Nghị quyết 19 TW 5 Khóa XIII: cơ hội mới cho làng nghề

Làng nghề đan cỏ bàng, một nguyên liệu địa phương ở Phú Mỹ, Kiên Giang
                     
                      CGCC VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn –  Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Một tin vui rất quan trọng đối với làng nghề chúng ta: Ban Chấp hành trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết mới về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó quy định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược, tạo cơ hội mới cho bảo tồn và phát triển làng nghề.

Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng (Khóa XIII) “Về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Bài viết này nhấn mạnh những nội dung chủ yếu liên quan đến làng nghề và đề xuất một số nhiệm vụ để làng nghề chúng ta tham khảo, thực hiện.


BƯỚC ĐỘT PHÁ MỚI QUAN TRỌNG VỀ THỂ CHẾ

1. Trước hết, xin nhấn mạnh lại sự quan tâm từ nhiều năm nay của Đảng đối với làng nghề. Trong Báo cáo Chính trị tại nhiều kỳ Đại hội Đảng, đều đã có chủ trương về phát triển làng nghề.

Báo cáo Chinh tri Đại hội VIII (6/1996): “Phát triển các ngành nghê, làng nghề truyền thống và các ngành nghề mới bao gồm tiểu, thủ công nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp khai thác và chế biến các nguồn nguyên liệu phi nông nghiệp, các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân”.

Báo cáo Chính trị Đại hội IX (4/2001): “Phát triển công nghiệp, dịch vụ, các ngành nghề đa dạng, chú trọng công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các làng nghề, chuyển một bộ phận quan trọng lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, tạo nhiều việc làm mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống nông dân và dân cư ở nông thôn”.

Báo cáo Chính trị Đại hội X (4/2006): “Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ gắn với hình thành các ngành nghề, làng nghề, hợp tác xã, trang trại, tạo ra những sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao”.

Báo cáo Chính trị Đại hội XI (1/2011): “Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường”. 

Tiếp theo đó, tại Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã đề ra nhiệm vụ “Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề”.

Trên cơ sở các văn bản của Đảng nói trên, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đề ra các biện pháp để thực hiện, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến làng nghề. Đó là các văn bản: Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành dộng của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26/2008, xác định nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó đã ghi rõ “Bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, khuyến khích phát triển mỗi làng một nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm cho sản phẩm làng nghề”. Ngày 22/02/2022, tại Quyết định số 263/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình OCOP cũng được triển khai, đạt kết quả tốt, trong đó, nhiều sản phẩm thủ công được sản xuất. 

Tiếp theo là các Nghị định, như Nghị định số 66/2007/NĐ-CP, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Đáng chú ý nhất là Nghị định số 52/2018 thay thế Nghị định 66/2007 gồm 04 chương, 25 điều đã đề cập toàn diện nhiều vấn đề về làng nghề, từ tiêu chí nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đến các chính sách bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có các ngành nghề thủ công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, đồng thời quy định chức năng quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT và các sở NN&PTNT đối với làng nghề.

Hai năm gần đây, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, làng nghề cũng như toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn chồng chất, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp có hiệu lực, như: tăng trợ cáp, giảm, hoãn nhiều loại thuế, giảm lãi suất tín dụng, v.v...; qua đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã trụ vững, nay đang trên đà khôi phục và phát triển.
Qua các trích dẫn trên đây, có thể khẳng định: tuy chưa có một văn bản pháp quy riêng cho làng nghề, song từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ đã quan tâm vị trí, vai trò của các nghề thủ công ở nông thôn, qua đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nghề thủ công, bảo tồn và phát triển các làng nghề, kể cả làng nghề truyền thống và làng nghề mới. Việc thực hiện các văn bản đó đã đạt dược những kết quả tích cực rất đáng ghi nhận.

2. Đến nay, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” (dưới đây xin gọi tắt là Nghị quyết 19/2022), trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 26 (2008) và bám sát thực tiễn, đã quyết định những chủ trương, chính sách rất cơ bản. Nghị quyết 19/2022 quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là một bước đột phá rất sâu sắc và toàn diện về thể chế, khẳng định hình thành “Nông nghiệp sinh thái; Nông dân văn minh; Nông thôn hiện đại”, mở ra những triển vọng mới đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Với những quy định như “Phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề” hoặc “Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề”, Nghị quyết 19/2022 đã thực sự là một bước đột phá tạo ra cơ hội mới rất to lớn cho làng nghề chúng ta.

ĐƯA NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG LÀNG NGHỀ 

Nghị quyết 19/2022 của Trung ương Đảng đã thực sự là một bước đột phá về thể chế, theo Nghị quyết của Đại hội XIII, coi hoàn chỉnh thể chế là đột phá đầu tiên trong ba đột phá (cùng với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng) trong thời gian tới. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là quán triệt Nghị quyết 19/2022, đưa Nghị quyết vào cuộc sống làng nghề với hiệu quả cao. Dưới đây, xin kiến nghị một số nhiệm vụ chủ yếu để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề cùng tham khảo, thực hiện.
 
Một là, về quan điểm, nhận thức.
 
Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng, vì trong Nghị quyết 10/2022, Trung ương Đảng đã nhận định “Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 (2008) của Ban Chấp hành trung ương Đảng vè nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được những tành tựu rất to lớn, song còn những hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức” (xin lưu ý: những đoạn ghi trong ngoặc kép của phần này đều là trích Nghị quyết 19/2022). Đến nay, Trung ương xác định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tó có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tỏ quốc, là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
  
Những quyết định trên của Nghị quyết 19/2022 đòi hỏi làng nghề chúng ta đặt sự nghiệp bảo tồn và phát triển làng nghề trong tổng thể “tam nông”, quan tâm hơn nữa trong gắn bó sự phát triển của làng nghề với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong mỗi hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như của mỗi làng nghề. 

Hai là, về mục tiêu.

Trung ương xác định “nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”.

“Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”. Nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đã được quyết định, trong đó có hai mục tiêu quan trọng: “tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020”.

Đối với làng nghề chúng ta, những mục tiêu này thúc đẩy chúng ta khơi dậy khát vọng phát triển theo hiệu triệu của Đại hội XIII: khát vọng phát triển hơn nữa nghề thủ công truyền thống, xây dựng làng nghề văn hóa phải được thấm sâu và biến thành hành động cụ thể đem lại hiệu quả thiết thực trong mỗi người lao động, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh và mỗi làng nghề. Mỗi làng nghề truyền thống phải trở thành một làng văn hóa: đây là một kho báu, một bảo tàng, bộ sưu tập sản phẩm thủ công phong phú và kỹ thuật chế tác độc đáo của mỗi nghề thủ công, kế thừa và phát huy qua các thế hệ, bảo đảm sự phát triển bền vững của làng nghề. Nghị quyết 19/2022 nhắc nhở “chú trọng đào tạo, tôn vinh nghệ nhân ở nông thôn” chính là nhằm xác định vai trò nghệ nhân - tài năng sáng tạo vô tận lưu giữ kho báu tinh hoa đó của văn hóa dân tộc.

Ba là, phát triển các ngành, nghề.

Nghị quyết 19/2022 quyết định “phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương”,..“Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”... “Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản”... “Hoàn thiện chính sách phát tiển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”.

Đây là định hướng quan trọng cho phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, vừa phát triển đúng hướng các ngành, nghề gắn bó chặt chẽ với nhu cầu phát triển kinh tế nông thôn, vừa hình thành nhiều hình thức hợp tác phong phú, nhất là tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị, nhắm tăng giá trị của sản phẩm làng nghề. Cần chú trọng việc nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong tình hình mới; đẩy mạnh khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới. Đẩy mạnh sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc làm từ nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như mây, tre, cói, bèo, tơ dừa, tơ sen… đang được người tiêu dùng quan tâm mà nước ta có điều kiện phát triển.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội.

Nghị quyết 19/2022, cùng với quy định nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, đã quy định “Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức cộng đồng dân cư tham gia phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Đối với làng nghề chúng ta, đó là các tổ chức xã hội: những hội, hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực nghề thủ công, thủ công mỹ nghệ và làng nghề đang được tổ chức ở nhiều cấp, nhiều ngành, nghề. Phát huy hơn nữa tác dụng của các tổ chức này theo đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội là rất cần thiết; đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của bản thân các tổ chức này, đồng thời đòi hỏi Nhà nước tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội trong hoạt động.

Tóm lại, Nghị quyết 19/2022 đã tạo ra bước đột phá trong thể chế về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, mở ra những thuận lợi mới, cơ hội mới rất quan trọng cho làng nghề mà làng nghề chúng ta cần nắm bắt kịp thời và triển khai thực hiện với hiệu quả thiết thực. Đưa Nghị quyết vào cuộc sống làng nghề là một nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc nội dung và công tác tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết. Bài này mới nêu lên một số gợi ý bước đầu, rất mong có nhiều ý kiến bổ sung, hoàn chỉnh.

(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam
số 26 (107), ngày 1/7/2022)

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận