Cơ sở sản xuất làng nghề: liên kết để tăng giá trị

                    
Hàng Thủ công mỹ nghệ làng nghệ có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Ảnh: Thùy Linh
                        
                        CGCC VŨ QUỐC TUẤN 
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn-Hiệp hội Làng nghề Việt Nam 

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thực hiện liên kết đã trở thành một yêu cầu tất yếu có tính quy luật của các nền kinh tế, kể cả tại các nước phát triển, nhất là trong toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” ngày nay. 

Làng nghề nước ta hiện đang bao gồm nhiều loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh, song chủ yếu là hộ kinh doanh, sản xuất đang nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, hiệu quả kinh tế còn thấp. Do đó, các cơ sở sản xuất làng nghề chúng ta cũng phải triển khai liên kết theo xu hướng chung, để cùng tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần của làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


THỰC TRẠNG YẾU KÉM, HIỆU QUẢ THẤP

Về thực trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề nước ta, theo “Báo cáo Dự án điều tra, đánh giá thực trạng phát triển làng nghề truyền thống nông nghiệp, nông thôn” của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến năm 2020, có những số liệu như sau.

1. Làng nghề nước ta có 230.361 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút 672.120 lao động, chủ yếu là quy mô hộ gia đình 227.640 hộ (chiếm tới 98,82%), 1.994 doanh nghiệp (0,87%), còn lại là 356 hợp tác xã (0,15%) và 371 tổ hợp tác (0,16%). Số lượng doanh nghiệp và hợp tác xã có tỷ lệ thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có những làng nghề chưa thật sự đánh giá đúng vai trò của hợp tác xã; cũng có những hộ kinh doanh có điều kiện phát triển thành lập doanh nghiệp nhưng vẫn không thực hiện do thủ tục phức tạp, ngại kê khai thuế, trình độ quản trị bất cập, v.v...

2. Về hình thức sản xuất, kinh doanh: (i) Sản xuất sản phẩm đồng thời tự tiêu thụ là chủ yếu: chiếm tới 81,53% tổng số cơ sở; (ii) Gia công sản phẩm cho đơn vị khác: chiếm tỷ lệ 14,71%; chủ yếu là các làng nghề mây tre đan, thêu, dệt; (iii) Thu mua sản phẩm của cơ sở khác: chiếm 2,25%, tập trung tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng chủ yếu vẫn là vừa sản xuất kết hợp với thu mua sản phẩm; (iv) Kinh doanh sản phẩm của các cơ sở sản xuất: chiếm tỷ lệ 0,95%, thường là số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có mối hàng thường thu gom hàng của các hộ trong làng nghề để tổ chức tiêu thụ; (v) Thực hiện các dịch vụ cho làng nghề: chiếm tỷ lệ 0,20%, tập trung chủ yếu tại các làng nghề gắn với du lịch. 

3. Về doanh thu: năm 2020, tổng doanh thu từ các hoạt động của làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 58.188 tỷ đồng. Có sự chênh lệch khá lớn về doanh thu giữa các hoạt động ngành nghề: nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có doanh thu lớn nhất 24.314 tỷ đồng (chiếm 41,79%); tiếp đến là nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản 20.720 tỷ đồng (chiếm35,61%); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 4.131 tỷ đồng (chiếm 7,1%).
 
4. Về lao động: cả nước có 672.120 lao động trong các làng nghề, làng nghề truyền thống, tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm tới 61,3%, tiếp theo là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 14,4%, Trung du và miền núi phía Bắc 11,9%. Lao động thường xuyên tập trung tại nhóm xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ (44,19%); tiếp theo là nhóm chế biến NLTS (26,87%); nhóm sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh (10,66%); nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (chiếm 10,88%).

5. Về thu nhập của lao động làng nghề: mặc dù cao hơn lao động các làng thuần nông, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, chỉ đạt bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng; cao nhất là vùng Tây Nguyên 5,8 triệu đồng/người/tháng; tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đạt đạt 3,7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp cùng với sự chênh lệch khá lớn đang gây ra tình trạng lực lượng lao động khu vực làng nghề có nguy cơ suy giảm, đặc biệt là lao động trẻ rời quê đi tìm việc làm ở các đô thị có thu nhập cao hơn.

6. Về liên kết: Trong làng nghề, từ mấy năm trước, đã xuất hiện nhu cầu liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị. Năm 2014, Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn”; trong đó, có một số quy định về chính sách trợ giúp các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và phát triển mẫu mã sản phẩm đã mở đầu cho quá trình này. Tuy nhiên, đến năm 2020, cả nước mới có 191 làng nghề (9,9%) có cơ sở sản xuất hoạt động chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; trong đó nhóm chế biến nông, lâm, thủy hải sản 80 cơ sở, chiếm 41,9%; nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt, may 74 cơ sở, chiếm 38,7%. Có thể thấy việc thực hiện liên kết còn quá chậm, đang ảnh hưởng lớn đến yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề trong thời kỳ mới ngày nay.

Qua các số liệu trên đây, có thể nêu lên một số nhận xét như sau.

Một là, các làng nghề đã từng bước phát triển, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước; một thời gian dài đã chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 song vẫn trụ vững. Điều quan trọng cần được nhấn mạnh là: các nghề thủ công nước ta không những chú trọng bảo tồn và lưu truyền những giá trị truyền thống, mà còn có những phát triển rất đáng khích lệ với những khám phá mới về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và thân thiện với môi trường.

Hai là, nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề còn thấp, thể hiện ở năng suất thấp, lợi nhuận quá thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động cũng còn thấp. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân như chúng ta đã biết, chủ yếu là: hình thành tự phát, thiếu quy hoạch, vốn liếng ít, trình độ quản trị cơ sở kém, do đó khó ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, không tiếp cận kịp thời các chính sách ưu đãi về tín dụng, miễn giảm các loại thuế, phí, v.v... Đáng quan tâm nhất, đó là tình trạng kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết.

LIÊN KẾT: YÊU CẦU TẤT YẾU 

Nhìn rộng ra toàn nền kinh tế nước ta ngày nay, thực tiễn đã cho thấy yêu cầu liên kết đang rất rộng, bao trùm từ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng đến công nghệ sản xuất, quản trị kinh doanh, đến tiêu thụ sản phẩm và hoạt động du lịch. Đó là: (i) Liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong một ngành nghề và với ngành nghề khác; (ii) Liên kết giữa các cơ sở trong một cụm công nghiệp và ra ngoài cụm; (iii) Liên kết giữa các cơ sở trong vùng với cơ sở ngoài vùng; (iv) Liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với cơ sở sản xuất nước ta; (v) Trong điều kiện hội nhập, một số doanh nghiệp nước ta có thể liên kết với các cơ sở sản xuất cùng ngành nghề nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, v.v... Có thể thấy đó là những lĩnh vực rất cần mở rộng liên kết theo quy luật phát triển của nền kinh tế, song phạm vi liên kết của các cơ sở sản xuất nước ta hiện còn quá hẹp và nội dung còn nhiều yếu kém. Khắc phục tình trạng này, đẩy mạnh liên kết theo chiều rộng cũng như chiều sâu đang là một yêu cầu rất bức thiết đang đặt ra cho nền kinh tế nước ta, để có thể phát triển nhanh và bền vững, thực hiện các mục tiêu đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra.   

Nước ta cần hình thành nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các hình thức, quy mô khác nhau, từ siêu nhỏ đến nhỏ và vừa đến những doanh nghiệp, tập đoàn quy mô lớn; hình thành một hệ thống doanh nghiệp có sự liên kết chặt chẽ, tạo nên năng lực cạnh tranh của nước ta trong hội nhập quốc tế. Đối với làng nghề chúng ta, để công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề đạt hiệu quả cao, góp phần hình thành những cơ sở có chất lượng trong hệ thống doanh nghiệp vững mạnh của nước nhà, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành, trực tiếp nhất là có kế hoạch thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” được Chính phủ phê duyệt ngày 7/7/2022 vừa qua. 

Trong phạm vi bài viết này, xin tập trung bàn về vấn đề đẩy mạnh liên kết trong hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề để tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa đời sống của cư dân làng nghề; coi đây là một bước phát triển tất yếu hợp quy luật trong công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề nước ta.

Một là, củng cố các hộ kinh doanh, từng bước tiến lên hình thức doanh nghiệp - việc đầu tiên để tăng năng lực trong liên kết.

Hiện nay, trong các làng nghề, hộ kinh doanh (thường gọi là “hộ gia đình”) chiếm 98,82% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong thực tế, hộ kinh doanh là hình thức tổ chức sản xuất thu hút được nhiều lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; việc thành lập đơn giản, không cần nhiều vốn, v.v... Các hộ kinh doanh này thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang rất phổ biến trên thế giới, kể cả tại các nước phát triển: các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị trí quan trọng trong việc cung ứng sản phẩm phụ trợ, linh kiện, phụ tùng cho doanh nghiệp lớn; tạo việc làm tại chỗ cho cư dân địa phương; hình thành các đô thị vệ tinh, tránh tập trung quá mức vào các đô thị lớn; các nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Ở nước ta, hằng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, nộp 30% ngân sách nhà nước, đóng góp 33%giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút gần 60% lao động; đó là những đóng góp không nhỏ. 

Tuy nhiên, việc chuyển hộ kinh doanh lên hình thức doanh nghiệp cũng là quy luật tất yếu để hình thành những doanh nghiệp dân tộc đủ mạnh làm nền tảng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong hội nhập ngày nay. Thế nhưng, trong thực tế, đang có nhiều lý do khác nhau dẫn tới tình trạng nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp, chủ yếu là do tránh thuế và ký hợp đồng lao động với người lao động. Hộ kinh doanh được đóng thuế khoán, còn nếu lên doanh nghiệp, phải lập sổ sách, hóa đơn chứng từ, hằng tháng phải tốn tiền thuê kế toán. Có những trường hợp, để làm thủ tục chuyển lên doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh, giải thể... Đó là chưa kể có một số hộ đủ điều kiện nhưng không chịu lên doanh nghiệp vì ở mô hình hộ kinh doanh, họ còn có thể thương lượng để số thuế phải nộp ít hơn.

Trước tình hình này, một số địa phương đã thực hiện những giải pháp tạo sự thông thoáng, dễ dàng trong các thủ tục để thúc đẩy, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, như: hỗ trợ toàn bộ các lệ phí do hộ kinh doanh phải nộp khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp và các giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu; hỗ trợ về thủ tục thuế, hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, v.v... Những giải pháp này đang động viên, hướng dẫn những hộ đủ điều kiện, nhất là những cơ sở sản xuất hảng thủ công mỹ nghệ chuyển lên doanh nghiệp, được các địa phương thực hiện tích cực.

Hai là, thực hiện rộng rãi liên kết, liên doanh.

Cho đến nay, do quy mô sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh đang còn nhỏ lẻ, chưa có các tổ chức liên kết, do vậy sản phẩm cung cấp thị trường manh mún cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn cơ sở tự sản tự tiêu hoặc có một doanh nghiệp có điều kiện đứng ra làm đầu mối, thu mua gom rồi bán ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Tỷ trọng sản phẩm làng nghề được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp, cho nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu khi có đơn hàng lớn, …dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, thu nhập của làng nghề khó được nâng cao. 

Thời gian tới, cần chú trọng đẩy mạnh liên kết theo các hướng như trên đã đề cập, chú trọng hình thành chuỗi giá trị gia tăng hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, nhất là phân khúc thị trường trung và cao cấp. 
Qua thực tế, có thể thấy thực hiện mối liên kết theo chuỗi giá trị mang lại cho cơ sở nhiều lợi ích.

Một là, bảo tồn được những giá trị cao đẹp của nghề thủ công truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là trong các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống của nghề thủ công, mà còn thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phát huy truyền thống lên tầm cao mới với những mẫu mã mới, nguyên liệu mới, phương pháp chế tác mới. Thực tiễn đã cho thấy: thủ công mỹ nghệ nước ta là sản phẩm của trí tuệ, trái tim và bàn tay khéo léo của mỗi nghệ nhân, do vậy, tiềm năng sáng tạo là vô tận, không có điểm dừng. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ mà báo chí hằng ngày vẫn biểu dương.

Hai là, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa làng nghề: do có sự gắn bó giữa các khâu trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là từ khâu nguyên vật liệu đến thiết kế mẫu mã sản phẩm, tổ chức sản xuất, đến ghi nhãn xuất sứ, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng du lịch ... cho nên giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa được tăng ngay trong từng khâu, mang lại giá trị gia tăng của sản phẩm, đem lại lợi nhuận cao hơn so với khi kinh doanh riêng lẻ.

Ba là, khắc phục được tư duy làm ăn riêng lẻ, manh mún, lãi suất thấp, có khi dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Thực hiện liên kết, mỗi cơ sở, mỗi nghệ nhân thấy rõ vị trí, trách nhiệm và không gian sáng tạo, liên kết của mình sẽ cố gắng phát huy tiềm năng trong liên kết, thực hiện chữ “tín” trong kinh doanh, củng cố sự gắn bó, hợp tác giữa các cơ sở, cùng chia sẻ nguồn hàng, tạo đầu ra ổn định và phát triển quy mô sản xuất cũng như phát triển các tour trong liên kết giữa du lịch làng nghề với các sản phẩm du lịch khác. Đó cũng chính là những nhân tố để phát huy tính cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa làng nghề, hình thành các làng nghề văn hóa. 

Bốn là, đẩy mạnh quá trình tổ chức lại cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, bảo đảm bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng của các công đoạn sản xuất cũng như trách nhiệm cá nhân trong mỗi khâu. Chú trọng thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của các nghệ nhân; mỗi cơ sở phải là một không gian sáng tạo, nơi ươm mầm cho những tu duy đột phá của nghệ nhân. Điều quan trọng nữa là nâng cao năng lực, trình độ của chủ cơ sở: nâng cao kiến thức của họ về quản trị cơ sở, về các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thân thiện với môi trường, an toàn lao động và khả năng hợp chuẩn quốc tế.
 
Năm là, thúc đẩy việc ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các cơ sở sản xuất kinh doanh làng nghề, thực hiện “làng nghề xanh”, “làng nghề số” nay đã thành xu hướng tất yếu. Trong thực tế, việc số hóa, chuyển đổi số các khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiến hành đồng thời với thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị càng nhân lên giá trị gia tăng của từng khâu, từ đó, tăng giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng thủ công. Đương nhiên, đối với các cơ sở làng nghề còn ở quy mô nhỏ, trình độ thấp ... việc ứng dụng chuyển đổi số có thể có khó khăn, song có thể thực hiện từng bước, từ thấp đến cao. 

Tóm lại, thực hiện liên kết trong sản xuất, kinh doanh là một yêu cầu có tính quy luật để bảo đảm hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với làng nghề chúng ta, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị đang mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho cơ sở sản xuất kinh doanh. Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, trong đó có Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong việc này, tạo thêm thuận lợi cho các cơ sở triển khai liên kết đạt hiệu quả cao.

(Đã đăng Tạp chí Làng nghề Việt Nam,
số 40 (120), ra ngày 7/10/2022)


Bài có thể bạn quan tâm

0 Bình luận