NGHỆ NHÂN NGUYỄN HOÀNG PHÚ GẮN CUỘC ĐỜI MÌNH VỚI NGHỀ

Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Phú và tác phẩm đang thực hiện

Hải Tân là một xã của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đó cũng là nơi Nguyễn Hoàng Phú được sinh ra. Tuy ở một vùng quê ven biển, nhưng gia đình Phú lại làm nông nghiệp. Công việc đồng áng vất vả nặng nhọc, gặp những năm mùa màng thất bát lại càng khó khăn hơn. Vì công việc làm lúa không nuôi đủ một gia đình đông con, nên vào năm 1995, Phú quyết định vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm, tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình.

Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh tráng lệ và náo nhiệt đối với một thanh niên chưa từng rời khỏi làng quê, nên rất nhiều băn khoăn lo lắng. Rời xa quê nhà, đó là một quyết định không dễ đối với chàng trai trẻ nông thôn nghèo. Khi đặt chân lên xe với người hàng xóm thân quen để cùng vào Nam, trong đầu óc của Phú nhiều hoang mang lo lắng, không biết mình sẽ xoay sở thế nào nơi đất khách quê người.

Công việc đầu tiên khi vào đến thành phố hoa lệ này là làm thợ xây dựng. Một thời gian sau, Phú được bạn bè giới thiệu vào làm trong một xưởng điêu khắc gỗ tại quận 8. Công việc mới mẻ nhưng để mưu sinh và ổn định cuộc sống lâu dài, ban đầu anh chỉ nghĩ không có con đường nào khác là phải học lấy một nghề và phải thật giỏi. Nhưng không đơn giản như vậy, muốn thành tài, muốn trở thành một người thợ giỏi là một thách thức với tuổi trẻ. Hằng ngày, anh quan sát và nhận thấy các nghệ nhân và anh em thợ điêu khắc thật tài tình, khéo tay. Mỗi sản phẩm làm ra là một tác phẩm thật công phu và tinh xảo để xuất khẩu sang Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc. Phú mong ước một ngày không xa, sẽ tự tay làm được những sản phẩm đẹp như thế này.

Với ý chí quyết tâm học nghề, Phú đã tìm tòi học hỏi từ những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, học từ anh em và trong tài liệu sách vở. Không nhớ từ khi nào Phú bắt đầu yêu thích, rồi đam mê nghề điêu khắc gỗ. Nhưng niềm đam mê ấy cứ như là động lực thôi thúc anh không chỉ ngày đêm chuyên cần rèn luyện kỹ năng mà còn thúc giục anh tìm hiểu các các giá trị văn hóa của nghề mình theo đuổi. Từ lòng yêu nghề, ham học hỏi và cần mẫn với công việc của anh mà anh được các nghệ nhân bậc thầy và anh em đồng nghiệp đã tận tình chỉ dẫn. Anh lắng nghe và tiếp thu những kỹ thuật và kinh nghiệm nghề nghiệp đã dẫn dắt anh ngày càng đến gần hơn với mơ ước sâu xa và tự tin thực hành nghề điêu khắc gỗ như hôm nay. 


Hơn 20 năm làm nghề, hiện anh là chủ cơ sở Điêu khắc tượng gỗ Hoàng Phú ở xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn. Những sản phẩm của cơ sở được khách hàng yêu chuộng. Trong đó, những tác phẩm có giá trị cao về chất liệu và nghệ thuật như tác phẩm “Bát tiên hội tụ” mang ý nghĩa cát tường và chúc thọ. Được chế tác từ gỗ giáng hương, cao 2,4m, rộng 4m, sâu 1,25m. Anh đã chuyển thành công tác phẩm” Bữa tiệc ly” của đạo Công giáo, là một trong những bức họa nổi tiếng của danh họa Leonardo de Vinci sang một chế tác bằng chất liệu gỗ ngọc am, dài 2m, rộng 90cm, dày 10cm, tranh đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tác phẩm “Đạt ma sư tổ”, theo phong thủy, Đạt Ma được xem là vị Phật có khả năng trấn trạch và bảo vệ bình an cho gia đình vô cùng hiệu quả. Bức tượng được chế tác bằng gỗ mun sừng qúy hiếm, cao 67cm, rộng 50cm, sâu 30cm.
  
Khi đã gắn cuộc đời mình với nghề, Nguyễn Hoàng Phú luôn cố gắng miệt mài trau dồi nghề chạm với những sản phẩm mang tính nghệ thuật, đồng thời học hỏi tìm tòi chắc lọc những tinh hoa nghề của các nghệ nhân đi trước để phát huy, sáng tác ra tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Với tinh thần phát huy nghề nghiệp điêu khắc gỗ qúy giá này, Nguyễn Hoàng Phú đã và đang truyền nghề cho các em, các cháu, lớp thế hệ tiếp nối để gìn giữ nét đẹp của nghề điêu khắc thủ công mỹ nghệ gỗ. Góp phần đưa ngành điêu khắc gỗ ngày một phát triển đi lên.

KHÁNH SƠN

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận