BẢN THẢO MỘT TIỂU LUẬN: GIÁ TRỊ CỦA NGHỀ THỦ CÔNG VÀ LÀNG NGHỀ (23)

Nghề khảm ở Việt Nam đã thấy nhắc trong sử sách từ thế kỷ thứ 3-5 từ thời kỳ Bắc thuộc, truyền đến ngày nay.

PHẦN 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN THẢO LUẬN VÀ NHÌN NHẬN
 
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NGHỀ THỦ TRUYỀN THỐNG VỚI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VĂN HÓA
 
1- Chủ quyền văn hóa là gì:
 
- Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương Lê Lợi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, để tuyên cáo về việc giành chiến thắng, dẹp yên giặc Ngô trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định độc lập của nước Đại Việt. Đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài Nam quốc sơn hà.
Đoạn mở đầu, Đại cáo viết:
 
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.”
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
 
Bình Ngô đại cáo có thể được xem là tuyên ngôn độc lập về văn hóa của tiền nhân. Trước khi tuyên bố về độc lập lãnh thổ, Đại cáo tuyên bố độc lập chủ quyền về văn hóa. Dân Đại Việt là một dân tộc có nền văn minh, có truyền thống văn hoá tốt đẹp lâu đời và được phân định rạch ròi sự khác biệt về phong tục tập quán, lối sống, cương vực lãnh thổ của dân tộc Việt với người Trung Hoa.
 
360 năm sau, vua Quang Trung tiến quân Thần tốc Bắc tiến Đại phá quân Thanh, Hịch đánh Thanh, tên là hịch “Lời hiếu dụ tướng sỹ”, được vua Quang Trung đọc tại lễ lên ngôi trước khi xuất quân (12/1788):
 
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Lần đánh giặc ngoại xâm Mãn Thanh này, theo lời hịch, mục đích  trước tiên là bảo vệ nền văn hóa với những nét văn hóa riêng biệt về phong tục tập quán; giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, sau là thể hiện y chí quyết tâm tiêu diệt giặc, đánh cho quân thù phải tan tác và khẳng định nước Nam đã “hữu chủ”. Ngày nay, tóc dài đa phần dành cho nữ giới và răng đen không còn hợp thời nữa nhưng quan niệm “cái răng cái tóc là góc con người” vẫn còn và tinh thần bảo vệ chủ quyền văn hóa vẫn không thay đổi.
 
Không phải ngẩu nhiên, cả bài Đại cáo và bài Hịch trích dẫn ở trên, tiền nhân đặt việc khẳng định chủ quyền văn hóa, bảo vệ giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc ở vế trên, trước mục tiêu thắng lợi về mặt quân sự trong cùng một khổ thơ mà là sự phản ánh nhận thức của dân tộc ta về chủ quyền và sức mạnh của văn hóa cần được khẳng định và bảo vệ.
 
- Tiếng Việt là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện và giàu bản sắc nhất của dân tộc Việt Nam. Trong Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào (10.8 âm lịch, 8 tháng 12 năm 1924) do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà Nội ngày 8.9.1924. Tác giả / học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) khi đó đang là Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức đồng thời là chủ bút báo Nam Phong. Ông đọc bài diễn thuyết của mình bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để rất đông người Pháp đến tham dự buổi lễ có thể hiểu cùng lúc với người Việt.
 
Lời kết Bài diễn thuyết, Ông nói: “Thề rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc- hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh-tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chi hoài bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”
 
- Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa đi trước là nền tảng là chỗ dựa, động lực thúc đẩy phát triển và bảo vệ đất nước.
 
Điểm 3, Điều 5, Chương I, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013: Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
 
Hiến pháp tuyên bố quyền văn hóa của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam về khía cạnh luật pháp. Tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa phức tạp, sự tương tác, việc chia sẻ văn hóa và chủ nghĩa bá quyền văn hóa đáng sợ, Chủ quyền văn hóa không chỉ là khái niệm hoặc học thuyết, không chỉ là luật pháp của một nước mà đó là sự tồn tại trong hiện tại và sự tồn tại tiếp tục của các dân tộc.
 
Hội nhập toàn cầu giúp các nền văn hóa dễ dàng giao lưu, tạo động lực bảo tồn và phát triển. Nhưng, các dân tộc cũng phải đối diện với những nguy cơ nhiều loại hình, giá trị, sản phẩm văn hóa truyền thống bị mất chủ quyền.
 
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định những định hướng lớn cho những năm sắp tới, trong đó vai trò của văn hoá được đặc biệt nhấn mạnh. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng coi phát huy giá trị văn hoá như một trọng tâm gồm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII: Đối với đất nước ta, “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
 
Từ những dẫn liệu trên, trước hết mọi người cần hiểu và xác định rõ về chủ quyền văn hóa, sau đó hãy tìm hiểu những vấn đề nổi lên trong bối cảnh đương đại về chủ quyền văn hóa, về bảo vệ chủ quyền văn hóa phải/nên như thế nào, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền đối với di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng.
 
- Chủ quyền văn hóa là gì? Chủ quyền văn hóa trước hết phải là khái niệm thống nhất, quan trọng nhất trong các cộng đồng trên toàn quốc. Chủ quyền văn hóa rộng hơn ranh giới lãnh thổ, hàng chính, chính trị, ví như chủ quyền văn hóa của công đồng người Việt thiểu số tại Hoa Kỳ, Châu Âu. Chủ quyền văn hóa là cuộc sống, quyền lực tập thể của các công đồng các dân tộc, được tạo ra khi các truyền thống được bảo tồn, phát triển và biến đổi một cách tiến bộ để đối đầu với hoàn cảnh mới. Chúng ta với tư cách là các dân tộc vốn đã trải qua quá nhiều những biến cố đầy thử thách trong lịch sử từng cho phép quyền lực ngoại bang có cơ hội lạm dụng, chống lại, thậm chí tiêu diệt, đồng hóa chúng ta.
 
Vine Victor Deloria Jr. (là một tác giả, nhà thần học, nhà sử học và nhà hoạt động vì quyền của người Mỹ bản địa), ông lý luận, bảo vệ chủ quyền văn hóa “có thể nói là tiếp tục duy trì sự toàn vẹn về văn hóa” và ông nhấn mạnh “mất đi ý thức về bản sắc văn hóa thì ở mức độ đó quốc gia đó bị mất chủ quyền.”
 
Bảo vệ sự toàn vẹn về văn hóa là cần phải thực hành những công việc chính bao gồm: phải khai hoang, khôi phục nền văn hóa của chính mỗi dân tộc để đạt được chủ quyền văn hóa toàn vẹn và đảm bảo sự tồn tại của các dân tộc mình. Việc khôi phục lại nền văn hóa không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà cùng với các gia đình, cộng đồng và mỗi thành viên trong cộng đồng cùng làm việc về vấn đề này. Cụ thể, để làm điều này là thực hành các di sản văn hóa phi vật thể như nghi lễ, nói, sử dụng ngôn ngữ, và thực hành các giá trị, tri thức truyền thống… Chủ quyền văn hóa là thứ mỗi cộng đồng tự trao cho mình mà chưa cần đến trách nhiệm ủy thác của chính phủ.
 
Chủ quyền văn hóa đã có từ lâu đời, và có trước sự xuất hiện sự xâm lấn từ các dân tộc bá quyền văn hóa khác. Chủ quyền văn hóa chỉ có thể mất đi chỉ khi chúng ta chọn từ bỏ nó… Chủ quyền văn hóa là quyền vốn có của các dân tộc trong việc sử dụng các giá trị, truyền thống và tinh thần của dân tộc đó để bảo vệ tương lai của dân tộc mình. Nó đi sâu, rộng hơn nhiều so với chủ quyền hợp pháp khác, bởi vì đó là sự tự quyết định trở thành người, cộng đồng thuộc về một dân tộc; không chỉ bảo vệ một cách sống, mà còn thực hành sống phù hợp với văn hóa của cộng đồng, dân tộc mình mỗi ngày… Người ta có thể từ bỏ quốc tịch nhưng không hoặc khó có thể từ bỏ được dân tộc và truyền thống văn hóa mà mình thuộc về.
 
Chủ quyền văn hóa không dễ dàng đến với một dân tộc đã từng bị đô hộ hàng trăm, hàng ngàn năm và qua nhiều thế hệ như các dân tộc Việt Nam. Do đó đòi hỏi mỗi người phải có ý thức và có lòng dũng cảm trong việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa của dân tộc mình để trở thành nguồn lực, thành sức mạnh. Phát triển các nguồn lực văn hóa của chúng ta cả những tài nguyên truyền thống và những tài nguyên mới của chúng ta là giải pháp bảo vệ chủ quyền văn hóa. Hãy đặt chủ quyền trở lại trong tay của cộng đồng các dân tộc.
 
Giống như quyền tự quyết, chủ quyền văn hóa về bản chất gắn liền với quyền bất khả xâm phạm, đối lập với bá quyền văn hoá. Chủ quyền văn hóa gắn liền với chủ quyền lãnh thổ quốc gia và cách quyền khác về kinh tế, chính trị…
 
Bảo vệ chủ quyền văn hóa, trong tâm, là bảo vệ các tài sản văn hóa vô hình, di sản văn hóa phi vật thể, bảo vệ tính toàn vẹn, tính độc lập và bản sắc văn hóa của một quốc gia bất kỳ trong tình trạng, hoàn cảnh nào; là thực hành, sáng tạo và làm cho di sản thích nghi với môi trường hiện đại.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhân danh quyền con người, số đông, người ta đang cố xác lập nên hệ giá trị chung đại diện cho nhân loại, tuy nhiên, bản sắc văn hóa mỗi dân tộc đang ngày càng trở thành cuộc đấu tranh không ngừng để bảo tồn cá tính độc đáo của mỗi dân tộc, đôi khi đối lập về phong tục tập quán, quan niệm giá trị để tự nhận dạng cộng đồng dân tộc này với các cộng đồng dân tộc khác.
 
Bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc là là bảo vệ chủ quyền văn hóa đồng thời là chiến lược an ninh quốc gia thời đại toàn cầu hoá.
 
Điều dễ thấy là các ngôn ngữ bản địa, dân tộc thiểu số đã trở thành một biểu tượng của chủ quyền đối với những người sử dụng ngôn ngữ ấy. “Sự tồn tại của các ngôn ngữ bản địa trong thế kỷ 21 bất chấp áp lực từ phía các quốc gia và chính phủ quốc gia đã biến những ngôn ngữ này thành biểu tượng mạnh mẽ làm cơ sở cho các cuộc thảo luận lớn hơn liên quan đến bản sắc, quyền tự quyết và chủ quyền.” Mindy J. Morgan. Mặc dù văn hóa có thể được bảo tồn theo những cách khác hơn là thông qua ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ đã trở thành một thứ gì đó hữu hình để lưu giữ, một dấu hiệu cụ thể về tính độc nhất của một nhóm người, được lưu giữ trong im lặng. Bảo tồn những ngôn ngữ này là một hành động đẹp của một trong những hình thức phản kháng thụ động mạnh nhất, liền mạch và đơn giản nhưng mạnh mẽ và cần thiết đến mức nó là một trong những động lực quan trọng làm hồi sinh nền văn hóa bản địa. Nhờ sự tồn tại của những ngôn ngữ, các thế hệ già đã có thể chia sẻ kiến ​​thức văn hóa của họ với các thế hệ trẻ. Kết hợp, nội dung lịch sử và văn hóa của các ngôn ngữ bản địa, làm cho chúng trở thành biểu tượng thực sự của chủ quyền văn hóa. Các ngôn ngữ bản địa cũng không chỉ tượng trưng cho chủ quyền văn hóa mà chúng còn tạo điều kiện cho việc truyền đạt kiến ​​thức và các giá trị độc đáo của nền văn hóa bản địa.
 
2. Chủ quyền văn hóa thông qua cơ chế bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
 
(Còn tiếp)
 
NGUYỄN LỰC
Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn,
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận