Triển khai “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” - Kiến nghị về hoạt động của làng nghề

Làng nghề gốm Lư Cấm, Nha Trang- Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
                    
                            CGCC VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn - Hiệp hội Làng nghề Việt Nam 

“Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” được Thủ tướng Chính phủ mới ban hành đầu tháng 7/2022 đã tạo ra một cơ hội mới rất đáng quý cho làng nghề chúng ta. Làng nghề cần kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội này để thực hiện các hoạt động thiết thực, đưa làng nghề lên bước phát triển mới.
Mấy năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách rất mới, quan trọng trực tiếp hoặc liên quan đến làng nghề, như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; riêng Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021–2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 có thể coi như bước đột phá trong quản lý nhà nước về làng nghề. Tiếp theo hai bài đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam số 29 và 30/2022, bài này gợi ra một số hoạt động mà Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chúng ta cần triển khai để thực hiện Chương trình, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển làng nghề. 


NHỮNG CƠ HỘI MỚI RẤT QUAN TRỌNG 

Cần khẳng định rằng những cơ hội mới đang hiện diện trước làng nghề chúng ta là rất quan trọng, lại có những nội dung rất mới. Yêu cầu đặt ra cho mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, mỗi làng nghề là phải tìm hiểu, nắm bắt kịp thời các cơ hội mới để tận dụng, vì sự phát triển của làng nghề. 

1.Trước hết, đó là những tiềm năng to lớn trong các làng nghề đang cần được phát huy.

Theo “Báo cáo thuyết minh Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Bộ NN&PTNT, tháng 4/2022), tính đến năm 2020, cả nước ta có 1.543 làng nghề (đã được công nhận là 1.293 và chưa được công nhận là 250). Đối với làng nghề truyền thống (là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời), đến năm 2020, cả nước có 731 làng nghề truyền thống (635 làng nghề truyền thống đã được công nhận và 96 làng nghề truyền thống chưa được công nhận). 

Điều đáng phấn khởi là: thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhiều làng nghề vẫn trụ vững và đang trên đường khôi phục. Đó chính là cơ sở vững chắc để mỗi làng nghề khai thác, tận dụng trong bước phát triển mới. 

2. Thời gian gần đây, trong nhiều văn kiện của Đảng của Nhà nước, đã có những nội dung đề cập trực tiếp về làng nghề, đồng thời quyết dịnh những chủ trương, chính sách mới tháo gỡ khó khăn cho làng nghề trong phát triển.   

Các văn bản đó đều nêu rõ quan điểm gắn phát triển làng nghề vào xây dựng nông thôn mới theo “mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh” (theo Đại hội XIII) cũng như Nghị quyết 19/2022 của Trung ương 5 Khóa XIII của Đảng “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” với những quy định như “Phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề” hoặc “Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề”. Đáng chú ý “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021–2030” được Chính phủ phê duyệt tháng 7/2022 là bước đột phá trong quản lý nhà nước về làng nghề. 

Cũng trong thời gian qua, để góp phần giảm bớt khó khăn cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trợ giúp rất quan trọng, nhất là trong miễn, giảm thuế, phí, nới rộng tín dụng, v.v... Một số làng nghề đã tranh thủ tiếp cận được các chính sách đó và thực hiện trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần bổ sung nguồn lực, đạt kết quả tốt.

3. Tình hình kinh tế-xã hội cả nước chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định- dó là những tiền đề quan trọng cho phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, có những yếu tố chưa dự báo được như: xung đột Nga-Ukraine; giá xăng dầu, lạm phát ở nhiều nước tăng cao; trong khi đó dịch COVID-19 vẫn tác động nhiều mặt, v.v... Tuy vậy, cả nước đã kiểm soát tốt dịch, ổn định kinh tế vĩ mô; tình hình kinh tế-xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 8,48%; doanh thu hàng hóa bán lẻ tăng 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%; xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3%; đặc biệt là hoạt động du lịch tăng mạnh: doanh thu toàn ngành tăng 95%, nhất là du lịch nội địa tăng vọt. 

4. Các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết đang mở ra nhiều ưu đãi về thuế quan mà làng nghề có thể khai thác.

Cho đến nay, đã có 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) được nước ta ký kết với các nước trên thế giới và đã có hiệu lực, trong đó chủ yếu là xóa bỏ những rào cản thuế quan nhằm liên kết, xây dựng và hình thành thị trường thống nhất. Trong các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm một thị trường khổng lồ 2,2 tỷ người chiếm 30% dân số thế giới, với GDP 27.000 tỷ USD chiếm 30% GDP toàn cầu. Qua các số liệu về xuất khẩu hàng hóa, về du lịch nêu ở phần trên dây, có thể thấy đây là những cơ hội mới mà làng nghề chúng ta có thể khai thác.

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Để triển khai có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030, xin kiến nghị tổ chức một cuộc vận động rộng rãi trong các các làng nghề cả nước về học tập và thực hiện Chương trình, gắn với tận dụng những cơ hội mới như đã nói trên. 
Xin kiến nghị hai loại hoạt dộng cụ thể: (i) Tổ chức các buổi nghiên cứu, học tập, quán triệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030 (có kết hợp học tập các văn bản khác có liên quan); và (ii) Xây dựng Chương trình hành động. Đây là hai loại việc có liên quan chặt chẽ với nhau: để xây dựng Chương trình hành động có chất lượng, trước hết, cần nghiên cứu, thấm nhuàn thật sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong các văn bản đã ban hành liên quan đến làng nghề.

1.Nghiên cứu, học tập Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021–2030.

Có thể khẳng định rằng cho đến nay, qua các văn kiện chính trị của Đảng cũng như các văn bản pháp luật của Nhà nước, cơ chế, chính sách cho phát triển nghề thủ công làng nghề không thiếu, tuy vẫn chưa có một văn bản riêng cho làng nghề. Rất mừng là mong muốn ấy đã được đáp ứng: ngày 7/7/2022 mới đây, “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021–2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã lần đầu tiên quy định toàn diện những vấn đề rất quan trọng riêng cho làng nghề, từ quan điểm đến nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và phân công thực hiện.  

Trong nghiên cứu, học tập các văn bản của Đảng và của Nhà nước, lâu nay, làng nghề chúng ta thường được học tập, giới thiệu các văn bản qua nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm...; tuy nhiên, trong làng nghề, hiện có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhiều làng nghề thuộc các ngành, nghề khác nhau, kinh doanh trên những thị trường khác nhau, do đó, có những yêu cầu rất khác nhau. Vì vậy, để đạt được hiệu quả thiết thực, rất cần đổi mới phương thức trình bày, giới thiệu, tốt nhất là giới thiệu cụ thể theo từng nhóm ngành, nghề cũng như từng nhóm thị trường, trong đó phân tích kỹ chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với từng nhóm ngành, nghề và quan trọng nhất là nhu cầu của thị trường đối với từng nhóm ngành hàng của làng nghề, như vậy, sẽ tạo thuận lợi cho các cơ sở hiểu, nắm được những việc cần làm.

2. Xây dựng Chương trình hành động.

Đây là một việc làm cụ thể, thiết thực để quán triệt, thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021–2030” cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, cơ chế, pháp luật của Nhà nước đã ban hành đối với làng nghề, bảo đảm cho làng nghề những bước phát triển mới. 

Trong Chương trình hành động, cần bám sát các nội dung của Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030, đề ra những công việc cần thiết, có phân công và quy định thời gian hoàn thành. Bài này xin nhấn mạnh một số điểm mà làng nghề cần chú trọng.

Một là, Chương trình hành động cần được xây dựng ở tất cả các cấp trong hệ thống làng nghề (các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và các hội, hiệp hội hoạt động về thủ công nghiệp và làng nghề. Mỗi đơn vị, tổ chức cần xây dựng Chương trình hành động riêng theo chức năng, nhiệm vụ của mình, song cần có phần liên kết với các đơn vị, tổ chức liên quan, kể cả chiều dọc và chiều ngang. 

Hai là, Chương trình hành động cần quán triệt thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ và mục tiêu đã được đề ra trong “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030”, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đến năm 2025 và năm 2030 đã được quyết định, thể hiện rõ khát vọng vươn lên, phát triển nghề thủ công và làng nghề lên tầm cao mới. 

Ba là, cần tìm hiểu về nhu cầu của thị trường trong tình hình mới. Trong điều kiện bình thường, nhu cầu tiêu dùng của mỗi thành phần dân cư, mỗi nước vẫn là một nhân tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến chiến lược kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề chúng ta. Ngày nay, do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine cũng như những biến động trong kinh tế-xã hội của thế giới, khi giá cả tăng cao, sức mua suy giảm, khách hàng đang phải tính toán ký việc mua sắm, do đó, làng nghề chúng ta cần nghiên cứu, cập nhật xu hướng mới về nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, để có những biện pháp thích ứng với các loại thị trường trong Chương trình hành động.
 
Bốn là, chú trọng lập Chương trình hành động cho các làng mới có nghề mà chưa thành làng (như ở miền núi) theo tiêu chuẩn do Nghị định 52/2018 là phải có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn. Muốn vậy, cần đẩy mạnh việc “dạy nghề”, “cấy nghề” ở các vùng này, coi đây là một nhiệm vụ mới rất cần thiết nhằm phát triển nhiều hơn nữa các nghề thủ công ở nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân và sớm hình thành làng nghề để cùng liên kết, trợ giúp nhau trong sản xuất cũng như trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đối với những nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, cần khuyến khích lập các Phòng trưng bày, các Bảo tàng và thực hiện các biện pháp công nghệ hiện đại để lưu giữ công nghệ, kỹ thuật chế tác các nghề ấy làm tài liệu cho việc nghiên cứu, học tập, truyền nghề, giao lưu, trình diễn sau này.

Tóm lại, hiện nay, cơ hội cho làng nghề phát triển đang rất rộng mở, trong đó, Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt đầu tháng 7/2022 vừa qua có thể coi là bước “đột phá”. Hy vọng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam kịp thời hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề nắm bắt, thấm nhuần, xây dựng các chương trình hành động để biến cơ hội thành hiện thực, cùng góp sức cho làng nghề trong sự nghiệp vẻ vang có ý nghĩa lịch sử này. 

(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam,
số 31 (112)/2022, ngày 5/6/2022)

 

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận