Cơ hội mới để phát triển nghề, làng nghề
VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Thời
gian gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều lao động các khu công nghiệp
miền Đông Nam Bộ đã trở về địa phương; một số sẽ trở lại nơi làm việc nhưng
cũng có một số ở lại quê hương. Đây là một cơ hội mới để các làng nghề chúng ta
phát triển thêm nghề, làng nghề, đồng thời cũng là dịp để suy nghĩ về những vấn đề cơ bản trong phân
công lao động xã hội nước ta.
DỊCH
CHUYỂN LAO ĐỘNG THỜI CÔNG NGHIỆP HÓA
Theo
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp ngày
10/11/2021 kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, thời gian qua, do tác động của đại
dịch Covid-19, đã có 1,3 triệu lao động từ các địa phương miền Đông Nam Bộ, chủ
yếu là từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở về
miền Trung, Tây Nguyên và một số địa phương miền Bắc; trong số lao động này, có
khoảng 30% sẽ quay trở lại làm việc ở doanh nghiệp cũ, khoảng 30% chuyển sang
nơi khác và khoảng 40% sẽ ở lại quê hương. Hiện nay, các tỉnh và thành phố nói
trên đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hút lao động trở lại làm việc; tình
hình đang chuyển biến tốt.
Nhân
dịp này, xin bàn về một vấn đề rất cơ bản cần được đặt ra: đó là việc phát triển
nghề thủ công ở nông thôn, phát triển làng nghề để người lao động có thể làm
giàu ngay tại quê hương, trong quá trình phân công lại lao động xã hội, thực hiện
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo
quy luật, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phân
công lại lao động xã hội sẽ diễn ra như sau: (i) Tỷ trọng và số
tuyệt đối lao động nông nghiệp giảm dần; (ii) Tỷ trọng và số tuyệt
đối lao động công nghiệp và xây dựng tăng lên; (iii) Tỷ trọng và số lao động
trong các trong các ngành dịch vụ tăng
nhanh, do tốc độ tăng lao động trong các ngành này nhanh hơn tốc độ tăng
lao động trong các ngành. Cùng với sự dịch chuyển về số lượng, do sự phát
triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật trong Cách mạng 4.0, cũng sẽ diễn ra sự
chuyển biến về chất lượng của nhân lực: từ lao động giản đơn sang lao động có
tay nghề, có kiến thức ngày càng cao; năng suất lao động toàn xã hội cũng sẽ
tăng lên. Sự phân công lại lao động xã hội nếu được diễn ra đúng quy luật, sẽ
mang lại thịnh vượng cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Ở
nước ta, từ một nước nông nghiệp đi lên, trong những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển lao động xã hội
đang diễn ra mạnh mẽ: dân số thành thị ngày càng tăng, trong
khi dân số nông thôn có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đã tăng nhanh từ 30,5% năm 2010
lên khoảng 40,4% năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội,
thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp
hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị nước ta diễn
ra không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức
trung bình của các nước trong khu vực; quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều
rộng và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế.
Từ thực tiễn, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, lại gặp
lúc đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sông kinh tế - xã hội,
phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa khôi phục và phát triển sản xuất vừa phòng, chống
dịch, vì vậy, việc thực hiện cơ cấu lại lao động xã hội cần phải xem xét trên
nhiều mặt. Đó là: (i) Cơ cấu lại lao động phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng,
cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; (ii) Phải quán
triệt quan điểm người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phát triển đất
nước, để người dân “an cư, lạc nghiệp”, chất lượng sống được nâng cao; (iii) Việc
đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị cần hài hòa, phù hợp với tiềm năng,
lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chú ý phát triển các ngành nghề phi
nông nghiệp tại các vùng, miền trong cả nước, không quên vùng sâu, vùng xa,
vùng dân tộc ít người; (iv) Cần phát triển
các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn, gây
ra những vấn đề về an sinh xã hội, nhất là nhà ở rất khó giải quyết; (v) Chú trọng gắn kết phát triển đô thị với phát tiển nông thôn, xây dựng
nông thôn mới.
LÀM
GIÀU NGAY TẠI QUÊ HƯƠNG
Theo
số liệu thống kê, dân số nước ta năm 2021 là 98 triệu người (tính số tròn);
trong đó 36 triệu người đang sống ở thành thị và 62 triệu người sống ở nông
thôn. Như vậy, vẫn còn khoảng gần 70% số dân đang sống trong nông thôn, sức ép
về việc làm, thu nhập và đời sống đang rất gay gắt.
Chúng
ta không phủ nhận thực tế là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các thành
phố lớn, thu nhập của người lao động khá hơn nhiều so với làm nông nghiệp; điều
này đang hấp dẫn lao động các địa phương dồn về các thành phố lớn. Tuy nhiên,
thực tế đã cho thấy cuộc sống của lao động nhập cư đang có rất nhiều vấn đề
chưa được giải quyết. Vẫn còn những trường hợp chỗ ở của người lao động quá chật
chội, dễ sinh bệnh tật, có những gia đình ngoài vợ chồng, còn có các con, lại
có bà nội hoặc ngoại cùng ở để trông cháu trong một diện tích quá hẹp. Bên cạnh
đó, khám chữa bệnh khó khăn; trẻ em đi học vất vả; sinh hoạt văn hóa rất hạn chế,
v.v... Khi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực thời gian qua, nhiều lao động buộc
phải rời bỏ nơi làm việc, trở về quê hương, mặc dù đường hồi cư cũng nhiều bất
trắc đã phơi bày rất rõ thực trạng rất đáng quan tâm này.
Thực
tế đã cho thấy việc tập trung quá nhiều cơ sở công nghiệp tại các đô thị lớn sẽ
nảy sinh rất nhiều vấn đề về đời sống của người lao động rất khó giải quyết. Vì
thế, xu hướng chung trên thế giới ngày nay là không tập trung công nghiệp vào
các thành phố quá lớn mà phân tán các cơ sở ra các đô thị vệ tinh ở vùng nông
thôn gần thành phố với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động tại chỗ sản
xuất các linh kiện, phụ tùng hoặc thực hiện các dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn.
Đây cũng là một phương thức tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông
thôn, tránh được tình trạng phải đưa lao động từ xa đến, gây ra nhiều hệ lụy
như trên đã nói.
Xin
nói thêm về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thường được gọi là “xuất
khẩu lao động”. Trong toàn cầu hóa ngày nay, việc người lao động di chuyển từ
nước này sang nước khác là lẽ đương nhiên theo sự tự nguyện của họ, nếu như người
lao động tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập hợp lý với các nhu cầu về an
sinh xã hội được bảo đảm. Trong thời gian qua, đã có nhiều lao động được cơ
quan chức năng đưa đi xuất khẩu lao động, thu về một số ngoại tệ. Tại một số địa
phương, đã có những ngôi nhà mới nhiều tầng được xây lên bằng số tiền này, các
tiện nghi trong đời sống của dân khá lên rõ rệt.
Vấn
đề cần suy nghĩ là nhiều người đi xuất khẩu lao động đang phải làm những công
việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe mà người bản xứ không muốn làm; thậm chí
đã có thảm cảnh như tình trạng 39 người đã chết trong một container đông lạnh khi
đi lao động chui ở Anh hồi cuối năm 2019. Vì vậy, rất cần những chính sách để
người lao động có thể làm giàu ngay tại quê hương; phải chăng chỉ nên đưa ra nước
ngoài hợp tác lao động những người có trình độ học vấn cao, những công nhân kỹ
thuật bậc cao, không nên đưa đi những lao động phổ thông. Đây cũng là dịp để thể
hiện trình độ, kiến thức của lao động nước ta, đề cao vị thế của đất nước ta trên
thế giới.
Để
người lao động làm giàu ngay trên quê hương, cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu
kinh tế gắn với cơ cấu lao động một cách hài hòa giữa các vùng, miền, các loại
hình doanh nghiệp: giữa những địa phương trọng điểm có sức lan tỏa với những địa
phương khác; giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ,
các hộ gia đình, v.v... Như vậy, cũng tức là tạo việc làm và cải thiện đời sống
của nhân dân ở các vùng, miền một cách hài hòa, từng bước thu hẹp khoảng cách
phát triển giữa các vùng, miền, giảm dần chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp
dân cư.
CƠ
HỘI MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN NGHỀ, LÀNG NGHỀ
Thực
tiễn đã khẳng định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế; ngay trong thời
gian đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội nước ta, nông nghiệp
vẫn khắc phục khó khăn, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện nhiều giải pháp
thích hợp bảo đảm an ninh lương thực cho xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản,
góp phần rất có ý nghĩa vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khi sản xuất tại
các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp ở các đô thị lớn gặp khó
khăn, nhiều lao động trở về quê thì nông nghiệp, nông thôn sẵn sàng là nơi đón
nhận.
Nếu
như nông nghiệp, nông thôn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thì làng nghề chúng ta
rất xứng đáng là một cột trong trụ đỡ đó. Thực tiễn đã chứng minh những giá trị
to lớn của làng nghề về các mặt văn hóa, kinh tế, xã hội; trong tình hình hiện
nay, đó là tiềm năng giải quyết việc làm và đời sống của người dân, góp phần
xây dựng nông thôn mới. Làm được như vậy, sẽ tạo môi trường cho thanh niên lập
nghiệp, làm giàu ngay tại quê nhà, khắc phục tình trạng đáng buồn trong nông
thôn một số vùng hiện nay: thanh niên đến tuối lao động đi tìm việc tại các đô
thị, trong nông thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ; ruộng đồng không có người
canh tác, đời sống trầm lắng.
Hiện
nay, nông thôn đang tiếp nhận lao động từ nhiều nguồn cần giải quyết việc làm:
(i) Nước ta đang trong thời kỳ “dân số vàng” (69% số dân ở trong độ tuổi lao động)
cần tận dụng; (ii) Trong nông thôn, mỗi năm, nông thôn có trên 1 triệu người đến
tuổi lao động; (iii) Người lao động từ các đô thị trở về và có ý định ở lại quê
nhà; (iv) Do ứng dụng Công nghệ 4.0, lao động trong các ngành sử dụng nhiều lao
động sẽ giảm bớt, làm tăng thêm số lao động cần tìm nơi làm việc mới. Giải bài
toán lao động ở đây phải dựa vào phát triển đồng bộ các ngành nghề: từ công
nghiệp, thủ công nghiệp đến dịch vụ. Đối với các làng nghề chúng ta, đây chính
là cơ hội mới để mở mang nghề thủ công, phát triển làng nghề. Có thể phân ra
các nhóm và biện pháp giải quyết như sau.
-
Đối với những người đã có nghề, làm việc trong các doanh nghiệp nay trở về, có
thể tìm những doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh làng nghề cùng nghề thích hợp ở địa
phương để giới thiệu họ vào làm việc;
-
Đối với những người đã có nghề, nay trở về quê nhưng chưa tìm được nơi làm việc
đúng nghề, có thể tìm và giới thiệu vào làm việc ở nơi có một nghề gần với nghề
họ có sẵn; nếu không, có thể giúp họ học nghề mới hoặc khởi nghiệp, lập cơ sở sản
xuất kinh doanh thích hợp;
-
Đối với người chưa có nghề, cần tổ chức đào tạo nghề cho họ và sau đó, giúp họ
vào làm việc tại các cơ sở hiện có hoặc khởi nghiệp, lập cơ sở mới. Có thể đào
tại tại trường của địa phương hoặc tại các lớp do làng nghề tổ chức, do các nghệ
nhân hướng dẫn. Tuy nhiên, phương thức đào tạo cần thiết thực, hiệu quả, có thể
miễn phí hoặc trợ giúp phí đào tạo.
Như
vậy, làng nghề có thể giúp người lao động: hoặc là vào làm việc tại các cơ sở
có sẵn, hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, theo đúng yêu cầu làm
giàu ngay tại quê hương, không phải “tha phương cầu thực”, vừa bảo đảm thu nhập
và đời sống của bản thân và gia đình, vừa góp phần xây dựng quê hương. Từ đó,
quy mô làng nghề hiện có sẽ được mở rộng, làng nghề mới sẽ dần hình thành. Vai
trò của Nhà nước ở đây là rất quan trọng: như: quy hoạch ngành nghề theo nhu cầu
của thị trường và của địa phương; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; xây dựng
kết cấu hạ tầng (đường, điện, nước); có chính sách khuyến khích phát triển
doanh nghiệp ở nông thôn; xây dựng các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế; giúp đỡ ứng
dụng công nghệ số; xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi về đất đai, các loại thuế,
phí, tín dụng, v.v... Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ của
mình, đang có không gian rất rộng rãi để tham gia quá trình cơ cấu lại lao động
nông thôn, phát triển nghề và làng nghề, xây dựng làng nghề văn hóa, góp phần xứng
đáng vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
0 Bình luận