10 kiến nghị với các làng nghề

Làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông được biết đến là nơi có nghề dệt lụa tơ tằm 1.000 năm tuổi duy nhất ở Việt Nam còn hoạt động đến ngày nay.
 

                            VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn – Hiệp hội Làng nghề Việt Nam 

Ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP “Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ các cơ sở này ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới. Nghị quyết đã đề ra 04 nhóm giải pháp nhằm tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số cơ sở phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.
 
Nghị quyết 105-CP đã đề ra mục tiêu: đến hết năm 2021 phấn đấu luỹ kế ít nhất khoảng 01 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp các cơ sở gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng ngày 11/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, tập trung vào vắc-xin, xét nghiệm, điều trị, để cả nước trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Đây là những tín hiệu vui đối với làng nghề chúng ta.
 
Để thực hiện Nghị quyết 105-CP và các chủ trương mới của Nhà nước, bài này nêu lên 10 kiến nghị để các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề tham khảo và vận dụng.

 
Một là, khơi dậy ý chí phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (trích Báo cáo Chính trị tại Đại hội). Lời hiệu triệu này của Đảng cần được thấm sâu vào mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, vào từng người lao động, biến thành hành động và kết quả cụ thể. Mỗi cơ sở phải có lòng tự hào và tầm nhìn mới về văn hóa làng nghề, về sự phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ trong giai đoạn mới của công cuộc phát triển đất nước. Cần nêu cao ý chí, khát vọng vươn lên, phát triển làng nghề bền vững, để văn hóa làng nghề đóng góp xứng đáng vào văn hóa dân tộc; kinh tế làng nghề thịnh vượng hơn, đời sống của cư dân làng nghề ngày càng ấm no, hạnh phúc; mỗi làng nghề là một làng văn hóa.
 
Hai là, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ đề ra. Hiện nay, do dịch còn diễn biến phức tạp, chúng ta phải thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, cũng gọi là “sống chung với dịch Covid-19”, thông qua các biện pháp để hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh theo lộ trình của từng địa phương. Thời gian tới, chắc chắn dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi, cả nước sẽ bước vào trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, lúc đó, vẫn còn virus vì chúng ta không thể tiêu diệt nó hoàn toàn, cho nên trong khi đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vẫn phải “sống chung với virus”, nhưng phải thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa, không cho nó bùng phát thành dịch.
 
Ba là, quản trị cơ sở trong “trạng thái bình thường mới”. Khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, sản xuất, kinh doanh của các cơ sở làng nghề được mở trở lại với tư duy và cách làm mới, triển khai mô hình kinh doanh mới. Trong tình hình này, có thể có những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nay được coi là bình thường; cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta phấn đấu để thực hiện thì nay, tình hình mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn (ví dụ như kinh tế xanh, kinh tế số), vì nếu không thực hiện, sẽ không theo kịp và tồn tại trong thời kỳ mới. Như vậy, cuộc sống mới đòi hỏi cả làng nghề cũng như mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh phải rất năng động, linh hoạt, tăng khả năng chống chịu và thích ứng, thay đổi tổ chức, cấu trúc sản xuất, mạnh dạn số hóa các mối quan hệ, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
 
Bốn là, tiếp cận và khai thác tối đa các nguồn lực. Đó là các chính sách do các bộ, ban, ngành đã ban hành về miễn, giảm, giãn hoãn các khoản đóng góp; tăng thêm các khoản trợ giúp, v.v... Đó là những chính sách rất cần thiết, quan trọng trong lúc các làng nghề gặp khó khăn, nhất là những cơ sở quy mô nhỏ đã quá sức chịu đựng trong thời gian dài vừa qua. Các cơ sở cần năng động hơn, tranh thủ và tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ, đồng thời mong các cơ quan tiếp tục cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục rườm rà để các chính sách hỗ trợ sớm đến cơ sở làng nghề cần được trợ giúp.
 
Một nguồn lực khác cũng rất cần cho làng nghề, đó là các ưu đãi về xuất nhập khẩu, về thuế quan trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà nước ta đã ký kết, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Lớn nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 30% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu; tiếp theo là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA); Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các cơ sở làng nghề cần tìm hiểu và tận dụng các ưu đãi trong các hiệp định này để kịp thời tổ chức sản xuất và tiêu thụ đáp ứng đúng quy định của các hiệp định, đạt hiệu quả cao.          
 
Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường. Thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới đang có những biến động mạnh mẽ, người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài đang có những nhu cầu mới.  Cho đến nay, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Úc, Hàn Quốc. Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ yếu bao gồm năm nhóm: túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ. Trong tình hình mới sau đại dịch, mỗi cơ sở, ngành nghề trong làng nghề cần phân tích, nghiên cứu những động thái mới của thị trường để cơ cấu lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường.   
 
Sáu là, tập trung nâng cao chất lượng khâu thiết kế. Thực tế cho thấy thiết kế, tạo mẫu, tạo dáng sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một khâu đặc biệt quan trong thời đại mới, cần được chú trọng, kể cả thiết kế mẫu mã sản phẩm và bao bì sản phẩm (là khâu lâu nay chưa được chú ý) để dáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thực tế cũng cho thấy, sức sáng tạo của nghề thủ công nước ta là không có giới hạn, rất cần được phát huy. Điều đáng mừng là thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều nghệ nhân trẻ tuổi, được dào tạo bài bản, đã sáng tạo nên nhiều mẫu mã mới; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã thực sự là những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao. Do đó, cần phải trân trọng, bồi dưỡng và phát huy các nghệ nhân tại cơ sở cũng như thu hút sự tham gia của các nhà thiết kế bên ngoài để nâng cao hơn nữa chất lượng khâu thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
 
Bẩy là, mở rộng và tăng cường liên kết, liên doanh. Đây là một hệ thống các biện pháp nhằm tăng thêm nguồn lực cho cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cũng như của cơ sở làng nghề. Đó là: tăng cường quan hệ với các tổ chức dịch vụ để đổi mới quản trị cơ sở (như ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế số); tăng cường quan hệ với các tổ chức thiết kế để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm hàng hóa; tằng cường liên kết theo chuỗi nhằm gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh (hoặc khôi phục các chuỗi vừa qua bị đứt gẫy do dịch bệnh); v.v... Đây là những biện pháp rất cần thiết mà lâu nay các cơ sở làng nghề ít chú ý, nay cần quan tâm thực hiện để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.
 
Tám là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề. Đó là những chủ cơ sở, người bỏ vốn và điều hành, quản trị cơ sở, đặt ra chiến lược, kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh, là nhân vật quyết định thành công của cơ sở. Họ cũng là những người chủ trì việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ, công nghệ 4.0 vào quản trị cơ sở. Chủ cơ sở (nhất là chủ hộ kinh doanh) cần được đào tào, bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức cần thiết cho nghề quản trị. Một nhân vật khác là đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi. Lâu nay, chúng ta vẫn có những cuộc bình chọn, tôn vinh nghệ nhân, song vẫn cần những chính sách để tiếp tục bồi dưỡng, phát huy cũng như chăm lo đời sống của nghệ nhân. Điều đặc biệt là trong nhiều hộ kinh doanh, có những chủ cơ sở đồng thời là nghệ nhân, lại có nhiều người trẻ tuổi đang sôi nổi, hăng hái cống hiến cho làng nghề. Đội ngũ người lao động trong cơ sở cũng cần được quan tâm bồi dưỡng cả về tinh thần và vật chất, để họ cũng từng bước trưởng thành.
 
Chín là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Theo các chuyên gia, thế giới hậu Covid-19 sẽ ứng dụng phổ biến những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là kinh tế số. Kinh tế số được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Các cơ sở làng nghề cần khẩn trương tìm hiểu, vận dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất kinh doanh, từ thiết kế đến tổ chức sản xuất, làm việc trực tuyến, xây dựng mã xuất sứ QR-code, gắn kết chuỗi sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử, số hóa các di sản văn hóa, các điểm du lịch làng nghề, v.v. Đây là một loại giải pháp công nghệ rất có tác dụng mà các cơ sở làng nghề cần vận dụng để nâng cao năng suất, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.
 
Kinh tế xanh cũng là một xu hướng đang được khuyến khích ứng dụng trên thế giới. Đó là nền kinh tế vừa mang lại phúc lợi cho con người, vừa giảm thiểu các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái; một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề cần vận dụng các biện pháp của kinh tế xanh để bảo vệ môi trường, nhất là những cơ sở đang có sản xuất gây ô nhiễm.

Mười là, xây dựng làng nghề văn hóa. Thực tế cho thấy mỗi làng nghề truyền thống là một kho báu về văn hóa làng nghề; nơi đó có những sản phẩm được công nhận là di sản văn hóa vật thể, những nghề thủ công được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, có sản phẩm được công nhận là báu vật quốc gia; nơi có những đền thờ các vị Tổ nghề, những người đã mang về cho dân làng những nghề thủ công nay đã trở thành nghề truyền thống; nơi có đội ngũ nghệ nhân dồi dào sức sáng tạo, thường xuyên tạo ra sản phẩm có kiểu dáng, mẫu mã mới, làm vẻ vang, rạng rỡ làng nghề; nơi có những sản phẩm du lịch đặc sắc, cả du lịch văn hóa, du lịch tâm linh có giá trị; ở đó có môi trường sống thanh lịch, lành mạnh, không gian văn hóa tiến bộ, v.v... Cuộc sống đang đòi hỏi chúng ta nỗ lực xây dựng mỗi làng nghề truyền thống thành một làng nghề văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
Trên đây là tóm tắt 10 kiến nghị với các làng nghề để quán triệt các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hiện nay, đồng thời chuẩn bị nền tảng phát triển sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 đã bị đẩy lùi, nước ta bước vào trạng thái bình thường mới. Có nhiều vấn đề mới rất quan trọng, bài này chưa thể đi sâu, mới chỉ đề xuất được những định hướng. Rất mong các làng nghề tham khảo và vận dụng phù hợp với đặc điểm của mỗi cơ sở, đạt nhiều thành tựu mới trong thời gian tới.
 
(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam.
số 38 (71) /2021, ngày 17/9/2021)

 

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận