Triển khai Nghị quyết 19 TW5 Khóa XIII - Quan điểm mới về làng nghề

Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt hay còn gọi là “Bảo tàng gốm Bát Tràng”
                           

                             CGCC VŨ QUỐC TUẤN
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn-Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

Từ nhiều năm nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành về xây dựng nông thôn mới đều tạo ra những cơ hội mới rất quan trọng cho công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề. Gần đây nhất, Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XIII đã đặt ra những quan điểm rất mới về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Làng nghề chúng ta cần kịp thời nghiên cứu, nắm bắt và vận dụng, thực hiện các biện pháp có hiệu quả cho làng nghề phát triển.

Từ năm 2008, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến năm 2022, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26/2008, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XIII “Về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, quy định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược, trong đó có những quy định tạo cơ hội mới cho bảo tồn và phát triển làng nghề. Yêu cầu đặt ra cho chúng ta là phải nghiên cứu kỹ văn bản, chắt lọc ra những ý mới có thể vận dụng. Tiếp theo bài “Cơ hội mới cho làng nghề” của tác giả đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam số 26 (107) ngày 1/7/2022, bài này tập trung bàn về bước phát triển của làng nghề trong nông thôn mới theo Nghị quyết 19/2022 của Đảng.


TỪ NQ 26/2008 ĐẾN NQ 19/2022: BƯỚC TIẾN MỚI

Có thể khẳng định: từ Nghị quyết 26/2008 đến Nghị quyết 19/2022 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có một bước tiến mới, có ý nghĩa đột phá trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nước ta, cả về quan điểm, nhận thức, nhiệm vụ, mục tiêu cũng như biện pháp thực hiện. 

Xin được nhắc lại: Đại hội XIII của Đảng đã quyết định “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái” (trích Báo cáo Chính trị Đại hội XIII). 

Từ đoạn trích trên đây, có thể hiểu Đại hội XIII đã nhấn mạnh: (i) chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng ”nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; và (ii) Xây dựng nông thôn mới với các nội dung về đời sống văn hóa, nông thôn kiểu mẫu, bảo vệ môi trường. 

Về quan điểm trong xây dựng nông thôn mới, từ Nghị quyết 26/2008 đến Nghị quyết 19/2022, có thể thấy có những điểm mới như sau. 

Nghị quyết 26/2008 TW 7 Khóa X quy định: 

- Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

- Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

-Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ...

Nghị quyết 19/2022 TW5 Khóa XIII quy định:

- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, theo định hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". 

- Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. 

Mục tiêu đến năm 2030: “Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững”.

Tầm nhìn đến năm 2045: “Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc”.

Có thể thấy Nghị quyết 19 TW5 khóa XIII đặt vấn đề nông thôn sâu sắc hơn, có những tư duy mới, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, đặc biệt là gắn với xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú; gắn với tôn tạo không gian văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc.  

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ THEO TƯ DUY MỚI

Qua các nội dung về xây dựng nông thôn mới được quy định tại Nghị quyết 19 TW5 Khóa XIII của Đảng dã dẫn trên đây, yêu cầu đặt ra cho làng nghề chúng ta là phải nghiên cứu kỹ, thấm nhuần sâu sắc những điểm mới, vận dụng có hiệu quả vào công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề ngày nay. 

Theo định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, xin nêu thành ba nhóm vấn đề dưới đây để các làng nghề tham khảo, vận dụng.

1. Làng nghề sinh thái. Nếu như nông nghiệp được quy định phải là “nông nghiệp sinh thái”, thì kinh tế làng nghề chúng ta cũng phải là “làng nghề sinh thái”, “làng nghề xanh” theo tư duy mới gắn sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, ... cũng tức là chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Theo các nhà nghiên cứu, “Kinh tế nâu” được hiểu là nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên; ngược lại, “Kinh tế xanh” hướng tới phát triển sản xuất bền vững như sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sản phẩm xanh và kinh tế tuần hoàn, nhằm giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội, quan tâm tới hạnh phúc, sức khỏe của con người. Thị trường ngày nay cũng đang đòi hỏi những sản phẩm làng nghề “xanh”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về vấn đề này, đã có nhiều bài báo đề cập, xin không nhắc lại; yêu cầu đặt ra hiện nay là thấy rõ tính cấp thiết và thực hiện các biện pháp khắc phục đồng bộ nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

2. Làng nghề hiện đại. Nếu như nông thôn được quy định phải là “nông thôn hiện đại”, thì làng nghề chúng ta cũng phải là “làng nghề hiện đại”. Có thể hiểu và phấn đấu theo những nội dung như sau. 

- Trước hết đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế làng nghề với cơ cấu các ngành nghề thủ công, dịch vụ hợp lý, đổi mới sáng tạo dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0. Hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử trong làng nghề. Phát triển các cụm công nghiệp, các nghề, làng nghề, dịch vụ phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương; vừa củng cố các hộ kinh doanh quy mô vừa và nhỏ, vừa hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Xây dựng hạ tầng thương mại làng nghề đa dạng, đồng bộ, kết hợp  giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại.

-Xây dựng nếp sống văn hóa trong làng nghề. Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng xã, như: tinh thần đoàn kết; ý thức tự quản; những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Xây dựng gia đình hòa thuận, nuôi dạy con cháu khỏe mạnh. Củng cố mối quan hệ tương thân tương ái, tương trợ trong thiên tai, địch họa. Tôn trọng và chăm sóc người cao tuổi; biểu dương các gương sáng về đạo đức, nhân cách, học vấn cao; đề cao tinh thần khuyến học, khuyến tài. Xóa bỏ các tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín, dị doan; thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Xây dựng mỗi làng nghề truyền thống thành “làng nghề văn hóa”.  

- Tiếp theo là bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của làng nghề, chú trọng đặc trưng, bản sắc của từng làng nghề, vùng miền, từng dân tộc. Xây dựng phòng trưng bày lịch sử phát triển của làng nghề; nơi thờ các vị Tổ nghề; nơi tôn vinh các nghệ nhân. Các lễ hội cần thể hiện rõ nội dung văn hóa cần phát huy. Các làng nghề truyền thống cần thật sự là các “làng nghề văn hóa” nêu gương và tạo sức lan tỏa về lối sống có văn hóa cùng góp sức xây dựng  nông thôn mới.

3. Dân làng nghề văn minh. Đối với cư dân làng nghề: nếu như nông dân được quy định phải là “nông dân văn minh”, thì cư dân làng nghề chúng ta cũng phải là “dân làng nghề văn minh”, hình thành một thế hệ mới văn hóa, văn minh của người làng nghề. 

Mục tiêu cao nhất của chúng ta trong phát triển kinh tế-xã hội làng nghề là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của cư dân làng nghề. Cần phấn đấu về ba mặt (i) cư dân làng nghề sống tình nghĩa, gia đình hạnh phúc, nếp sống văn minh; đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; có ý chí, khát vọng xây dựng làng nghề, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; (ii) có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, thực hiện trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; và (iii) được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây là: để mỗi cư dân làng nghề trở thành “dân làng nghề văn minh”, làng nghề rất cần chăm lo xây dựng nguồn nhân lực thích ứng nhanh với thời cuộc, biết dùng công nghệ tiên tiến và không ngừng đổi mới sáng tạo. Con người làng nghề của thế hệ mới phải là những người biết phát triển, khai thác triệt công nghệ tiên tiến 4.0, bảo đảm “sản xuất xanh”, sản phẩm có sức cạnh tranh cao dựa vào đổi mới kiểu dáng, mẫu mã, trên cơ sở tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, tiếp thị hiện đại.

Mỗi làng nghề cần có chương trình nâng cao trình độ, năng lực, nhất là ý chí vươn lên, tư duy đổi mới, tinh thần học hỏi, tiếp thu cái mới  cho những nhân vật chủ chốt trong từng cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như trong mỗi làng nghề và trong các tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủ công nghiệp và làng nghề. Những người này phải là những nhân vật đầu tàu, đủ trí tuệ, kiến thức và bản lĩnh dẫn dắt các làng nghề trong thời đại mới.

Tóm lại, Nghị quyết 19 TW5 Khóa XIII của Đảng đã quyết định những quan điểm, tư duy rất mới, có tính đột phá trong chủ trương xây dựng nông thôn. Làng nghề chúng ta cần nghiên cứu sâu sắc, nắm bắt và vận dụng, cùng chung sức xây dựng “làng nghề hiện đại”, “dân làng nghề văn minh” với nhận thức mới và cách làm mới, đưa làng nghề tiến lên cùng nhịp với bước tiến mới của nông thôn nước ta. 

(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam
số 37, ngày 16/9/2022)

Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận