Làng nghề trong Chiến lược mới phòng, chống dịch Covid-19
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên Cơ sở sản xuất bánh dẻo Lợi Phổ (Quảng Nam) của ông Ánh gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. |
VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Ngày 11/10/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức
Đam đã ký Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là một văn bản quan trọng thể hiện bước chuyển hướng có
ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phòng, chống Covid-19 ở nước ta, đáp ứng kịp
thời kỳ vọng của nhân dân ta.
Từ “Zero Covid” sang
“Sống chung với Covid”
Theo các chuyên gia, thế giới sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 cũng tức là thực hiện “Zero Covid – không còn Covid” như những tuyên bố lâu nay. Virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại như một loại vi trùng, vi khuẩn và có thể sẽ trở thành một dạng virus gây đại dịch cúm như những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người. Như vậy, cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới đang bước sang giai đoạn mới: thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus” đặt ra trước đây, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Để sống chung an toàn với Covid-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vắcxin, tăng cường hệ thống y tế, thực hiện các biện pháp linh hoạt ứng phó với dịch bệnh tùy theo mức độ lây lan, chính quyền đảm bảo thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân.
Ở nước ta, gần hai năm qua, công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được những kết quả quan trọng. Chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vắcxin nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch, chuyển sang giai đoạn mới.
Xuất phát từ thực tiễn, trong Nghị quyết 128/CP-NQ ngày 11/10/2021, Chính phủ đã xác định công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mục tiêu đề ra là: bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Một số hoạt động cần được làng nghề quan tâm
Trước tình hình mới, để quán triệt Nghị quyết 128/CP-NQ ngày 11/10/2021, các làng nghề cần triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo bốn cấp độ dịch mà Chính phủ đã quy định (tương ứng các màu xanh, vàng, cam, đỏ), tập trung vào những công việc trọng tâm của từng cơ sở.
Điều quan trọng là các làng nghề cần có tư duy mới, suy nghĩ đột phá mới; cần vượt lên chính mình, không thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được, mà phải có ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nhanh chóng tiếp thu và vận dụng những thành tựu của Cách mạng 4.0, đưa làng nghề phát triển lên một tầm cao mới. Ý chí mới, tư duy mới, khát vọng mới ấy cần được thể hiện rõ rệt và đem lại hiệu quả cao trong mọi hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong làng nghề cả nước ta. Dưới đây, xin nhấn mạnh thêm về một số hoạt động mà các làng nghề cần quan tâm trong tình hình mới.
Trước hết là phân tích nhu cầu của thị trường, xác định sản phẩm chủ lực. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đại dịch Covid-19 hoành hành trong thời gian qua đã gây ra những xáo trộn rất lớn trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới. Do tác động của dịch bệnh, các nước đều phải cơ cấu lại các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; mỗi gia đình cũng đang điều chỉnh các nhu cầu trong đời sống.
Nước ta cũng vậy; đây chính là thời điểm đẩy nhanh cơ cấu lại sản xuất, tập trung nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường đang thay đổi. Mỗi cơ sớ sản xuất, kinh doanh, mỗi làng nghề cũng cần tìm hiểu nhu cầu mới của thị trường (trong nước và ngoài nước) để có biện pháp đáp ứng. Riêng đối với thị trường nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ những thị hiếu của các thị trường trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã ký kết: mỗi nước đều có văn hóa tiêu dùng riêng biệt, có phân khúc thị trường khác nhau, lại có những nước đang có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồng dạng sẵn sàng cạnh tranh với chúng ta. Vì vậy, mỗi cơ sở làng nghề cần soát xét lại danh mục sản phẩm, có thể giảm số lượng mà tăng chất lượng, nâng bản sắc và thẩm mỹ của sản phẩm. Thay vì làm ra nhiều sản phẩm khi nguồn nguyên liệu, vốn liếng khó khăn, hãy tập trung chế tác những tác phẩm tinh xảo, những sản phẩm chủ lực, tạo nên thương hiệu riêng của cơ sở. Riêng đối với du lịch làng nghề là một tiềm năng lớn, cũng cần được đầu tư và khai thác theo quan điểm mới, cách làm mới, để mỗi sản phẩm du lịch làng nghề là một điểm du lịch văn hóa mà du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu chiều sâu về nghề thủ công nước ta, những tinh hoa văn hóa mang bản sắc địa phương thậm chí của mỗi nghệ nhân, đem lại những cảm xúc khó quên cho du khách.
Hai là, nâng cao chất lượng khâu thiết kế. Thực tiễn cho thấy khâu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm làng nghề có ý nghĩa cục kỳ quan trọng đối với mỗi cơ sở làng nghề, song lâu nay chưa được coi trọng đúng mức. Mẫu mã thường là theo mẫu sẵn có hoặc sao chép trên thị trường, hoặc làm theo đặt hàng, rất thiếu sáng tạo, gây cảm giác nhàm chán trong mắt người tiêu dùng. Trong tình hình mới, đương nhiên không thể bằng lòng với những mẫu mã, kiểu dáng sẵn có, mà cần những đổi mới cần thiết. Có thể khẳng định rằng sau đại dịch, kinh tế sáng tạo sẽ là nền kinh tế lớn mạnh; các nghệ nhân, thợ thủ công cần tập trung vào thiết kế sáng tạo, coi đây là cách duy nhất để bảo tồn và phát triển làng nghề. Mỗi sản phẩm phải thể hiện tinh hoa văn hóa của làng nghề, tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của nghệ nhân, có sức hút với người tiêu dùng và khách tham quan. Muốn vậy, mỗi làng nghề phải là một “vườn ươm”, một không gian sáng tạo cho những tài năng.
Điều đáng mừng là thời gian gần đây, đã có nhiều nghệ nhân trẻ tuối được học tập bài bản, giàu sức sáng tạo, đã tạo nên những sản phẩm có giá trị mỹ thuật, kỹ thật cao. Đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ thể hiện sự sáng tạo của nghệ nhân với nhiều ý tưởng mới trong thiết kế song vẫn tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của từng làng nghề. Những sản phẩm này đã thể hiện rõ nét tiềm năng sáng tạo không có giới hạn của nghề thủ công, với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang bản sắc văn hóa Việt Nam, mặc dù đang có những sản phẩm sản xuất hàng loạt đang phổ biến trên thị trường.
Ba là, tham gia tạo việc làm cho người lao động từ các khu công nghiệp trở về quê hương. Đây là một tình huống mới mà các làng nghề cần nắm bắt và có hướng xử lý. Từ tháng 8, 9/2021 đến nay, do khó khăn vì dịch Covid-19, đã có khoảng trên 1 triệu lao động từ Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về quê ở miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Bắc. Thời gian tới, chắc sẽ có nhiều người trở lại làm việc tại các đơn vị cũ, nhưng cũng có một số ở lại quê nhà. Các làng nghề chúng ta ở những nơi này cần trợ giúp họ bằng những biện pháp thích hợp. Với người có nghề, họ có thể vào làm việc tại những cơ sở thuận với nghề của họ; người chưa có nghề hoặc chưa tìm được nghề phù hợp, thì nên giúp đào tạo nghề, đưa họ vào làm việc trong làng nghề hiện có hoặc phát triển các cơ sở công nghiệp mới. Có thể coi đây là cơ hội để tái cơ cấu lao động nông thôn, hình thành các đô thị, phát triển kinh tế nông thôn.
Điều cần nhấn mạnh là về lâu dài, cần những biện pháp thiết thực mở mang các nghề thủ công nhằm khuyến khích lao động địa phương có quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương, không nhất thiết phải “tha phương cầu thực”, thậm chí ra nước ngoài làm những công việc nặng nhọc, vất vả để mong “đổi đời” song rất dễ lâm vào những thảm cảnh khi đi lao động “chui”, như tình trạng 59 lao động người Việt chết trong container ở Anh mấy năm trước. Trong toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta có thể hợp tác lao động với nước ngoài, song phải là những chuyên gia có trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật, những công nhân bậc cao làm rạng danh đất nước, con người Việt Nam, chứ không nên đưa đi những lao động giản đơn.
Bốn là, ứng dụng công nghệ số trong các cơ sở làng nghề. Cùng với xu hướng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu như hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang không ngừng thực hiện quá trình công nghệ số. Theo các chuyên gia, công nghệ số có thể mang lại cho nền kinh tế nước ta khoảng 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Với các cơ sở, đó là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI),… trong phương thức tổ chức, điều hành, quản trị. Theo nghĩa hẹp, công nghệ số có thể hình dung bằng khái niệm “Văn phòng không giấy tờ”. Có thể nêu những lợi ích của công nghệ số đem lại cho cơ sở như sau:
- Tiết kiệm các chi phí (thời gian, tiền bạc), nâng cao năng suất nhân viên: chuyển đối số sẽ giúp cơ sở tiết kiệm nhiều mặt, ví dụ họp trực tuyến có thể giảm thời gian đi lại, bớt giấy tờ, chi phí hội họp, v.v... , giúp quá trình thông báo, xử lý, đưa ra quyết định được thực hiện một cách nhanh chóng.
- Nâng cao mức độ an toàn cho các hoạt động: cơ sở sử dụng nền tảng số hóa, không dùng giấy tờ, thì có thể triển khai và lưu giữ tài liệu, tư liệu, số liệu an toàn, chính xác và bảo đảm chất lượng, không lo bị mất mát, hủy hoại hoặc bị sửa chữa.
- Tăng cường công khai, minh bạch trong quản trị cơ sở: đây là lợi ích quan trọng nhất, vì khi các hoạt động của cơ sở đều được số hóa, các khoản thu chi của cơ sở sẽ công khai, minh bạch, dễ dàng thanh tra, kiểm tra, khắc phục tham ô, lãng phí cũng như khắc phục bệnh thành tích, làm ít nói nhiều, thổi phồng ưu điểm, dấu diếm khuyết điểm.
Những lợi ích nói trên sẽ tăng chất lượng, hiệu quả rõ rệt trong quản trị cơ sở. Các cơ sở làng nghề có thể ứng dụng công nghệ số trước hết trong một số khâu rồi mở ra một cách toàn diện. Ví dụ như: trong thiết kế mẫu mã sản phẩm; trong điều khiển các chế độ sản xuất (lò nung, lò sấy); trong tổ chức và quản trị cơ sở; hội họp; trong bồi dưỡng, đào tạo nhân lực; trong liên kết chuỗi giá trị; trong quảng cáo, truyền thông hàng thủ công mỹ nghệ; trong ứng dụng thương mại điện tử; quảng bá sản phẩm du lịch, v.v... Cũng xin nhấn mạnh: dù là xu hướng chung và có nhiều lợi ích, song công nghệ số chỉ là một loại công cụ có tính kỹ thuật, việc ứng dụng vẫn phụ thuộc vào con người; để ứng dụng có hiệu quả thật sự, rất cần người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu tiếp thu, học hỏi và ứng dụng công nghệ mới, nhất là có phẩm chất liêm chính, chí công vô tư, tận tâm vì công việc chung.
Trên đây là một số hoạt động xin được nhấn mạnh để thiết thực quán triệt, thi hành Nghị quyết 128/CP-NQ ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Để các cơ sở, các làng nghề thực hiện các hoạt động có hiệu quả, rất cần sự trợ giúp của các cơ quan nhà nước, các ngành liên quan và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đoàn thể nhân dân. Riêng với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, xin đề nghị: (i) Tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động cư dân làng nghề nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các cơ sở làng nghề vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh,... phát huy tinh thần sáng tạo, vai trò trung tâm và chủ thể của lao động làng nghề trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép; và (ii) Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cũng như các gói cứu trợ an sinh xã hội tại địa phương.
0 Bình luận