BẢN THẢO MỘT TIỂU LUẬN: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (18)

Tác giả khảo sát quy trình làm đường Thốt Nốt tại Tịnh Biên, An Giang.

                 NGUYỄN LỰC
     Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn
    Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

PHẦN 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN THẢO LUẬN VÀ NHÌN NHẬN

VĂN HÓA SỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC ( bài 1)
Cơ sở lý luận về văn hóa phi vật thể trong cơ chế UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể

Tóm lược bài viết: Di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm tất cả các biểu hiện phi vật chất của văn hóa, đại diện cho sự đa dạng của di sản sống của nhân loại, cũng là phương tiện quan trọng nhất của sự đa dạng văn hóa. Các yếu tố cấu thành chính của di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện bao gồm “sự tự xác định” (tự quy kết các đặc điểm hoặc phẩm chất nhất định cho chính mình) được xem như là một yếu tố thiết yếu của bản sắc văn hóa của người tạo ra và lưu giữ (nắm giữ, người mang) chúng; cùng với “tái tạo liên tục” để chúng đáp ứng, làm cho phù hợp với sự phát triển lịch sử và xã hội của các cộng đồng và các nhóm người liên quan; “mối liên hệ với bản sắc văn hóa” của các cộng đồng với nhóm người; “tính xác thực” của chúng; và “mối quan hệ không thể hòa tan của chúng với quyền con người”. Cộng đồng quốc tế đã nhận thức được rằng di sản văn hóa phi vật thể cần được và xứng đáng được bảo vệ mang tính quốc tế. Nhờ đó đã kích hoạt các quy trình pháp lý mà đỉnh điểm là việc thông qua Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Paris vào năm 2003 (dưới đây gọi là Công ước 2003). Công ước 2003 nêu bật tính chính xác các yếu tố chính của di sản văn hóa phi vật thể được dựa trên cơ sở lập luận triết học, các nghiên cứu đúng đắn và được cấu trúc dựa theo mô hình Công ước Di sản Thế giới năm 1972 – mà trong đó do phần hoạt động của Công ước (1972) này đã không đủ để bảo đảm bảo vệ phù hợp các đặc điểm của di sản văn hóa phi vật thể.

Bài viết này cung cấp các lập luận để sửa chữa sự bất cập đó. Mặc khác, việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có tính quốc tế phải dựa vào việc áp dụng đồng thời, mặc dù theo cách gián tiếp, luật nhân quyền quốc tế, vì lý do di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho một thành phần của quyền con người về văn hóa và là điều kiện tiên quyết cần thiết để bảo đảm thực hiện thực tế và hưởng thụ quyền cá nhân và tập thể của người tạo ra và người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể.
 
Bài này cũng có thể xem như là cơ sở lý luận cho những bài viết trong bản thảo tiểu luận này. Làm rõ những điều này giúp chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn về giá trị của văn hóa phi vật thể nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng.
 
1- Di sản văn hóa phi vật thể là gì?
 
Có những thứ mà chúng ta coi là quan trọng cần giữ gìn cho các thế hệ tương lai bởi vì chúng có thể có ý nghĩa hoặc có giá trị kinh tế trong hiện tại, nhưng chúng quan trọng hơn cũng bởi vì chúng tạo ra một cảm xúc nhất định trong chúng ta, hoặc bởi vì chúng làm cho chúng ta cảm thấy như thể chúng ta thuộc về một thứ gì đó: một đất nước, một truyền thống hay một lối sống…, đó chính là di sản văn hóa. Di sản văn hóa nói chung có thể là những vật thể được lưu giữ lại, các công trình kiến trúc có thể được khám phá, hoặc những bài hát có thể được hát và những câu chuyện có thể được kể. Dù chúng có hình dạng như thế nào, hữu hình hay vô hình, những thứ này là một phần của di sản văn hóa và di sản này đòi hỏi nỗ lực tích cực từ cộng đồng để bảo vệ chúng.
 
Hai thập kỷ qua, thuật ngữ “di sản văn hóa” đã thay đổi đáng kể về nội dung. Một phần nhờ vào các công cụ do UNESCO phát triển và sau đó là các hành động của các quốc gia ký kết Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO khi nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của di sản. Di sản văn hóa không dừng lại ở các di tích và các bộ sưu tập đồ vật. Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các truyền thống hoặc các biểu hiện sống mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng từ tổ tiên và đang truyền lại cho con cháu đời sau, chẳng hạn như biểu đạt truyền khẩu, phong tục, tập quán, nghệ thuật biểu diễn, thực hành, ứng xử xã hội, nghi lễ, sự kiện lễ hội, kiến thức và thực hành liên quan đến tự nhiên và vũ trụ hoặc kiến thức và kỹ năng để sản xuất đồ thủ công truyền thống…
 
Trong khi di sản văn hóa phi vật thể có vẻ mong manh (dễ mai một) thì chính di sản văn hóa phi vật thể mong manh này lại là yếu tố quan trọng để duy trì sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển. Sự hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau giúp đối thoại giữa các nền văn hóa (intercultural dialogue – đối thoại liên văn hóa) và khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau đối với các lối sống khác nhau.
 
Tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể không phải là sự thể hiện văn hóa của chính nó mà là sự giàu có của kiến thức và kỹ năng được truyền lại thông qua sự thể hiện từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo. Giá trị kinh tế và xã hội của việc truyền tải kiến thức này phù hợp với cả các nhóm thiểu số và cả các nhóm xã hội đa số trong một quốc gia, và cũng quan trọng như nhau đối với các quốc gia đang phát triển cũng như đối với các quốc gia phát triển, quốc gai lớn hoặc nhỏ.
 
Di sản văn hóa phi vật thể luôn luôn phải là:
 
Truyền thống và đương đại cùng sống đồng thời: di sản văn hóa phi vật thể không chỉ đại diện cho truyền thống được cộng đồng thừa hưởng từ quá khứ mà cả các tập quán nông thôn và thành thị đương đại, trong đó các nhóm văn hóa đa dạng cùng tham gia;
 
Bao gồm: chúng ta có thể chia sẻ các biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể tương tự với nhau như các biểu hiện của di sản văn hóa phi vật thể do những người khác thực hành cho dù họ đến từ làng lân cận, từ một thành phố ở phía đối diện, nghịch chiều thế giới, hoặc những người di cư và định cư ở một khu vực khác nhau khi họ đã thích nghi với chúng. Tất cả đều là di sản văn hóa phi vật thể khi: chúng đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; đã phát triển để đáp ứng với môi trường hiện tại của họ và góp phần mang lại cho chúng ta cảm giác đồng nhất và liên tục; cung cấp một liên kết từ quá khứ của chúng ta, thông qua hiện tại và đi vào tương lai của chúng ta. Di sản văn hóa phi vật thể không làm phát sinh câu hỏi về việc liệu một số thực hành nhất định có cụ thể cho một nền văn hóa hay không. Di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào sự gắn kết xã hội, khuyến khích ý thức về bản sắc và trách nhiệm giúp các cá nhân cảm thấy là một phần của một hoặc các cộng đồng khác nhau và cảm thấy mình là một phần của xã hội rộng lớn;
 
Người đại diện: di sản văn hóa phi vật thể không chỉ đơn thuần được coi là một hàng hóa văn hóa dựa trên cơ sở so sánh vì tính độc quyền hoặc giá trị đặc biệt của chúng. Chúng phát triển dựa trên nền tảng của chúng trong các cộng đồng và phụ thuộc vào những người có kiến ​​thức về truyền thống, kỹ năng hoặc phong tục được truyền lại cho phần còn lại của cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc cho các cộng đồng khác. Điều này nhấn mạnh đến vai trò các nghệ nhân.
 
Dựa vào cộng đồng: di sản văn hóa phi vật thể chỉ có thể là di sản khi được cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân tạo ra, duy trì và truyền tải nó – nếu không có sự công nhận của cộng đồng, tức là ngoài cộng đồng ra, không ai có thể quyết định thay cho họ rằng một biểu hiện hoặc thực hành văn hóa nhất định là di sản văn hóa của họ.

(Còn tiếp)

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận