10 kiến nghị với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (Hiệp hội) thành lập tháng 5/2005; từ đó đến nay, đã làm được nhiều việc có ích phục vụ các làng nghề. Ngày nay, đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội nước ta, song có thể khẳng định rằng: với sự chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đại dịch chắc chắn sẽ bị chặn lại và đẩy lùi, đất nước ta sẽ bước vào trạng thái bình thường mới.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (Hiệp hội) thành lập tháng 5/2005; từ đó đến nay, đã làm được nhiều việc có ích phục vụ các làng nghề. Ngày nay, đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội nước ta, song có thể khẳng định rằng: với sự chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đại dịch chắc chắn sẽ bị chặn lại và đẩy lùi, đất nước ta sẽ bước vào trạng thái bình thường mới.
Bài viết này nêu lên 10 kiến nghị nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội, phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ Hiệp hội với cộng đồng làng nghề trong tình hình mới của đất nước, rất mong được lãnh dạo và toàn hệ thống Hiệp hội tham khảo.
Một là, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã phát đi lời hiệu triệu khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chúng ta có đủ cơ sở và niềm tin trong việc thực hiện mục tiêu này.
Khát vọng phát triển phải đước thấm sâu trong mọi hoạt động của Hiệp hội, từ Trung ương Hiệp hội đến mỗi làng nghề, từng cơ sở cho đến từng người lao động. Đó là khát vọng phát huy văn hóa làng nghề, xây dựng làng nghề, củng cố làng nghề truyền thống ngày càng bền vững, thể hiện bằng những đổi mới, sáng tạo, những đột phá trong tư duy và hành động. Hiệp hội cần hướng dẫn để mỗi cơ sở, mỗi làng nghề thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 mà mỗi địa phương đề ra, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tùy theo kết quả phòng, chống dịch của mỗi địa phương; tất cả đều quán triệt ý chí, quyết tâm vươn lên thích ứng với tình hình mới, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
Hai là, quán triệt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề trong mọi hoạt động của Hiệp hội. Làng nghề nước ta là nơi có các giá trị văn hóa, kinh tế và xã hội nổi bật, trong đó giá trị văn hóa là cao quý nhất. Mỗi làng nghề nhất là làng nghề truyền thống là một kho báu, một bảo tàng về văn hóa phi vật thể và vật thể của nghề thủ công, một nghề dồi dào sức sáng tạo được truyền bá từ nhiều đời nay và sẽ còn tiếp tục sáng tao, không có điểm dừng. Chúng ta vô cùng trân quý và có trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị đó.
Vì vậy, trong các hoạt động của Hiệp hội như tổ chức hội chợ, triển lãm, các cuộc thi sản phẩm tinh hoa, lễ Tổ nghề, tôn vinh nghệ nhân, trao tặng bảng vàng cho những làng nghề cha truyền con nối, v.v...rất nên chú trọng chiều sâu văn hóa của mỗi hoạt động, làm nổi bật các giá trị văn hóa của mỗi sự kiện, để người xem, người mua hàng, khách du lịch thẩm thấu sâu sắc chất văn hóa sâu xa của mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng như truyền thống văn hóa cao quý của mỗi làng nghề, mỗi địa phương.
Ba là, giúp các cơ sở tiếp cận và thụ hưởng những chính sách hiện hành. Đó là các chính sách trợ giúp do các ban, ngành quy định cùng những ưu đãi về xuất nhập khẩu hàng hóa thủ công mỹ nghệ trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà nước ta đã ký kết. Trong thời gian gần hai năm nay, khi đại dịch Covid diễn biến phức tạp, đã có khá nhiều chính sách được ban hành, giúp cho người lao động và người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, các chính sách ấy đến cơ sở làng nghề thường không kịp thời, cũng có cơ sở không tiếp cận được. Với các ưu đãi trong các hiệp định, thì thực tế còn yếu kém hơn nhiều: chỉ có một số ít cơ sở nắm bắt và khai thác được các quy định.
Trong tình hình ấy, Hiệp hội rất cần chủ động hoặc cùng các cơ quan liên quan thực hiện những biện pháp truyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kịp thời để các cơ sở nắm được, hiểu rõ và tiếp cận, thêm nguồn lực lúc khó khăn. Đó là các hình thức như: các lớp tập huấn, cuộc tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, mà thiết thực nhất là tổ chức theo từng ngành nghề, từng khu vực.
Bốn là, tích cực bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làng nghề. Trong làng nghề, con người là nhân vật trung tâm, chủ thể của công cuộc phát triển. Mọi hoạt động của cơ sở phải lấy người lao động là “trung tâm”, cũng có nghĩa là phải phục vụ sự phát triển toàn diện của mỗi người lao động về tinh thần và vật chất. Người lao động cũng là “chủ thể” có nghĩa là họ phải được chủ động phát huy tài năng, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động của cơ sở; trong họ, có những người đi đầu, dẫn dắt mọi người cùng theo.
Hiệp hội cần góp phần tích cực vào việc này. Đối với chủ hộ kinh doanh, là thực hiện những biện pháp nâng cao năng lực quản trị, giúp họ cập nhật những kiến thức mới, như công nghệ 4.0. Đối với đội ngũ nghệ nhân, là bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức, công nghệ mới; thực hiện tôn vinh nghệ nhân đúng thực chất, chú trọng cả trước và sau tôn vinh. Đối với người lao động khác trong cơ sở làng nghề, là nâng cao kiến thức để họ phát huy sáng kiến trong công việc hằng ngày, luôn học hỏi, dần trở thành nghệ nhân, thợ giỏi, v.v...
Năm là, hướng dẫn thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề. Đó là các biện pháp cần thực hiện trong suốt quá trình tạo nên một sản phẩm, từ quy hoạch ngành nghề, tạo nguồn nguyên liệu, tìm hiểu thị trường, thiết kế mẫu mã hàng hóa cho đến tổ chức tiêu thụ sản phẩm, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, v.v... Các biện pháp cần nhằm vào nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề, nhất là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đem lại lợi nhuận cao cho cơ sở.
Hiệp hội chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nói trên tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở. Quan trọng nhất và đang được khuyến khích hiện nay là ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế số. Kinh tế xanh là giúp cơ sở thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như dùng nguyên vật liệu từ thiên nhiên, thay nhiên liệu than bằng gaz, hạn chế các hóa chất, đặc biệt là xử lý ô nhiễm tại một số làng nghề đang bị ô nhiễm nặng, ứng dụng kinh tế tuần hoàn ... Kinh tế số là từng bước số hóa các hoạt động của cơ sở, như ghi mã số xuất xứ QR code, ứng dụng thương mại điện tử, số hóa các tài liệu giới thiệu sản phẩm du lịch, v.v... có tác dụng giảm thiểu thời gian, chi phí, tăng thêm giá trị và lợi nhuận.
Sáu là, tham gia hoạch định cơ chế, chính sách về làng nghề. Lâu nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp lý về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành nghề nông thôn, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào riêng cho làng nghề. Điều này gây cho làng nghề chúng ta những thiệt thòi về nhiều mặt.
Hiệp hội cần tích cực hơn nữa trong các việc như: tham gia ý kiến với các văn bản pháp quy liên quan làng nghề trong quá trình soạn thảo cũng như trong quá trình thi hành; chủ động đề xuất những cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển làng nghề, xây dưng một văn bản pháp quy riêng cho làng nghề (như nghị quyết, nghị định và cao hơn là luật); kiến nghị lấy ngày 20 tháng 2 hằng năm là “Ngày truyền thống Làng nghề Việt Nam”; kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 52/2018 ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn; khai thác kết quả nghiên cứu của Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) chủ trì (tháng 9/2021); tích cực tham gia thực hiện Đề tài “Định hướng chính sách xây dựng Luật về Làng nghề - lý luận và thực tiễn” do Viện Nghiên cứu Luật pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì đang được triển khai.
Bẩy là, quan hệ rộng rãi với các ban, ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Lâu nay, thực hiện chỉ đạo của Đảng, các cơ quan, tổ chức nói trên đã có những đề án, chương trình, hoạt động triển lãm, hội chợ, các cuộc thi ... liên quan đến làng nghề, trong đó, có những đề xuất chính sách và nguồn tài chính thuận lợi cho phát triển làng nghề. Tuy nhiên, nhiều làng nghề chúng ta chưa tiếp cận và khai thác có hiệu quả các hoạt động đó.
Hiệp hội nên chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, tiếp cận và tham gia các hoạt động nói trên và hướng dẫn cho các làng nghề tham gia. Điều này không chỉ có lợi trực tiếp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề, thắt chặt thêm quan hệ gắn bó của các cơ sở làng nghề với Hiệp hội; mà qua đó, còn có thể tạo ảnh hưởng của Hiệp hội đối với các cơ quan, đoàn thể cũng như các tổ chức xã hội; đồng thời có thêm nguồn tài chính bổ sung cho Hiệp hội.
Tám là, đa dạng hóa các hoạt động. Với chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, lại có đặc điểm riêng là quán xuyến toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, từ quy hoạch, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (không như các tổ chức xã hội khác chỉ hoạt động trong một lĩnh vực), lại có nhiều ngành nghề, do đó, các hoạt động của Hiệp hội có thể rất phong phú, đa dạng.
Hiệp hội cần mở rộng các hoạt động hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề. Trong từng thời kỳ, với từng ngành nghề, Hiệp hội có thể tổ chức những sự kiện khác nhau, chú trọng các hoạt động tư vấn vừa đem lại lợi ích cho cơ sở lại vừa tạo nguồn tài chính cho Hiệp hội. Xin được nhấn mạnh nhận xét của nhiều chuyên gia: chúng ta còn “nợ” làng nghề quá nhiều, vì thời gian qua còn nặng về “khai thác” cái hiện có, mà kém về bồi bổ, đầu tư, nâng cấp; đó là một nhận xét rất đáng quan tâm.
Chín là, phát huy tài năng, trí tuệ của cả hệ thống Hiệp hội. Cho đến nay, Hiệp hội chúng ta đã có Ban Chấp hành trung ương, Hội đồng Tư vấn, Văn phòng, các trung tâm, viện nghiên cứu, văn phòng đại diện, có Tạp chí, Báo điện tử, v.v... cũng có nghĩa là có đủ các ban, bệ của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp bề thế. Điều đáng quý là trong các tổ chức trực thuộc ấy, có không ít người tâm huyết với làng nghề, lại có chuyên môn, nghiệp vụ có thể phát huy.
Xin kiến nghị lãnh đạo Hiệp hội chú trọng phát huy, khai thác các nguồn trí tuệ đáng quý ấy vào các hoạt động của Hiệp hội. Đây chính là sự trân quý, tôn trọng các tài năng tâm huyết vì làng nghề. Kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức xã hội là biết lắng nghe, phân tích, chọn lọc các ý kiến phản biện, qua đó, phát huy mọi tài năng vào sự nghiệp chung, lấy sự phát triển bền vững của Hiệp hội là mục tiêu cao nhất.
Mười là, đổi mới, sáng tạo trong cách làm, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Trước quá nhiều công việc, nhất là trong khi đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực, hoạt động của Hiệp hội đương nhiên gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, cùng với các chủ trương đúng đắn, cũng rất cần những cách làm thích hợp để hiện thực hóa các chủ trương, đem lại hiệu quả cao nhất.
Hiệp hội chúng ta có thể rút kinh nghiệm thời gian qua, chú trọng đổi mới hơn nữa cách triển khai các hoạt động. Đó có thể là: sáng tạo; kịp thời; sâu sát; cụ thể. Cần luôn luôn đổi mới, sáng tạo, có đột phá. Cần kịp thời để tranh thủ thời cơ thuận lợi nhất, vì có sự việc diễn ra trong một thời gian ngắn, nếu không nắm bắt kịp thì thời cơ sẽ qua đi. Cần sâu sát, vì làng nghề có nhiều nghề khác nhau, cần có biện pháp phù hợp với từng nghề, từng địa phương, không thể chung chung. Cần cụ thể, vì chủ trương càng cụ thế, cơ sở làng nghề càng dễ nắm bắt và thực hiện, đạt hiệu quả cao.
Trên đây là 10 kiến nghị, kính gửi lãnh đạo Hiệp hội xem xét, coi đây là những kiến nghị tâm huyết có tính chất tư vấn xuất phát từ thực tế, với kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội chúng ta. Trong các kiến nghị, có những điểm mới, cũng có những điểm đã được nêu lên trong các bài viết trước, nay trình bày lại và bổ sung cho có hệ thống. Rất mong được góp ý kiến trao đổi, thảo luận.
(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam
số 40(73)/2021, ngày 1/10/2021)
0 Bình luận