gió khi ông nhận xét rằng người tiêu dùng ở phương Tây đã đạt đến “đỉnh cao việc mua sắm đồ đạt trong nhà”. Trong mắt ông, tâm lý mua sắm tràn lan của thế kỷ 20 đã nhường chỗ cho một sự từ chối việc mua hàng tích trữ mới. Ông nói: “Nhìn chung, bạn đã thấy sự mở rộng đáng kể trong tiêu dùng và sinh kế của người dân trong thế kỷ 20. Nhưng những ngày này, nó “đang giảm dần”. Theo báo cáo cuối năm của Barclaycard, nền kinh tế trải nghiệm đang tăng mạnh ở người Anh, bất chấp lạm phát và chủ trương thắt lưng buộc bụng của Chính phủ.
 
Trong bối cảnh du lịch, nghệ nhân, thợ thủ công là những nhân vật, chủ thể rất hấp dẫn cho các ống kính máy ảnh, máy quay. Dữ liệu Instagram, twiter và Facebook chứa đầy những hình ảnh hấp dẫn của các nghệ nhân đang làm việc, tạo ra những đồ vật đẹp, tinh xão với sự cẩn thận và kiên nhẫn. Nhưng bản thân các nghệ nhân được lợi gì từ tất cả những hình ảnh này?
 
Bức tranh trên có vẻ khá nghiệt ngã đối với nghề thủ công và những tác phẩm thủ công. Nhưng đây đã và đang là một điệp khúc quen thuộc kể từ khi bắt đầu công nghiệp hóa và sự sai lầm nghiên trọng của nhân loại về di sản của tổ tiên. Có một sự thích thú nhất định trong vẻ thuần khiết của nghề thủ công, nhưng điều này có thể khiến chúng ta mù quáng trước những đổi mới về giá trị đồ thủ công đang nổi lên. Riêng tôi, sẽ thật là ngốc nếu tôi cố gắng không tin rằng “nền kinh tế trải nghiệm” này thực sự chứa đựng một số cơ hội mới quan trọng cho cho nghề thủ công khi chúng ta làm cho chúng thích ứng với nhu cầu của xã hội và con người khi họ nhận ra khái niệm “thành nhân” ngày nay quan trọng hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Cũng thật là buồn khi tôi viết ra những lời cay đắng về sự thiếu hiểu biết, mất cảm giác xót xa về những giá trị của nghề thủ công tưởng như cố tình lãng quên.
 
Tôi thật lòng cảm ơn những doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ, thậm chí là hàng ngàn tỷ với nhiều tâm huyết để thiết kế các khu trưng bày rộng hàng chục hecta và đầy ắp các tác phẩm từ các nghệ nhân bậc thầy ở một vài địa phương như HA, NT đã lấy được tình cảm và sự mến mộ của du khách trong nước và quốc tế. Nhưng tôi cũng thật lòng tiếc cho họ vì lặp lại chức năng bảo tàng thời kỳ hiện đại. Còn cần một bước nữa mà họ chưa thể bước tới được vì vậy mà dòng vốn chưa quay lại như dự đoán trong kế hoạch đầu tư. Trong đó, đặc biệt là biết cách tổ chức cung cấp các dịch vụ thủ công cho du khách và cho lớp thanh thiếu niên mới ngày nay cũng là một loại kiến thức và kỹ năng sinh lợi.
 
Kevin Murray cho rằng: đất nước của tôi, Australia, tình hình hàng thủ còn lâu mới ảm đạm. Bằng chứng cho thấy sự bùng nổ của các xưởng thủ công, chủ yếu được phản ánh trong các khóa học dành cho phổ thông. Các lớp học làm gốm buổi tối đều đã được đăng ký đến chổ ngồi cuối cùng. Một câu chuyện phổ biến là những nhân viên văn phòng dành cả ngày trước màn hình, cảm thấy mất kết nối với thế giới và họ cần thời gian ngồi vào bàn xoay làm gốm như một trải nghiệm nền tảng”.
 
Tôi đồng tình với nhận định này, ít nhất là đối với các nghề thủ công chế biến nông sản truyền thống. Nhưng điều này đang diễn ra ở nước Úc, ngoài làng nghề, phố nghề, phần còn lại ở Việt Nam thì chưa phổ biến như vậy. Bằng chứng là các lợp học kỹ năng, studo, workshop tương tự như ở Úc, Anh, Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản mà tôi đã mô tả trong vài bài viết cách đây cả chục năm trước, đến nay chỉ đếm chưa đầy các đốt ngón tay trên đôi bàn tay. Ở những nước này sự phổ cập nghề thủ có chất lượng không chỉ trong nhà trường mà phổ biến toàn xã hội. Cựu đệ nhất phu nhân của Tổng thống Obama từng kể về những buổi tối đi học làm đồ gốm. Các lợp học kỹ năng hiện tại hướng dẫn các kỹ năng rất đơn lẻ, chưa có các thiết chế có qui mô đủ lớn cho nhiều lựa chọn của khách hàng. Đó là sự khác biệt nhưng hiện trang này đồng thời cũng làm trở ngại cho bước tiến của dòng lịch sử ghề thủ công lâu đời của đất nước.
 
Nghề thủ công như một dịch vụ dành cho những người không phải chuyên nghiệp đã và đang phát triển theo những cách mới. Một trong những thành phố thủ công hàng đầu thế giới là Kyoto, Nhật, du khách cảm thấy khá choáng ngợp khi ngày càng nhiều người nước ngoài bị thu hút bởi đất nước sạch sẽ, thành công và thân thiện này chỉ vì là thành phố nghề thủ công. Thực tế ở Nhật Bản, những đồ vật thủ công được sản xuất bởi các bậc thầy rất khó bán vì thường vượt quá ngân sách du lịch trung bình của du khách. Đồng thời, một số sản phẩm thủ công mang tính biểu tượng của Nhật như bộ đồ kimono đang mất dần thị trường truyền thống (Hareven 2002). Các cô dâu đang ngày càng chuyển sang sử dụng những bộ kimono mà họ có thể dễ dang thuê tại các cửa hàng đồ cưới, được làm bằng vật liệu polyester và được sản xuất tại Trung Quốc.
 
Trước tình hình trên, thành phố Kyoto, kết hợp với Bảo tàng Thủ công Mỹ nghệ Truyền thống Kyoto, đã phát triển một chương trình mang tên Artisan Concierge (hướng dẫn của nghệ nhân, xem website: kyotoartisans.jp/en/), nơi khách du lịch có thể dành một ngày hoặc vài giờ trong xưởng thủ công để học cách sử dụng một kỹ năng truyền thống. Họ có thể lựa chọn một loạt các kỹ thuật thủ công như dệt vãi kimono, nhuộm cà vạt, làm đồ sơn mài, làm quạt, làm túi hương và làm gốm... Các video trên YouTube cho thấy người thợ làm đèn lồng bậc thầy, chẻ tre, dán giấy viết chữ thư pháp trên đèn lồng. Sau đó là cảnh người nghệ nhân hướng dẫn du khách trẻ cách làm một chiếc đèn lồng nhỏ. Sẽ không thể học một nghề thủ công trong một ngày, vì vậy nghệ nhân hướng dẫn phải trình bày ở dạng rút gọn, bỏ qua những kỹ năng phức tạp và sử dụng các vật liệu chuẩn bị sẵn. Kết quả, các du khách đã có một ngày đáng nhớ trong một xưởng thủ công truyền thống của Nhật Bản với kết thúc ngày học bằng trà đạo và đồ ăn nhẹ cùng với sản phẩm tự mình làm ra được phép mang về làm kỷ niệm. Ký ức du khách được tạo ra về một không gian yên tĩnh và sự tập trung, khác xa với những không gian ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bên ngoài hoăc văn phòng của họ. Họ ít ra cũng có thể kiểm tra kỹ năng của mình vào một lúc nào đó có thể với một lần chế tạo một đồ vật trong cuộc sống bên ngoài xưởng. Những khách tham gia buổi học có một trải nghiệm để giữ mãi trọn đời và họ tự hào về sự hoàn thiện bản thân mình. Đó chính là một thứ sản phẩm vô hình được “bảo hành trọn đời” mà nghề thủ công có thể “bán” vào thị trường của nền kinh tế trải nghiệm mà dịch vụ là thứ để “bán” có thể có hoặc không cùng với sản phẩm.
 
Trải nghiệm nghề làm gốm tại Nhật Bản

Vào trang web Artisan Concierge của Kyoto và xem dịch vụ này, chúng ta sẽ thấy hàng chục xưởng thủ công với các kỹ năng nghề thủ công khác nhau, trong số đó có nghề có lịch sử cách đây hơn 100 năm, nhiều nghề cách đây hơn 200 năm. Trong số khách thăm và học tập làm thủ công có 45% là khách nước ngoài.
 
Mô hình tương tự này ở những nơi khác ở Nhật Bản cũng thay đổi tùy vào thực tế và sáng tạo dịch vụ mới của địa phương. Ở Toyama, dịch vụ Bed and Craft (giường và thủ công) kết hợp chỗ ở với trải nghiệm thủ công. Tại Tokyo, khách du lịch được tham gia một lớp học làm khăn tay cotton tenugui cùng vài chục nghề khác trong tòa cao ốc. Ngay cả một kỹ thuật có vẻ chuyên biệt như thổi thủy tinh cũng được Học viện Nghệ thuật Thủy tinh Tokyo cho trải nghiệm một ngày.
 
Một nghệ nhân người Thái nổi tiếng thế giới là Rirkrit Tiravanija. Ông là một nghệ sĩ đương đại người Thái Lan sống tại Thành phố New York (Mỹ), Berlin (Đức) và Chiangmai (Thái Lan). Ông sinh ra ở Buenos Aires, Argentina vào năm 1961. Ông nổi tiếng với việc loại bỏ tất cả các đồ vật nghệ thuật ra khỏi phòng trưng bày và thay vào đó bằng một nhà bếp, nơi anh ấy nấu và phục vụ những bát súp Thái (ví dụ ở đây). Nhưng gần đây trong một tác phẩm cho Phòng trưng bày Quốc gia Singapore, ông đã tạo ra một công trình kiến ​​trúc bằng tre ngoài trời cho các buổi trà đạo. Ông sử dụng những chiếc cốc gốm do chính tay ông làm. Mặc dù bản thân các đồ vật đó có thể không đáng chú ý, nhưng cách mà ông trình bày những đồ vật này khiến người vào phòng uống trà đầy ắp trí tưởng tượng. Đó là sự công nhận về những trải nghiệm hữu ích của thủ công có thể kết nối con người.
 
Trong thực tế, không thể đòi hỏi sự xuất sắc như những bậc thầy được giới thiệu ở trên vì hầu hết các xưởng thủ công học tập và trải nghiệm cũng đồng thời chế tác các sản phẩm. Điều quan trọng là có những phương pháp mới coi trải nghiệm là phương tiện, đặc biệt là những phương pháp mang mọi người lại với nhau theo những cách mới. Từ đó, nghệ nhân có thêm nguồn thu nhập cùng với các tạo tác và phát triển nghề nghiệp.
 
Làm thế nào để chúng ta chuyển chức năng của làng nghề, các xưởng thủ công ngoài làng nghề từ chuyên sản xuất, chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ sang dịch vụ “trải nghiệm thủ công” để tạo thêm nguồn thu cho nghệ nhân, thợ thủ công và đóng góp vào nền kinh tế đất nước mà trong đó “kinh tế trải nghiệm” là một nhánh không nhỏ?
 
Những năm gần đây, kim ngạch xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam tăng đều đặn là đáng mừng và chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào các mục tiêu lớn hơn được đặt ra cho những năm sau. Nhưng như tôi đã phân tích ở bài trước mục tiêu 5 tỷ đô la vào năm 2025 là chưa xứng đáng với nguồn nhân lực và giá trị nghề thủ công lâu đời của nước ta.
 
Một khía cạnh tích cực của việc thúc đẩy nghề thủ công trong “nền kinh tế trải nghiệm” ít được chú ý, đó không phải là đưa nghề quay trở lại lối sống cổ xưa mà chính là thách thức việc nghề thủ công tích hợp như thế vào thế giới hàng ngày với lối sống của con người đương đại bằng các va chạm thực tiễn. Bảo tồn nghề thủ công chỉ có ý nghĩa và có giá trị cũng như nghề thủ công phát triển thành công khi nghề thủ công đó thích nghi với kinh tế và xã hội hiện tại, ngược lại đồng nghĩa với mai một. Một ví dụ, nhìn vào thực tiễn nghề gỗ mỹ nghệ, nhất là nghề điêu khắc gỗ, dù tay nghề nghệ nhân đã là bậc thầy, chúng ta vẫn phải thừa nhận một hiện trạng là mục đích, chức năng của nghề này vẫn chủ yếu là chế tác các biểu tượng cho việc thờ cúng các vị thần, phật, chúa, trang trí đền thờ, chùa, trang hoàng lễ hội và chế tác các hình tượng khác như chức năng nguyên gốc xa xưa của chúng. Những đồ vật này có giá trị thực hành trong các nghi lễ thờ cúng, các sinh hoạt tâm linh của người cùng công đồng, dân tộc hoặc tín ngưỡng. Nhưng thật khó để hiểu được vai trò nghi lễ của đồ vật trong “nền kinh tế trãi nghiệm” toàn cầu. Do đó giá trị kinh tế sẽ thấp, cần một hình thức khác.
 
Các chế tác thủ công là những đồ vật có thể tồn tại lâu dài, chẳng hạn như đồ gốm sứ và đồ trang sức. Đây một phần là sản phẩm của khảo cổ học, vốn dĩ tập trung vào những vật liệu còn sót lại của các nền văn hóa trước. Nhưng nó cũng phản ánh một nền kinh tế công nghiệp ấn định giá trị cho các sản phẩm lâu bền có thể được mua và bán. Nghề thủ công nước ta có những thứ nằm ngoài bộ đồ gốm sứ, kim loại, sợi, thủy tinh và gỗ thường thấy ở phương Tây. Chúng bao gồm các sản phẩm như đèn lồng, ô dù, con rối, tò he, nón lá, dệt lụa, đồ trang sức bằng trầm, xà phòng từ dừa, tranh dân gian và trồng và chế biến thực phẩm... rất thu hút người nước ngoài.
 
Như một sự mặc định, nói đến sản phẩm thủ công chúng ta thường nghĩ đến các chế tác để đời mà chưa thử hỏi nghề thủ công có phải chỉ tạo ra một sản phẩm lâu dài không? Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ mở ra cánh cửa rộng rãi cho các kỹ thuật, kỹ năng thủ công khác trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như chế biến thực phẩm và đồ uống. Những món đồ thủ công này hiện đang là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của thế hệ hipster (xem: tại đây. Hipsterism (chủ nghĩa hipster) từng bị coi là một thứ thời trang mỉa mai, chỉ giới hạn ở những công nghệ lỗi thời như đĩa hát vinyl. Nhưng trong thời gian gần đây, nó đã đạt được một mức độ tác động mới, như được ghi lại trong cuốn sách “Bậc thầy thủ công: Nghề cũ trong nền kinh tế đô thị mới” (Ocejo 2017, tải về ở đây), kể về những người đàn ông có học thức, trung lưu, những người đã cống hiến cả đời để vực dậy những nghề thủ công đã mất với tư cách là người bán thịt, người nấu bia thủ công.
 
Khi một người tiêu dùng đến thăm hai xưởng thủ công cùng một nghề, ở gần nhau trong cùng làng nghề, những người này đều sản xuất một sản phẩm thú vị như nhau, họ sẽ chọn cái nào? Câu trả lời là xưởng nào tạo ra trí nhớ tích cực, mạnh mẽ nhất. Việc tạo ra những ký ức và trải nghiệm tổng thể này không chỉ cần thiết cho sự tồn tại lâu dài của các xưởng thủ công mà cho bất kỳ doanh nghiệp nào, trong bất kỳ ngành nào.
 
Công thức là: Trí nhớ = Giá trị của sản phẩm / Dịch vụ + Mức độ tương tác + Môi trường.
 
Có vài bạn trẻ hỏi tôi rằng nhiều vấn đề về nghề thủ công quá trừu tượng, rất xa vời so với công việc cơm áo của họ. Vì vậy để dễ hiểu, tôi nói về việc làm chiếc bánh sinh nhật cho buổi sinh nhựt của con hoặc cháu các bạn đã trải qua các nền kinh tế như thế nào. Câu chuyện cũng dựa vào một chuyên đề trên Harvard Business rewiew khá lâu rồi, như sau:
 
- Giai đoạn 1: Thời kỳ mà cha mẹ (ông/bà) các bạn sống, cả nước làm nông nghiệp nên tạm gọi là nền kinh tế nông nghiệp (hoặc gần hơn như thời bao cấp). Các bà mẹ đã làm bánh sinh nhật giai đoạn này thường là trộn các nguyên liệu nông sản (bột, đường, bơ và trứng) với nhau rồi đêm nướng .... để ra cái bánh sinh nhật. Chi phí không nhiều vì phần nhiều là cây nhà lá vườn, chỉ tốn kém vài đồng cho các phụ liệu. Cả nhà, hàng xóm, bạn bè quây quần chung quanh chiếc bánh để thưởng thức, chung vui.
 
- Giai đoạn 2: Khi nền kinh tế công nghiệp dựa trên hàng hóa phát triển, các bà mẹ đã trả nhiều tiền hơn chút xíu nữa, ví dụ 5-10 đồng, để mua vài gói bột làm bánh có các thành phần trộn sẵn về pha với nước theo hướng dẫn rồi đêm nướng. Các bà mẹ không cần bận tâm vì phải cân đo bột, trứng, nướng bánh gì cả. Tốn thêm chút tiền nhưng không mất nhiều công sức. Giai đoạn này, chiếc bánh vẫn là nhân vật chính trong buổi sinh nhật.
 
- Giai đoạn 3:  Sau này, khi nền kinh tế dịch vụ phát triển và các dịch vụ chi phối mọi thứ, các bậc cha mẹ cũng vì bận rộn nhiều hơn, đã đặt mua chiếc bánh từ cửa hàng làm bánh và nhận đúng chiếc bánh theo yêu cầu của mình và phải trả tiền lớn hơn 50-100 đồng. Giá chiếc bánh đã gấp mười, hai mươi lần so với mua bột trộn sẵn các thành phần được đóng gói. Chiếc bánh vẫn còn giữ vai trò chính trong tiệc sinh nhật. Việc trả tiền cho các dịch vụ nhiều hơn nhưng bù lại là không mất thì giờ, công sức, bánh ngon hơn, mùi vị khác lạ vì được thợ bật thầy làm ra, được hàng xóm, bè bạn thích thú. Dĩ nhiên các giai đoạn này không chấm dứt hẳn.
 
- Giai đoạn 4: Bắt đầu từ những năm 1990, các bậc cha mẹ không làm bánh sinh nhật hay thậm chí không vất vả tổ chức tiệc sinh nhật cho con nữa. Thay vào đó, họ chi ra vài ba ngàn đồng trở lên để thuê bên ngoài tổ chức toàn bộ sự kiện sinh nhật. Lúc này, các công ty tổ chức sự kiện tặng chiếc bánh sinh nhật miễn phí. Bánh sinh nhật không còn ở vị trí trung tâm của buổi kỷ niệm sinh nhật nữa mà trở thành món hàng khuyền mãi. Đứa trẻ và gia đình, bạn bè đến dự sinh nhật không quan tâm nhiều về chiếc bánh sinh nhật. Chiếc bánh không thể thiếu nhưng nó chiếm một phần nhỏ trong buổi sinh nhật. Mọi người thưởng thức những gì mà công ty sự kiện thiết kế và thực hiện. Sau buổi sinh nhật, thứ còn lại lâu dài ở những người tham dự sinh nhật nằm trong tâm trí chứ không phải ở trên đầu lưỡi và trong bụng. Cái có được trong tâm trí sau buổi sinh nhật là các trải nghiệm.
 
Toàn bộ lịch sử tiến bộ kinh tế có thể được tóm tắt lại trong quá trình tiến hóa bốn giai đoạn của chiếc bánh sinh nhật là như vậy. Hiện nay chúng ta và một phần thế giới đang ở giai đoạn thứ tư này. Nhưng phần còn lại lớn hơn kia của thế giới đang bước vào một giai đoạn thứ năm. Trong giai đoạn này người ta thích quay lại cùng nhau làm chiếc bánh sinh nhật với người thợ bật thầy để khám phá vì sao và từ đâu các nghệ nhân đã làm ra những chiếc bánh sinh nhật nổi tiếng. Những người này là những người ham hiểu biết, muốn hoàn thiện bản thân mình và đặc biệt họ có nhiều khả năng tài chính để chi tiêu hữu ích. Họ muốn quay lại làm chiếc bánh không giống như làm chiếc bánh sinh nhật cho con cái xa xưa mà họ muốn thảo mãn, trãi nghiệm sự sáng tạo, hoàn thiện kỹ năng.
 
Mỗi làng nghề là một trung tâm tri thức và kỹ năng thủ công. Ở đó có các nghệ nhân bậc thầy. Các nghệ nhân làng nghề, thợ thủ công là những người làm công việc sáng tạo đồng thời là người truyền kỹ năng đó, ít nhất là hình ảnh của họ truyền tinh thần thủ công cho mọi người.
 
Đây có vẻ là một thời điểm tốt để xem xét lĩnh vực thủ công trong nước, “Nghề thủ công như một dịch vụ.” Mặc dù, trên thế giới, ban đầu nghề thủ công nổi lên như một phản ứng chống lại hệ thống công nghiệp, nhưng phong trào thủ công thế giới vẫn phát triển theo thời gian. Bây giờ chúng ta đang bước vào giai đoạn hậu công nghiệp, nền công nghiệp 4.0, nơi mà nhiều lao động trong nhà máy là robot, chúng ta có cơ hội mở rộng tầm nhìn của mình để nhìn nhận nghề thủ công quý giá bao gồm các nghề thủ công trong đời thường.
 
Đây là định hướng cho cuộc hành trình để tìm cách khám phá nguồn năng lượng to lớn của nghề thủ công trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Một ví dụ quan trọng có thể được tìm thấy ở Mauritius (Ấn độ). Nhiều sinh viên theo học tại Viện Mahatma Gandhi (mgirti.ac.mu/) đến học cách sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc. Trong khi đó, họ cũng tham gia thực hiện các chế tác điêu khắc hoa văn đặc trưng trong các lễ hội văn hóa cộng đồng. Những chế tác ấy không bao giờ được dùng để trưng bày trong các phòng trưng bày nghệ thuật, nhưng vô hình chung chúng như các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa kỹ năng và truyền thống của họ đảm bảo sự chú ý của chúng ta như một phần của văn hòa thế giới mà chúng ta tìm cách tán dương và ủng hộ (Kevin Murray, 2018).
 
Điều này cũng có thể nhìn thấy ở nhiều nền văn hóa của các cộng đồng thiểu số, những nền văn hóa đang vật lộn để tìm chỗ đứng trong nghề thủ công như Trà Vinh, An Giang, Ninh Thuận chẳng hạn. Những đồ vật của họ được làm một cách khéo léo, đẹp và có ý nghĩa, nhưng được làm cho mục đích nghi lễ và sau đó ít được sử dụng. Sản phẩm từ nghề làm đồ vàng mã, nhan, đèn … cũng tương tự.
 
Một vai trò quan trọng của những kiệt tác thủ công là chúng kết nối chúng ta theo dòng thời gian. Chúng có giá trị lâu hơn thế hệ hiện tại và đại diện cho đỉnh cao của thành tựu thủ công. Ngược lại, những trải nghiệm, cho dù mãnh liệt đến đâu, đều dựa trên con người với tư cách là cá nhân cụ thể. Những trải nghiệm về nghề thủ công không thể sâu sắc như đào tạo thợ thủ công nhưng là cách để duy trì mối quan hệ xã hội bền chặt, đây thường là động lực đằng sau việc mua hàng thủ công lưu niệm.
 
Kinh tế trải nghiệm nghề thủ công mang lại cơ hội khôi phục những thứ quan trọng mà trong đó các đồ vật được chế tác trở thành một phần cuộc sống của chúng ta. Nhưng đồng thời, chúng ta nên nhận thức khả năng mất đi kỹ năng chuyên môn và sự đổi mới nếu nặng về dịch vụ mà bỏ qua các thuộc tính di sản văn hóa, do đó cần có sự hợp tác tập thể liên tục để đạt được sự xuất sắc trong nghề.
 
Tất nhiên, nền kinh tế trải nghiệm sẽ có những hậu quả tích cực và tiêu cực đối với hoạt động thủ công. Điều quan trọng bây giờ là xem xét kỹ tác động của nó để tìm ra cách làm phù hợp; nâng cao vai trò của người thực hành nghề thủ công bằng những phương tiện nào và thông qua những dịch vụ nào? Thật hữu ích khi bắt đầu những chia sẻ “kinh nghiệm” cùng nhau về kinh tế trải nghiệm thủ công.
 
Không có ngành kinh doanh nào sẽ hoàn chỉnh nếu không có kinh tế trải nghiệm. Nhưng kinh tế trải nghiệm nghề thủ công cũng đặt ra những vấn đề hệ trọng, cả mặt tích cực và tiêu cực của nó, ví như một công việc lặp đi lặp lại làm thui chột động lực sáng tạo.
 
Để kết thúc phần này, tôi xin nhắc lại bài viết trước “Tinh thần nghề thủ công trong sản xuất, kinh doanh hiện đại” với một ví dụ khác.
 
Chubb là công ty bảo hiểm P&C hàng đầu tại Hoa Kỳ, hoạt động tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.  Trong phần giới thiệu về công ty, Chubb tuyên bố: Chúng tôi kết hợp sự chính xác của nghề thủ công với hàng chục năm kinh nghiệm để hình thành, chế tác và cung cấp dịch vụ bảo hiểm tốt nhất cho các cá nhân và gia đình, và các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô (xem: chubb.com/us-en/about-chubb/).
 
Khi nghĩ đến bảo hiểm, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến những thảm họa thiên nhiên, hoặc tai nạn, hoặc một chồng tài liệu lớn, nhỏ. Tại Chubb, chúng tôi nghĩ về mọi thứ theo cách khác. Đối với chúng tôi, bảo hiểm là về một: nghề thủ công khéo léo. Đó là con người của chúng tôi. Đó là những gì chúng tôi làm. Đó là cách chúng tôi phục vụ khách hàng của mình. Đó cũng là sự khác biệt của Chubb.
 
Nghề thủ công là tạo ra một thứ gì đó ngay từ vạch xuất phát. Đó là về việc đúc kết và định hình phạm vi bảo hiểm của chúng tôi thành chính xác những gì khách hàng của chúng tôi cần. Đó là về việc có các kỹ năng và chuyên môn để tìm ra cách tốt nhất để thực hiện công việc và sau đó hoàn thành nó. Tại Chubb, chúng tôi không bào gỗ thích thành mặt bàn cao cấp hoặc bản lề và giá đỡ bằng thép. Nhưng dù sao chúng tôi cũng là những người thợ thủ công. Chúng tôi kết hợp niềm đam mê phục vụ với kinh nghiệm chuyên sâu và sức mạnh tài chính đặc biệt để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tốt nhất có thể cho mọi người và cho các doanh nghiệp - lớn và nhỏ.
 
Chính những phẩm chất của nghề thủ công trở thành tiêu chuẩn được xã hội đánh giá cao và là giá trị, niềm tư hào của những công ty toàn cầu như Chubb. Để gia nhập vào những công ty như vậy, người lao động ngày càng phải tự học hỏi, rèn luyện tinh thần thủ công. Chỉ tiếc rằng, trên trang web giới thiệu về Chubbtại Việt Nam không hiển thị tiếng Việt về tinh thần này mà phải đọc bằng tiếng Anh theo đường dẫn đến trang chính của Chubb ?!
 
(Còn tiếp)
 
NGUYỄN LỰC

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận