BẢN THẢO MỘT TIỂU LUẬN: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (19)
NGUYỄN LỰC
Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn,
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn,
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam
PHẦN 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN THẢO LUẬN VÀ
NHÌN NHẬN
VĂN HÓA SỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC (2)
Cơ sở lý luận về văn hóa phi vật thể trong cơ chế UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể
2- Di sản văn hóa phi vật thể: Di sản sống của chúng
ta.
Năm 1960, R. Williams, một nhà tư tưởng
có ảnh hưởng của thế kỷ 20, (Một nhà văn xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm của ông đã
đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và chủ nghĩa duy vật văn hóa. Ông
tham gia Chiến dịch Đoàn kết Việt Nam vào cuối những năm 1960), đã viết rằng
văn hóa không thể chỉ được tóm tắt trong các sản phẩm hữu hình của nó, bởi vì
nó liên tục sống và phát triển (R. Williams, Border County
(1960), trang 11). Ông được cho là người thực sự nắm bắt được bản chất của di
sản văn hóa sớm. Di sản văn hóa không chỉ bao gồm các đặc tính hữu hình, mà đặc
biệt là còn có các yếu tố thiết yếu đại diện cho văn hóa sống của cộng đồng con
người với sự tiến hóa và sự phát triển liên tục của chúng. Do đó, chúng bao gồm
tất cả các yếu tố phi vật chất được một cộng đồng nhất định coi là thành phần
thiết yếu của bản sắc nội tại cũng như tính độc đáo và khác biệt của chúng so
với tất cả các nhóm người khác. Nói cách khác, văn hóa của một dân tộc được hợp
thành bởi tổng số các yếu tố đại diện cho các đặc thù riêng biệt của chúng.
Cho đến những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, nhận thức
toàn diện về văn hóa này vẫn chưa được cộng đồng quốc tế nhận thức đầy đủ. Các
công cụ pháp lý chính được thông qua với mục đích bảo vệ di sản văn hóa cho đến
lúc này cũng (a) chỉ áp dụng trong trường hợp xung đột vũ trang, (b) chỉ dành
cho các biểu hiện văn hóa hữu hình (vật thể); (c) tầm quan trọng của chúng được
đánh giá trên cơ sở nhận thức khách
quan với các tiêu chuẩn về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, kiến trúc,
hình ảnh, khoa học và kinh tế của chúng. Tuy nhiên chính nhờ những công cụ và
quan điểm này được phát triển liên tục, nên chúng đã trở thành phương pháp đánh
giá toàn cầu được cộng đồng quốc tế sử dụng để xác lập các giá trị của di sản
văn hóa. Về mặt pháp lý, lý do sự hạn chế nhận thức về sự cần thiết phải bảo vệ
đầy đủ di sản văn hóa phi vật thể có lẽ là kết quả của niềm tin rằng những di
sản văn hóa phi vật thể là một phần thiết yếu của bản sắc văn hóa và xã hội của
cộng đồng nhân loại, được bảo tồn và phát
triển tự phát và tự động thích hợp ở cấp địa phương, kể cả trong bối
cảnh tiến hóa của xã hội của các cộng đồng liên quan. Nói cách khác, các di sản
văn hóa phi vật thể được mặc nhiên coi là chúng được thực hành một cách tự động
và phù hợp sứ mệnh truyền lại cho các thế hệ tương lai những kiến thức cần
thiết để bảo tồn và duy trì di sản phi vật thể của riêng họ, không cần bất kỳ
hành động quốc tế nào can thiệp trong sự tôn trọng đó. Mặc dù quá trình tự phát
này có thể được coi là đã vận hành tốt trong nhiều thế kỷ, nhưng động lực của
nó đã bị phá vỡ đột ngột bởi quá trình toàn cầu hóa trong những thập kỷ gần đây
nhất. Trong thực tế, việc tăng mạnh các quan hệ đa văn hóa, trong nhiều trường
hợp đã chuyển thành sự thịnh hành văn hóa và áp đặt các mô hình văn hóa nhất
định với các mô hình khác, đã nhanh chóng đe dọa khả năng của các thế hệ lâu
đời nhất trong việc truyền đạt kiến thức và bí quyết của họ cho những người trẻ
sau cùng.
Hiện tại, hàng ngày chúng ta nhận thức được về sự mất mát hoàn toàn trên khắp thế giới nhiều ngôn ngữ, kiến thức, bí quyết, phong tục và ý tưởng, dẫn đến sự bần cùng hóa văn hóa xã hội loài người là có thực. Vào tháng 7 năm 2004, tại một cuộc họp do UNESCO tổ chức tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, Khoa học và Nhà thờ Greenland (hòn đảo lớn nhất thế giới, một lãnh thổ tự trị trong Vương quốc Đan Mạch), sau khi bày tỏ quan điểm của mình rằng “toàn cầu hóa không là gì cả ngoài một hình thức thuộc địa khác”, nhấn mạnh rằng ở Greenland, người dân “có hàng tá tên gọi nói về băng, tuyết vì đó là điều quan trọng đối với những người thợ săn để phân biệt chúng, nhưng nhiều trẻ em ngày nay chỉ biết một vài trong số những cái tên ấy”. Ví dụ này cho thấy một quá trình lan rộng và đặc trưng của thế giới đương đại của chúng ta, mà trong đó các khuôn mẫu văn hóa và lợi ích của toàn cầu hóa xã hội đã thống trị, dẫn đến phân biệt đối xử đối với các nền văn hóa thiểu số và dẫn đến bá quyền văn hóa không chỉ ở cấp địa phương mà còn ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Một quá trình như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến các mô hình văn hóa đồng dạng và rập khuôn và dẫn đến hạ thấp các giá trị của sự đa dạng văn hóa. Tiếng Việt của chúng ta nửa thế kỷ qua cũng ngày càng đồng dạng, rập khuôn, mất sự đa dạng về bản sắc, biểu cảm… trên phạm vi quốc gia.
Nhìn chung, sự đa dạng văn hóa phong phú của nhân
loại đang dần dần hướng tới sự đồng nhất nguy hiểm. Về mặt văn hóa, tính đồng
nhất có nghĩa là không chỉ mất di sản văn hóa - được coi là tổng số các biểu hiện
có thể cảm nhận được của các nhóm người và cộng đồng khác nhau được biểu hiện
ra bên ngoài- và bị áp đặt theo sự sắp đặt của người khác mà còn tiêu chuẩn hóa
các dân tộc khác nhau trên thế giới và quy bản sắc văn hóa xã hội, tư tưởng và
nhận thức về thế giới của các dân tộc thành một vài cách sống rập khuôn. Sự đa
dạng của các nền văn hóa phản ánh sự đa dạng của các dân tộc. Điều này liên kết
chặt chẽ với di sản văn hóa phi vật thể, bởi vì một di sản văn hóa như vậy đại
diện cho các biểu hiện sống với các đặc điểm riêng biệt của các cộng đồng
khác nhau. Bảo tồn sự đa dạng văn hóa, như được nhấn mạnh trong Tuyên ngôn Quốc
tế về Đa dạng văn hóa của UNESCO: “được thể hiện trong tính độc đáo và đa dạng
về bản sắc của các nhóm và xã hội tạo nên loài người”; là “một nguồn trao đổi,
đổi mới và sáng tạo”. Sự đa dạng văn hóa có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại
và gắn bó chặt chẽ với việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Sự công nhận lẫn
nhau và tôn trọng sự đa dạng văn hóa - và, từ lý do mạnh mẽ hơn, bảo vệ di sản
văn hóa phi vật thể riêng biệt của các dân tộc khác nhau tạo nên thế giới - là
điều cần thiết để thúc đẩy sự hài hòa trong các mối quan hệ liên văn hóa, thông
qua việc thúc đẩy sự đánh giá và hiểu biết tốt hơn về sự khác biệt giữa các cộng
đồng nhân loại.
3- Tóm tắt
diễn biến công cuộc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc tế.
Như đã nói trên, ban đầu, việc khẳng định ý tưởng
di sản văn hóa bắt nguồn từ các nhà văn, nhà nghiên cứu khi phát hiện từ các biển
hiện của các sản phẩm vật thể của nghệ thuật và kiến trúc có phần vô hình phi
vật thể của văn hóa xưa nay bị che lấp và có liên quan đến luật pháp quốc tế. Đến
đầu những năm 1970, cộng đồng quốc tế đã nhận thức rộng rãi rằng phạm vi và ý
nghĩa của văn hóa vượt xa các sản phẩm hữu hình đơn thuần của nó, và cần sự bảo
vệ thích hợp dành riêng cho khía cạnh tinh thần của chúng. Ngay từ năm 1972,
trong các cuộc đàm phán dẫn đến việc thông qua Công ước Di sản Thế giới, nhiều
đại diện nhà nước đã chia sẻ ý kiến rằng phạm vi của Công ước 1972 còn quá hẹp
và cần hành động của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa để mở rộng
đến các biểu hiện phi vật chất của chúng. Một năm sau đó, chính phủ Colombia đã
đề xuất một Nghị định thư được bổ sung vào Công ước bản quyền toàn cầu để bảo vệ
văn hóa dân gian. Nói chung, động lực bảo vệ văn hóa phi vật thể bắt nguồn từ
các quốc gia Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, được trình bày theo quan niệm
của riêng họ về văn hóa, tập trung vào truyền thống sống, cuối cùng dẫn đến
thành tựu của một số tác giả đã định nghĩa một “sự cân bằng di sản toàn cầu”.
Thuật ngữ “di sản văn hóa phi vật thể” được coi là đại diện cho một “bản dịch
tiếng Anh còn lỏng lẻo” của cụm từ tiếng Nhật “mukei bunkazai” (tài sản văn hóa
vô hình) (*).
Năm 1982,
Tuyên bố Mexico về chính sách văn hóa đưa ra một định nghĩa tổng thể mới về
văn hóa là “toàn bộ các đặc điểm tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc đặc
trưng của một xã hội hoặc nhóm xã hội”. Chúng không chỉ bao gồm nghệ thuật và
văn tự, mà còn bao gồm cả phương thức sống, quyền cơ bản của con người, hệ thống
giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Di sản văn hóa của một dân tộc vì thế được
hiểu là “cả hữu hình và vô hình” hoạt động thông qua sự sáng tạo của mọi người
được tìm thấy qua các biểu hiện: ngôn ngữ, lể nghi, tín ngưỡng, địa điểm lịch sử
và di tích, văn học, tác phẩm nghệ thuật, kho tài liệu lưu trữ và thư viện…
Vào ngày 15 tháng 11 năm 1989, Đại hội đồng UNESCO
đã thông qua công cụ pháp lý quốc tế cụ thể đầu tiên về di sản văn hóa phi vật
thể, “Khuyến nghị về bảo vệ
văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian (gọi tắt Khuyến nghị). Mặc dù vẫn
còn hạn chế về phạm vi (vì khái niệm “văn hóa dân gian” còn hạn chế hơn di sản
văn hóa phi vật thể), Khuyến nghị này nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa dân
gian là “một phần của di sản toàn cầu của nhân loại” và vai trò của chúng “là một
phương tiện mạnh mẽ để tập hợp các dân tộc và các nhóm xã hội khác nhau và khẳng
định bản sắc văn hóa của họ”, cũng như chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ mà chúng phải
đối mặt. Khuyến nghị cũng cho thấy rõ rằng ý tưởng về sự liên quan chủ quan của di sản phi vật thể đã được UNESCO nhận
ra. Định nghĩa văn hóa dân gian cũng được coi là tương đương với văn hóa truyền
thống và văn hóa đại chúng là (nhấn mạnh thêm) “toàn bộ các sáng tạo dựa trên
truyền thống của một cộng đồng văn hóa, được thể hiện bởi một nhóm hoặc các cá
nhân và được công nhận là phản ánh kỳ vọng của một cộng đồng cho đến khi chúng
phản ánh bản sắc văn hóa và xã hội của chúng. Các tiêu chuẩn và giá trị của chúng
được truyền bằng miệng, bằng cách bắt chước hoặc bằng các phương tiện khác.
Hình thức của chúng là ngôn ngữ, văn học, âm nhạc, khiêu vũ, trò chơi, thần thoại,
nghi lễ, phong tục, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc và nghệ thuật khác”.
Trong mọi trường hợp, nguyên tắc sáng tạo nhất có
trong Khuyến nghị được tích hợp trong đoạn B, tuyên bố rằng “văn hóa dân gian,
như một hình thức thể hiện văn hóa, phải được bảo vệ bởi và cho nhóm (gia đình,
nghề nghiệp, quốc gia, khu vực, tôn giáo, dân tộc, v.v.) mà bản sắc của chúng
thể hiện”. Khuyến nghị sau đó bổ sung một bộ các nguyên tắc cung cấp các hướng
dẫn để xác định, bảo tồn, duy trì, phổ biến và bảo vệ pháp lý của văn hóa dân
gian, cũng như để thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Trong những năm 1990, một số sáng kiến bảo vệ di sản
văn hóa phi vật thể đã được thực hiện trong bối cảnh UNESCO. Trong số các sáng
kiến đó, vào năm 1993, UNESCO đề ra “Chương trình báu vật
nhân loại sống” (the Living Human Treasures, quen gọi là Báu vật nhân văn sống
khi nói về nghệ nhân), Chương trình đã ngừng hoạt động khi Công ước 2003 có hiệu
lực. Mục đích của Chương trình này nhằm mục đích khuyến khích các quốc gia
thành viên trao sự công nhận chính thức cho tài năng đặc biệt - những người nắm
giữ truyền thống và những nghệ nhân, người thợ thủ công - những người này có
trình độ và kiến thức cần thiết để thực hiện hoặc tạo ra các yếu tố cụ thể của
di sản văn hóa phi vật thể - cũng như để khuyến khích việc truyền dạy kiến thức,
bí quyết và kỹ năng của họ cho các thế hệ trẻ.
Năm 1996, Báo cáo của Ủy ban Thế giới
về Văn hóa và Phát triển nhấn mạnh rằng: Cần phải đánh giá lại các quan niệm
cũng như phát triển các phương pháp tốt hơn để xác định và giải thích di sản của
chúng ta. Điều quan trọng là phải hiểu các giá trị, khát vọng đã thúc đẩy các
nhà sản xuất, chế tác ra các vật phẩm văn hóa và kết luận rằng “vật
hữu hình chỉ có thể được giải thích thông qua vô hình”.
Một năm sau, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua một
nghị quyết, trong đó, quyết định nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa phi vật
thể đối với các dân tộc và quốc gia bằng cách tuyên bố các không gian và các
hình thức của một phần những thể hiện văn hóa của “di sản truyền miệng của nhân
loại”.
Năm 1998, Ban điều hành giới thiệu “Chương
trình tuyên dương những kiệt tác của di sản truyền miệng và phi vật thể của
nhân loại”. Chương trình này được xem là tiền thân trực tiếp của Công ước
UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, là để tôn vinh những biểu hiện
đáng chú ý nhất của di sản văn hóa phi vật thể, được lựa chọn trên cơ sở các đề
cử của các quốc gia thành viên UNESCO. Chúng bao gồm một định nghĩa về di sản
văn hóa phi vật thể do một nhóm chuyên gia UNESCO soạn thảo trong cuộc họp
chuyên gia đầu tiên đàm phán về Công ước UNESCO, sau đó định nghĩa này được sử
dụng trong văn bản cuối cùng của Công ước 2003. Cơ sở lý luận của nó dựa trên sự
hiểu biết rằng: “di sản truyền miệng và phi vật thể đã được quốc tế công nhận
là nhân tố quan trọng trong bản sắc văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo và bảo tồn sự
đa dạng văn hóa. Chúng đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển quốc gia
và quốc tế, sự dễ dàng thông cảm, chấp nhận và tương tác hài hòa giữa các nền
văn hóa. Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều dạng di sản văn hóa này có nguy cơ
biến mất, bị đe dọa bởi tiêu chuẩn hóa văn hóa, xung đột vũ trang, hậu quả tai
hại của du lịch đại chúng, công nghiệp hóa, di cư nông thôn, di dân và suy
thoái môi trường” …
Hành động của UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ di sản
văn hóa phi vật thể cuối cùng đã được hoàn thành vào ngày 17 tháng 10 năm 2003
khi Đại hội đồng thông qua Công ước. Công ước bắt đầu có hiệu lực vào ngày 20
tháng 4 năm 2006. Việt Nam phê chuẩn Công ước vào 20 tháng 9 năm 2005.
Cơ sở lý luận về văn hóa phi vật thể trong cơ chế UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể
Hiện tại, hàng ngày chúng ta nhận thức được về sự mất mát hoàn toàn trên khắp thế giới nhiều ngôn ngữ, kiến thức, bí quyết, phong tục và ý tưởng, dẫn đến sự bần cùng hóa văn hóa xã hội loài người là có thực. Vào tháng 7 năm 2004, tại một cuộc họp do UNESCO tổ chức tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, Khoa học và Nhà thờ Greenland (hòn đảo lớn nhất thế giới, một lãnh thổ tự trị trong Vương quốc Đan Mạch), sau khi bày tỏ quan điểm của mình rằng “toàn cầu hóa không là gì cả ngoài một hình thức thuộc địa khác”, nhấn mạnh rằng ở Greenland, người dân “có hàng tá tên gọi nói về băng, tuyết vì đó là điều quan trọng đối với những người thợ săn để phân biệt chúng, nhưng nhiều trẻ em ngày nay chỉ biết một vài trong số những cái tên ấy”. Ví dụ này cho thấy một quá trình lan rộng và đặc trưng của thế giới đương đại của chúng ta, mà trong đó các khuôn mẫu văn hóa và lợi ích của toàn cầu hóa xã hội đã thống trị, dẫn đến phân biệt đối xử đối với các nền văn hóa thiểu số và dẫn đến bá quyền văn hóa không chỉ ở cấp địa phương mà còn ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Một quá trình như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến các mô hình văn hóa đồng dạng và rập khuôn và dẫn đến hạ thấp các giá trị của sự đa dạng văn hóa. Tiếng Việt của chúng ta nửa thế kỷ qua cũng ngày càng đồng dạng, rập khuôn, mất sự đa dạng về bản sắc, biểu cảm… trên phạm vi quốc gia.
(Còn tiếp)
-----------------------------
(*) Tài sản văn hóa vô hình (mukei bunkazai), theo
định nghĩa của Luật bảo vệ tài sản văn hóa của chính phủ Nhật Bản (1950), là một
phần của tài sản văn hóa có giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật cao như kịch, âm nhạc,
và kỹ thuật thủ công. Thuật ngữ này chỉ dành riêng cho các kỹ năng của con người
được sở hữu bởi các cá nhân hoặc nhóm không thể thiếu để tạo ra các thuộc tính
Văn hóa.
0 Bình luận