Trường tồn văn hóa làng nghề (Bài viết nhân dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021)
Làng nghề gốm Gia Thủy nằm trên địa phận xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là làng nghề gốm truyền thống có tuổi đời hơn 50 năm dước bảo tốn và phát triển. |
VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Hội
nghị Văn hóa toàn quốc họp ngày 24/11/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì từ
75 năm nay, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất
(ngày 24/11/1946), lần này mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô
lớn như thế. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay được tổ chức nhằm khơi dậy khát
vọng của toàn dân tộc tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước, đánh
dấu một bước rất có ý nghĩa trên con đường chấn hưng, phát triển văn hóa Việt
Nam trong thời kỳ mới.
Tại
Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định ý nghĩa sâu sắc của văn
hóa: “Văn hóa
là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc
còn” (Báo Nhân Dân điện tử ngày 24/11/2021). Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới
vừa qua đã tạo nên thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy
tín quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn
hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cộng đồng làng nghề chúng ta vinh dự và tự hào về những thành
tựu và đóng góp của văn hóa làng nghề vào công cuộc xây dựng và phát triển văn
hóa dân tộc trong những năm qua, đồng thời cũng nhận thức sâu sắc thêm về nhiệm
vụ bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề trong thời kỳ mới, với ý nghĩa văn hóa làng nghề trường tồn cùng dân tộc,
“văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Về
khái niệm “Văn hóa”, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư Nuyễn Phú Trọng
đã khái quát ngắn gọn, xin ghi lại để làng nghề chúng ta nghiên cứu: “Chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa
hẹp. Nghĩa rộng: thì văn hóa là trình độ phát triển về
tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định (thời
kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng,... văn hoá Đông Sơn, văn hoá lúa nước,...). Nghĩa hẹp: thì văn hóa là những hoạt động tinh thần
của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật,
đạo đức (lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người,...). Văn hóa cũng
bao gồm cả văn hóa vật thể (các
di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa:
Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ,...) và phi vật thể (ca
dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng
miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương...). Văn hóa chúng ta bàn ở đây chủ yếu là
theo nghĩa hẹp. Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa
là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun
đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân
ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có
văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử
có văn hóa,...) (Báo Nhân dân điện tử
ngày 24/11/2021).
Thực tế cho thấy công cuộc bảo vệ và phát huy văn hóa làng nghề là một sự nghiệp lâu dài, mỗi thời kỳ lại được bổ sung những kiến giải mới. Nhân dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay, từ thực tiễn các làng nghề, xin gợi ra một số ý kiến để các làng nghề tham khảo, thực hiện.
MỘT LÀ, THỰC HIỆN KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN BẰNG VĂN HÓA. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh và tinh thần của mọi người Việt Nam, mà quan trọng nhất là phát huy cao độ những giá trị văn hóa nhằm tạo nguồn lực nội sinh và động lực để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến các năm 2030, 2045 mà Đảng đã đề ra. Với chúng ta, đây là khát vọng bảo vệ và phát huy văn hóa làng nghề với quan điểm văn hóa làng nghề là nền tảng, trụ cột, là mục tiêu, động lực, sức mạnh tinh thần đưa làng nghề chúng ta phát triển lên những tầm cao mới. Khát vọng này phải được thấm sâu, quán xuyến trong toàn bộ hoạt động của mỗi cơ sở, mỗi làng nghề, mỗi tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến làng nghề. Cơ sở làng nghề phải nuôi dưỡng khát vọng phát triển với quy mô lớn hơn, sản phẩm đạt chất lượng cao với sức cạnh tranh mạnh hơn, thu nhập tăng lên và đời sống của dân cư ngày càng được cải thiện, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phồn vinh của đất nước. Tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực làng nghề phải coi bảo tồn và phát huy văn hóa làng nghề là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mọi hoạt động của tổ chức mình.
HAI LÀ, XÂY DỰNG CON NGƯỜI LÀNG NGHỀ CÓ VĂN HÓA. Xây dựng con người có văn hóa là một trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa. Đối với làng nghề, con người có văn hóa phải là những con người phong phú về tâm hồn trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đó là những con người khát khao bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hiện hữu trong mỗi cơ sở, mỗi làng nghề, với những hành động cụ thể để gìn giữ truyền thống và phát huy bằng những sáng tạo mới. Chúng ta xây dựng con người làng nghề có văn hóa là nhằm: (1) giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý, tập quán, nhất là ý thức cộng đồng gắn kết “cá nhân - gia đình – làng xã – Tổ quốc” đã trở thành bản sắc dân tộc trên địa bàn làng nghề; (ii) xác lập và phát huy quyền làm chủ trực tiếp, ý thức tự quản của công dân, thu hút mọi người tham gia xây dựng làng nghề; (iii) xây dựng con người mới của làng nghề với hai phẩm chất chủ yếu: con người có văn hóa của người làng nghề và có văn hóa của công nghệ hiện đại, từng bước hình thành “người làng nghề 4.0” và “làng nghề 4.0”.
BA LÀ, PHÁT HUY CÁC DI SẢN VĂN HÓA CỦA LÀNG NGHỀ. Trong làng nghề, Di sản văn hóa phi vật thể là công nghệ chế tác hàng thủ công, thể hiện trí tuệ của nghệ nhân, bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác; là các sinh hoạt văn hóa của làng nghề, như lễ thờ Tổ nghề, lễ thờ Thành hoàng làng, ca múa hát, v.v... Di sản văn hóa vật thể là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã đạt mức độ tinh xảo, hoàn mỹ, có giá trị lịch sử,văn hoá, được sản sinh và lưu truyền trong các làng nghề truyền thống qua nhiều thế hệ, biểu trưng của nền văn hoá xã hội, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của vùng, miền và của cả dân tộc; một số đã được công nhận là di sản, bảo vật quốc gia. Đó cũng là những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cách mạng gắn với làng nghề trong cả nước, trở thành những điểm du lịch đặc sắc khác biệt của làng nghề nước ta. Chúng ta tự hào về những di sản đã tồn tại từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Đề cao, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cũng như di sản văn hóa vật thể trong làng nghề bằng những hoạt động thiết thực, có hiệu quả cũng chính là tạo nền tảng, điểm tựa khơi nguồn sáng tạo cho làng nghề trong thời kỳ mới ngày nay.
BỐN LÀ, ỨNG XỬ CÓ VĂN HÓA VỚI CON NGƯỜI LÀNG NGHỀ. Đây là một yêu cầu quan trọng đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức dịch vụ cũng như các tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến làng nghề. Nhiệm vụ đặt ra là phát huy vai trò vừa là trung tâm vừa là chủ thể của người thợ thủ công trong làng nghề, cũng là đặt họ vào vị trí vừa là mục tiêu vừa là động lực trong sáng tạo và thụ hưởng thành tựu của làng nghề. Điều đã được khẳng định là sức sáng tạo của thợ thủ công là không giới hạn. Trong thời đại ngày nay, khi máy móc đã thay sức lao động thủ công, cơ bắp trong nhiều ngành nghề, thế nhưng nghề thủ công vẫn có chỗ đứng quan trọng, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm “làm bằng tay”, chính là vì sản phẩm thủ công, nhiều khi là “độc bản” thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của mỗi nghệ nhân. Như vậy, vai trò của nghệ nhân cần được đề cao và nghệ nhân cần được chăm sóc chu đáo hơn nữa: phải tiếp tục bồi dưỡng họ về những kiến thức hiện đại như công nghệ 4.0 để họ vận dụng trong hoạt động của mình; phải tạo điều kiện cho nghệ nhân trưng bày và bán sản phẩm, mang lại thu nhập cho họ; đưa họ ra tiếp xúc với khách du lịch, vừa giới thiệu sản phẩm, vừa trình diễn các thao tác nghề thủ công; và cũng rất cần chăm lo họ khi ốm đau, v.v...
NĂM LÀ, XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG VỤ. Đó là xây dựng văn hóa ứng xử trong quản trị cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề và trong hoạt động của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan đến làng nghề, đặc biệt là đạo đức công vụ. Xin gợi ra một số ý kiến như sau. (i) Văn hóa trong cơ sở sản xuất kinh doanh (trong làng nghề, đó là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ kinh doanh): mục tiêu của các cơ sở này là lợi nhuận; mỗi cơ sở có phương pháp quản trị khác nhau, do đó văn hóa quản trị cũng khác nhau; song điểm chung nhất, vẫn là tạo sự đoàn kết, thống nhất, thương yêu lẫn nhau; là động viên mọi sáng kiến, thu hút mọi người tham gia vào công việc chung của tổ chức; là bảo đảm thu nhập của mỗi người tương xứng với mức đóng góp của họ; là thực hiện đầy đủ các biện pháp an sinh xã hội; đồng thời là tuân thủ luật pháp, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước và trách nhiệm với xã hội, v.v... (ii) Văn hóa trong quản trị tổ chức xã hội-nghề nghiệp (các hội, hiệp hội ...) liên quan đến làng nghề: đây là vấn đề liên quan đến nguyên tắc “ba tự” (tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính) của tổ chức, vì vậy, đồng thuận trong quản trị là chủ yếu. Văn hóa trong quản trị ở đây là: phát huy mọi sáng kiến của các thành viên; lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến, dù là trái chiều; thu hút được ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu ...Điều quan trọng cần nhấn mạnh là người đứng đầu tổ chức phải thực sự nêu gương về ứng xử văn hóa.
SÁU LÀ, THAM GIA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA. Theo các nhà nghiên cứu, nội dung chủ yếu của công nghiệp văn hóa là: phát huy sáng tạo, tìm ra cách làm khác biệt; ứng dụng công nghệ hiện đại; từ đó tạo nên những sản phẩm văn hóa có giá trị; góp phần thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tinh thần của nhân dân; có giá trị về kinh tế đóng góp vào GDP của đất nước. Hiện nay, Công nghiệp văn hóa tuy còn mới đối với nước ta song đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới, được coi như “sức mạnh mềm” của đất nước, điển hình là Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi đã tập trung sức phát huy văn hóa truyền thống, gắn truyền thống với hiện đại, mang lại nhiều hiệu quả cả về văn hóa và kinh tế. Ở nước ta, Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định 12 nhóm ngành công nghiệp văn hóa. Đó là: (1) Quảng cáo; (2) Kiến trúc; (3) Phần mềm và trò chơi giải trí; (4) Thủ công mỹ nghệ; (5) Thiết kế; (6) Điện ảnh; (7) Xuất bản; (8) Thời trang; (9) Nghệ thuật biểu diễn; (10) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (11) Truyền hình và phát thanh; (12) Du lịch văn hóa. Có thể thấy: làng nghề chúng ta có khả năng đóng góp vào khá nhiều nhóm ngành công nghiệp văn hóa nói trên, song chủ yếu là hai nhóm ngành “Thủ công mỹ nghệ” và “Du lịch văn hóa”. Về thủ công mỹ nghệ, như đã nói ở trên, sức sáng tạo của nghề thủ công là vô hạn, luôn sáng tạo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là khi đại dịch Covid-19 tác động, thị hiếu tiêu dùng thay đổi; đồng thời đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng về bảo vệ môi trường, như nguồn gốc, xuất xứ, sản xuất xanh. Về du lịch văn hóa, làng nghề chúng ta không chỉ có những sản phẩm du lịch thể hiện giá trị văn hóa vùng, miền, mà còn những điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, cách mạng của dân tộc. Trong các hoạt động nói trên, cần thể hiện nổi bật giá trị văn hóa, những điểm mới, khác biệt về nội dung và hình thức mang tính chất sáng tạo đặc thù của nghề thủ công từng vùng, miền và từng làng nghề; đặc biệt là mức độ đóng góp về kinh tế vào công nhiệp văn hóa.
(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam, số 50 (83)/2021 ngày 10/12/2021)
0 Bình luận